Thứ Ba, 9 tháng 11, 2021

Sài Gòn những ngày giãn cách - Truyện ngắn NGỮ YÊN

 



Đầu tháng năm, lúc đó Sài Gòn đã có dịch covid nhưng chưa tràn lan, còn trong tầm kiểm soát, sinh hoạt người dân khá thoải mái, dễ thở. Đến khi có một số người  bên Gò Vấp và quận 12 bị nhiễm thì mọi người bắt đầu nhốn nháo lên cảnh giác vì tốc độ lây lan rất nhanh, rốt cuộc để ngăn dịch chính quyền phải áp dụng chỉ thị 16 giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố. Tâm làm xí nghiệp bên Gò Vấp nên cũng chịu chung số phận, xí nghiệp tạm dừng sản xuất, anh phải nghỉ việc ở nhà. Tình hình càng ngày càng tồi tệ hơn, dịch bệnh lan tràn khắp thành phố, người bệnh, người chết khắp nơi không ai kiểm soát nổi? Dịch bệnh ngày càng khốc liệt, bao nhiêu nỗi thương tâm chồng chất lên người dân, có người bị bệnh nặng, chạy lòng vòng đến bốn, năm bệnh viện nhưng không được nơi nào tiếp nhận điều trị, cuối cùng phải trở về phòng trọ nằm chờ chết. Mỗi ngày, tốc độ dịch càng tăng nhanh khủng khiếp, hàng trăm người bệnh nặng phải thở ô xy, hàng ngàn ca nhiễm phải nhập viện, cuộc sống trở nên hoang mang, thiếu thốn trăm bề, không biết tương lai ra sao? Một hôm, có việc vào xí nghiệp, trên đường về anh vô tình thấy một em bé ngủ một mình dưới cột đèn trên vỉa hè đường Quang Trung, không cầm lòng được Tâm dừng lại để một hộp cơm và một chai nước anh tính đem về ăn chiều, thằng bé vẫn còn ngủ say.

Từ đầu tháng bảy, Sài Gòn đã tăng cường giãn cách mạnh nhưng ca nhiễm xem ra chưa giảm, mọi sinh hoạt hầu như ngưng hẳn lại, phố xá đóng cửa vắng hoe không một tiếng xe, ban đêm có việc đi trên đường nom nóp sợ. Công nhân thất nghiệp, người dân tạm cư không việc làm...Càng ngày cuộc sống càng kiệt quệ, không tiền, không bạc, không gạo, không chỗ ở...dù chính quyền kêu gọi ở lại nhưng người dân cũng tìm đủ mọi cách về quê, họ tìm đường sống, nên đã tháo chạy về quê tìm đất sống. Cuộc vạn lý trường chinh nầy thật đau thương, lũ lượt từng đoàn người ra đi mọi ngã, nhiều cảnh ngộ thật bi đát, có em bé mới 9 ngày tuổi, được cuốn trong chiếc áo da, theo cha mẹ dầm dãi cả ngàn cây số ngoài đường về quê, hình ảnh ấy khiến một nhà thơ đã thốt lên những câu thơ não nùng:

  

Mẹ ơi,

hình hài con như chiếc lá

bồng bềnh trên tay mẹ

rất dễ cuốn đi.

Là con của mẹ

chiếc lá non chín ngày

cuốn theo chiều dài đất nước

chín ngày dài lê thê

như đoàn người mọc ra phía trước.

Chín ngày lặn vào con

núi rừng, biển xanh, làng mạc

chín ngày lặn vào con

nắng gió, bụi đường, sương giá.

Mẹ ơi,

chín ngày con đi bằng gió

chín ngày con làm trọn cuộc đời

một kiếp lưu dân.

Mẹ ơi, đừng khóc...

(Khúc hát bé lưu dân – Từ Nguyên Thạch)

 

Có người liều mạng phải tìm cách trốn trong xe đông lạnh để mong qua trạm gác. Trên quốc lộ 1 đường về miền Trung người ta phát hiện xe đông lạnh  bên trong chứa hàng chục người có cả trẻ em, nếu không phát hiện sớm, sinh mạng những con người nầy ra sao? trong khi đó có một ông quan cấp huyện ở miền Trung trong thời giãn cách vẫn lấy  xe con chở cô con gái rượu vượt hàng cây số ra Hà Nội để đưa con sang Mỹ nhập học. Thật trớ trêu!

 

Những ngày nầy ai đi qua ngã tư đường Tân Kỳ, Tân Quý đều thấy những hàng xe nối dài chở quan tài chờ hỏa táng. Lò thiêu Bình Hưng Hòa dường như quá tải ,   một số chờ đợi lâu phải chạy chui về quê lo hỏa táng người thân cho yên mồ yên mả. Một hôm từ hẻm nhà trọ, Tâm bước ra đầu ngõ chợt thấy một hình ảnh đau xót,  một bé gái  khoảng 4 tuổi, đứng chắp tay trước bàn thờ mẹ trong căn phòng trọ. Đôi bàn tay bé nhỏ, đơn độc đưa ra đỡ bình tro cốt từ tay người bộ đội. Nhìn cảnh cháu bé chắp tay trước bàn thờ mẹ, căn phòng trọ trống trơn, không có bất cứ đồ vật nào giá trị, anh đã không kìm được nước mắt

 

Ở trong nhà riết cũng cạn thực phẩm, may nhờ  các nhà hảo tâm, chính quyền..đã hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Mỗi khi gom góp được nhu yếu phẩm về trụ sở phường, các cán bộ chiến sĩ chuyển cho người dân. Người dân được phát nhu yếu phẩm ai cũng vui mừng, bởi với họ những phần quà này tuy không nhiều, nhưng có thể giúp họ vơi bớt khó khăn. Tâm cũng được phường cho vài gói lương thực cầm cự qua ngày, gia đình ở Tây Ninh hối thúc anh về nhưng anh chưa  thu xếp đươc.

 

Bây giờ, người dân muốn đi đâu cũng phải qua nhiều chốt gác, phải có lý do chính đáng nếu không phải quay lại thậm chí còn bị phạt nữa, thành phố như thời chiến tranh, dây giăng, hàng rào chằng chịt. Ngày trước, anh xem những hình ảnh về Vũ Hán cơn dịch tàn phá kinh khủng thê lương, dân đói không dám ra đường, có người hấp hối bị y tế chở đi thiêu xác…anh bán tin bán ngờ, giờ Sài Gòn lâm trọng bệnh anh mới hiểu thế nào sự thảm khốc của cơn đại dịch. 

 

Những cảnh ngộ thê thảm diễn ra hằng ngày khiến anh choáng váng. Như trường hợp gia đình ông bạn làm chung xí nghiệp tình cảnh quá thương tâm. Một đêm vợ  anh chuyển dạ, người chồng đưa đi bệnh viện phụ sản. Ở đây, người khám sàng lọc trước khi nhập viện phát hiện hai vợ chồng anh đều dương tính, cháu bé sinh ra thì tử vong.

 

Hai cháu nhỏ thì gửi cho bà ngoại chăm sóc. Còn anh bạn được đưa đi cách ly. Chăm sóc cháu được mấy hôm thì bà bị sốt, xét nghiệm dương tính với Covid-19 gia đình chuyển vào bệnh viện điều trị được vài ngày thì bà mất. Vừa mất con, nay mẹ vợ lại qua đời, anh hết bệnh trở về nhà ngơ ngác như người không hồn. Đại dịch chia cách tình thân, cắt đứt mọi sự giao tiếp trong xã hội mà còn đẩy những người bị nhiễm, người chết vào hoàn cảnh đơn độc đến tận cùng.

 

Ngày trước, người Sài Gòn đã nghĩ mình may mắn khi sống trong một đất nước thanh bình, dịch bệnh có xãy ra nhưng không đến nỗi khốc liệt, cái chết vì Covid lúc đó còn xa lắc. Nhưng bây giờ, mọi sự đã khác, mỗi ngày có hằng ngàn ca nhiễm, hằng trăm người chết. Ai ở Sài Gòn bây giờ cũng có cảm giác cái chết vì Covid chạm ngoài ngõ và có thể "xông" vào nhà mình bất cứ lúc nào.

 

Tình hình ngày càng căng thẳng, không khí càng thêm u ám...gia đình hối thúc anh liên tục, nhưng giờ về quê không phải dễ vì chính phủ đã ra lệnh “ Ai ở đâu ở yên đó” nên anh tuy nôn nóng nhưng cũng phải ngồi chờ tính kế?

 

Khoảng một tuần sau, anh liên hệ được một xe chở hàng người quen về Tây Ninh, nhưng họ không thể vô Gò Vấp được do lệnh phong tỏa, xe grab bây giờ cũng không có, anh phải lội bộ từ nửa khuya cho tới sáng ra An Sương để đi. Trên đường về anh cũng thấy rải rác những người  kéo nhau về quê bằng xe gắn máy, lụ khụ đồ đạc...khi qua trạm Suối Sâu mọi người xuống xe trình giấy xét nghiệm âm tính covid, trình bày lý do về quê thì mới được cho đi.

 

Về quê, Tâm thở phào nhẹ nhỏm vì đã thoát được một tâm dịch nguy hiểm nhưng cũng chưa yên tâm vì chính phủ đã phát lệnh giãn cách xã hội toàn miền Nam theo chỉ thị 16 để chống dịch, nên ở đâu cũng vậy, phố xá, chợ búa đều hoạt động hạn chế, ai cũng sợ nhiễm bệnh. Nghe đây đó cũng có vài ca dương tính phải đưa đi cách ly tập trung, ở tỉnh lẻ hình  như họ được chăm sóc khá chu đáo hơn Thành phố, vậy mà cũng có những người chán nản muốn tự vận, như ở khu cách ly tập trung tại một trường Sư phạm có một người phụ nữ không biết buồn chuyện gì, leo trên mái nhà định nhảy lầu tự tử, may mà được lực lượng chức năng đến giải cứu

 

Tội nhất là một bệnh nhân trốn khỏi khu cách bị thông báo truy tìm khắp nơi. Một sáng nọ người dân phát hiện thi thể nam thanh niên trôi trên dòng kênh trước chùa Gò Kén, qua khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định thi thể nạn nhân là F0 đang trốn khu cách ly tập trung không biết lý do gì mà lại tìm đến cái chết đau thương vậy? F0 thì vẫn có cơ hội sống mà? Cuộc đời là vậy, không phải ai ai cũng nghĩ giống như mình? Lúc nầy có vài con phố đã giăng dây phong tỏa, thỉnh thoảng còi hú xe cứu thương vang lên...hình ảnh nầy anh không lạ gì. Ở Long Hoa  được mấy ngày thì hay tin một người thân đã qua đời vì covid, cô nầy vai em gái ngày xưa, gia đình cũng khá giả, có hiếu với mẹ già, ngày nào cũng đưa cơm cho mẹ ăn không ngờ bị nhiễm covid hồi nào không hay, hai mẹ con bị đem đi cách ly, điều trị vài ngày cô sức yếu không qua khỏi, qua đời để lại một đứa con thơ bé bỏng, tội quá! Không làm đám tang tại nhà được, phải đem đi hỏa thiêu gửi vô chùa, bà mẹ còn cách ly nên bà dì ở nhà tụng kinh cầu siêu cho người đã mất, đêm nghe tiếng gõ mõ thật não nề thê lương...Bây giờ tình hình trở nên nghiêm ngặt hơn, phố xá không hoạt động, người người không ra đường chợ búa, siêu thị đóng cửa...người dân chỉ lo sốt vó việc tiêm phòng vắc xin vì chỉ có con đường đó là khá an toàn, nhưng đăng ký cả tháng trời chưa được tiêm? Nghe nói cạn nguồn vắc xin rồi phải chờ nhập khẩu về, chưa kể người ta đua nhau chọn lựa văc xin của Mỹ, của Anh, bài bác vắc xin Trung Quốc. Đến bây giờ thì càng ngày càng tăng ca nhiễm nên họ cũng hoảng, ráp nhau đi chích vắc xin Trung Quốc, nhưng cũng không phải là dễ, để có văc xin Tàu cũng phải đăng ký xếp hàng giành giựt mới có. Tội cho những người nhà xa chạy xe hằng chục cây số ra điểm chích thì được báo hết thuốc phải tiu nghỉu trở về.

  

Một bữa, căn bệnh đau cột sống lại tái phát nhói đau từng cơn, không dám đi bệnh viện Tâm tất tả chạy đi tìm hiệu thuốc mua thì bị chốt kiểm soát chặn lại xét giấy, anh trình bày và đưa toa thuốc họ không chịu, Tâm nói trong Chỉ thị 16 vẫn cho phép đi mua thuốc trị bệnh nhưng họ không  chịu, đòi phải có giấy đi đường, năn nỉ mãi nói tui là công nhân thất nghiệp mới về chưa biết quy định nên họ mới thông cảm cho đi nói thêm lần sau vi phạm sẽ phạt.

 

Buổi sáng trên quê nhà thật tĩnh lặng không một tiếng xe chạy, tiếng cười nói như xưa.Tâm cũng bỏ thói quen uống cà phê sớm vì quán xá đều đóng cửa, có một bà tổ trưởng đến từng nhà phát phiếu đi chợ và dặn dò ba ngày đi một lần, khu phố bỗng xôn xao, nhóm đàn bà bàn tán, chợt có ai đó hỏi vọng “ Phát phiếu đi chợ có phát tiền không bà? Chứ tiền đâu mà đi?”

 

- Lên Chính phủ mà hỏi? bà nói lớn rồi bỏ đi. Có những tiếng cười vọng theo...

 

Ngoài đầu ngõ, sáng chiều đều có tiếng loa phóng thanh báo tin tức covid, kêu gọi người dân thực hiện 5K nghiêm túc, thông báo đi chích ngừa, đi xét nghiệm...Ở xóm có dì tư bán vé số nay cũng phải nghỉ bán, dì ở một mình không con cháu, rất tội nghiệp, cuộc sống vất vả. Thỉnh thoảng có nhà từ thiện phát chẩn dì cũng đi lãnh được một bịt gạo sống qua ngày, Tâm nếu có đi chợ cũng ghé qua tặng dì một thùng mì. Nghe nói nhà nước  có kế hoạch sẽ hỗ trợ tiền cho những người mất việc nhưng chưa ai nghe thông báo hay cách làm ra sao? Dì tư nhờ anh giúp dùm, anh nói sẽ lên phường hỏi xem sao.

 

Mỗi ngày mỗi tin buồn đưa đến, anh hay tin bà cô mất ở Củ Chi mà lòng rối bời về không được, bà là em của ba, ngày xưa có lên Tây Ninh sống chung gia đình vì bà không có chồng con, hai chị em từ Campuchia chạy nạn về xứ đạo sống một thời gian bà về Củ Chi sinh sống, bà là người chăm sóc anh ngày xưa xem như mẹ, vì mẹ anh buôn bán tối ngày không có thời gian lo gia đình, bà ở một mình dưới quê, có đứa con nuôi nhưng nó cũng đi làm xa vài ngày mới về một lần. Khi chết qua ngày sau hàng xóm mới phát hiện, nghe nói bà trật chân té trong nhà  tắm không ai hay, nhưng y tế xã cũng đến xử lý  sát khuẩn và khám nghiệm đúng quy định bệnh nhân nhiễm covid rồi mới cho đi chôn. Đau khổ quá! Giờ đang giãn cách không ai về dự đám được. Anh lập một bàn thờ nhỏ cầu nguyện cho cô.

 

Một ngày kia, đang ăn cơm chiều thì có cú gọi của bạn học báo tin ông thầy cũ bị đưa đi cách ly tập trung, thương cho thầy già nua phải sống sao đây? Anh huy động các bạn học cũ tiếp tế lương thực, thuốc men cho thầy, hỏi ra thầy bị nhiễm từ người vợ, vợ thầy được tổ y tế đem đi bệnh viện điều trị nhưng khoảng một tuần sau thì cô qua đời vì bệnh nền nhiều quá không chống nổi con virut corona, con cháu không dám cho thầy biết, bệnh viện họ đem đi hỏa thiêu rồi giao hũ tro cốt cho gia đình, lúc hết thời gian cách ly về nhìn di ảnh vợ trên bàn thờ thầy đổ gục xuống sàn khóc nức nở. Ôi! Đại dịch, đau thương biết bao giờ nguôi, không bút mực nào tả xiết một giai đoạn tàn khốc của quê hương.

 

Ngữ Yên

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét