(HNM) - Không sinh ra tại Hà Nội, nhưng nhạc sĩ Hồng Đăng gắn bó gần cả cuộc đời của mình với Thủ đô. Ông yêu mảnh đất Hà thành theo cách riêng, lưu giữ 4 mùa của Hà Nội trong âm nhạc. Những bài hát nổi tiếng của ông, như “Hoa sữa”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ”, “Mưa bụi”, “Ký ức đêm”… gợi nhớ về một Hà Nội đẹp và rất tình. Ông đã được trao Giải thưởng Lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 14-2021.
Tôi tìm gặp nhạc sĩ Hồng Đăng vào một buổi chiều cuối thu se lạnh. Hà Nội chuyển mùa, đỏng đảnh bất thường, khác hẳn thu vàng hanh hao như mọi năm. Tầng 1 nhà ông là quán cà phê “Thúy” (tên vợ ông), được mở ra chủ yếu để nhạc sĩ Hồng Đăng có chỗ giao lưu với bạn bè. Thời tiết thất thường, đại dịch Covid-19 diễn biến vẫn phức tạp, nên nhạc sĩ Hồng Đăng gần như chỉ ở nhà. Ở tuổi 86, ông không được khỏe, ngại tiếp khách. Ngày tổ chức lễ trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 14-2021, ông cũng không thể trực tiếp đến, phải nhờ người vợ gắn bó với ông hơn 30 năm qua, đến nhận thay.
Vợ nhạc sĩ Hồng Đăng, bà Lê Anh Thúy chia sẻ: “Dù hạn chế đi lại, chỉ tiếp chuyện bạn bè thân thiết, nhưng khi biết tin được nhận Giải thưởng Lớn “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, ông nhà tôi vui lắm. Đó là sự động viên dành cho ông, một người không sinh ra ở Hà Nội, nhưng lại yêu Hà Nội đắm đuối theo cách của riêng mình”.
Nhạc sĩ Hồng Đăng (tên thật là Phan Hồng Đăng) sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nội ông là một nhà nho yêu nước, bác ruột là nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu, cha của ông là nhà báo Phan Đăng Tài (bút danh Phan Hồng Sơn) - người thông thạo 7 ngoại ngữ và từng là Trưởng phòng Tư liệu - Thư viện của Báo Nhân Dân.
Nhạc sĩ Hồng Đăng bộc lộ năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Khi lên 9, 10 tuổi, ông đã mày mò đọc sách về âm nhạc bằng tiếng Pháp. Năm 12 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay “Đời học sinh”, được nhiều bạn bè yêu thích. Năm 1956, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu tiên, ông là một trong những học viên của chuyên ngành Sáng tác. Đây cũng là khóa học có nhiều tác giả lớn của nền âm nhạc Việt Nam như: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Vĩnh Cát, Huy Thục, Hồng Thao…
Theo lời kể của vợ nhạc sĩ Hồng Đăng, ông theo đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô vào năm 1954. Lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, chàng trai xứ Nghệ bị thu hút ngay bởi vẻ đẹp cổ kính và đầy chất thơ của mảnh đất này. Nhớ lại ký ức về Hà Nội thuở ấy, nhạc sĩ Hồng Đăng tâm sự: “Tôi dành thời gian cùng bạn bè đạp xe rong ruổi trên những tuyến phố Hà Nội, ngắm những vòm lá bên đường, đắm chìm trong vẻ đẹp lãng mạn của Hồ Gươm, hồ Tây. Có khi cùng bạn bè thi ăn kem ở Tràng Tiền, vui lắm!”.
Mãi sau này, thói quen lang thang trên phố vẫn không xa rời nhạc sĩ, ông chỉ hạn chế dần khi gặp vấn đề về sức khỏe. Hễ có thời gian rảnh, ông lại chở vợ ra phố, đôi khi chỉ là để cảm nhận hương vị thu Hà Nội, lắng nghe tiếng ve râm ran giữa mùa hè hay chào đón chút mưa bụi lất phất khi mùa xuân tới. “Ở cạnh ông ấy, tôi khám phá thêm nhiều vẻ đẹp của Hà Nội và càng thêm yêu mảnh đất mà mình sinh sống, lập nghiệp”, bà Lê Anh Thúy hạnh phúc nói.
Ký ức Hà Nội trong âm nhạc
Kho tàng âm nhạc của nhạc sĩ Hồng Đăng có hàng trăm tác phẩm, trong đó có hơn 70 tác phẩm viết cho nhạc phim, và nhiều sáng tác dành cho Hà Nội. Gắn bó với Hà Nội hơn nửa thế kỷ, chứng kiến sự đổi thay của Thủ đô qua thời gian, nhạc sĩ đều có ca khúc ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Hà Nội. Năm 1964, ông viết tác phẩm đầu tiên về Thủ đô cho đoàn ca múa nhạc Hà Nội biểu diễn, đó là thanh xướng kịch “Sông Hồng ngàn năm reo hát”. Trong số tác phẩm ông viết riêng cho Thủ đô, đáng chú ý là 4 ca khúc viết về 4 mùa ở Hà Nội: “Hoa sữa” là về mùa thu; “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” viết về khí thế thanh niên Hà Nội lên đường nhập ngũ trong mùa hè rực lửa năm 1972; “Mưa bụi” là cảm xúc về chợ hoa xuân, còn “Ký ức đêm” như nét chấm phá mùa đông Hà Nội. Đó cũng là 4 ca khúc để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức của khán giả vào những năm 70 và 80 của thế kỷ XX.
“Hoa sữa” là ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Hồng Đăng, nhưng không phải ai cũng biết bối cảnh ra đời tác phẩm. Từ gợi ý của một người bạn, rằng “Hà Nội có một loài hoa rất thơm vào cuối thu”, thế là rất nhanh, nhạc sĩ viết ngay “Hoa sữa” cho bộ phim “Hà Nội mùa chim làm tổ” của cố đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978. Lúc bấy giờ, bộ phim được chiếu rộng rãi, nên “Hoa sữa” cứ thế “tỏa hương” một cách tự nhiên. Cho tới khi ca sĩ Nhã Phương biểu diễn “Hoa sữa” trên sân khấu miền Nam và thu âm, thì ca khúc được công chúng biết nhiều hơn nữa.
Hiểu rõ khối lượng tác phẩm đồ sộ của chồng mình, trong đó có không ít tác phẩm còn chưa được giới thiệu tới công chúng, bà Lê Anh Thúy cho biết: Nhạc sĩ Hồng Đăng có hai mảng đề tài nổi bật, đó là về biển và Hà Nội. Với biển, ta nhớ ngay “Biển hát chiều nay”; còn với Hà Nội, ngoài “Hoa sữa” là cả một trời kỷ niệm mà ông lưu giữ trong các tác phẩm của mình.
Không chỉ có cống hiến to lớn cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Hồng Đăng còn có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo âm nhạc. Ông tham gia giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam (sau là Nhạc viện Hà Nội và nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Đặc biệt, khi đảm nhận vai trò Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông mở nhiều lớp sáng tác ca khúc về Hà Nội. Tình yêu Hà Nội của ông gợi cảm hứng cho nhiều học trò, trong đó có nhạc sĩ Phú Quang, Nguyễn Cường, Lệ Giang… Nói về người thầy của mình, nhạc sĩ Nguyễn Cường bày tỏ: "Nhạc sĩ Hồng Đăng là tấm gương về cách sống và lao động nghệ thuật. Ông đã cho tôi nhiều cảm hứng, kinh nghiệm khi sáng tác các ca khúc".
Tại lễ trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 14-2021, diễn ra vào cuối tháng 10 vừa qua, Trưởng ban Giám khảo, nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đánh giá: Nhạc sĩ Hồng Đăng đã có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc Thủ đô, trong đó có các tác phẩm đã thành biểu tượng về Hà Nội. Đồng thời ông có đóng góp lớn trong việc đào tạo nhiều thế hệ sáng tác, góp phần làm phong phú kho tàng âm nhạc Việt Nam.
(Nguồn hanoimoi.com.vn)
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV, V và Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. Ông còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, với các ca khúc: “Biển hát chiều nay”, “Hoa sữa”, “Quà tháng năm”, “Kỷ niệm thành phố tuổi thơ” và hợp xướng “Lửa rực cháy”...
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét