Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2021

Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi...(*) Tạp bút Nguyễn Duyên

 


Trong tâm thức chúng ta ai mà không có một lần nghe tiếng gà gáy, tiếng gà thân quen gợi biết bao kỷ niệm ….Thuở còn đi học, khi nghe tiếng gà gáy báo sáng là lật đật thức dậy chuẩn bị đến trường…tiếng gà báo bình minh cho nông dân ra đồng, cho mẹ thức sớm đi phiên chợ quê… Tiếng gà gáy là hình bóng quê hương đi sâu vào tâm hồn mỗi con người …

Trong thơ nhạc,tiếng gà còn là bao nguồn cảm xúc cho các văn thy sỹ sáng tác ra bao tác phẩm hay.Trong bài Nhớ tuổi thơ của Chế Lan Viên từng nhắc về tiếng gà :

Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa

Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa...

Nhớ chao ôi nhớ! Trời xanh thế!

Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!

Nhà thơ Huy Cận bày tỏ nỗi niềm bâng khuâng khi nghe tiếng gà lạ gáy  một chiếu bên chân đê :

Tới ngã ba sông, nước bốn bề

Nửa chiều, gà lạ gáy bên đê

Và Lưu Trọng Lư thì nhớ về kỉ niệm, nhớ dáng mẹ ngoài sân và tiếng gà trưa nghe cô đơn, hiu hắt quá:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không

Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội

Áo đỏ người phơi trước dậu thưa…

( Nắng mới )

Bài nầy đã được nhạc sỹ Vũ Thành An phổ nhạc trước năm 1975 giai điệu cung thứ nghe rất nhẹ nhàng êm đềm mà thời trung học chúng tôi hay hát và thuộc lòng đến bây giờ.Trong âm nhạc cũng không thiếu hình ảnh và âm thanh thân thuộc tiếng gà  như trong ca khúc Lời thiên thu gọi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thể hiện một tiếng gà trưa nghe xao xác :

Về trong phố xưa tôi nằm

Có lần nghe tiếng ru bên vườn

Chợt nghe xác thân không còn

Và cạnh tôi là đồng vắng

Về trên phố cao nguyên ngồi

Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

Chợt như phố kia không người

Còn lại tôi bước hoài."

Có khi nào bạn đã lên cao nguyên chưa ? trong một buổi trưa hoang vắng của núi rừng chập chùng,chúng ta chợt nghe một tiếng gà gáy khan vang lên ôi! xa xăm buồn da diết làm sao !…

Thường thì tiếng gà báo bình minh nghe trong trẻo mạnh mẽ sảng khoái, nhưng tiếng gà trưa bao giờ cũng nghe xa xăm hiu hắt…. một tiếng gáy khan , lạc giọng bên đồi vắng nghe sao mà hiu quạnh, rã rời .

Bài Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao với một cung thứ qua điệu Valse tha thiết, dặt dìu với hình ảnh thật đẹp thơ mộng khói vờn bay trên sông xen lẫn tiếng gà trưa xa xăm lẻ loi..:

… Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường mùa vui nay đã về

mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên

Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

một trưa nắng cho bao tâm hồn

Từ đây người biết quê người

Từ đây người biết thương người

Từ đây người biết yêu người

Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về

Mùa bình thường, mùa vui nay đã về

Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu

với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông

Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông

Phải chăng tiếng gà gáy trưa là âm vọng quê hương lan tỏa thấm đẫm trong mọi người,tình quê hương tha thiết mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết nên tuyệt phẩm “Mùa xuân đầu tiên” đầy tính nhân văn?

Nơi xứ Huế thơ mộng từ xưa đã có câu ca dao quen thuộc, mang âm hưởng nhẹ nhàng man mác lòng người :

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”

Đây là hình ảnh và âm thanh nên thơ hữu tình đất Thần kinh. Tiếng chuông Thiên Mụ là tiếng chuông quen thuộc âm vang bao đời của người dân Huế và tiếng gà gáy đã có sự liên hệ mật thiết khiến trong dân gian đã lưu truyền những câu ca dao trữ tình như vậy ?

Và đây là câu thơ hay về tiếng gà thành phố, tiếng gà đã đi vào cổ tích :

“Thành phố

không nuôi nổi một tiếng gà

bỏ vầng trăng đi lạc

…Thành phố đói trăng

đẩy tiếng gà vào cổ tích ”

(bài Lối Về của Tôn Phong.)

Rồi một ngày nào đó, trong không gian yên ả bỗng ngân vọng tiết điệu đầm ấm, ngây ngất tình, khiến lòng ta xốn xang và gợi lên trong mỗi chúng ta cảm giác vời vợi nỗi nhớ quê hương, chợt nghe một tiếng gà gáy dằng dặc, hư ảo…:

“Tôi về trong lặng im

Nghe tiếng gà xưa gáy

Sầu muộn giăng mắt tím

Vỡ khung trời hư vô"

Tiếng gà gáy ban trưa, thanh âm gợi nhắc đến một vùng quê yên bình nào đó đã có sẵn trong tiềm thức, một vùng quê với cây đa giếng nước sân đình.Ở đó nhịp sống thảnh thơi, chậm rãi diễn ra với những vụ mùa bội thu, những mùa rơm rạ vàng tươi thơm thơm đường làng ngõ nhỏ, với đàn gà con trong xóm nhỏ ngày ngày líu ríu theo chân mẹ đi kiếm mồi. Nhạc sỹ Phạm Duy đã đưa ta về khung cảnh làng quê yên bình đó với bà mẹ quê lam lũ và tiếng gà gáy thánh thót trên đầu ngọn tre :

Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu

Có đàn, có đàn gà con nương náu

Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều

Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu

Bà bà mẹ quê !

Gà gáy trên đầu ngọn tre

Bà bà mẹ quê !

Chợ sớm đi chưa thấy về

Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon.

 ( Bài Bà mẹ quê )

Trong bài thơ rất hay của Viễn Phương cũng đã được phổ nhạc : Tiếng gà thành phố - tiếng gà nghe chợt lạ : một tiếng gà vang lên trong thành phố ồn ào náo nhiệt, rồi tiếng gà lan xa bay đi khắp nơi huyền diệu, tiếng gà trở thành hình tượng biến hóa tuyệt vời của thiên nhiên: từ những vì sao rụng, sắc gió đêm xuân đến sóng biển dập dờn, hòa quyện trong mùa xuân ngát hương của đất trời bao la…:

TIẾNG GÀ THÀNH PHỐ

Đêm thành phố lắng nghe tiếng gà

Gà gáy sáng giục vì sao rụng

Nghe thời gian bay qua

Trong tiếng gà lan xa

Mùa xuân đi thơm thơm trong đêm

Tiếng gà gáy mênh mông sắc gió

Sương làm biển , tiếng gà thành sóng vỗ

Giấc mơ nào bên gối em nghiêng

Tiếng gà lan vào giấc mơ rất êm

Mở mắt thấy mặt trời rực rỡ

Tưởng eo óc từ trong giấc ngủ

Tiếng gà bay kéo mặt trời lên

Ngôi sao xanh nhìn hoài mặt đất

Bao người thay em thức suốt tiếng gà

Anh chiến sỹ canh dài đứng gác

Cho em đi vào đêm xuân đầy hoa

Thời đi dạy, tôi cũng đã cảm nhận và phân tích bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh cho các em học. Tiếng gà trưa trong thơ Xuân Quỳnh là một âm thanh rất bình thường dung dị  khác hẳn với những tiếng gà trống lãnh lót mạnh mẽ hay hoang vắng đìu hiu… của các nhà thơ khác, vì đây là tiếng gà mái! tiếng gà đẻ, tiếng gà cục tác :

Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục… cục tác cục ta”

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ

Bài thơ diễn tả phút bất chợt của người chiến sĩ trên đường hành quân xa, khi dừng chân bên xóm vắng, vẳng nghe tiếng gà nhảy ổ quen thuộc của làng quê, người chiến sĩ  chợt nhớ về một tuổi thơ êm đềm bên bà với đàn gà thân thương trìu mến, bao kỷ niệm tràn về trong lòng….Đàn gà, chính là hình bóng quê nhà, gợi nhớ về người thân, nhớ về những kỷ niệm khó phai thời niên thiếu.

Tiếng gà trưa! Một âm thanh bình thường thôi, cũng mang cả quê hương, tình người đi vào trong tâm hồn ta, trong cuộc sống chúng ta; Một âm vang lắng đọng mãi mãi trong tâm hồn người Việt.

Nguyễn Duyên

 

 

------------------------------------------------------------------------------------------

(*) Bài hát Lời thiên thu gọi TCS

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét