Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

TIẾNG CHUÔNG DỊU DÀNG – Tùy bút Nguyễn Thị Mây


Bỗng dưng tôi thèm nghe tiếng chuông. Âm thanh dịu dàng phát ra từ bàn tay mẹ khi người cầm chiếc dùi bé xíu gõ nhẹ vào cái chuông đồng chỉ nhỉnh hơn cái bát một chút. Tiếng chuông lan tỏa, mơn man không gian chập choạng tối, vuốt ve, ru hời nỗi buồn chìm vào giấc mơ trần gian.

Cái chuông xuất hiện trên tủ thờ Phật đặt sát vách song môn khi mẹ không còn chút hy vọng nào về sự trở lại của ba. Những chuyến tàu đêm lặng lẽ quay về rồi thản nhiên ra đi khi trời hửng sáng, chẳng còn dấu vết nào của người thợ sửa tàu trên đó. Có một bến bờ nào đã giữ chân ba tôi. Sau những ngày vật vã buồn đau, mẹ bỗng dưng bình thản mang về một chiếc chuông đồng. Nó không vàng óng mà màu đen ánh sắc vàng. Nó tựa trên một cái đế bằng gỗ bọc vải đỏ, trông rất đẹp. Nhưng chẳng ai chú ý đến điều đó mà chỉ trầm trồ về âm thanh của cái chuông. Ông tôi bảo không có cái chuông nào âm thanh giống tiếng chuông nào cả. Và không có cái chuông nào phát ra những âm thanh y hệt nhau dù chỉ do một người gõ vào nó. Tôi không sao hiểu. Nên khi cả nhà đi vắng, tôi bắc ghế lén mang cái chuông xuống và gõ. Có khi nó thét lên giục giã. Có khi nó thư thả buông từng tiếng ngân nga. Có lúc lại ngắn và dồn dập… Lúc đó, tôi chỉ nhận ra một điều là tiếng chuông từ tay tôi như rượt đuổi không gian. Còn tiếng chuông từ tay mẹ như lắng đọng thời gian vào đêm.

Mẹ chỉ lễ Phật vào ban đêm sau khi đã tắm gội sạch sẽ, mọi công việc hoàn tất. Mẹ trải chiếc chiếu manh trước bàn thờ, khoác chiếc áo tràng màu lam và bắt đầu đọc kinh. Dù còn rất bé nhưng tôi đã hiểu mẹ không có điều kiện đi chùa lễ Phật như nhiều người khác. Mẹ càng không thể đi tu dù lúc đó mẹ thất vọng đến độ chỉ muốn đi tu. Bởi ai sẽ tảo tần để nuôi ông bà ngoại và ba chị em tôi. Mẹ cũng chẳng có bờ vai nào để dựa. Chính mẹ lại là chỗ dựa của cả nhà. Nên thời khắc mẹ lễ Phật cả nhà cũng xì xụp lạy theo tiếng chuông từ tay mẹ. Mỗi lúc như vậy, tôi thường lẩm nhẩm cầu xin cho ba quay về. Có lần tôi bực bội hỏi ông ngoại sao mẹ hiền vậy, thành kính vậy mà trời Phật có chứng giám đâu? Tôi cầu xin mỗi đêm mà ba có về đâu? Ông xoa đầu tôi bảo rằng “Con còn bé lắm, chưa hiểu hết đạo và đời. Mẹ con tụng kinh hằng đêm để cầu an, để tâm hồn thanh thản chứ không phải để đòi hỏi Phật mang ba con về cho con. Ai gieo nhân gì sẽ gặt quả nấy. Mẹ con hiếu thảo với ngoại lại chăm lo cho các con thì sau này sẽ được hưởng phước thôi. Vì các con làm sao có thể phụ lòng một người mẹ như thế!”

Điều này ông ngoại nói hoàn toàn đúng. Ba chị em tôi kính yêu mẹ vô cùng và thể hiện điều đó bằng những cách khác nhau. Chị tôi luôn cố gắng làm cho mẹ vui. Chị sẵn sàng chia tay mối tình đầu khi người bạn trai đến nhà gặp mẹ mà không cúi chào. Hắn chau mày, giương mắt ngó khi bắt gặp mẹ quảy gánh hàng về. Do hàng hôm đó ế nhiều, hai bàn tay mẹ ghì chặt gióng gánh để giữ thăng bằng. Chiếc áo nâu bạc màu thấm đẫm mồ hôi. Mẹ bước liêu xiêu qua ngạch cửa… Dù mẹ không hề chê trách nhưng chị bảo với bọn tôi rằng đó làm một gã trai ngu xuẩn. Tôi thật sự không ngạc nhiên chút nào khi thấy chị, một hoa khôi của trường THPT lại nhận lời kết hôn với anh chàng xấu trai nhưng vui tính, hay sà vào phụ giúp việc nhà tôi và đã mang đến tặng mẹ một chiếc xe đẩy do anh tự chế. Chiếc xe có cái sườn bằng nhôm vụn lắp ráp và hai bánh xe… lấy từ bánh xe đạp. Nhờ vậy, từ đó, mẹ không phải gánh nặng nữa. Em trai tôi thì suốt đời sống quanh quẩn bên mẹ. Nó chăm sóc, phụng dưỡng mẹ đến khi mẹ qua đời.


N.T.M (Trà Vinh)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét