Cuối năm gió lạnh buốt tê tái, nghe đài báo đâu đó trên núi cao Sa Pa
hay Mẫu Sơn suối còn đóng thành băng và tuyết phủ trắng xóa. Xóm núi
Vằng Mạ quê mẹ ẩn mình dưới chân núi, bên con suối Pác Cung của đất cam
Hà Giang không lạnh đến mức có tuyết rơi nhưng cũng cắt da cắt thịt, đủ
để làm cho ai nấy đều phải co ro, xuýt xoa kêu lên lạnh quá. Hình như
mùa đông này trời nghe có vẻ rét ít hơn nhưng khi rét là rét đậm rét
hại. Đã vậy, những ngày sau lễ noel tiết trời thêm lây rây mưa. Cơn mưa
tiễn mùa khiến cho cái mọi vật đều se sắt lại, cái lạnh nghe như càng
lạnh hơn. Những cơn mưa thất thường, đến rồi lại đi với hàng ngàn hạt li
ti không đủ làm cho ướt sũng áo quần nhưng vương lại trên tóc, bám vào
làn da cũng đủ làm cho cái lạnh ngấm sâu hơn trong thớ thịt khiến gân
xương cũng phải tê buốt. Cái gió rét, giá lạnh của xóm núi vùng cao cực
Bắc là thế. Lạnh đến nỗi ngồi bên bếp củi đỏ lửa mà đôi bàn tay vẫn
không khỏi cứng đơ, lóng ngóng, run rẩy.
Mấy ngày nghỉ tết, chị bỏ lại phố phường của chốn phồn hoa, đi lang
thang theo em về chơi cùng xóm núi lồng lộng gió đông, căm căm giá rét
cùng với những bờ tre nghiêng ngả, xao xác bên con suối nhỏ đêm ngày róc
rách uốn lượn quanh co dưới chân núi, giữa đồng chiều chỉ còn trơ những
cuống rạ ngổn ngang xen lẫn màu xanh của các hoa cỏ dại mà lòng không
khỏi háo hức, lâng lâng. Vẫn biết đây không phải là lần đầu chị đến với
núi rừng. Bước chân chị đã từng đi qua bao chốn núi đẹp của những nơi
danh thắng. Nhưng đây là lần đầu chị đi được đi thực địa vào trong miền
núi sâu, trải nghiệm với chốn rừng thẳm hoang sơ chẳng một chút mỹ miều
như những nơi thắng cảnh. Mê mải ngắm, chị thả hồn theo những rặng núi
xanh rì như thể đang đuổi theo nhau trùng trùng điệp điệp trước nhà và
mơ màng theo những làn mây trắng đang bồng bềnh trên những đỉnh cao. Chị
bảo, mây ở đây có lẽ không nhiều, không đẹp như Tà Xùa hay Tam Đảo.
Ngắm nhìn những đám mây ở đây không có được cái cảm giác như đang đứng
trên những biển xanh, biển trắng bồng bềnh giữa sống lưng khủng long.
Tuy thế những áng mây trắng muốt vân xanh nhàn tản phiêu lãng trên rặng
núi trước nhà cứ như thể đang quấn quyện cùng cây rừng, đá xám trong
buổi chiều hôm để gợi về bao hoài niệm phôi pha cùng những rung cảm lâng
lâng, thích thú. Những áng mây chiều phía trước mặt kia mặc sức đủng
đỉnh nối đuôi nhau, khi bay lên cao, lúc xà xuống thấp, tung tăng, nhảy
nhót trong gió lạnh cuối đông cứ như để dẫn nẻo hồn người về những chân
trời xa cũ mộng mơ; làm bâng khuâng, hút hồn những đôi mắt biếc trong
buổi chiều hôm khi lữ khách nhìn theo mê mải.
Khi chiều buông, chị em lang thang trên cánh đồng ngổn ngang gốc rạ để
trải lòng với ngọn gió đông; say sưa ngắm nhìn những vườn cam vàng rực
bên đồi ẩn mình nằm sâu trong chân núi. Con đường bê tông lâu ngày với
những mảnh vỡ đi xuyên ngang cánh đồng dường như cũng đang sắt đanh lại
trong cơn gió lạnh cuối chiều. Những vũng nước trên mấy ô ruộng thấp bên
đường trong veo, nằm yên bất động. Xa xa, bên trời thấp thoáng mấy cánh
cò trắng muốt nhao lên rồi lại lộn xuống như thể đang đi tìm ăn làm cho
cảnh xóm vật của xóm núi trở lên nhẹ nhàng và yên ắng. Dường như cái
tĩnh lặng của đồng chiều xóm núi đang ru hồn ta một cách êm ái theo nhịp
sống chậm dãi, nhẹ nhàng vốn có từ bao đời nay ở cái nơi thâm sơn mịt
mùng xa tít. Cái nhịp sống ấy như thể đang đưa hồn ta lạc trôi giữa một
miền cổ tích đầy thanh bình với bao vi diệu. Cái thanh bình, vi diệu ấy
gợi cho ta cái cảm giác tựa như hơi thở ấm áp đang phả ra giữa mùa gió
lạnh.
Con đường xóm núi hình như vắng hơn trong gió lạnh. Nó có vẻ như đang
cô đơn giữa những ngọn gió vô hình. Nó một mình lặng lẽ độc hành, khi
uốn lượn, lúc lại gập ghềnh lên xuống bên sườn đồi nối nhau như bát úp
cùng những tán cọ xòe ô xanh biếc. Cứ thế, men theo con đường vắng lặng
giữa vùng núi thẳm, càng vào sâu, những vườn cam trĩu cành, vàng rực bắt
đầu hiện lộ. Những đồi cam quê mẹ mênh mông và ngọt mát. Những đồi cam
ấy từng có một thời huy hoàng, nuôi anh em tôi khôn lớn. Say sưa ngắm
nhìn vườn cam đỏ vàng trĩu quả tôi không khỏi thức dậy biết bao kỷ niệm
của một thời ấu thơ với những gốc cam quanh nhà. Xa xa, phía bên sườn
đồi trước mặt, ẩn hiện giữa những vườn cây, vài mái nhà sàn lợp cọ thấp
thoáng, nhấp nhô đang nhẹ vương làn khói lam chiều mềm mại. Những làn
khói ấy theo nhau uốn lượn trên nền trời u ám khiến sơn cước hiện lên
thật bình yên và hoang sơ. Trời chiều xóm núi hiện lên trong tầm mắt đẹp
như một bức tranh thuỷ mặc làm nao lòng người khách phương xa.
Màn đêm dần buông, mưa gió sụt sùi. Gió lạnh lồng lộng vang lên ù ù
từng chập; va vào vách núi ẩm ướt tạo thành tiếng vọng kéo dài không
ngớt làm cho xóm núi càng thêm hoang vắng lạnh lẽo. Những hạt mưa chiều
nhỏ li ti kéo dài đủ để cho con đường đất đồi trơn trượt với những sống
trâu khiến bước chân mấy lần phải giật mình lo ngã. Đi giữa những đồi
cam, thế rồi những bàn chân lang thang trong chiều muộn ấy cũng tìm đến
được với chín bậc cầu thang và say sưa trong men rượu ngô nếp thơm nồng,
ấm bụng. Giữa mênh mông của núi rừng và gió lạnh, trong hương thơm của
men rượu say ta như thấy gió núi đang lùa bóng chiều vào trong màn đêm
cùng sương sa mịt mù hư ảo.
Mấy chục năm rồi núi non quê nhà vẫn vậy. Xóm núi vẫn cứ bình yên và
hoang sơ bên những vườn cam, đồi cọ cùng mây trời gió núi cố hữu muôn
đời không đổi. Chiều cuối năm ngất ngây trong hương cam men rượu ta như
thấy gió lạnh đang bao phong cái xóm núi yêu thương để cho ta trải lòng
cùng mưa rừng gió núi. Yêu lắm cái xóm ấy và cũng phải lâu lắm rồi ta
mới gặp lại cái rét cuối đông đáng yêu đến vậy trên quê mẹ. Lạ mà hoá
thành quen. Lâng lâng giữa đôi bờ hư thực, xít xoa trong giá lạnh, cảnh
vật chiều hôm bên xóm dường như đang làm sống dậy bao kỷ niệm của một
thời đã qua và làm cho ta như lạc đi trong trời chiều hư ảo. Trong cái
lâng lâng, khoan khoái ấy chị em tôi như nhặt được tuổi thơ của mình
giữa quê nhà trong cái mưa cái gió lạnh buốt của những ngày xưa cũ cùng
với biết bao cảm xúc của hoài niệm phôi pha.
Xa quê đã mấy chục năm rồi. Hay chăng, trên muôn nẻo đường đời bất tận
với những cơn gió se lòng, ai đó có còn khắc khoải hoài mong thương nhớ
một trời ấu thơ: quê nhà tôi ơi …!
Giang Hiển Sơn
(Trường THCS Nguyễn Văn Huyên, Hoài Đức, Hà Nội)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét