Thứ Năm, 17 tháng 1, 2019

Gặp lại nhạc sĩ của một thời Hát cho đồng bào tôi nghe – Nguyễn Duyên

                                        Nhạc sĩ Tôn Thất Lập và nhạc sĩ Nguyễn Quốc Đông
 
Nhắc đến nhạc sĩ Tôn Thất Lập là người ta nghĩ ngay đến người nhạc sỹ trụ cột thời kì đấu tranh của phong trào SV-HS những năm thập niên 70 tại Sài Gòn. Anh đã sáng tác và hát trong những cuộc xuống đường, hát trong tù, hát trong "Những đêm không ngủ" tại Sài Gòn, Huế, …vào những năm chống Mỹ.
Từ những năm 60, tại Huế nhiều người yêu âm nhạc đã biết và thuộc lòng những bản tình ca của Tôn Thất Lập như "Những con đường nhỏ", "Tiếng hát về khuya" cùng một số ca khúc khác trong tập "Phố Ca". Với chủ đề tình yêu, về thân phận con người đan xen giữa khổ đau hạnh phúc, những tình khúc của anh trong giai đoạn này đã mang đến cho công chúng sự đồng cảm chân thành, sâu sắc và được phổ biến sâu rộng trong đông đảo thanh niên, sinh viên học sinh Huế.
Từ năm 1965 anh là Trưởng đoàn Văn Nghệ Sinh viên Học sinh Sài Gòn , Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác-Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các "nhạc sĩ sinh viên" Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt… thực hiện phong trào Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe góp phần làm vũ khí đấu tranh hữu hiệu để chống lại các khuynh hướng văn nghệ phi dân tộc, phản động lúc bấy giờ, góp phần hiệp đồng với mặt trận đấu tranh đô thị, hội thảo, xuống đường, những đêm không ngủ, các chiến dịch đốt xe Mỹ…      Những lời hát cất lên giữa những dùi cui, đàn áp….Với phong trào Hát Cho Đồng Bào Tôi Nghe, ( dựa vào ý tưởng bài Hát cho dân tôi nghe của Tôn Thất Lập) nhạc sĩ Tôn Thất Lập được xem như là cánh chim đầu đàn với những ca khúc đầy tình tự dân tộc, hào khí như: "Hát cho dân Tôi nghe", "Hát trong tù", "Đồng lúa reo", "Xuống đường", "Người đợi người"…
          Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào
          Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù
          Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên
          Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang
          Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang
                                          (Hát cho dân tôi nghe-Tôn Thất Lập)
     Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, nguồn sáng tạo nghệ thuật của nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn liên tục, không ngưng nghỉ. …Anh đã dành nhiều thời gian cho sáng tác ca khúc, một loạt những tình khúc của Tôn Thất Lập ra đời như "Tình ca Mùa Xuân", "Tình ca tuổi trẻ", "Tình anh", "Tình yêu mãi mãi" đến "Câu chuyện nụ hôn" rồi "Mưa rơi", "Mưa thì thầm", "Trị An-âm vang mùa Xuân" …rất được nhiều bạn trẻ yêu thích. Nhiều người vẫn nghĩ Tôn Thất Lập xuất thân từ một nhạc sĩ phong trào trong chiến tranh nhưng thực ra "Đêm đêm tiếng hát hao gầy đậu xuống môi em" (Tiếng hát về khuya) đã có từ những năm đầu thập kỷ 60. Tôn Thất Lập viết tình khúc trước khi dùng nhạc để tranh đấu. Tiếng hát về khuya được coi như ca khúc tiêu biểu cho thời kỳ đầu trong sự nghiệp tác của anh. Lúc lên Tây Ninh công tác tháng 2/2008 anh nói khi từ Huế vào Sài Gòn hoạt động và sáng tác bài nầy, sau đó được Trịnh Công Sơn báo tin mới biết nhạc mình đã phát sóng trên Đài phát thanh Sài Gòn và lần đầu tiên anh lãnh nhuận bút từ tác phẩm của mình…
 
Nguyễn  Duyên

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét