Thứ Năm, 10 tháng 1, 2019

KHÔI NGUYÊN VÀ “MÙA CỔ TÍCH” – PHẠM VĂN HOANH

Khôi Nguyên, tên thật là Nguyễn Thị Khôi, quê ở Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, hiện đang công tác tại Trường Tiểu học Hành Tín Tây (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), là hội viên Hội VHNT Quảng Ngãi. Chị vừa ra mắt tập thơ đầu tay “Mùa cổ tích” do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2018.
Tập thơ gồm 82 bài thơ với 140 trang, phần lớn là hoài niệm của Khôi Nguyên về quê hương, về cha mẹ, về tình yêu lứa đôi…

Đọc “Mùa cổ tích” của Khôi Nguyên ta thấy tình yêu mà chị dành cho quê hương thật đượm nồng “Chưa một lần xa/ mà xốn xang bao nỗi nhớ/ Da diết khúc quê/ Đất mẹ Nghĩa Hành/ …Chợ Suối Bùn mưa/ Quẩy nước nặng đầy/ Đôi quang ướt kĩu cà vai mẹ/ Giọt mồ hôi một thời vất vả/ Mảnh đất ân tình mặn đắng phù sa” (Tiếng quê). Phải yêu quê tha thiết, sâu nặng lắm Khôi Nguyên mới khắc họa được bức tranh quê sống động đến vậy. Quê hương là nơi chốn ta về. Nơi ấy có cha, có mẹ, có những người quen thuộc… “Mẹ là quê, là đượm nồng vị tết/ Cho con tìm về sau mỗi bước long đong.” (Tết quê). Tình yêu quê hương của Khôi Nguyên gắn liền với tình yêu cha mẹ. Hình ảnh cha mẹ được chị khắc họa rất chân thực. Đọc những bài như “Lối cày”, “Mẹ”, “Bữa cơm muộn”, “Cúi đầu tiễn mẹ”… ta thấy được sự tần tảo sớm hôm, chịu thương, chịu khó… của cha mẹ vì con cái. “Đường cày cha kéo/ Thắm giọt mồ hôi gieo/ Cha gói cuộc đời nghèo/ Bỏ cả vào trong đất” (Lối cày), “Một đời tần tảo nuôi con/ Chịu nhiều gian khổ để còn lãng quên/ …Nhìn gương mặt mẹ buồn xo/ Tiếng nói thì ít, tiếng ho thì nhiều/ Con ra đứng giữa trời chiều/ Vẳng nghe có tiếng chim kêu não nùng” (Mẹ). Đọc những câu thơ này, người đọc không khỏi bùi ngùi khi người mẹ đã có dấu hiệu khác thường. Đó cũng là quy luật tự nhiên “sinh, lão, bệnh, tử” không thể tránh khỏi. Vẫn biết được điều đó nhưng chị vẫn không cầm được nước mắt khi “Cúi đầu tiễn mẹ”. “Nước mắt con rơi cạn lối về/ Bàn chân hẫng hụt nẻo đường quê/ Mưa rơi lạnh buốt màn mây trắng/ Một dải khăn tang,vén não nề/ …Mẹ về yên giấc ngàn thu ấy/ Mà nỗi đau con đến khôn cùng” (Cúi đầu tiễn mẹ).
“Mùa cổ tích” bên cạnh những bài thơ viết về quê hương, mẹ cha, còn có những bài thơ viết tình yêu lứa đôi. Như chúng ta đã biết tình yêu lứa đôi cần thiết cho cuộc sống con người đến nhường nào, nhưng nhiều khi tình yêu ấy cũng khiến con người đau khổ tột cùng. Bởi không phải lúc nào mọi sự cũng đều chiều theo ý muốn của con người. Khát vọng tình yêu là vô biên, nhưng hành trình đến với khát vọng ấy lại luôn gặp rất nhiều rào cản. Hình như Khôi Nguyên cũng hiểu được điều ấy. Vậy mà khi cuộc tình tan vỡ chị cũng không thể không ngậm ngùi: “Ta yêu chi để… dại khờ/ Tình chưa cạn cuộc bất ngờ chia li/ Dửng dưng để một người đi/ Mà từng thu rụng vàng chi chit vàng.” (Tình dại khờ). Và chị tìm đến rượu: “Uống cho quên cả buồn vui/ Uống bao nhiêu để chôn vùi nhớ nhung?” (Uống cho một ngày). Nhưng rượu cũng không thể quên được nỗi buồn. Chị đành tự hỏi: “Ngọn gió nào đưa người đến bên tôi/ Cho đêm ấy lất lay ngàn lá biếc/ Đông chưa đến sao bỗng dưng trở rét/ Ôi mùa thu, ôm chặt mùa thu!” (Mùa Cổ tích). Nhưng rồi sự ngậm ngùi ấy cũng phôi pha theo thời gian. Chị đã “Cho ký ức dần chui vào cổ tích” (Mùa cổ tích). Bài thơ “Mùa cổ tích”, cũng là nhan đề của tập thơ  đã để lại ấn tượng trong lòng người đọc.
“Mùa cổ tích” với ngôn ngữ bình dị nhưng chứa đựng biết bao tình cảm trân quý. Hy vọng tập thơ sẽ được bạn đọc đón nhận.
Phạm Văn Hoanh
TRƯỜNG THCS BÌNH TÂN,
BÌNH SƠN, QUẢNG NGÃI

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét