Phong Đăng sinh năm 1935, tên thật là Vũ Tiến Đức là Hội viên Hội VHNT
Quảng Ngãi, quê ở xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Anh
vừa trình làng tập thơ thứ ba “Cõi vắng… vọng xưa”, do Hội VHNT Quảng
Ngãi ấn hành tháng 11 năm 2018.
89 bài thơ trong “Cõi vắng… vọng xưa” là 89 kỷ niệm (có lẽ đẹp nhất) trong đời Phong Đăng.
Đọc “Cõi vắng… vọng xưa”, điều mà người đọc nhận ra là mỗi kỷ niệm
được Phong Đăng tái hiện bằng một cảm xúc chân thành nhất của trái tim
người viết. Này là kỷ niệm về quê hương: “Dòng sông uốn khúc lũy
tre/ Cánh đồng bát ngát chiều hè gió mơn/ Lòng dân như dãy Trường Sơn/
Quê tôi tranh đấu sắt son trường kỳ” (Quê tôi). Quê hương của Phong Đăng ngày xưa nghèo lắm: “Ai
người lên đỉnh Đình Cương ấy/ Có nhớ mang theo những xóm nghèo/…Miền
quê đó đắm chìm tre lũy/ Thương lắm ngô khoai đạm bạc đời/ Dã tràng xe
cát muôn nơi/ Nhớ chăng Bàu Sấu đầy vơi gàu sòng/ Tình quê cuộn mãi
trong lòng/ Trăm năm xa vắng vẫn mong ngày về.” (Cuộn mãi trong đời). Chính cuộc sống nghèo khó nơi làng quê đã nuôi Phong Đăng nên người: “Phong Đăng ấy sớm trưa dầu dãi/ Mái lá tranh tre rơm rạ nên người/ Ra đi góc bể chân trời/ Tấm thân vạn nẻo cuộc đời gió sương”
(Rơm rạ nên người). Và cũng từ mái lá tranh tre Phong Đăng dấn thân vào
cuộc đời sương gió. Ngày anh ra đi cha già đưa tiễn và hẹn ngày về. Thế
mà: “Cha già đưa tiễn ra đầu xóm/ Ngấn lệ rưng rưng chẳng hết lời/
…Ai ngờ ước hẹn không tròn/ Hai mấy năm con chưa trở lại/ Cha đã ra đi
và mãi mãi/ Không còn cha nữa cha của con.” (Ước hẹn không tròn). Những năm tháng xa nhà anh đi cùng trời cuối đất: “Cánh
chim bằng mãi dong ruỗi/ Xuôi đất phương Nam cuối trời/ Mênh mông rừng
tràm Đất Mũi/ Bao la đồng lúa biển khơi/ Cuối đất cùng trời từng trải” (Từng trải).
Phong Đăng là người đi nhiều, viết nhiều. Đi đến đâu anh cũng ghi lại
nỗi niềm riêng tư của mình bằng những lời thơ chân mộc. Ra Hà Nội, những
năm tháng mới tập kết anh ngẩn ngơ trong phố cổ: “Gió đã đổi chiều
thủ đô tĩnh lặng/ Hồ Gươm xanh tàu điện rì rầm trôi/ Người mới về rạo
rực bước chen chân/ Nâu sồng thôn dã chăn chân phố phường/ Gác Đức Minh
bên ngã tư sầm uất/ Đường Tràng Tiền nghỉ tạm chỉ vài hôm/ Phố xá khang
trang chân khách bước dồn/ Người tập kết ngẩn ngơ trong phố cổ”.
(Ra Bắc). Rồi những năm tháng rời Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh
lên nguồn xuống biển, vào Nam ra Bắc làm tròn nhiêm vụ của một người cán
bộ quản lý ngành hóa chất. Vừa đặt chân lên miền biên cương, hình ảnh
người em miền sơn cước “nghiêng nước nghiêng thành” đã để lại trong anh
ký ức sâu lắng: “Bất chợt gặp em/ nghiêng nước nhiêng thành/… Cơn gió lặng lẽ lướt qua đời mình/ để lại ký ức lắng sâu thâm tình” (Rừng chiều). Đến Đà Lạt mộng mơ, lòng anh đong đầy nỗi nhớ: “Đêm
Đà Lạt hoa vàng thổn thức/ Nỗi nhớ đong đầy cõi mộng mơ/ Gió núi tràn
về/ tràn ngập áng văn thơ/… Thôi!/ Em chẳng phải thẫn thờ/ buồn làm chi
thời xa vắng/ Mai anh về miền thùy dương cát trắng/ Vẫn bên em nhìn hoa
phượng tím chiều đông/ nhớ nhau trong kiếp mây hồng.” (Chiều đông). Nỗi nhớ tình xưa thời thanh xuân vẫn theo anh suốt cuộc đời: “Quê hương chiều xa xôi/ Vo ve một kiếp đời thôn dã/ Lãng tử chìm hoa lá/ Nhớ nhau đến muôn đời mà thôi” (miền xa vắng). Và mối tình xưa ấy đến giờ cứ day dứt trong anh: “Phải
chi ngày ấy/ sông Tương trắng một màu/ Thuyền men dòng cũ/ Khô cạn khúc
sông sâu/…Phải chi ngày ấy/ em đừng nói thương anh/ Mặc gió kia thổi/
đành lá rụng xa cành/ Phải chi ngày ấy chúng mình không gặp nhau”
(Phải chi ngày ấy). Những câu thơ như một lời trách móc. Nó cứ hiển hiện
trong lòng người đọc một nỗi niềm thương cảm khôn nguôi.
Giờ đây khi đã ở tuổi xế chiều, trong lòng Phong Đăng những kỷ niệm xưa lại cứ vọng về: “Đêm
sắp cạn giấc mơ xưa giục giã/ Bước lưu li, thôi! rã cánh chim bằng/ Cõi
vắng vọng xưa đường trần đôi ngã/ Một cuộc đời đọng lại dải sao băng…” (Cõi vắng… vọng xưa).
Tập thơ “Cõi vắng… vọng xưa” của Phong Đăng ẩn chứa những nỗi niềm tâm sự. Chắc chắn nó sẽ lắng sâu vào tâm hồn người đọc.
PHẠM VĂN HOANH
HỘI VHNT QUẢNG NGÃI
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét