Thế là Thầy thuốc ưu tú – nhà thơ Nguyễn Thế Nhiệm, hội viên Hội Văn
học Nghệ thuật Tây Ninh đã thực sự ra đi về cõi vĩnh hằng khi tuổi đời
vừa đạt ngưỡng 60. Cuộc đời của bác sĩ – nhà thơ êm đềm trôi qua như
những dòng thơ mà tập thơ đầu tiên và duy nhất anh đã đặt tựa “Êm đềm
những dòng thơ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2015.
Tuy vậy, trong cuộc sống với bao nhiêu thời gian trôi qua là bấy nhiêu
nỗi tình cờ, những nỗi tình cờ đó cứ đau đáu, cồn cào trong ký ức và bây
giờ xâu chuỗi lại, điều không thể ngờ lại trở thành một câu chuyện về
tình người và nó cứ gờn gợn, quay quắt trong cảm xúc riêng tôi. Thật khó
để chối bỏ những kỷ niệm, khi kỷ niệm đã khắc sâu vào tâm hồn, hằn lên
kí ức và hun hút tâm tư… Và những kỷ niệm đó chợt hiện về…
Tôi quen biết bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm từ năm 1993 khi tôi giữ chức vụ
Chánh văn phòng Hội VHNT Tây Ninh. Năm này hội được lãnh đạo tỉnh quan
tâm củng cố Ban thường trực hội để chuẩn bị đại hội Văn nghệ lần thứ
nhất. Do đặc thù địa phương, Ban thường trực hội quyết định thành lập
các chi hội VHNT huyện để tập họp đội ngũ văn nghệ sĩ đưa hoạt động vào
nền nếp. Cùng với các huyện Gò Dầu, Hòa Thành, Thị xã Tây Ninh, huyện
Dương Minh Châu cũng đủ điều kiện để thành lập chi hội. Ngày làm lễ ra
mắt Ban thư ký chi hội, tôi thay mặt Ban thường trực hội vào dự và bác
sĩ Nhiệm được cử làm Phó thư ký và chúng tôi đã gọi vui anh là "bác sĩ
làm thơ" từ đó.
Bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm sinh ra và lớn lên tại xã Bàu Năng huyện Dương Minh Châu trong một gia đình giàu truyền thống y học. Cha anh là một y tá từ những năm 60 và anh là con trưởng nên hưởng trọn những đam mê y học của cha. Trong quá trình ăn học trong anh luôn ấp ủ hoài bão sau này lớn lên sẽ trở thành bác sĩ và anh đã biến hoài bão đó thành sự thật trong sự chăm lo nuôi dưỡng anh học hành và un đúc tinh thần của hai đấng sinh thành. Anh tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1987 và tình nguyện về huyện nhà công tác. Với lòng nhiệt tình, ý chí vượt khó và đầy trách nhiệm, ba năm sau anh được đề bạt giữ chức vụ giám đốc bệnh viện. Giai đoạn này đất nước đang trong quá trình đổi mới, địa phương vẫn còn lắm khó khăn. Bệnh viện Dương Minh Châu cơ sở vật chất thì tạm bợ, trang thiết bị khám chữa bệnh thiếu thốn việc khám chữa bệnh cho người dân cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu là người không có tấm lòng và bầu nhiệt huyết khó mà vượt qua. Vậy mà bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm đã làm được, anh tích cực tham mưu và tranh thủ lãnh đạo, các ngành, các cấp và vận động các vị mạnh thường quân vừa xây dựng lại cơ ngơi vừa động viên, giúp đỡ tập thể y, bác sĩ nên chỉ trong vòng 10 năm Bệnh viện Dương Minh Châu lần đầu tiên đạt được danh hiệu Bệnh viện xuất sắc và được tặng cờ "Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ", cá nhân anh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng Khen và một năm sau nữa được công nhận là "Bệnh viện Tình thương".
Kể thì thật đơn giản, nhưng đó là cả một quá trình phấn đấu gian khổ
của tập thể y, bác sĩ bệnh viện mà nổi bật nhất là vai trò cá nhân của
bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm. Từ ngày nhận chức, với tinh thần trách nhiệm
cao, nhất là với tấm lòng nhân ái anh mãi xót xa với nỗi khổ của người
dân nghèo mỗi khi bị bệnh mà không tiền chữa trị. Đúng lúc Đảng và Nhà
nước đề ra chủ trương xây dựng Bệnh viện tình thương, anh như vớ được
phao cứu sinh và anh lao vào với quyết tâm xây dựng cho được Bệnh viện
tình thương trong thời gian sớm nhất. Lãnh đạo địa phương và ngành y tế
ủng hộ tiếp sức hỗ trợ anh với niềm tin tuyệt đối. Tin anh sẽ thực hiện
thành công. Đây cũng là động lực to lớn đã giúp anh cùng với tập thể y,
bác sĩ vượt qua mọi khó khăn xây dựng thành công bệnh viện tình thương
đầu tiên của tỉnh vào năm 2001. Với thành tích vượt bậc đó anh được Chủ
tịch nước tặng danh hiệu "Thầy thuốc ưu tú" – một "thầy thuốc ưu tú" trẻ
nhất của cả nước. Năm đó anh mới 41 tuổi. Nhìn chung, từ sau khi bệnh
viện được công nhận là "Bệnh viện Tình thương", phong trào y tế và Bệnh
viện Dương Minh Châu dưới sự lãnh đạo của bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm đã
liên tục đạt thêm nhiều thành tích mới: danh hiệu "Bệnh viện xuất sắc
toàn diện 2002-2005", Huân chương Lao động hạng 3 năm 2003. Về mặt Đảng
được Tỉnh uỷ Tây Ninh tặng cờ thi đua "Đơn vị Trong sạch vững mạnh tiêu
biểu 5 năm liền" và "Đảng bộ Trong sạch vững mạnh 15 năm liền" và từ năm
1994 bản thân anh được bầu là Huyện uỷ viên suốt 3 nhiệm kỳ.
Bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm chẳng những là một cán bộ lãnh đạo năng nổ,
nhiệt tình và đầy trách nhiệm, anh còn là một con người giàu lòng nhân
ái và đặc biệt là "bác sĩ biết làm thơ". Không hiểu có phải vì vậy mà
anh luôn ưu ái, quan tâm đến hoạt động văn học nghệ thuật, nhất là đối
với anh em văn nghệ sĩ có cuộc sống khó khăn. Tôi trở thành người bạn,
người anh thân thiết với bác sĩ Nhiệm khi tôi vướng căn bệnh nghề
nghiệp: bệnh phổi. và chính bác sĩ với đôi mắt nghề nghiệp phát hiện ra.
Anh buộc tôi chụp hình phổi, giới thiệu đến Bệnh viện A 2 làm thủ tục
điều trị và chuyển về Bệnh viện Hoà Thành cấp phát thuốc. Kể từ đó mỗi
khi tôi có bệnh anh là thầy thuốc điều trị miễn phí.
Một điều đáng ghi nhận là bản tính của bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm rất hoà đồng, nếu không nói là không phân biệt giai cấp. Bởi lẽ, bác sĩ Nhiệm có một người bạn vong niên mà nếu nhìn vào không ai nghĩ anh có thể thân thiết đến thế. Đó là nhà thơ Phương Đình và anh gọi bằng chú. Anh em văn nghệ sĩ nói vui: hai người là "cặp bài trùng", ngoài thời gian anh bận công tác lúc nào bên anh cũng có Phương Đình. Có thể xem Phương Đình là cánh tay nối dài của anh trong hoạt động văn học nghệ thuật. Mà Phương Đình chỉ là một người bình thường, cuộc sống vô cùng khó khăn, trải qua rất nhiều nghề, từ đi chăn vịt đến bán bánh mì rong. Nếu so địa vị trong xã hội thì họ không thể kết hợp nhau được. Cũng nhờ vậy mà uy tín của Phương Đình cũng được nâng theo, ít nhất là đối với lãnh đạo huyện Dương Minh Châu. Mỗi khi tổ chức hội nghị có liên quan đến ngành y tế hay văn hoá, Phương Đình đều được mời dự và được trịnh trọng giới thiệu là nhà thơ Phương Đình.
Kể về chuyện Phương Đình ký ức tôi chợt trổi dậy những kỷ niệm khó quên liên quan đến bác sĩ Nguyễn Thế Nhiệm. Với tư cách là Phân hội trưởng Phân hội Văn học, tôi tổ chức chuyến đi thực tế cho anh chị em hội viên. Anh Tư Đỗ Thanh Hiền nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh gợi ý: Bệnh viện Dương Minh Châu vừa được công nhận là Bệnh viện Tình thương đầu tiên của cả nước, nên dẫn anh em đến đó, chắc chắn sẽ có nhiều đề tài để sáng tác. Tôi dự kiến đi tiền trạm, anh Tư bảo: Không cần đâu, ai thì không biết chứ bác sĩ Nhiệm thì chỉ cần một cú điện thoại là xong. Dễ dàng thế cơ à?. Ừ, mày quên bác sĩ Nhiệm cũng là hội viên của hội à! Ừ nhỉ, hội viên của hội thì tốt quá rồi.
Thế là tôi dẫn đoàn đến Bệnh viện chỉ sau cú điện thoại đơn giản hẹn ngày giờ đoàn sẽ đến và không cần bất cứ thủ tục nào. Thật ra, trước khi đoàn đến, bác sĩ Nhiệm đã nhờ nhà thơ Phương Đình đến gặp tôi nắm kế hoạch của đoàn để về chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho anh chị em văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế sáng tác. Tôi thật sự bất ngờ vì những gì bàn bạc giữa tôi và Phương Đình được bác sĩ Nhiệm thực hiện quá tốt, nằm ngoài dự kiến. Bởi lẽ, khi đoàn đến, trước cổng chính bệnh viện Dương Minh Châu, tấm băng rôn đỏ rực với dòng chữ vàng: "Chào mừng đoàn văn nghệ sĩ Hội VHNT Tây Ninh đến thực tế sáng tác", khiến chúng tôi càng cảm nhận tấm lòng của tập thể y, bác sĩ bệnh viện đối với đoàn. Riêng tôi lại tự thẹn với chính mình. Không thẹn sao được, khi mình quá xuê xoa, còn bác sĩ Nhiệm thì quá trọng thị. Bác sĩ Nhiệm là thế đó, một con người năng nỗ, đầy trách nhiệm nhưng rất khiêm tốn, dù giai đoạn này bác sĩ kiêm cả Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu. Ngoài việc tạo mọi điều kiện để anh chị em văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, anh còn trực tiếp báo cáo với đoàn với tư cách là một hội viên đang làm nhiệm vụ. Chuyến đi đã tạo ấn tượng sâu sắc về một con người năng nổ, nhân ái, về một nơi mà ở đó đoàn văn nghệ sĩ lần đầu tiên được tiếp đón rất trọng thị và cá nhân tôi uy tín được nâng lên đối với đoàn. Và cũng từ chuyến đi thực tế sáng tác này, anh chị em văn nghệ sĩ hiểu thêm về một "bác sĩ biết làm thơ" đầy lòng nhân ái, ai bị bệnh cứ đến và bác sĩ điều trị không nhận thù lao. Không những điều trị bệnh miễn phí cho anh em văn nghệ sĩ mà anh còn tài trợ khi in thơ mà thiếu tiền. Bác sĩ – nhà thơ Nguyễn Thế Nhiệm cũng là thành viên Ban quản trị W. Đất Đứng những năm đầu góp mặt trên diễn đàn văn nghệ cả nước và anh đã tài trợ cho cuộc "Bình chọn thơ lục bát hay trên Đất Đứng" một thời được anh chị em văn nghệ sĩ đánh giá cao và tham gia sôi nổi. Nếu như ai có theo dõi cuộc bình chọn này đều hiểu đây là một hoạt động nhằm kỷ niệm 7 năm ngày mất của nhà văn Xuân Sắc, tác giả tiểu thuyết "Kỳ tích Bà Đen" nổi tiếng. Buổi lễ tưởng niệm nhà văn Xuân Sắc đã được tổ chức vào tháng 5 năm 2010 và bác sĩ Nhiệm cùng với Hội VHNT tỉnh tài trợ cho buổi tưởng niệm này.
Những năm tháng cuối đời, bác sĩ – nhà thơ Nguyễn Thế Nhiệm vẫn tận tụy
với việc chăm lo sức khỏe cho người dân, lúc rãnh rỗi anh lại dành hết
tâm trí cho việc chăm sóc cây kiểng, cũng là thú vui tao nhã, bình yên
tâm hồn với cây cảnh hoa lá. Anh tâm sự: “Đây là mối nhân duyên mới”,
người và cây là hai thế giới tách biệt, nhưng hoàn toàn có sự cộng
sinh,. Người thầy thuốc khi chăm sóc bệnh nhân cần bình tâm định đúng
bệnh, thì việc chăm sóc cây kiểng mang lại sự bình tâm đó. Người chơi
cây kiểng cũng phải có sự bền bỉ, đắm đuối và cũng phải giữ được thiên
lương trong sáng cho mình.
Do vậy mà thơ anh cũng thật êm đềm.
Thầy thuốc ưu tú – nhà thơ Nguyễn Thế Nhiệm đã ra đi để lại nhiều nuối tiếc cho bạn bè, đồng nghiệp. Nguyện cầu hương linh anh mau siêu thoát trên miền cực lạc.
Thầy thuốc ưu tú – nhà thơ Nguyễn Thế Nhiệm đã ra đi để lại nhiều nuối tiếc cho bạn bè, đồng nghiệp. Nguyện cầu hương linh anh mau siêu thoát trên miền cực lạc.
La Ngạc Thụy
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét