Kinh hoàng, cả nhà vùng dậy mở cửa chạy ào ra sân. Một biển lửa hung tợn trùm lấy những căn nhà đầu xóm. Ngọn gió quái ác, tàn nhẫn lùa từng đợt sóng đỏ rực tới trước, bốc từng mảng lửa ném vào mái lá lân cận nhà tôi. Lửa chồm tới, chồm tới…
Chưa bao giờ tôi sợ hãi đến thế. Hai chân như đeo chì, bước chẳng muốn nổi. Bà và mẹ gào lên: “Chạy trước đi con!” rồi hai người phóng trở vào nhà. Tôi bừng tỉnh đuổi theo. Mỗi người chỉ kịp vớ một thứ thì lửa đã liếm tới.
Sau trận hỏa hoạn, tôi chỉ còn cái cặp da với sách vở đang học và mấy bộ đồ mà mẹ đã ôm ra. Còn bà, món bà giữ lại được là cái đầu lân, di vật của ông tôi.
Ông ngoại tôi là một nghệ nhân có tính cách độc đáo. Có lẽ vì thế mà ông rất nghèo, dù tên tuổi ông cũng được nhiều người biết đến. Ông say mê nghệ thuật, hăng say sáng tạo. Những tác phẩm của ông thiên về dân gian hơn là trừu tượng. Ông chọn những thể hình phù hợp với phẩm chất mộc mạc làng quê. Nhìn những bức họa của ông, người ta liên tưởng đến tranh làng Hồ với nét ngộ nghĩnh, duyên dáng, hóm hỉnh, tươi vui. Tuy nhiên, tranh vẫn mang phong cách riêng. Cũng chú gà nhưng lông xanh, đỏ, mỏ vàng, cặp mắt tròn xoe nhìn chị mái mơ nâu óng ả. Cũng chú chuột, nhưng tinh nghịch đứng bằng hai chân sau để chân trước nâng một miếng mỡ to, dâng lên chú mèo đang lim dim ngủ…
Ngoài ra, ông còn vẽ những tấm phông lớn cho các chùa trong vùng. Mấy người mộ đạo đều tấm tắc ngợi khen mỗi lần ngắm phong cảnh tiên Phật ông tôi vẽ. Họ thấy lòng như trải rộng ra, từ bi hơn và thanh thản vô cùng. Khuôn mặt đức Phật trong tranh thánh thiện, bao dung lạ lùng. Ai cũng ngạc nhiên trước đường nét mà ông ghi chép, tạo hình. Các sư cũng thán phục ông nên đem đến nhà một số tiền khá lớn do phật tử quyên góp để thưởng công. Nhưng ông đã từ chối và xin cúng lại cho chùa.
Chuyện nầy khiến cho bà con láng giềng xôn xao, bàn tán. Người khen ông tốt, biết làm việc nghĩa. Kẻ chê ông ngu, suốt đời chỉ biết làm mọi không công. Người lại bảo ông hám danh, bỏ lợi để được chút tiếng… Ôi thôi, đủ thứ dư luận. Ông nghe hết, biết hết nhưng làm lơ và tiếp tục những công việc mà ông yêu thích.
Một trong những sở thích đó là làm đầu lân. Về hội họa, ngoại tôi còn thua nhiều nghệ sĩ tạo hình khác. Nhưng về đắp đầu lân. Ít ai qua được ông vào thời ấy. Ngoại tôi khéo tay lắm! Đầu lân ông làm trông vừa cổ quái vừa oai phong, lẫm liệt. Cặp mắt ốc nhồi như nhìn xoáy vào kẻ đối diện. Cái sừng to cộ nửa giống sừng trâu nửa hao hao sừng tê giác. Chiếc mũi to bè, dị hợm. Cái miệng há rộng như chực nuốt trộng bất cứ cái gì.
Bà tôi thường chế giễu ông:
– Nếu bây giờ, trong ba ngày tết, bỗng dưng có chằn tinh xuất hiện, xuống núi quấy nhiễu dân lành.
Chỉ cần đem cái đầu lân nầy ra múa. Bảo đảm quái vật sẽ cao bay xa chạy và người ta ngỡ vị đạo sĩ ngày xưa sống lại. Ông đã cho kỳ lân xuất hiện, uy hiếp chằn để cứu dân.
Ông tôi cũng không chịu thua, liền đùa:
– Nhưng bà phải lấy mấy cái nắp nồi vỗ vào nhau như chặp chả, bảo con cháu gõ vào xửng hấp bánh thay phèn la thì quái vật mới khiếp vía.
Bà tôi cướp lời ông:
– Vỗ vô bụng ông thay trống. Như vậy mới đủ bộ.
Cả nhà được dịp cười vui vẻ. Những ngày hạnh phúc ấy qua rồi. Trong một lần bệnh nặng, ông ngoại tôi đã qua đời. Gia tài ông để lại chỉ có cái bóp da màu hung, loại bỏ túi. Trong đó, năm tờ giấy bạc còn mới được lồng vào giữa lớp ny lông, như để trang trí. Một quyển sổ ông dùng để vẽ lại mẫu hoa văn sưu tầm được và cái đầu lân chưa kết đuôi vào. Dù vậy, bà tôi cũng xem nó như một báu vật. Bà đặt nó lên bàn thờ, cạnh bài vị của ông. Ngày nào cũng vậy, sau khi thắp nhang xong, bà đứng lặng nhìn rồi len lén lau nước mắt.
Lúc nhà cháy, bà quên lấy tiền bạc, quần áo, vật dụng cần thiết mà chỉ nhớ có mỗi cái đầu lân. Bà đã cứu nó thoát khỏi ngọn lửa hung tợn và giữ gìn cho đến bây giờ.
Đông tàn, xuân đến, bà lại tỉ mẩn lau lớp bụi bám trên lớp giấy của cái đầu lân cũ kỹ sẫm màu năm tháng. Bà trân trọng, quí yêu nó. Hết thơ thẩn vào ra lại thở dài hoặc thì thầm một mình:
– Nhanh quá! Mới đó mà tết nữa rồi!
Bà làm cho căn nhà vốn đã buồn lại càng buồn thêm. Tôi chua xót nhìn nỗi đau dai dẳng của bà. Muốn an ủi bà nhưng tôi không dám. Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra cách làm bà vui trong mấy ngày tết.
Mỗi tối, tôi có đến Trung tâm văn hóa tỉnh để học võ Karate. Trong thời gian nầy, tôi âm thầm xin gia nhập đội lân và kiên trì tập múa. Thầy dạy võ cho tôi cũng là đội trưởng hướng dẫn kỹ thuật múa lân. Thầy thường khen tôi tiếp thu nhanh, múa dẻo, cái đầu lân trong tay tôi như một con vật sống. Cử chỉ, điệu bộ ngang tàng, dũng mãnh. Do vậy, thầy rất quý mến tôi. Khi nghe tôi nói về bà và mơ ước của mình, thầy tỏ vẻ cảm động và hứa sẽ giúp tôi toại nguyện.
Ngày mùng một tết, sau khi đem lân đi mừng tuổi ở một số cơ quan chủ chốt của địa phương, thầy và đội lân theo tôi về nhà. Đoàn dừng lại trước cổng. Sau khi ổn định hàng ngũ, dụng cụ, theo khẩu lệnh của thầy, các bạn tôi nổi trống chiêng vang động một vùng. Phút chốc, người lớn, trẻ con, đàn bà, đàn ông… lũ lượt kéo tới đông nghẹt. Họ vây quanh rào nhà tôi, tò mò nhìn ngắm, chỉ trỏ, bàn tán. Bà ngoại và mẹ tôi cũng hớt hải chạy ra cửa, kinh ngạc trố mắt nhìn.
Đúng lúc đó, tôi bắt đầu điệu múa. Con lân ngóng cổ nhìn vào. Cái đầu nghênh nghênh, tìm kiếm. Nó thụt lùi rồi tiến tới. Cái đuôi uyển chuyển trườn theo. Đi qua cổng, lân rạp mình bái tạ trời đất. Lân ngoái nhìn, chép miệng như ngầm chúc mọi người đầu năm vui vẻ. Lân rùng rùng cái đuôi, lân gục gặc cái đầu. Lân vờn lũ trẻ hiếu kỳ, lân rướn cao vẫy chào người lớn đang tròn mắt ngó. Lân cuộn lấy ông địa có cái quạt mo to tướng. Lân trêu cái bụng phệ của ông địa. Lân vòng quanh rào như xem hoa đua nở rồi lân vái chào. Nó quỳ mọp trước bàn thờ tổ tiên, lân dập đầu lạy ông mấy lạy và lạy bà, lạy mẹ. Lân nghiêng chào cái đầu lân cũ kỹ như mừng gặp lại cố tri. Sau khi nhận gói giấy đỏ tiền lì xì của bà, tôi cho lân lạy tạ, kết thúc điệu múa.
Mọi người vỗ tay tán thưởng vang dậy. Trong lúc mẹ lăng xăng bày bàn tiệc chiêu đãi đội lân, bà tôi vừa lau nước mắt vừa nói với thầy:
– Các cháu giỏi lắm! Các nghệ nhân tạo ra hình tượng kỳ lân. Còn các cháu, các cháu đã làm cho tác phẩm của họ có linh hồn.
Thầy tôi cảm động chớp mắt, cầm lấy hai bàn tay của bà ngoại, giọng trầm ấm:
– Thưa ngoại, tạo hóa đã phân định thời gian, tạo ra mùa xuân. Còn ngoại, ngoại đã cho chúng con ý xuân và hạnh phúc. Chúng con cảm ơn ngoại lắm!
Tôi cảm thấy chúa xuân đang ở quanh mình và cuộc sống thật là thi vị!
Nguyễn Thị Mây
(Trà Vinh)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét