Tập thơ “Bước đêm đợi nắng lên” gồm 27 bài thơ. Đây là 27 “bản ký âm xúc cảm” được cô lại từ nước mắt và niềm thương cảm cho người và cả chính anh.
Ngay đầu tập thơ ta bắt gặp niềm thương cảm của nhà thơ Văn Nguyên Lương trước nỗi đau của người con gái “gánh ngàn dâu bể”.
Em đợi gì?
Hư ảo vầng trăng mẹ
Ánh sao xa…
Người con gái nấp trong góc tối
Mân mê sợi suy tư
Nước mắt rơi
Gió cuốn biển đời…
(Đợi)
Với lời thơ sắc sảo, đằm thắm, tinh tế, giàu nội tâm, khổ thơ đã khiến người đọc không khỏi chạnh lòng về nỗi truân chuyên của người con gái nào đó. Nhưng đọc những khổ thơ tiếp theo, ta lại thấy lóe lên tia hy vọng.
Ơi vầng trăng chợt mọc
Long lanh bên hiên nhà
Giọt sương…
(Đợi)
“Vầng trăng chợt mọc” là một tín hiệu hy vọng mà người em gái vẫn đợi. Hy vọng đời sẽ không là bể khổ, mà khổ tận sẽ đến ngày cam lại. Còn đối với những người đang “Chìm trong biển đời trầm luân” nhà thơ Văn Nguyên Lương lại mong họ tìm được lối thoát.
Tôi chỉ mong
Người thiên hạ
Tìm được những thứ cần tìm!
(Chiếc bóng)
Nhìn cụ già bán vé số dưới mưa ướt sũng, nhà thơ cầu nguyện:
Mưa hỡi mưa.
Xin dừng mưa ơi!
Xấp vé số trên tay cụ già nhàu ướt
Biết còn bán được chiều nay?
Bữa cơm nghèo rau hẩm…
(Mưa)
Đọc thơ Văn Nguyên Lương tim ta như lặng đi. Một cái gì đó cứ làm ta day dứt.
Đứng bên cầu con khóc
nước mắt con rơi xuống sông dài
Đời con như giề lục bình lưu lạc…
Nếu không được sà vào lòng mẹ
Thì thôi
Con đi…
(Lời mồ côi)
Đi giữa phố phường tấp nập, gặp một em mời mua vé số, Văn Nguyên Lương muốn mua thật nhiều nhưng không thể. Anh lại khóc thương cho em mà cũng khóc thương cho cả anh.
Giữa phố phường tấp nập
Một dáng gầy mong manh
Em mời tôi vé số…
Ôi tuổi thơ dại khờ
Tay em không cặp sách,
Chân em không đến trương!
…
Tôi muốn mua thật nhiều
Nhưng chiều nay không thể
Giấu đi dòng lệ rơi
Khóc cho em hay khóc cho tôi,
Mà lệ hồn câm điếng?
(Khóc cho em hay khóc cho tôi)
Trong “Bước đêm đợi nắng lên” không một nhan đề bài thơ nào mang tên mẹ, quê hương, nhưng “Lời mồ côi”, “Bước đêm”, “Mưa rào”, “Nắng lên”, “Phổ tình”… lại ăm ắp tình mẹ, quê hương. Điều này chứng tỏ hình ảnh mẹ. quê hương luôn thường trực trong tâm thức nhà thơ.
Đọc “Bước đêm đợi nắng lên”, ta nhận thấy nhà thơ Văn Nguyên Lương luôn tìm kiếm, khám phá, làm mới cho thơ mình trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa có chọn lọc của thơ ca truyền thống. Nhiều bài thơ với những câu thơ lạ, hay, tinh tế, sâu lắng bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn các thủ pháp ẩn dụ, câu hỏi tu từ, điệp ngữ… đã thể hiện nỗi trăn trở của nhà thơ về quê hương, gia đình, và cuộc đời. Tôi thích nhất bài thơ “Bước đêm” với những câu:
Cày ải gì trên cánh đồng ngôn ngữ,
Vẫy gọi gì khô hạn những nguồn cơn?
Mặc dù hai câu thơ không có vần, nhưng vẫn gợi được trong lòng người đọc những xúc cảm. Hai câu thơ có thể hiểu theo nhiều cách. Có thể hiểu là nỗi trăn trở về sự tìm tòi đổi mới thơ, nhưng chưa có đủ đầu đuôi, ngọn nguồn sự việc. Cũng có thể là muốn thoát khỏi sự nghèo nàn, túng thiếu nhưng không đủ điều kiện. Và cũng có thể hiểu theo nhiều cách khác nữa… Trong bài thơ này tình cảm của nhà thơ dành cho quê hương, gia đình cũng thật sâu nặng:
Hoa ơi…
Ngày mai con tôi tung tăng sách vở
Mẹ tôi thiếu hụt bữa cơm nghèo
Thương đời sinh nhầm nơi đá sỏi
Tủi phận ngày hoang vu
Quê nhà mùa giáp hạt
Đành lưu lạc rong rêu!
Những câu thơ trên nghe thật xót xa. Nhưng sự xót xa ấy không kéo dài. Mặc dù nhân vật trữ tình bước vào đêm nhưng không bị màn đêm che phủ, không như chị Dậu trong đêm vùng dậy chạy ra ngoài, trời tối đen như mực.
Tôi bước vào đêm
Lòng bao dung đóa sen trời sáng!
Còn bài thơ “Nắng lên”, nhà thơ Văn Nguyên Lương viết theo thể thơ lục bát vắt dòng, thể thơ lục bát cách tân. Đây là thể thơ dễ làm nhưng khó hay. Ở tập thơ này Văn Nguyên Lương có những câu thơ hay:
Cánh diều trĩu nắng
Trú vào mây xanh
Và:
Ngô đồng thay lá
Điệu xanh hửng hờ.
Hay:
Níu mây
nhuộm một vẩn thơ.
Tuy nhiên vẫn còn một số câu thơ có sự mơ hồ gây khó hiểu cho người đọc.
Có thể nói “Bước đêm đợi nắng lên” là một tập thơ hay, đậm chất nhân văn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét