Thứ Ba, 20 tháng 8, 2019

BỊN RỊN TRẦN GIAN” CỦA LÊ THỊ QUỲNH DUNG VÀ “PHỤNG HIẾN” CỦA BÙI GIÁNG – Châu Thạch

 
BỊN RỊN TRẦN GIAN
 
Nếu bảo tôi hãy cuốn gói lên đi về thế giới khác
Thì tần ngần tôi còn tiếc trần gian
Lúc ra đi đâu tiếc bạc tiếc vàng
Bởi tôi nghèo và từng tay trắng
 

Tôi chỉ ngại bên kia – thế giới khác
Không ánh trăng, không nước chảy diệu kỳ?
Không đất đá muôn màu lên hoa đẹp
Không câu hát ngọt ngào sâu lắng
Tặng dân gian trên sân khấu cuộc đời
Không cả đắng cay trong lời nhạc
lưu luyến chân người và chua xót lên môi.
 
Không những điều chưa nói nên lời
Chỉ ánh mắt yêu nhau từng hiểu
Dầu chỉ thoáng chốc thôi
Như món quà nhận biếu
Trần gian đầy món nợ nhân văn
Không những tình bạn buổi lang thang
Tâm tư trao nhau lời chia xẻ
Không những khúc thương à ơi người mẹ trẻ
Tiễn chồng đi không thấy ngày trở về
Ôm con mình lên tận đỉnh sơn khê
Lòng hoá đá và tình yêu hoá đá.
 
Tôi sống và lớn lên giữa đống tro tàn đổ nát
Tự vượt lên mình tìm số phận vui may
Luôn thất bại tôi tìm trong cô quạnh
Niềm thơ yêu mà bồi đắp tâm hồn
 
Nếu phải ra đi
Lòng rất bồn chồn
Chưa nói hết những điều suy nghĩ
Đôi tay trần còn nhiều mộng mị
Nên chưa thể nào viết trọn ý nhân gian.
 
Sao nhặt sao thưa nhìn tôi kiểu chập chờn
Tôi cúi xuống âm ỉ buồn câm lặng
Râm ran lắm thôi mình ra ngõ vắng
Nhìn cá vàng thơ thẩn một mình thôi
 
Dẫu có đơn côi nhưng mình tự tại
Yêu trần gian theo lối của riêng mình.
Trần gian này muôn vẻ kiếp nhân sinh
Mỗi một vẻ đoạ lòng nhau nhiều vẻ
 
Xin giữ cho nhau những lời chân thật
Tự đáy lòng lên nhạc lên thơ
Trần gian này còn lắm bụi mờ
Thì ít ra góc riêng mình chiu chắt.
 
Trần gian này còn đấy thu mơ
Dẫu hoà bình đánh đổi bằng cái chết.
Trần gian này còn đấy bụi mờ
Vẫn đẹp lắm, gợi hồn thơ bay nhảy.
 
 Lê Thi Quỳnh Dung
 

PHỤNG HIẾN

 
Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.
 
Cây và cối, bầu trời và mặt đất
Ðã nhìn tôi duới sương sớm trăng khuya
Mở buồng phổi đón gió bay bát ngát
Dừng bên sông bên cát bụi chia lìa.
 
Hoàng hôn xuống bình minh lên nhịp nhịp
Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng
Ngày rực rỡ đêm êm đềm kế tiếp
Ðón chào tôi chung cười khóc bao lần.
 
Tôi đã gởi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong.
 
Sông trắng quá bảo lòng tôi mở cửa
Trăng vàng sao giục cánh mộng tung ngần
Gió thổi dậy lùa mơ vào bốn phía
Ba phương trời chung gục khóc đêm dông.
 
Những giòng lệ tuông mấy lần khắc khoải
Những nụ cười tròn mấy bận hân hoan
Những ngoảnh mặt im lìm trong ái ngại
Những bắt tay xao động với muôn vàng.
 
Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi.
 
Trần gian hỡi tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than
Tôi ngẩn mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thâm đen
 
Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ em yêu.
 
Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là ủy mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh
 
Em đứng mũi anh chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
 
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi, cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.
 
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao.
 
Nhưng em hỡi, trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi
Ta chết lặng, đành bó tay đầu lắc        
Ðài Siêu ôi, xuân sắc rụng mất rồi.
 
Ðêm ứa lệ căng phồng mi hai mắt
Bàn tay ta nhỏ như lá cây khô
Mình hoa rã đầm đìa sương theo mốc
Ðỡ làm sao những cánh tiếp nhau rơi.
 
Ta gởi lại đây những lời ảo não
Những lời yêu thương phụng hiến cho em
Rồi ta gục đầu trên trang giấy hão.
 
Em bão rằng đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thấm lại với trời hồng
Em bão rằng đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thấm lại với trời hồng.
                                   
Bùi Giáng
 
Lời bình Châu Thạch
 
Sẽ có người không đồng ý khi tôi đem thơ Lê Thị Quỳnh Dung và Bùi Giáng để cạnh nhau. Họ sẽ cho rằng sự so sánh nầy thật là khập khiễng. Thật ra tôi chỉ muốn tá khách hai bài thơ vào nhau để được nhìn hai cái đẹp được trọn vẹn từ những góc cạnh của nó. Tôi không hề muốn so sánh mức độ cao thấp, vai vế trên văn đàn, hay nhiều hoặc hay ít của mỗi bài thơ. Cái đó tùy cm nhận của mỗi cá nhân, người đọc sẽ tự thấy khi thưởng thức nó. Hai bài thơ của hai tác giả ở thời đại khác nhau, ý tưởng thơ họ giống nhau mà phong cách thơ họ khác nhau, cùng bin rịn trần gian và cũng phụng hiến trần gian. Tiếng lòng họ giống nhau nhưng tiếng thơ họ khác nhau, như hai loại đàn riêng biệt cùng hòa âm một cung đàn, vọng vào hồn ta một bản nhạc vàng êm ái.    
 
Đầu tiên ta hãy nghe cả hai nhà thơ thương tiếc và bịn rịn trần gian nầy nếu họ phải lìa đời:
 
Quỳnh Dung:
Nếu bảo tôi hãy cuốn gói lên đi về thế giới khác
Thì tần ngần tôi còn tiếc trần gian
Lúc ra đi đâu tiếc bạc tiếc vàng
Bởi tôi nghèo và từng tay trắng
 
Bùi Gíáng
Ngày sẽ hết, tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.
 
Tiếp theo ta hãy nghe hai nhà thơ thổ lộ những điều làm họ lứu luyến trần gian:
 
Quỳnh Dung:
Tôi chỉ ngại bên kia – thế giới khác
Không ánh trăng, không nước chảy diệu kỳ?
Không đất đá muôn màu lên hoa đẹp
Không câu hát ngọt ngào sâu lắng
Tặng dân gian trên sân khấu cuộc đời
Không cả đắng cay trong lời nhạc
lưu luyến chân người và chua xót lên môi.
 
Bùi Giáng:
Cây và cối, bầu trời và mặt đất
Ðã nhìn tôi duới sương sớm trăng khuya
Mở buồng phổi đón gió bay bát ngát
Dừng bên sông bên cát bụi chia lìa.
 
Hoàng hôn xuống bình minh lên nhịp nhịp
Ngàn sao xanh lùi bước trước vừng hồng
Ngày rực rỡ đêm êm đềm kế tiếp
Ðón chào tôi chung cười khóc bao lần.
 
Tôi đã gởi hồn tôi biết mấy bận
Cho mây xa cho tơ liễu ở gần
Tôi đã đặt trong bàn tay vạn vật
Quả tim mình nóng hổi những chờ mong.
 
Thê rồi cả hai nhà thơ không chỉ lưu luyến cảnh đẹp của trần gian mà lưu luyên cả nhưng thăng trầm mà họ nhận được trong cuộc sống giữa trần gian:
 
Quỳnh Dung:
Không những điều chưa nói nên lời
Chỉ ánh mắt yêu nhau từng hiểu
Dầu chỉ thoáng chốc thôi
Như món quà nhận biếu
Trần gian đầy món nợ nhân văn
Không những tình bạn buổi lang thang
Tâm tư trao nhau lời chia xẻ
Không những khúc thương à ơi người mẹ trẻ
Tiễn chồng đi không thấy ngày trở về
Ôm con mình lên tận đỉnh sơn khê
Lòng hoá đá và tình yêu hoá đá.
 
Tôi sống và lớn lên giữa đống tro tàn đổ nát
Tự vượt lên mình tìm số phận vui may
Luôn thất bại tôi tìm trong cô quạnh
Niềm thơ yêu mà bồi đắp tâm hồn
 
Bùi Giáng:
Sông trắng quá bảo lòng tôi mở cửa
Trăng vàng sao giục cánh mộng tung ngần
Gió thổi dậy lùa mơ vào bốn phía
Ba phương trời chung gục khóc đêm dông.
 
Những giòng lệ tuông mấy lần khắc khoải
Những nụ cười tròn mấy bận hân hoan
Những ngoảnh mặt im lìm trong ái ngại
Những bắt tay xao động với muôn vàng.
 
Những người bạn xem tôi như ruột thịt
Những người em dâng hết dạ cho tôi
Những người bạn xem tôi là cà gật
Những người em không vẹn nghĩa mất rồi.
Quỳnh Dung cũng như Bùi Giáng, cả hai đều thổn thức khi phải lìa trần gian. Lúc nầy họ mới bày tỏ hết tình yêu của họ với trần thế, chẳng khác chi người tình tỏ hết lòng mình khi sắp xa rời người yêu:
 
Quỳnh Dung
Nếu phải ra đi
Lòng rất bồn chồn
Chưa nói hết những điều suy nghĩ
Đôi tay trần còn nhiều mộng mị
Nên chưa thể nào viết trọn ý nhân gian.
 
Sao nhặt sao thưa nhìn tôi kiểu chập chờn
Tôi cúi xuống âm ỉ buồn câm lặng
Râm ran lắm thôi mình ra ngõ vắng
Nhìn cá vàng thơ thẩn một mình thôi
 
Dẫu có đơn côi nhưng mình tự tại
Yêu trần gian theo lối của riêng mình.
Trần gian này muôn vẻ kiếp nhân sinh
Mỗi một vẻ đoạ lòng nhau nhiều vẻ
 
Bùi Gíang
Trần gian hỡi tôi đã về đây sống
Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than
Tôi ngẩn mặt ngó ngàn mây cao rộng
Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thâm đen
 
Tôi chấp thuận trăm lần trong thổn thức
Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ em yêu.
 
Tôi tự nguyện sẽ một lòng chung thủy
Qua những lần buồn tủi giữa đảo điên
Thân xương máu đã đành là ủy mị
Thì xin em cùng lên thác xuống ghềnh
 
Em đứng mũi anh chịu sào có vững
Bàn tay bưng đĩa muối có chấm gừng
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương
 
Cả  hai nhà thơ đều tự nhủ với lòng mình hãy giữ tình yêu với trần gian mãi mãi dầu trần gian có lắm điều làm mình chua xót:
 
Quỳnh Dung:
Xin giữ cho nhau những lời chân thật
Tự đáy lòng lên nhạc lên thơ
Trần gian này còn lắm bụi mờ
Thì ít ra góc riêng mình chiu chắt.
 
Bùi Gíang:
Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi
Trần gian ôi, cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn.
 
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao.
 
Nhưng em hỡi, trần gian ôi ta biết
Sẽ rồi ra vĩnh biệt với người thôi
Ta chết lặng, đành bó tay đầu lắc        
Ðài Siêu ôi, xuân sắc rụng mất rồi.
 
Ðêm ứa lệ căng phồng mi hai mắt
Bàn tay ta nhỏ như lá cây khô
Mình hoa rã đầm đìa sương theo mốc
Ðỡ làm sao những cánh tiếp nhau rơi.
 
Cuối cùng cả hai nhà thơ đều có một hy vọng lạc quan với trần gian. Họ chia tay trần gian với “hồn thơ bay nhảy”, để lại  “trang thơ thắm lại với trời hồng”:
 
Quỳnh Dung:
Trần gian này còn đấy thu mơ
Dẫu hoà bình đánh đổi bằng cái chết.
Trần gian này còn đấy bụi mờ
Vẫn đẹp lắm, gợi hồn thơ bay nhảy.
 
Bùi Giang
Ta gởi lại đây những lời ảo não
Những lời yêu thương phụng hiến cho em
Rồi ta gục đầu trên trang giấy hão.
 
Em bão rằng đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thấm lại với trời hồng
Em bão rằng đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thấm lại với trời hồng.
 
Bài thơ “Phụng Hiến” của Bùi Giáng thì đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để ca tụng nó rồi. Bài thơ ”Bịn Rịn Trần Gian” của Lê Thị Quỳnh Dung chỉ mới vừa sáng tác một vài ngày gần đây, và có lẽ Châu Thạch là người đầu tiên viết về nó. Ta thấy trong “Phụng Hiến”, Bùi Giáng lưu luyến nhiều vẽ đẹp trần gian nhưng chỉ viết lướt qua những nỗi đau của trần thế. Ngược lại trong “Bịn Rịn Trần Giàn”, Quỳnh Dung lại lưu luyến nhiều những nỗi đau của trần thế mà chỉ viết lướt qua nhừng vẽ đẹp của trần gian. Điều nầy khác với nhiều nhà thơ xưa nay, nhất là khác với các bài thơ thiền, thơ đạo. Đa số các nhà thơ đều chán nản với nỗi đau khổ đế, mơ ước về với một thiên đàng vinh hiển, một niết bàn cực lạc hay một cõi vô vi để thong dong rong chơi ở cõi vĩnh hằng.
Với tôi, “Bịn Rịn Trần Gian” đưa ta đên sự sâu nhiệm một ý nghĩa mới trong cuộc sống, gợi cho ta một tình yêu trần gian mới, khác với những lẽ đạo thường tình cứ cho trần gian đầy xấu xa đau khổ,  cho ta khám phá được chiều sâu của mọi tâm hồn sống trên đất rằng, ai cũng yêu thế gian nầy mặc dầu trên môi cứ ta thán thế gian./.
                                                                   
Châu Thạch
 
Tái Bút: Xin đăng thêm thảo luận của tác giả bài thơ Lê thị Quỳnh Dung để rõ nét thêm:
“Thật là xúc động khi đọc bài bình thơ mới vừa xuất xưởng của nhà bình thơ Châu Thach. Nhưng Q cũng hơi ngượng ngượng khi thơ mình được cho đứng bên bài thơ kinh điển Phụng Hiến của Bùi tiên sinh. Thật sự, Q chỉ nghe nói đến tên bài thơ Phụng Hiến mà chưa được đọc. Nay , nhờ sự phân tích và dẫn ra đây, Q mới hiểu vì sao nó được nhiều người nhắc tên.
Q viết theo cảm xúc rất thật của mình sau khi tương tác thơ và đọc giao luu, nghe giao lưu thơ, nhạc trên fb. Từ đó, liên tưởng, hình dung và hồi tưởng mọi diễn biến đa dạng của cuộc đời mà mình đã đi qua, đã chiêm nghiệm và trả giá. Đắng nhiều hơn ngọt, nhưng có đắng thì mới quý ngọt. Có ngọt thì mới thấm đắng. Đắng , ngọt luân hồi chảy mãi trong tâm để cảm xúc thơ miên man , bất tận. Ngôn ngữ của Q vốn mộc mạc, nên được đặt cạnh ngôn ngữ lão làng của tiền bối, thật sự Q thấy thèn thẹn sao ấy.
Nhưng sau lời bình này, Q nghiêm ra rằng dầu không đứng chung thời đại, nhưng tâm tình người làm thơ ,yêu thơ luôn có những cảm xúc đồng dạng. Bởi có yêu đời thì mới yêu thơ. Yêu đôi khi say sưa đến như lú lẫn và có chút điên khùng. Nếu tỉnh quá, chắc không bao giờ dám thổ lộ lòng mình vì sợ bị phê phán và ném đá.
Cái nhân thân nhà giáo cũng gây không ít trở ngại cho Q khi phiêu thơ. Thơ chưa thể nào thoát ý hết mình như con tằm được thoát ra ngoài cái kén , thành nhộng, thành sâu rồi hóa ngài, hóa bướm bay lên. Trong khoảnh khoắc, thơ chỉ mới là tâm sự đêm khuya.”./.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét