Lễ hội núi Bà Đen
                                 “Bầu trời cảnh bụt
Chốn Hương sơn ao ước bấy lâu nay
Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải?…”
( Chu Mạnh Trinh) 
                              
                 Nếu Chu Mạnh Trinh, trong hai câu thơ trên đã cho rằng động núi Hương Sơn là đệ nhất động dưới trời Nam; và chúa Trịnh Sâm cũng từng phong tặng cho động núi này là “Nam thiên đệ nhất động”; thì núi Bà Đen cũng xứng ngôi là đệ nhất trong những danh sơn của miền Nam bộ. Cao nhất, thì đã rõ! Gần một ngàn mét dựng lên giữa đồng bằng Tây Ninh, nơi chỉ có độ cao bình quân khoảng ba mươi mét trên mặt nước biển. Trên núi có nhiều hang động, dưới chân lại có hồ chằm đón nước suối từ lòng núi chắt ra nên cây trái bốn mùa xanh tốt.
Vậy cho nên, ngay từ giữa thế kỷ 18, đã có các vị sư tổ chọn các động núi Bà Đen làm chốn tu hành. Sách “Ngọn đuốc Cửa thiền” của Phan Thúc Duy, in khoảng năm 1958-1959 có chép việc sư tổ Đạo Trung (còn gọi là Tổ Bưng đỉa khai sơn) đến tu hành tại núi từ năm 1739. Ông còn được coi là vị bổn sư của bà Lý Thị Thiên Hương. Sau này Bà mất và đắc đạo, linh thiêng trở thành Bà Linh sơn Thánh mẫu. Đến năm 1799, ông rời núi về lập chùa Long Hưng trên đất Bình Dương.
         Tính từ sư tổ Đạo Trung đến năm 1956, đã có bảy đời sư tổ của môn phái Tế thượng Chánh tông kế tục nhau giữ việc tu hành trên núi. Gần 300 năm trôi qua, biết bao “vật đổi sao dời”, các ngôi chùa núi cũng đã bao lần bị tàn phá, do gánh nặng thời gian, thiên tai hoặc do những cuộc chiến tranh. Nhưng, cũng giống như cây rừng, cứ đổ xuống là lại trồi lên những cây non mới; các ngôi chùa núi Bà Đen rồi lại mọc lên. Đến nay thì hầu như đã trở lại huy hoàng một quần thể Phật tích núi Bà, lúc nào cũng có màu ngói mới đỏ tươi hoặc đã kịp sẫm màu rêu phong cổ tích. Nơi không dứt khói hương suốt gần 300 năm qua chính là hang núi Điện bà, cho tới nay vẫn giữ lệ xưa là một điện thờ theo tín ngưỡng dân gian. Không kể phần Võ ca được xây ở phía trước hang, thì phần chánh điện nằm trong hang đá. Hang rộng khoảng 80 m2, ba trăm năm nhang khói đã làm cho trần hang núi Điện Bà thẫm đen như muội đèn. Cùng trên mặt sân có hang núi Điện ở độ cao 225 mét, còn có ngôi chùa Phật, mà tên chữ là Linh sơn Tiên thạch tự. Phía dưới một chút là ngôi chùa Tổ, thờ các đời sư tổ núi Bà. Chùa Phật cho ta một hình ảnh “trùng thềm điệp ốc”, tức là trên một nền chung nhô lên rất nhiều mái ngói. Phía trước là một kiểu kiến trúc tam quan với ba bộ mái nhô lên, chính phụ rõ ràng. Phía sau là toà chinh điện đường bệ có hai tầng mái, mỗi tầng bốn mái có các đầu đao rồng phụng, vân mây, hoa lá cất lên. Chùa Tổ lại là một toà với ba tầng mái chồng lên nhau như kiểu một toà sen. Nguyên gốc ngôi chùa này đã được sư tổ Tâm Hoà tạo tác từ năm 1924, hoàn toàn bằng đá núi, nhưng đã sập từ lâu vì những lý do đã kể. Khi xây dựng các ngôi chùa Phật và chùa Tổ, các vị sư đã khéo léo tận dụng những cột đá của ngôi chùa cũ gắn kết vào công trình mới bằng bê tông cốt thép. Vậy nên mới có đôi cột đá chạm nổi hình rồng cuộn ở tiền sảnh ngôi chùa Phật, và những cột đá gắn với tường bao quanh ngôi chùa Tổ. Những phù điêu chạm khắc của thợ đá xưa, nhờ thế vẫn còn tràn sinh lực với thời nay.
         Chùa Hang
          Vòng qua phía trước Điện Bà, sẽ có lối quanh co qua vực, qua dốc cao mà tới chùa Hang, có tên chữ là Long Châu Linh sơn tự. Long Châu - ngọc rồng, bởi đá núi nơi đây do thiên tạo, cứ chồng xếp lên nhau giống những viên ngọc lo le dưới miệng rồng. Chùa Hang nhỏ như một tổ chim yến đính vào vách núi. Vòng ra mé sau, qua những lối lên ngoắt ngoẻo giữa đá núi, cây rừng ta sẽ tới động núi Ba Cô, nơi giờ đây ngoài ngôi miếu thờ nhỏ thờ ba vị sư cô thời trước, nay đã mọc lên ngôi chùa mới có tên là Quan Âm tự. Đá xếp trên động Ba Cô còn đẹp hơn nữa, bởi như có bàn tay tiên xếp đặt. Phiến thì thẳng đứng như bờ thành, xanh biếc rong rêu; phiến lại nằm nghiêng cho người ngả lưng dưới tán cây rừng lắng nghe âm u tiếng gió luồn qua hốc núi.
        
                                                       Cáp treo Núi Bà
        Trước khi về lại cáp treo xuống núi, người ta có thể quá bộ tìm sang động núi Thanh Long, cũng là một chốn cây, đá xen nhau tạo thành một cảnh “Bồng lai”. Nghe nói gần đọng Thanh Long, xưa còn có chùa Hoà Đồng, ngôi chùa cũ bị chiến tranh tàn phá duy nhất còn chưa xây dựng lại.
         Lãng đãng cáp treo, ta còn thấy về phía bên tay phải những mái ngói tựa như những đoá sen hồng nở đỏ, nhô lên giữa rừng cây. Đấy là các ngôi chùa Long châu Phước Trung và Linh sơn Phước Trung (gọi tắt là chùa Trung Hang và chùa Trung). Không mấy ai biết rằng, tất cả những kiến trúc làm nên Thắng tích Phật giáo vừa kể đều được sinh ra trong khoảng 15 năm trở lại đây, nhờ quyết tâm của một vị Sư nữ trụ trì - Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa. Chỉ bằng những tờ tiền lẻ 500, 1000 đ người dân tứ xứ bỏ vào chuông khi tới chùa cúng Phật, Ni trưởng đã tích cóp dành dụm lại để khôi phục dần từng ngôi trong Thắng tích Phật giáo bậc nhất dưới trời phương Nam. Mười sáu năm Ni trưởng trụ trì, kể từ năm 1992 đến nay cũng là thời hưng thịnh, vàng son nhất của núi Bà Đen, với mỗi năm có khoảng gần 02 triệu khách hành hương viếng núi.
         Đến núi Bà Đen, xin ai đó đừng quên đống đá đã tạc thành cột, kèo nay xếp gọn trước lối từ ga cáp treo lên sân núi Điện Bà. Đấy chính là những gì sót lại của ngôi chùa Tổ bằng đá xưa, thời sư tổ Tâm Hoà (1861-1939). Cạnh đó còn một di vật đá, có vẻ không liên quan gì đến Tâm linh, Tín ngưỡng. Đấy là chiếc cối đá to cỡ đường kính và chiều cao gần 01 mét, đáy đã mòn lõm xuống. Theo lời các vị sư già, thì đã có không biết bao nhiêu tấn thóc qua chiếc cối này để Tăng, Ni, Phật tử giã thành gạo nuôi mình và nuôi bộ đội ta suốt hai thời kháng chiến. Cùng với những bia đài tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh, thì chiếc cối cũng là chứng tích của lòng dân luôn hướng về Cách mạng; một minh chứng của phương châm Giáo hội Phật giáo: “Đồng hành cùng dân tộc”  
T.V