Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

HẠNH NGỌC - Truyện ngắn Nguyễn Đức Thiện

                
Con sông Vàm Cỏ Đông khúc này tạo thành một đường cong ôm trọn lấy bến phà có cái tên Cây Ổi. Không biết từ bao giờ người ta gọi đây là bến Cây Ổi. Chẳng thấy có cây ổi nào hết. Một bờ đất không rộng. Một con phà nhỏ xíu chỉ có thể chở người và vài ba thứ hàng hoá nhẹ qua sông. Bên này sông là đất Hoà An, thuộc Việt nam. Bên kia có thêm dẻo đất nữa của ngừơi Việt Nam nằm áp sát với đất Campuchia. Có những cánh đồng. Khi thì lúa, khi thì đậu phộng. Có mấy ngôi nhà. Vì còn có những ngôi nhà và có những cánh đồng mà ở đây cần có con phà nhỏ bé kia. Trên phà chỉ cần có một con sào để đẩy phà tách bến. Một sợi dây cáp dăng ngang sông. Con phà được neo vào sợi dây cáp ấy bằng hai sợi cáp khác gắn những bánh xe có thể trượt trên sợi dây cáp dăng ngang. Khi đưa phà qua sông, người lái phà chỉ có một cây gỗ, đẽo một cái ngoàm, gắn vào sợi cáp và lắc mạnh. Con phà nặng mấy cũng được kéo qua sông nhờ sợi dây cáp và khúc gỗ kia.

               Người lắc phà qua sông là một người đàn ông chừng ngoài ba mươi tuổi, có cái nhà bé nhỏ nằm sát bờ sông. Anh gày guộc như một gốc bằng lăng già cớm nắng. Suốt ngày trôi qua, trôi lại trên sông, gió làm cho mái tóc của anh chỏng lên mất trật tự. Nắng biên giới làm cho gương mặt anh xạm lại. Dân hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông này bảo nhau rằng anh là ngươi chở phà dễ tính nhất từ trước đến nay ở bến Cây Ổi này. Giờ nào cũng thấy có mặt anh ở bến phà. Giờ nào cũng có thể gọi anh đưa phà sang sông. Kể cả những khi khuya khoắt, kể cả lúc bão giông. Thậm chí chỉ một người qua sông, anh cũng cho phà tách bến. Chỉ mất có chút công sức chớ có mất cái gì đâu mà không giúp người ta! Anh bảo với những người thắc mắc vì sự nhiệt tình có vẻ thái quá của anh như vậy. Đấy là cách anh nói còn với anh, không lắc phà qua sông thì còn biết làm cái gì. Ruộng rẫy không, chuồng trại chăn nuôi không, vợ không, con không, thú vui duy nhất trong đời anh chỉ có hai việc: cắm câu trên sông và lắc phà cũng ở trên sông.

* * *

              Bến Cây Ổi không có cây ổi, nhưng lại có một cây me già. Cây me mọc sát ngay cạnh bờ sông. Có lẽ cũng vì nằm sát cạnh bờ sông nên ngay từ lúc mọc cây me đã tự tạo cho mình một thế đứng vững chãi. Không tròn trịa mà chành thành ba góc. Mỗi góc choãi ra cắm xuống đất như một cái chân kiềng. Ngày còn nhỏ, chắc cây me phải khốn khổ lắm mới trụ lại được ở mép sông, còn bây giờ thì, muốn bứng được nó đi cũng khó. Toàn bộ cành lá đều vươn ra ngoài mặt sông, che mát cả một khúc sông Vàm Cỏ Đông. Chếch bên này gốc me là bên Cây Ổi. Ở đấy có vài cái quán nhỏ bán nước giải khát và vài thứ đồ ăn đơn giản cho người chờ đợi chuyến phà. Bên kia nối với một dải rừng mọc dọc ven sông. Lùi sâu vào trong, ở một triền cao hơn là trụ sở của Uỷ ban nhân dân xã Hòa An.
               Tôi mất nhiều thời gian để mô tả về bến Cây Ổi, vì sợ rằng không làm cho bạn đọc hình dung ra một bến phà nằm heo hút ngay sát đường biên giới này. Nhưng còn bởi một lẽ nhưng nhân vật chính của câu chuyện vẫn chưa xuất hiện nên chưa có chuyện để mà nói. Còn bây giờ họ đã đến kia rồi. Trước hết là một người đàn ông lùn đủn. Anh đến bằng một chiếc xe honda đam. Thứ xe có từ hồi còn ngụy quyền Sài Gòn. Vì thế nó cũ như không thể cũ hơn. Nhưng chắc chủ của nó chăm sóc khá kỹ nên tiếng máy xe còn chắc khoẻ, vâm váp. Anh dựng xe ngay sát gốc cây me và ngước nhìn tán lá xanh. Một lát, anh bước lại, bám tay vào gốc cây lần sờ như tìm một thứ gì trên lớp vỏ xù xì của nó. Một nét đăm chiêu hằn lên trên gương mặt anh. Không có gì thể che được sự xúc động của anh. Hai mắt trĩu xuống. Cắp môi hơi mím lại.
               Người thứ hai xuất hiện sau đó ít phút. Cũng một người không lấy gì làm cao. Anh này có một bên chân bị tật, nên cứ lết lết mỗi khi bước. Anh ta bước lại phía người đến trước:
         - Đến hồi nào thế, anh Hai?
         - Được một lát rồi. Anh Bảy…
               Hai người vừa chào hỏi nhau xong thì người thứ ba cũng đến, đó chính là anh lắc phà trên sông:
         - Anh Hai, anh Bảy.
               Như đã nói ở trên, con phà ở một bến sông heo hút nên khách chẳng có nhiều. Lúc này cả hai bên, không một bóng người. Đã gần giấc trưa rồi.
         - Anh Bảy nè, anh có nhớ hồi đó mình làm cái chòi gác ra cả ngoài sông không?
         - Giống cái nhà thuỷ tạ chớ gì. Mà này, cái đám ván làm sạp hồi đó đâu rồi hén.
         - Làm gì còn. Tôi về không kịp. Họ dỡ sạch trơn từ lâu rồi. Tiếc thực đó. Bao nhiêu cuộc họp chi bộ ở đó. Bao nhiêu anh em tHạnh Ngọc binh nằm trên đó. Có cảnh anh em mình hy sinh cũng nằm trên đó. Tôi còn nhớ trên mấy tấm ván ấy có chỗ máu anh em mình thấm vào thành những vết thâm đen.
               Anh lắc phà lên tiếng:
          - Ngày họ dỡ cái chòi tôi có biết. Tôi cản họ không được. Họ biểu hết chiến tranh rồi còn cần cái chòi ấy làm gì nữa…
               Cả ba bỗng cùng im lặng. Anh lắc phà chạy về chòi mình mang ra gốc cây một cái bàn mủ. Kẹp thêm mấy cái ghế nhỏ cũng bằng mủ. Lát sau, ngay dưới gốc cây me đã có một mâm nhậu đơn giản. Hình như anh lắc phà đã chuẩn bị từ trước rồi. Một con vịt luộc. Thịt bóc xé ra. Thêm ít rau cải bắp, nước mắm, gừng, rau răm. Thêm một thố cháo và mấy cái chén. Cuối cùng là can rượu. Giá mà còn cái chòi nằm chìa ra mặt nước mà nhậu lai rai thì hay biết mấy. Họ tiếc cái chòi vì thế chăng. Trước khi ly rượu đầu đước nâng lên, anh Hai nói:
         - Bữa nay tụi tui phải nói với chú Tám một chuyện. - Chuyện chi vậy các anh Anh lắc phà nhướng mắt ngạc nhiên nhìn cả hai người.
         - Chuyện vợ con của chú. Chú ở vầy là không được rồi. Một mình một chòi thế này… lúc mạnh không sao, lúc đau yếu ai lo cho chú? Hay chú có ai đó để chờ đợi?
               Anh lắc phà cười, nụ cười hiền lành:
         - Có ai thì các anh biết hết cả rồi. Mà làm gì có ai đâu. Tại kiếp em nghèo phải vậy thôi…
               Cả anh Hai và anh Bảy biết đó không phải là lý do chính mà anh Tám không lấy vợ.
               Chiến tranh biên giới ập đến xã Hoà An đúng như một cơn lốc. Ban đầu chỉ thấy thấp thoáng bóng lính áo đen của Khơ me đỏ thập thò bên kia biên giới. Đã nghe bên kia có những cuộc tàn sát đẫm máu. Nhưng không ai nghĩ rằng bỗng chốc súng nổ điếc tai ở cái xã biên giới hẻo lánh này. Mới chập tối còn bình yên. Nửa khuya cả xã bừng thức giấc vì tiếng súng. Tin loang ra rất nhanh, ấp Ba Chàm đã bị lính áo đen chiếm hoàn toàn. Một số bà con bên đó tháo chạy sang Hoà An, khóc lóc thảm thiết. Không còn kịp biết được ai còn, ai đã bị giết. Lúc đó, trên chiếc chòi nằm chìa ra bờ sông còn một tiểu đội du kích. Anh Hai Chủ tịch xã bật dậy ngay khi nghe tiếng súng đầu tiên. Từ bên ngoài, Tám như nhảy lên các bậc thang vào chòi: - Anh Hai. Khơ me đỏ tràn vào Ba Chàm rồi. - Còn hướng Lồ Cồ, hướng Tà Nông thì sao? - Chúng chưa rục rịch nhưng nhất định thế nào chúng cũng tràn sang thôi. Chúng đang tập trung đánh vào phía đồn biên phòng Phước Tân. Tiếng súng bên ấy nổ dữ dội lắm. Không biết anh em bên ấy thế nào rồi… Tiếng súng cũng làm cho anh Bảy bừng thức giấc. Anh đến xã Hoà An này đã được vài ngày. Phải kiên trì lắm anh mới thuyết phục được cơ quan cho anh đi sáng tác ở mảnh đất biên giới này. Anh là một nhà thơ. Không đơn giản mà anh đến được đây. Đường chưa mở. Trong xã chỉ có những con đường mòn. Muốn đến đây phải ngồi mấy tiếng đồng hồ trên còn đò dọc. Khởi hành mãi dưới Bến Sỏi. Vốn là người ham những vùng đất lạ, khi được cử đi sáng tác, anh Bảy gợi ý xin được đến nơi nào hiện khó khăn nhất của tỉnh Tây Ninh này. Anh thực sự thích thú được ngồi trên con đò trôi dọc triền sông Vàm Cỏ Đông. Những cánh bèo có những bông tím biếc trôi trên sông. Những cánh rừng phủ những tán lá xanh trôi êm êm trên đầu. Những bông trắng mong manh như những cánh bướm hai bên bờ. Tiếng chim ríu rít đuổi theo con đò. Và cuối cùng, đến bến Cây Ổi và dừng lại. Anh leo lên chiếc chòi ven sông và gặp anh Hai. Khách lạ, mà lại là khách thơ, khiến anh Hai vui ra mặt. Anh hy vọng từ một nhà thơ để nay mai cả nước biết đến một vùng quê cách trở đường đò này, biết được con người ở đây. Ông tỏ hết lòng hiếu khách cho anh Bảy thấy và anh cũng hy vọng từ lòng hiếu khách ấy mà nay mà từ ông nhà thơ này mà người người đến với quê anh nhiều hơn. Vì thế mà chỉ vài ngày, anh Hai và anh Bảy đã thân thiết như hai anh em. Khi rục rịch có chiến tranh, anh Hai kêu anh Bảy rút về phía sau, anh Bảy không chịu. “ Cứ để tôi ở lại, biết đâu, tôi có thể giúp gì được cho anh. Anh biết đã có thời tôi là bộ đội mà. Nếu không bị tHạnh Ngọc làm nhúc nhắc một chân, tôi vẫn ở bộ đội đó . Anh Bảy đã biểu với anh Hai như vậy. Nên đêm ấy, anh Bảy cũng thức giấc vì tiếng súng nổ râm ran. Cuộc chiến tranh trước vừa kết thúc chưa được bao lâu. Yên bình chẳng được mấy ngày, lại nghe súng nổ, ai mà chẳng lo lắng. Dân đã được bố trí cho sơ tán từ nhiều ngày nay.Ở những nơi khác việc sơ tán chắc chẳng mấy khó khăn, còn ở đây, đưa được một gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm là cả một thử thách. Cả xã chỉ có vài chiếc xe bò, vài chiếc xe đạp thồ. Chỉ có một chiếc xe máy của ông Năm Kía đã được huy động để phục vụ cho công tác liên lạc. Nhà cửa bỏ lại hết. Các gì chất được lên lưng bò thì chất lên lưng bò. Cái gì vác được lên vai thì khoác lên vai. Lưng còn để cõng những đứa trẻ. Huy động được vài con đò để đưa người xuôi về Bến Sỏi. Còn tất cả đi bộ. Những ngày đầu đoàn người xuôi về hướng Châu Thành còn nhẩn nha mà đi. Những ngày sau đó thì vừa đi vừa chạy. Cho đến hôm nay, khi tiếng súng đã nổ thì trong xã chỉ còn anh em du kích. Thấy anh Bảy đã thức giấc, anh Hai nói ngay vẻ không được hài lòng:
          - Tôi đã nói anh rút đi sớm, anh không chịu rút bây giờ kẹt lại thế này Lỡ có chuyện gì tôi biết ăn nói sao với cấp trên?
         -Anh không phải nói gì hết. Ai hỏi cứ biểu tôi tình nguyện ở lại. Anh biên chế tôi vào lực lượng du kích đi. Tay tôi còn cầm súng được mà.
         - Thôi được, thế này vậy. Tôi đang thiếu một chính trị viên cho đại đội du kích. Anh giúp tôi, được không?
         - Chuyện chi cũng được. Quân số giờ ta có bao nhiêu. Cậu Tám.
        - Tất cả thanh niên trong xã ở lại hết. Chừng gần bảy chục người. Giờ thêm anh Bảy nữa. Ngoài ra còn…
         - Còn ai nữa? Anh Hai hỏi.
         - Còn hai thày giáo và cô Hạnh Ngọc… Họ không muốn rời khỏi đây vào lúc này.
         - Chiến tranh chớ bộ dỡn chơi sao mà họ đòi ở lại. Nghe anh Hai căng thẳng, anh Bảy lên tiếng:
        - Thêm người nào hay người ấy, anh Hai. Giống tôi tình nguyện ở lại chớ có ai bắt buộc đâu. Bây giờ bắt họ rời địa phương, Hạnh Ngọc có khi họ còn giận mình đó anh Hai.
                Tám nghe anh Bảy nói, đầu gật gật như đồng tình. Anh chợt nhớ đến Hạnh Ngọc.

* * *

               Ngay sau ngày giải phóng, Hoà An đã nghĩ đến việc mở lớp dạy học. Anh Hai khăn gói, gác chiếc xe đạp lên đò xuôi Bến Sỏi. Từ Bến Sỏi, anh đạp xe thêm mấy cây số nữa mới đến cơ quan huyện. Anh đi xin giáo viên. Anh chủ tịch huyện ngạc nhiên nhìn anh Hai. Một xã như Hoà An vội gì nghĩ đến chuyện học hành. Cơm chưa đủ ăn. Ao chưa đủ mặc. Ngay cả lớp học đã có đâu. Anh Hai khăng khăng: cứ cho giáo viên đi rồi xã chúng tôi sẽ lo. Vì thế mà Hoa An có được hai thày và một cô giáo sau đó ít lâu. Đúng như thế thật. Có thày, cô giáo rồi mới tính đến chuyện cho các cháu học ở đâu. Cả xã góp sức. Người vào rừng đốn cây, người đến cất dựng. Bàn của học trò cũng được ghép bằng cây rừng. Rồi cũng đến ngày khai giảng. Vui như hội. Những đứa trẻ đầu tiên đến trường trong những bộ quần áo lành lặn nhất mà cha mẹ chúng lo cho. Những bậc cha mẹ còn mang đến cho các thày cô cả những cái nồi, xoong, dĩa. Họ mang cả đến những hạt lúa, những củ khoai cho thày cô. Dân trong xã chưa thoát ra khỏi cái đói của năm đầu sau chiến tranh, nhưng những thày cô không thể bị đói. Dân chúng ta chưa có chữ. Muốn có chữ phải nuôi thày. Chúng ta phải có bồ lương nuôi chữ. Bà con chúng ta, ai có gì góp nấy, củ mỳ, củ khoai, hạt lúa. Mang cho thày cô giáo giống rau có thể trồng nhanh, thu hoạch nhanh. Mang cho thày cô con gà, con vịt để thày cô nuôi. Anh Hai đã nói như thế khi khai giảng.
               Tám ngày ấy còn trẻ, háo hức với những lời nói nhiệt tình của anh Hai mà có mặt ở trường hằng ngày. Sáng sớm, đến gánh cho đầy lu nước của các thày cô. Trưa đến thăm hỏi xem thày cô có cần gì. Chiều, bao giờ cũng là một bó củi thật khô.
               Ở đấy có Hạnh Ngọc. Giữa vùng quê hẻo lánh, toàn nắng gió với những con người da thịt lúc nào cũng khét cháy và đen đúa, Hạnh Ngọc như một bông hoa trắng muốt đẹp tinh khôi. Tám năng đến đây có cái lẽ của một người có trách nhiệm, nhưng còn có thêm cái lẽ được nhìn thấy Hạnh Ngọc. Nhỏ nhắn, mái tóc buông dài, gương mặt nhẹ nhõm và nụ cười kèm lúm đồng tiền ở một bên má. Không dám hó hé một câu buông thùa. Tám biết thân phận mình. Một anh nông dân làm rẫy rặt, một chữ không biết. Anh vốn sinh ra trên đất Miên. Cha mẹ bị lính Lon Non giết trong một đợi cáp Duồn (1). Anh theo dòng người Việt kiều về lập nên cái xã Hoà An này. Chỉ có một thân một mình, ngoài việc làm rẫy ra chỉ
-Sao thế?
         - Hơn một năm nay, chúng em ở đây. Dạy dỗ học trò chưa biết được cái gì chưa. Nhưng chúng em nợ bà con cô bác nhiều quá rồi. -         
 - Thôi, thôi, thôi… các thày cô lên đây với chúng tôi đã là quý lắm rồi. Ai việc người nấy. Bây giờ, ngay lập tức, các thày cô phải rời xã chúng tôi ngay. Nguy cấp lắm rồi…
               Hạnh Ngọc nhìn Tám. Đôi mắt chứa đầy một câu hỏi và Tám biết chắc là không thể nào trả lời nổi.
               Tám khoát tay:
          - Tôi phải báo cáo chuyện này với anh Hai. Anh Hai quyết thế nào, tôi chịu thế. Tám quay ra.
               Hạnh Ngọc gọi:
         - Anh Tám.
               Tám quay lại. Hạnh Ngọc đến sát bên anh:
         - Cứ để tụi em ở lại đây. Tụi em sẽ không làm cản trở công việc của xã đâu.
                Thế rồi Hạnh Ngọc thong thả bước theo Tám ra con đường mòn dẫn ra bờ sông Vàm Cỏ Đông. Họ dừng lại bên bến Cây Ổi. Lúc ấy, trời đã chiều rồi. Anh nắng chiếu nghiêng lọt qua những kẽ lá làm mặt sông có những vầng sáng lấp lánh. Có những chỗ, những giọt nắng tạo thành những chấm sáng long lanh. Tám bâng khuâng. Vừa vui, vừa ngượng ngùng. Vẫn là chuyện đi ở thôi. Tiếng Hạnh Ngọc thỏ thẻ:
          - Ban đầu lên đây, chúng em sợ lắm. Đêm nghe tiếng tắc kè kêu mà giật mình. Thấy những đứa trẻ trố mắt nhìn mà lo. Thấy bà con lam lũ làm vẫn không đủ miếng ăn mà sợ. Thế mà hơn một năm nay, bà con không bỏ chúng em một ngày nào. Em biết trong xã có người ngày giỗ còn phải ăn củ mỳ, cúng cấp người thân cũng bằng củ mỳ thế mà vẫn dành cho chúng em những hạt gạo hiếm hoi kiếm được trên những mảnh rẫy khô cằn. Em còn biết chuyện chị Tám Hoa, chưa chồng, nên chưa con, thế mà tuần nào cũng đội gạo đến cho chúng em. Anh nữa, anh Tám. Chúng em biết nói lời cảm ơn chẳng thể đáp được tấm lòng của anh. Nhưng cũng cứ phải nói. Bây giờ, chúng em biết, tình hình quá căng thẳng rồi. Các anh ở lại được thì chúng em cũng ở lại được. Các anh cứ giao công việc, coi chúng em như ngừơi của xã mình. Nhất định rồi có ngày các em học sinh sẽ quay trở lại. Chúng trở lại ngày nào chúng em dạy ngày ấy.
               Hạnh Ngọc nói nhiều thế, hay thế. Bảo Tám nói, Tám sẽ chẳng biết nói gì hết. Ngay lúc đó, Tám chỉ còn biết nhìn Hạnh Ngọc. Cắp mắt của Tám chắc nói được điều gì khiến Hạnh Ngọc đỏ mặt quay đi, không nói nữa. Hạnh Ngọc đi như chạy về phía lớp học. Còn Tám, nhìn ra mặt sông, nơi có những chấm sáng lóng lánh của những giọt nắng chiều đã nhạt.

* * *
                Ông Hai nâng ly rượu lên đưa mời ông Bảy:
         - Anh Bảy nè. Sao đến tận bây giờ anh cũng chưa có được một bài thơ nào về xã Hoà An này?
               Ông Bảy đón ly rượu, vẻ trầm ngâm:
         - Tôi làm thơ không giống người ta, anh Hai. Những ngày ấy tôi ở đây, thấy hết mọi chuyện. Thấy cả những xót xa của xã này. Vậy mà không làm sao tôi có thể viết được một câu thơ. Khi nghỉ hưu, nhất định tôi về đây xin anh đất, cất chòi ở cũng vì ý đó cả. Tôi vẫn cứ đi tìm một cái gì đó long lanh sáng của mảnh đất này. Mà tìm không ra, mới lạ. Thà làm được một bài thôi cho đáng. Còn làm nhiều mà lãng xẹc, tôi không làm anh Hai ạ. Mà thôi, đừng nói chuyện này nữa. Ta bàn lại chuyện cậu Tám đi. Tám nè, cậu năm nay cũng chòm chèm băm mấy rồi há?
         - Dạ. Tuổi mụ là ba tư rồi anh Bảy…
         - Còn lấy vợ tốt. Chyện đã qua cả chục năm rồi, cho qua đi. - Anh nói cho qua chuyện gì kia.
         - Chuyện cô giáo Hạnh Ngọc ấy…
         - Không, anh đừng nhắc đến cổ. Anh đừng bắt em mang tội với cổ…
                Tám xoè cả hai bàn tay ra trước mặt, xua xua, như muốn xoá tan đi những lời ông Bảy vừa nói. Chúng tấn công phía Lồ Cồ. Chúng tấn công phía Ba Chàm. Chúng tấn công ào ạt đồn Phước Tân. Tám đang ở hướng Tà Nông. Phía trước là những gò mối. Những gò mối lô nhô. Những viên đạn găm vào những gò mối. Những con mối văng ra, hoảng loạn chạy. Phía sau lưng là những cánh rừng chồi. Những cánh rừng chồi đang nẩy những búp non sau cuộc chiến tranh trước. Tám nghe ai đó kêu lên:
         - Chúng chiếm lại được Ba Chàm rồi. Mấy thày cô giáo kẹt lại phía đó rồi… Tám gào lên với cậu trung đội phó ở phía gò mối bên kia: - Giữ chắc ở đây nghe. Không được để chúng chiếm gò mối phía bờ sông kia kìa. Tôi chạy qua bển. Tám xách súng vọt đi. Anh chạy tưởng như chân không bén đất. Có tiếng ai gọi thất thanh khi anh vừa chạy ngang qua bến Cây Ổi:
          - Tám. Anh Hai đang đứng ở bậc cầu thang cái chòi ven sông. Tám ùa tới. Anh Hai nói gấp gáp:
         - Mình đuổi chúng ra khỏi Ba Chàm rồi. Nhưng cô giáo Hạnh Ngọc… Tám nhảy vượt mấy nấc cầu thang một lên chòi. Trên bộ ván gác chòi, Hạnh Ngọc đang nằm đó. Một bên ngực máu vẫn tuôn ra. Mặt cô đã tái nhợt. Mái tóc dài bung ra, xoã xượi trên sàn.
         - Cô giáo Hạnh Ngọc… Hạnh Ngọc ơi…
               Hạnh Ngọc khó nhọc mở mắt nhìn Tám, rồi bất ngờ, cắp mắt ấy dại đi, bất động. Tám muốn gào lên thật to. Nhưng cổ anh đã nghẹn cứng lại. Nước mắt anh trào ra. Nếu hôm ấy anh kiên quyết bắt Hạnh Ngọc rời Hoà An, thì Hạnh Ngọc đâu có nằm kia và đang lạnh dần. Đâu có phải đặt bàn tay lên cặp mắt ngây dại kia và vuốt xuống nhẹ nhàng.
          - Cậu đang nghĩ về cô giáo Hạnh Ngọc, đúng không ?
               Tiếng anh Hai rất khẽ nhưng đủ nghe. Tám gật đầu. Vẫn tiếng anh Hai:
         - Cậu thưong cô giáo Hạnh Ngọc cũng phải thôi. Hôm ấy, tôi cũng có mặt ở cái chòi ven sông này. Tôi hiểu cậu. Anh Hai bỗng thở dài. Anh bỏ ly rượu xuống bàn, nhìn vóng ra ngoài mặt sông và nói như nói với ai đó:
         - Ngày được giải toả ra khỏi vòng vây của Khơ me đỏ, xã mình là một xã thế nào? Cả chục ngàn trái mìn cài khắp ngõ ngách. Lập được nghĩa trang liệt sĩ rồi tôi mới yên tâm xin được nghỉ hưu, nhưng mỗi lần đến nghĩa trang là tôi lại cảm thấy mình có lỗi với bà con xã mình. Có khi nào cậu đọc danh sách liệt sĩ trên đó chưa? Gần một nửa số người trong đó đã chết khi không còn tiếng súng nữa. Chết vì mìn. Chị Lợi Hạnh Ngọc con đói, vào rừng kiếm củ chụp, vấp mìn chết. Đứa con đầu của anh Lợi, Hạnh Ngọc em lại vào rừng đào của chụp. Lại vấp mìn. Đưa về nhà, cháu chỉ kịp nói với cha mình “ Cha ơi đừng ở xứ này nữa”. Hôm ấy, tôi cũng đã trào nước mắt như cậu Tám khi ngồi bên cô giáo Hạnh Ngọc, bữa cổ hy sinh. Cấp trên yêu cầu tôi lên huyện nhận chức vụ cao hơn. Nhưng chỉ được vài năm tôi tôi đã xin quay lại. Vì sao, cậu hiểu chớ…
               Tiếng anh Hai có lúc bị gió từ mặt sông thổi tạt đi. Có cả tiếng sóng của dòng sông Vàm Cỏ Đông xen vào. Nhưng Tám nghe rất rõ, từng lời, từng lời một.
         - Chúng ta còn phải sống. Sống cho những người còn sống và sống cho cả những người đã chết. Hôm nay là ngày giỗ cô giáo Hạnh Ngọc phải không, Tám… Giống như ngày nào trong cái chòi gác chìa ra mặt sông, Tám gật đầu khi nghe anh Hai nói.

* * *
* * *
               Người lắc phà qua sông vẫn là Tám. Bây giờ ta phải gọi là ông Tám. Ông vẫn ốm như gốc cây bằng lăng già cớm nắng. Vẫn lắc phà đưa khách qua sông ở bến Cây Ổi không kể sớm, trưa, chiều, tối. Sáng nay, trước khi lên phà đón khách, ông Tám quay vào nhà gọi: - Bé Hạnh Ngọc đâu rồi…
         - Dạ…
         - Má đi chợ về, con nói với má chuẩn bị đồ ra gốc me cho ba nghe con. Hôm nay, ngày giỗ cô giáo Hạnh Ngọc, Bác Hai, bác Bảy sẽ đến đó. Hai bác đã về hưu cả rồi, chắc là đến sớm hơn đó nghe con! - Dạ… Mà ba ơi!
         - Chi vậy con?
         - Vẫn là thịt vịt luộc bóp gỏi, cháo vịt và rượu phải không ba? - Ừa? Nói má nhớ luộc kỹ. Các bác lớn tuổi rồi, không mềm, mấy bác ăn không được nghe con. Mà hôm nay có cuộc họp phụ huynh phải không con?
          - Dạ. Má sẽ đi họp cho con rồi. Ông Tám bước ra bờ sông, tháo sợi sây xích néo phà. Con Hạnh Ngọc chạy ra theo phụ ba. Con bé có cái dáng mảnh khảnh và có những bước chân nhanh nhẹn. Gương mặt nó thực sáng sủa. Má nó hẳn phải là một người xinh đẹp. Chớ nó mà giống cha thì…
               Chuyến phà buổi sớm mai chỉ có hai người khách. Dù vắng khách, nhưng vẫn cứ phải có con phà. Vẫn cứ còn gốc me. Thêm hơn một chục năm nữa, gốc me đã phình ra to hơn, choãi bộ rễ ra cắm sâu vào lòng đất hơn. Tán lá xoè rộng ra xa hơn ngoài mặt sông. Tất nhiên vẫn cứ còn cái bến mà người ta thường gọi là Cây Ổi. Vẫn chưa ai biết vì sao người ta cứ gọi đây là bến Cây Ổi khi chẳng có cây ổi nào. Rồi một ngày kia, sau lớp người như ông Tám, ông Hai, ông Bảy, sẽ chẳng biết có phải đã có một cô giáo Hạnh Ngọc đã từng hy sinh trên mảnh đất này. Tên cô vẫn ghi trong danh sách liệt sĩ trên đài liệt sĩ kia. Người ta đã lấy tên cô đặt cho một ngôi trường. Song rồi sẽ có lúc người ta hỏi: cô giáo Hạnh Ngọc là ai? Cuộc sống vẫn cứ tiếp trôi. Con sông Vàm Cỏ Đông vẫn không ngừng chảy, mà nước trên sông không về bến cũ. Có phải vì thế không mà ngay cả khi về sống tại đất này, ông Bảy vẫn không làm được một bài thơ về nơi ông từng sống những ngày khốc liệt. Vùng quê nào mà chẳng thế, có cái có mà như không, lại có những cái không mà như có. Như ở bến sông này, không cây ổi, có cây me, thế mà người ta cứ gọi là bến Cây Ổi mà không gọi bến Cây Me…
               Con phà đã tách bến. Bóng ông Tám đổ dài trên mặt sông, lóng lánh những giọt nắng sớm mai. Ngày mới lại bắt đầu.  
NĐT


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét