Sân Cu xưa là nơi gò đất cao nổi lên giữa vùng trủng và bàu. Khi đất bàu, trảng được khai vỡ thành ruộng thì trên gò đất nổi cũng hình thành một xóm nhỏ. Do vậy, xóm Sân Cu như một ốc đảo nằm giữa vùng ruộng lúa xanh tươi.

            Theo thời gian, vùng đất này được đặt nhiều tên gọi. Trên bản đồ thời thực dân Pháp nơi đây là ấp Long Đông thuộc xã Long Thành. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945 được gọi tên mới là xã Long Thành Bắc. Năm 1963 chính quyền Sài Gòn gom dân lập ấp chiến lược, nơi này trở thành đất hoang hoá thuộc xã Long Thành, quận Phú Khương. Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam 30.4.1975 xã Long Thành chia ra thành 4 xã Long Thành Trung, Long Thành Bắc, Long Thành Nam và thị trấn Hoà Thành, Sân Cu thuộc ấp Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành.
Hàng trăm năm trước giữa gò đất nổi này có một cây da cổ thụ. Các loại chim cu tập hợp về đây ăn trái da. Các loại cu xanh, cu lửa, cu đất ... tập trung từng đàn đông đúc, ăn trái no say rồi chúng lăn mình trong đất cát và thải phân đóng thành lớp dày dưới đất nên nơi đó không một bụi cỏ nào sống được. Từ đó người dân gọi vùng đất này là Sân Cu và trở thành địa danh thấm đẫm vào lòng mọi người không bao giờ thay đổi cho đến tận hôm nay và mãi mãi về sau. Bởi lẽ, vùng đất này đã nuôi sống biết bao thế hệ và họ đã đổ biết bao mồ hôi, công sức và cả xương máu để tồn tại, chung sức chung lòng bảo vệ quê hương.
Năm 1975, người dân xưa bị gom vào ấp chiến lược đã quay trở lại Sân Cu làm ăn sinh sống. Từ vài hộ ban đầu nay đã lên gần 200 hộ. Người dân gắn bó với đất đến thế nhưng xóm Sân Cu vẫn mãi chịu kiếp nghèo. Vào thời điểm đó nơi này gần như là một ốc đảo, chỉ có một con đường hình thành từ lối mòn thông ra xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu. Đã thế, đến năm 1978 hệ thống thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng lại một lần nữa cắt ngang, xẻ dọc con đường không còn lưu thông được. Ngoài ra chỉ còn là những lối mòn nhỏ hẹp lầy lội vào mùa mưa và gập ghềnh đầy hố trũng vào mùa nắng. Giao lưu giữa xóm Sân Cu với dân cư bên ngoài gần như tắt nghẽn. Không thể chấp nhận cuộc sống biệt lập, người dân đã tự đóng góp công sức, đất đai, hoa màu đào đấp thành con đường mới mở ra hướng trung tâm xã Long Thành Bắc. Tuy nhiên, chỉ với sức người thì không thể tạo lập con đường bền vững, vì vùng đất trảng luôn thấp hơn vùng đất chung quanh, chỉ có thể thi công bằng cơ giới. Trước quyết tâm của người dân và nỗi khó khăn cứ mãi đeo đẳng họ, Đảng uỷ, chính quyền xã Long Thành Bắc đã lập đề án vận động bà con đóng góp thêm cùng với sự hỗ trợ của huyện Hoà Thành nâng cấp thành hẳn con đường trải sỏi đỏ với kinh phí đầu tư hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, ai đến thăm xóm Sân Cu không thể hình dung nổi thực trạng khó khăn trước đây. Xóm nghèo xưa đã hoàn toàn thay đổi với nhiều nhà tường, nhà tôn đủ kiểu dáng mọc lên cùng với trụ ăng ten cao vút lên giữa trời xanh dọc theo những con đường thật thông thoáng.
Trong chiến tranh, người dân Sân Cu đã từng tiếp tế, dẫn đường cho bộ đội cách mạng, đất Sân Cu là bàn đạp xuất phát, là nơi trú quân, tiếp nhận thương binh trong nhiều trận đánh, nhất là trận đánh chiếm ấp Long Mỹ và quận Phú Khương đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Hoà Thành. Nay đất và người Sân Cu vẫn ra sức lao động sản xuất góp phần vào bước phát triển của địa phương. 
NCV