Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

ĐÔI ĐIỀU TRAO ĐỔI VỚI TÁC GIẢ Nhất Phượng - Thiên Huy

Lời diễn đàn:
Bài viết “Xung quanh công trình biên soạn tài liệu văn học địa phương Tây Ninh- Những điều cần bàn thêm”của nhà báo Nhất Phượng đăng trên Báo Tây Ninh, Diễn đàn Văn học tây Ninh đã trích đăng lại, trong đó có đề cập đến trích đoạn "Cây mận hồng đào" của tác giả Thiên Huy (Núi Điện đăng ngày Thứ tư, ngày 24 tháng bảy năm 2013). Tác giả Thiên Huy có bài viết phản hồi. Để bạn đọc có cái nhìn tổng quát hơn, Núi Điện đăng bài viết đó và truyện ngắn Cây Mận Hồng Đào của tác giả Thiên Huy, truyện ngắn mà Ban biên soạn chỉ trích một đoạn đưa vào tài liệu Văn học Tây Ninh giảng dạy trong nhà trường.

Bài viết: Đôi điều trao đổi với tác giả


Báo Tây Ninh số 112/2013 ra ngày 22/7/2013, trang nhất có đăng bài viết của tác giả Nhất Phượng với tựa đề “ Xung quanh công trình biên soạn tài liệu văn học địa phương Tây Ninh – Những điều cần bàn thêm”. Tôi rất hoan nghinh những ý kiến đóng góp cho một công trình rất quan trọng: Biên soạn tài liệu văn học địa phương để đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Điều này không những giúp cho nhóm biên soạn hoàn chỉnh tài liệu mà còn giúp cho giáo viên văn trực tiếp giảng dạy tìm hiểu thêm về những tác phẩm đưa vào giảng dạy. Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh cũng đã tổ chức hội thảo khoa học về việc biên soạn tài liệu văn học này. Rất tiếc tôi không được tham dự mặc dù nghe nói nhóm biên soạn có sử dụng một vài bài viết của tôi đưa vào chương trình giảng dạy văn học địa phương Tây Ninh. Tuy nhiên qua bài viết của tác giả Nhất Phượng, với tư cách tác giả bài “Cây mận hồng đào”, tôi muốn trao đổi đôi điều với Nhất Phượng đồng thời cũng để giáo viên giảng dạy (Nếu bài văn này được đưa vào chương trình) hiểu thêm về tác phẩm và không hoang mang.

- Trước tiên, tác giả Nhất Phượng viết là: “…về nội dung, đây là một bài văn (hay đoạn trích- không rõ) khá là… không ổn”. Tôi không có tài liệu nên không rõ nhóm biên soạn ghi như thế nào nhưng bài “Cây mận hồng đào” trước đây cố giáo sư Lê Trí Viễn đã ghi rất rõ ở phần hướng dẫn chuẩn bị: “Bài văn này được trích từ truyện Cây mận hồng đào, Thiên Huy viết cho thiếu nhi” (Thơ văn Tây Ninh trong nhà trường cấp 1,2 –  trang 27 - Giáo sư Lê Trí Viễn chủ biên – Nhà xuất bản giáo dục năm 1994). Tất nhiên là tác giả Nhất Phượng có quyển sách này vì ở trang 35 (sách đã dẫn) là bài thơ “Hương đất” giảng dạy ở lớp 7 của chính tác giả với bút danh là Thu Hương. Thực ra đây là truyện ngắn viết cho thiếu nhi của tôi đã đăng trên báo Tây Ninh tháng 02/1990 và giáo sư Lê Trí Viễn chọn trích một đoạn đưa vào tài liệu “Thơ văn Tây Ninh trong nhà trường” cấp 1,2 ở chương trình lớp 6 văn học địa phương năm 1994.
- Tác giả Nhất Phượng (NP) ghi là: “Trong đó kể lại một kỷ niệm sâu sắc (ấy là từ dùng của tác giả, chứ đọc xong tôi chẳng thấy có gì gọi là sâu sắc) của cô bé tên là Hồng Đào”. Theo tôi, việc cảm thụ văn học là tùy theo tình cảm, hoàn cảnh sống của mỗi cá nhân, hơn nữa với độ tuổi của NP tất nhiên là có cảm thụ khác đối với độ tuổi của Hồng Đào trong đoạn văn và NP cũng chưa đọc hết nội dung của truyên này. Thực ra thì cây mận hồng đào này là một kỷ niệm sâu sắc ở tuổi ấu thơ của bé Hồng Đào vì nó đã từng che chở  cho người cha của bé, nó thể hiện tình thương dịu dàng của người cha, một người cha luôn luôn muốn cho con mình đạt được điều mơ ước tuổi thơ dù đó là mơ ước phi lý: “Biết bao giờ cây mới lớn bằng Hồng Đào đây?” và thực hiện lời hứa để tạo cho con có niềm tin. Người cha thực hiện điều mơ ước của con bằng cách vượt gần 10 cây số để mua một cây mận chiết cành về trồng thay cây mận 2 lá  ngay trong đêm giao thừa chứ không phải như NP viết: “ Chỉ có thể hiểu là cái cây non ấy đã được… phun thuốc kích thích “siêu tăng trưởng” mà thôi”. Nếu chỉ trích đoạn như giáo sư Lê Trí Viễn đã trích thì trong phần hướng dẫn chuẩn bị của giáo viên, giáo sư đã ghi: “Đó là  chuyện tâm tình pha màu huyền thoại của cô bé 2 tuổi tên là Hồng Đào” (Sách đã dẫn trang 27). Hoặc trong sách hướng dẫn giảng dạy “Thơ văn Tây Ninh” dành cho giáo viên (Nhà xuất bản giáo dục- năm 1994), trang 36 trong phần tổng kết, giáo sư ghi: “ Câu chuyện có vẻ kỳ lạ của huyền thoại như truyện cổ tích, nhằm giáo dục trẻ con lòng yêu cây cối, yêu lao động và giữ được sự hồn nhiên tươi mát, dễ thương của trẻ con”. Nhưng nếu đọc toàn truyện thì tính huyền thoại của truyện đã mất vì cái kết của truyện như sau: “… Ngày xưa, chỉ sau một đêm giao thừa, nó từ 2 lá đã vượt lên ngang đầu đứa bé lên hai bởi vì nó được tiếp sức lớn lên bằng tình thương của cha, một tình thương thật dịu dàng và không muốn cho con mình mất đi niềm mơ ước tuổi thơ.”
- Còn một vấn đề khác mà NP đã nêu: “… Cũng có thể bài văn này ra đời đã lâu rồi. Nhưng dẫu sao, việc đưa nó vào giảng dạy trong nhà trường khi toàn xã hội đã tẩy chay việc đốt pháo từ lâu (kể từ khi lệnh cấm đốt pháo ban hành trên cả nước) thì liệu có phản giáo dục?”. Đúng là truyện này ra đời từ tháng 02/1990 (đã trên 23 năm), lúc đó việc đốt pháo đón giao thừa, mừng năm mới, mừng lễ cưới, khai trương… là tục lệ lâu đời của dân tộc, là niềm vui, sự phấn khích cũa tuổi trẻ… và chúng ta cũng rất đồng tình với lệnh cấm đốt pháo vì cái lợi không bằng cái hại. Tuy nhiên nếu bài này được đưa vào giảng dạy, khi nói đến tiếng pháo, giáo viên cần giáo dục để học sinh hiểu rằng: “hiện nay việc đốt pháo đã có lệnh cấm và được cả xã hội đồng tình vì nó gây ra rất nhiều tai nạn và gây lãng phí rất lớn cho xã hội”. Nếu làm được như vậy, theo tôi, nó không phản giáo dục mà còn có tác dụng giáo dục cao.
Tôi hiểu rằng tác phẩm văn học chính là con đẻ tinh thần của tác giả nhưng khi ra đời thì việc nhận xét, đánh giá, cảm thụ lại thuộc về xã hội và việc đưa văn bản đó vào giảng dạy trong nhà trường thì phải hết sức thận trọng vì nó ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Những điều tôi trao đổi trên đây cũng chỉ là ý kiến chủ quan của người viết còn việc có sử dụng hay không những tác phẩm đưa vào nhà trường lại thuộc về trách nhiệm của nhóm biên soạn và những cuộc hội thảo khoa học. Tôi mong được sự góp ý vói tinh thần trách nhiệm cao nhiều hơn nữa trên các phương tiện thông tin đại chúng để việc biên soạn tài liệu văn học địa phương Tây Ninh giảng dạy trong nhà trường phổ thông lần này được hoàn thiện hơn.

THIÊN HUY 
( Tháng 9/2013)

Truyện ngắn:

Cây mận hồng đào
Thiên Huy


        Mùa xuân đã qua đi hay là mùa xuân mới bắt đầu. Nếu mùa xuân là áo mới, là tiếng pháo đì đùng, là mâm hoa quả, bánh kẹo đầy nhà thì mùa xuân đã qua rồi. Nhưng nếu mùa xuân là sức sống vươn lên của hoa cỏ, của con người thì bây giờ vẫn đang là mùa xuân, một mùa xuân làm cho lòng người phơi phới, ngất ngây.

Bây giờ đang là mùa ương cây, mùa gieo những mầm xuân, những sức sống mới của những bạn mang khăn quàng đỏ. Chả thế mà Liên đội Nguyễn Thái Bình đã giao cho Chi đội Lê Thị Hồng Gấm 200 gam hạt giống xà cừ để lập vườn ương. Chi đội đã bàn bạc và chọn khoảng đất nhỏ bên hiên nhà của Hồng Đào dưới tàn cây mận xum xuê để làm vườn ương. Khoảng đất được các bạn rào dậu cẩn thận và gieo những hạt giống đã kích thích nẫy mầm theo đúng quy trình kỹ thuật đã được thầy hướng dẫn nên bây giờ đã vươn lên vô số những cây non. Những mầm sống mượt mà đang bắt đầu. Vài ngày nữa thôi, các bạn trong chi đội chuyên ương cây của Hồng Đào sẽ đến đưa từng cây con vào bọc để bắt đầu cho giai đoạn ươm cây.

Ngồi dưới gốc cây mận phủ tàn lá che mát cả một góc nhà, Hồng Đào mơ màng nghĩ về một ngày “Hội trồng cây” vào mùa mưa sắp tới. Chắc chắn chỉ tiêu ương cây của Chi đội Lê Thị Hồng Gấm sẽ về nhất với những cây xà cừ đầy sức sống. Những cây xà cừ ở đây rồi sẽ tung đi khắp nơi, sẽ vượt lên phủ khoảng sân trường cho các bạn tha hồ nhảy dây, bắn bi và che mát con đường làng cho các bạn nhỏ tung tăng đến trường. Những cây xà cừ sẽ vươn lên như ngày nào …

                                              *
Hồng Đào làm sao quên được một kỷ niệm sâu sắc ở tuổi ấu thơ của mình. Ngày ấy bé Hồng Đào chỉ mới tròn hai tuổi, cái tuổi của những chiếc kẹo, cái bánh và vòi vĩnh. Thế nhưng ở cái tuổi lên hai đó bé Hồng Đào đã biết làm, biết lao động thực sự. Vào một ngày tươi đẹp, bé bắt gặp ở góc hè nhà một cây non vừa lên hai chiếc lá nhỏ xíu, xinh xắn, mượt mà như màu mắt ngọc của chú thỏ bạch trong chuồng. Bé đã mang nó vào hỏi ba và đem trồng ở góc hiên nhà. Bé dùng chiếc ngao vộp khoét một chiếc lỗ nhỏ, nâng niu cây con đặt xuống và thầm thì :”Gắng lớn nhanh lên đi cây. Ba đã nói là cây có cùng tên với Hồng Đào thì từ đây mình là bạn cây nhé. Mình sẽ gọi cây là Hồng Đào như mình thôi. Mỗi ngày mình sẽ cho Hồng Đào hai ly nước để Hồng Đào lớn nhanh bằng mình”.


Nhưng ô kìa, “sao cây lâu lớn thế” ? Đã mấy ngày trôi qua rồi mà cây cũng chỉ có hai chiếc lá non và chiếc đọt nhỏ xíu. Biết bao giờ cây mới lớn bằng Hồng Đào đây. Chỉ có một ngày nữa là sang năm mới, cây sẽ có thêm một tuổi nữa, thế mà cây chưa cao hơn ngón tay út của Hồng Đào. Hông Đào vội chạy vào hỏi ba thì ba mỉm cười và nói là khi nghe tiếng pháo giao thừa cây sẽ lớn, sẽ đâm cành, trổ lá. Điều này có thật không ? Bé trông chờ tiếng pháo giao thừa qúa.

Thế nhưng bé cũng không đợi được tiếng pháo vì trong lòng mẹ ấm áp quá đi thôi. Hôm sau, vừa thức giấc, bé chỉ còn nghe những tiếng pháo đón bình minh của năm mới. Bé vội chạy ra thăm cây Hồng Đào, thì ô kìa, không biết tự bao giờ cây đã vươn cành ra thật dài và phủ đầy những chiếc lá xanh to lớn hơn bàn tay đang ve vẩy chào bé. Những chiếc lá màu mắt của chú thỏ bạch, màu áo của chị Phương, thì đã vươn lên ngang tầm tay của bé. Ơi, “thật là kỳ diệu”, bé dụi mắt tưởng mình đang nằm mơ. Bé vội chạy vào kéo tay ba ra xem, ba chỉ đứng nhìn cây cười cười không có vẻ gì ngạc nhin và bế bé lên thơm vào má bé …
       
                                     *

   Bây giờ thì Hồng Đào đã hiểu hết rồi. Đêm ba mươi, ba đạp xe đi gần 10 cây số đến vườn ương cây, chiết cành của huyện chọn mua cành mận giống Hồng Đào. Chính tay ba đã đào lỗ, đổ phân trong đêm giao thừa và đặt nhánh mận xuống ngay nơi mà Hồng Đào đã trồng cây của mình. Cây mận được Hồng Đào chăm sóc, tưới nước hàng ngày và thỉnh thoảng ba giúp bón phân nên lớn rất nhanh. Cho đến những năm giặc về làng đóng đồn bót, ba đi theo kháng chiến, thì cây mận đã cao hơn mái nhà, đơm đầy những quả chín mọng hồng hào. Có một đêm, ba về thăm nhà thì giặc ập đến vây quanh làng. Ba đã trèo lên cây mận, nằm trên mái nhà. Những lá mận xum xuê đã phủ lên ba, che chở ba, mặc cho bọn giặc xục xạo, tìm kiếm khắp nơi. Từ đó cho đến sau này, mỗi lần Hồng Đào nhìn lên cây mận là nhớ đến ba, tưởng chừng như ba đang ở trên đó với những cành mận vuốt ve, phủ kín …

Một tiếng cười trong trẻo, một vòng tay ôm choàng làm Hồng Đào giật mình. A! các bạn đã đến rồi mà Hồng Đào vẫn chưa tưới xong những liếp cây ương. Hôm nay các bạn đem bọc ni-long đến vô phân, đất để mấy hôm sau sẽ tách cây ra khỏi liếp ương. Thuý Hà bẹo vào má Hồng Đào trêu chọc:

  - Bắt gặp bạn đang thả hồn tận đâu đâu rồi nhé. Thuý Hà sẽ mách với má Tư.
  - Ơ, thế nhưng, tôi muốn hỏi các bạn có loài cây nào chỉ qua một đêm mà từ chỗ mới hai lá nhỏ xíu đã vượt lên ngang đầu đứa trẻ hai tuổi không ?

Thuý Hà cười rúc rích :

-         Làm gì có. Bạn đừng suy tưởng viễn vông nữa bạn ơi !

Giọng Hồng Đào trầm xuống :

  - Thế mà có đấy, các bạn ạ. Thực tế là cây mận Hồng Đào này đấy. Ngày xưa, chỉ sau một đêm giao thừa, nó từ hai lá đã vượt lên ngang đầu đứa bé lên hai bởi vì nó được tiếp sức lớn lên bằng tình thương của cha, một tình thương thật dịu dàng và không muốn cho con mình mất đi niềm mơ ước tuổi thơ.

( Báo Tây Ninh tháng 2-1990 ) 
T.H

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét