Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Làng Phước Hội xưa, nay đã thay tên - Di cảo Xuân Sắc


LÀNG PHƯỚC HỘI XƯA LÀ VÙNG ĐẤT THUỘC 2 XÃ: PHAN, SUỐI ĐÁ VÀ THỊ TRẤN DƯƠNG MINH CHÂU. NGƯỜI DÂN TÂY NINH KỲ CỰU AI CŨNG BIẾT LÀNG PHƯỚC HỘI CÓ ĐẾN 2 VỊ THÀNH HOÀNG BỔN CẢNH LÀ ÔNG ĐÀO VĂN CHỮ VÀ ÔNG PHAN VĂN ĐIỂN. CỐ NHÀ VĂN XUÂN SẮC LÚC SINH THỜI ĐÃ NGHIÊN CỨU QUÁ TRÌNH LẬP LÀNG, TUY CHƯA ĐẦY ĐỦ NHƯNG CŨNG TẠO TIỀN ĐỀ CHO NHỮNG NGHIÊN CỨU SAU NÀY. ĐẤT ĐỨNG XIN GIỚI THIỆU DI CẢO CỦA NHÀ VĂN (LA NGẠC THỤY VIẾT LẠI)


Phước Hội xưa là một vùng đất rộng, dân ngụ cư thưa thớt, nhưng cuộc sống rất ổn định, gần phân nửa gia đình cất được nhà ngói, tậu được bò xe, vườn tược, cây trái sum suê. Người dân Phước Hội sớm ý thức trước cảnh nước mất, nhà tan đã theo cách mạng từ ngày Cách mạng tháng 8 năm 1945. Đến Nam bộ kháng chiến, một số thanh niên cực nam làng Phước Hội đã theo đơn vị Bảy Tiến và Võ Thành Lư đóng ở Chà Là.
            Từ năm 1947, quân đội giáo phái Cao Đài đã ngả hẳn theo Pháp, mở những cuộc hành quân càn quét gom dân để lập "chu vi" với mục đích cô lập lực lượng kháng chiến. Người dân Phước Hội không thể chấp nhận cảnh "chim lồng, cá chậu" và cũng không thể để bọn phản động chiếm nhà cửa thôn xóm của mình, nên bà con đã tự đốt  nhà  làm cuộc "tiêu thổ". Chẳng những thế, họ còn đốt cả ngôi đình làng sau khi cúng vái "vị thần hoàng", rước thần vào rừng sâu làm cuộc kháng chiến "toàn dân, toàn diện, trường kỳ". Họ nghĩ làm như vậy là tạo thêm sức mạnh về tinh thần, dân đến đâu thần cũng theo phò hộ.
Sau Hiệp định Genève 1954, người dân Phước Hội về dựng lại xóm làng. Trong thời kỳ nhân dân ta còn náu mình để đấu tranh chính trị thì giặc lo bành trướng thế lực, chúng đứng ra thành lập chính quyền xã, ấp, dời công sở làng Phước Hội về xóm Phan, lấy trung tâm Suối Đá làm căn cứ, dời quận lỵ Châu Thành vào và đổi tên thành quận Phú Khương. Bùi Văn Cung là một công chức làm Quận trưởng đầu tiên. Khi nguỵ quyền chủ trương quân sự hoá hành chính thì tên đại uý ác ôn Võ Văn Lê vào làm Quận trưởng. Hắn đã tích cực đàn áp dân lành và bị người dân trừng trị. Quận Lê chết, giặc hoảng sợ vội rút bỏ không đặt dinh quận tại nơi này nữa. Từ năm 1965, làng Phước Hội là địa đầu của tuyến lửa, Mỹ nguỵ dồn nhiều lực lượng ác ôn về đây, ngoài bọn tề ấp, tế làng còn thêm bọn bảo an, dân vệ, cảnh sát đóng đồn bót khắp nơi lại còn thêm bọn thám báo, biệt kích, tuyên chính và một căn cứ Mỹ qui mô, có pháo binh và cả một sân bay. Ngoài việc lấy đất này làm bàn đạp tấn kích chiến khu cách mạng, chúng còn đua nhau chà xát xóm làng. 
 
Dù phải đương đầu cùng hiểm nguy chết chóc, nhưng người dân Phước Hội vẫn vững vàng vượt qua để thực hiện nhiệm vụ là một căn cứ trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Đến năm 1968, giặc gia tăng cường độ bắn phá, chiến tranh ngày càng khốc liệt, ngoài những trận đánh đối mặt với quân ta, chúng còn ném bom, bắn pháo trên rừng, ngoài rẫy, trong xóm gây tổn thất nặng về người và của của người dân. Nhưng người dân  vẫn quyết tâm bám trụ theo cách mạng cho đến ngày 30.4.1975 giải phóng miền Nam, giải phóng Tây Ninh, thống nhất đất nước.
Sau giải phóng làng Phước Hội được chia thành 2 xã Phan và Suối Đá. Sau 30 năm phấn đấu xây dựng, 2 xã có những bước phát triển vững chắc về kinh tế và xã hội. Xã nào cũng có Trạm Y tế, trường học, giao thông rộng thoáng khang trang, nhà tường, nhà ngói đủ kiểu dáng cổ kim đua nhau mọc lên, cuộc sống người dân ngày càng ổn định và khá giả. Xã Phan trở thành vùng nguyên mía, mì, đậu phọng năng suất ngày càng cao, nông nghiệp phát triển nhất huyện. Xã Suối Đá trở thành trung tâm huyện Dương Minh Châu và một phần được tách ra thành lập thị trấn Dương Minh Châu đang phát triển từng ngày.
LNT

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét