TỪ TRƯỚC
ĐẾN NAY, SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VÙNG ĐẤT TÂY NINH CHƯA ĐƯỢC
NGHIÊN CỨU MỘT CÁCH CỤ THỂ VÀ BÀI BẢN. BÀI NGHIÊN
CỨU "ĐẤT TÂY NINH VÀ DÂN NƯỚC CHE MẠ" CỦA TRẦN MINH TẠO MANG
TÍNH CHẤT CÁ NHÂN CHƯA ĐƯỢC KIỂM CHỨNG, NHƯNG MANG ĐẦY ĐỦ NHỮNG SỰ KIỆN,
SỐ LIỆU ... THUYẾT PHỤC. NÚI ĐIỆN TẢI LÊN ĐÂY NHẰM MỤC ĐÍCH NHẬN THÊM
SỰ ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VÀ CUNG CẤP THÊM TƯ LIỆU VỀ VÙNG ĐẤT TÂY NINH CỦA
CHÚNG TA LÀM CƠ SỞ DỮ LIỆU CHO NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ SAU ...
Ai cũng yên trí rằng tộc Khmer với quốc gia
Phù Nam
là những người chủ đầu tiên vùng đất nằm về phía hạ lưu sông Cửu Long và Đồng
Nai ngày nay. Nhưng không phải. Trước khi nước Phù Nam của người Khmer mở rộng sự thôn
tính và cai trị của mình tới đây thì đã có một cộng đồng cư dân bản xứ, gốc
Malaynésiens và Indonésiens, ở trước (không truy lục được tên gọi của họ vào
lúc này).
Sau đó, vì không chấp thuận sự cai trị từ nước Phù Nam của người Khmer, nhóm cư dân này rút hẳn về vùng hạ lưu và trung lưu sông Đồng Nai (rồi đến tận huyện Di Linh - Lâm Đồng bây giờ), sau đó ra tiếp tới bờ biển tỉnh Bình Thuận ngày nay. Họ lập ra tại đây một tiểu quốc gọi là Che-Mạ. Khi Chân Lạp thay thế Phù Nam thì nước Che-Mạ này vẫn còn. Nó ở vào thế nằm giữa hai nước lớn: Chân Lạp ở phía Nam và Chiêm Thành ở phía Bắc nhưng lại chịu sự bảo hộ của nước Chân Lạp. Như vậy, năm 1623, khi vua nước Chân Lạp, cũng là rể của chúa Đàng Trong Nguyễn Phúc Nguyên, bắt đầu cho người Việt Nam ta đến vùng Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay sinh sống, làm ăn, thì đấy chính là đã ở vào địa bàn lãnh thổ tự trị của nước Che-Mạ này. 74 năm sau, 1697, nước Chiêm Thành ở phía Bắc nước Che-Mạ bị chúa Nguyễn sáp nhập dứt điểm bằng vũ lực. Năm sau, 1698, Nguyễn Hữu Cảnh tiếp tục sáp nhập luôn vùng Đồng Nai - Sài Gòn nằm dưới quyền cai trị và bảo hộ của người Kmer vào bản đồ của xứ Đàng Trong (đã có người Việt ở từ trước). Nước Che-Mạ nói trên đương nhiên cũng lặng lẽ mất theo. Bấy giờ, một số lớn người Chàm (đã bắt đầu từ năm 1692) và người Che-Mạ lần lượt kéo nhau sang nước Chân Lạp còn lại để cư trú (đã được gọi mới là nước Cao Mên) vì gần gũi với nhau về phương diện văn hóa hơn. Vua nước Cao Mên, bấy giờ là Nặc Thu, bố trí cho họ ở tại Lovek, khu vực gần Biển Hồ ngày nay. Người Việt ta, lúc ấy, gọi nhóm di cư này là Côn-Man hoặc Vô-Tỳ-Man. Nhưng tại đây, nhóm Côn-Man này, khoảng vài vạn người, cũng không được may mắn. Họ thường xuyên bị người Kmer bản xứ ức hiếp và bắt làm nông nô. Năm 1749, đời vua Nặc Nguyên, nhóm Côn-Man di cư trên bị người Kmer bản xứ cướp của và sát hại. Cho rằng phải có bổn phận bênh vực dân cũ của mình, năm 1750, chúa Nguyễn gởi công hàm sang nước Tiêm La thông báo ý định tấn công nước Cao Mên, yêu cầu ủng hộ về mặt chính trị, không được hậu thuẫn. Tháng 11 năm 1753, sai cai đội Thiện Chính và ký lục Nguyễn Cư Trinh lấy tướng sĩ 05 dinh: Bình Khương, Bình Thuận, Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ làm lực lượng chuẩn bị. Tháng 6 năm 1754 thì xuất binh. Bấy giờ, từ phía Mỹ Tho - Bến Tre ngày nay,cai đội Thiện Chính tiến quân lên (có lẽ theo sông Tiền Giang). Theo cửa ngõ sông Vàm Cỏ Tây ngày nay, Nguyễn Cư Trinh đánh vào. Tới đâu, người Kmer chạy tan đến đó (một số chạy về đất Tây Ninh ngày nay). Nguyễn Cư Trinh theo sông Tần-Lê-Bắc (nằm vào vùng Đồng Tháp Mười hiện giờ, phía giáp giới) họp binh với Thiện Chính tại thượng nguồn Tiền Giang ngày nay. Sai tướng Chấn Long sang Công-Pông-Chàm kêu gọi và hỗ trợ người Côn-Man về nước. Sang liền năm sau, 1755, nhóm Côn-Man này về được tới Ka-Tum, bắc Tây Ninh ngày nay (Có bên trong khoảng 01 vạn quân tinh tráng). Từ đây, theo lệnh Thiện Chính, họ đi bộ về khu vực Gò Vấp, tp Hồ Chí Minh bây giờ, thì bất ngờ bị người Kmer truy đuổi và đánh úp ở Vô-Tà-Ơn (Có lẽ nằm trên đất Tây Ninh hiện nay). Nhóm Côn-Man này phải xếp xe cộ lại làm lũy để chống đỡ ,đồng thời cáo cấp cho Thiện Chính vốn cũng vừa rút quân về đóng ở Mỹ Tho - Bến Tre. Nhưng tại đây, Thiện Chính cũng đang trong tình trạng bị quân Cao Mên phản công nên không tiếp ứng được. Nguyễn Cư Trinh lập tức đem 05 đạo tùy binh đến giải vây, hộ vệ được 5.000 trai gái Côn-Man, trong đó có rất nhiều người nước Che-Mạ trước kia (một số người khác thuộc tộc Chu-Ru), về định cư quanh núi Bà-Đinh (Bà Đen ngày nay). Sau đó không lâu, từ đây, Nguyễn Cư Trinh tập hợp người Côn-Man lại, kéo trở ngược sang Cao Mên, đánh vào Ba Nam và Nam Vang. Sau đó, nhóm Côn-Man này tiếp tục ở quanh núi Bà Đen; một bộ phận của nó trong nhóm viễn chinh nói trên được bố trí phòng thủ biên giới ở phía thượng nguồn sông Hậu, trở thành xóm Chà Châu Giang, thuộc Châu Đốc, tỉnh An Giang bây giờ.
Năm 1787, sau khi chiếm lại xong Gia Định
từ tay Đông Định vương Nguyễn Lữ, Nguyễn Ánh cho giải ngũ quan binh ở các đội
túc vệ thuộc bộ phận trung quân của mình ;các Vệ, Dinh, Thuyền cùng lực lượng
phủ binh tại chỗ.(Chỉ giữ lại thành phần tinh binh). Tập hợp họ vào các đồn
điền, tổ chức dọc theo đôi bờ sông Vàm Cỏ (Sách sử gọi là Thảo Câu),kéo dài đến tận đất Tây Ninh ngày nay, để vỡ ruộng,
làm lúa cùng các ngành nghề khai thác lâm sản khác.Khoảng giữa đời vua Gia Long
(1802 - 1820), vùng người Che-Mạ (và người Chàm, người Chu-Ru) sinh sống nói
trên, được Trịnh Hoài Đức mô tả trong sách Gia Định Thành Thông Chí như sau:
"Núi Bà Đen cả trấn trông thấy, cách trấn lỵ về phía tây 261 dặm rưỡi, đá đất
cao vót, cây cối um tùm, suối ngọt đất mầu, trên có chùa Vân Sơn, dưới có hồ
chằm, cảnh trí thanh u, hang rừng sâu thẳm, cả người Kinh, người Mọi ở rải rác,
nhân dân làng mạc phần nhiều nhờ lợi núi rừng, có vàng ngọc và cổ khí người ta
có khi bắt được."
Đến nay, kể từ ngày người nước Che-Mạ đến ở
quanh núi Bà Đen (cùng người Chàm và Chu-Ru) là đã 253 năm. Khoảng 10 đời
người. Họ không trở thành người Chàm ở Tây Ninh ngày nay thì cũng đã trở thành
người Việt chúng ta. Bây giờ, ở vùng nam Tây Nguyên, các tộc người Mạ, Srê,
Cọp, Cil vốn là dân cũ của nước Che-Mạ. Cũng là cư dân cũ của vùng hạ lưu sông
Cửu Long và Đồng Nai bây giờ. Tất cả đang làm ăn, sinh sống, vui hưởng thanh
bình; các mặt văn hóa ngày càng được nâng cao, trong sự chở che, đùm bọc của
nhà nước ta hiện nay.
Tây
Ninh, đầu năm 2008
Sách tham khảo chính:
- Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức
- Việt sử xứ Đàng Trong của Phan Khoang
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét