VĨNH BIỆT
NHẠC SĨ VŨ ĐỨC SAO BIỂN “THU, HÁT CHO NGƯỜI”
Anh Vũ Đức
Sao Biển trút hơi thở cuối cùng vào 23h25 tối 6/5 tại nhà riêng ở
TP.HCM, hưởng thọ 72 tuổi, để lại nỗi tiếc thương trong lòng thân quyến,
bạn bè và người mến mộ.
Vũ Đức Sao Biển là nhà văn, nhà báo với nhiều bút danh: Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại… Anh còn được gọi là “Nhà Kim Dung học Việt Nam”, đã xuất bản bộ “Kim Dung giữa đời tôi” được bạn đọc yêu mến, ủng hộ…
Nhưng âm nhạc mới là lãnh vực mà anh được nhiều người biết và hâm mộ hơn cả. Vũ Đức Sao Biển là tác giả của nhiều ca khúc như: “Thu,
hát cho người, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên,
Điệu buồn phương Nam, Trên đồi xưa, Trở lại Bạc Liêu, Trên sóng Cửu
Long, Huyền thoại Ngũ hành sơn…”. Trong đó, ca khúc “Thu, hát cho người” để dấu ấn sâu đậm nhất.
“Thu, hát cho người”
là ca khúc có giai điệu sang trọng, ca từ đẹp phảng phất sắc thái Đường
Thi, mang niềm hoài cảm mênh mang làm lay động tâm hồn người thưởng
lãm.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nói về ca khúc này như sau:
“Tôi
sinh ra giữa một làng quê nghèo ven biển miền Trung, không biết kết bạn
với ai mà cũng ít có ai để kết bạn. Lớn lên đi học, không hiểu sao tôi
lại yêu thi ca của Đường Tống, Trung Hoa và thi ca trường phái lãng mạn
Pháp. Bạn biết đấy, thi ca Đường Tống rất cô đọng, đọc lên tự nhiên nghe
buồn bã. Thời trung học, tôi dành nhiều thời gian cho việc đọc sách.
Khi tôi viết ‘Thu, hát cho người’ cũng nặng trĩu những suy tưởng về sự
sống, tình yêu và sự xa biệt”.
(Vũ Đức Sao Biển trả lời phỏng vấn của báo Thanh Niên)
https://thanhnien.vn/van-hoa/nhac-si-nha-bao-vu-duc-sao-bien-khong-the-co-thu-hat-cho-nguoi-thu-hai-1186307.html
“Thu, hát cho người”
Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt.
Mùa thu nào đưa người về thăm bến xưa.
Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ.
Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ.
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó,
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư.
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương,
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay.
Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người.
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.
Thu hát cho người
Thu hát cho người, người yêu ơi!
Vũ Đức Sao Biển từng học Đại học Sư phạm khoa Việt – Hán và Đại học Văn khoa Triết (anh tốt nghiệp năm 1970) nên ca khúc “Thu hát cho người” sáng tác năm 1968, khá đậm chất Đường thi, không chỉ ở những điển tích và hình ảnh xưa cũ như ‘Hoàng Hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ’, mà cả trong ca từ cũng mang tính cân phương của loại văn biền ngẫu
“Dòng
sông nào đưa người tình đi biền biệt/ Mùa thu nào cho người về thăm bến
xưa/ Hoàng hạc bay bay mãi bỏ trời mơ/ Về đồi sim ta nhớ người vô bờ…
Đêm nguyệt cầm, ta gọi em trong gió/ Sáng linh lan, hồn ta khóc bao giờ”.
Một thời, chúng tôi – giới trẻ sinh viên học sinh trước năm 1975 đã thả hồn bay bổng, mơ màng, say đắm… theo những ca khúc có ca từ diễm lệ, giai điệu sang trọng của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… và ca khúc “Thu hát cho người” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển…
‘Thu hát cho người”
có lời nhạc đẹp, giai điệu sang trọng mượt mà, có khung cảnh thu vàng,
đồi sim trái chín, hoa tím mênh mông, ánh chiều biêng biếc… thật huyền
mơ thấm đọng vào hồn người. Tuy nhiên “Thu hát cho người” có những ca từ khó hiểu, chúng tôi không rõ “đêm nguyệt cầm”, “sáng linh lan” có ý nghĩa cụ thể thế nào. Tôi cho rằng Vũ Đức Sao Biển khi viết “đêm nguyệt cầm”, nhạc sĩ đã liên tưởng đến tứ thơ “Nguyệt cầm” của Xuân Diệu:
“Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.”
Thử tìm hiểu “sáng linh lan”,
tôi biết có loài hoa linh lan hay lan chuông thuộc một họ thực vật có
hoa là họ Asparagaceae. Hoa này trong tiếng Anh còn được gọi là Our
Lady's tears (Nước mắt của Mẹ) do, theo một truyền thuyết, từ những giọt
nước mắt của Eva rơi xuống, khi bị đuổi ra khỏi thiên đàng, đã trở
thành hoa linh lan. Theo một truyền thuyết khác, những giọt nước mắt của
Đức Mẹ đồng trinh Mary rơi trên cây thánh giá đã trở thành hoa linh
lan.
Nhạc sĩ Vũ
Đức Sao Biển từng học Đại học Văn khoa Triết, dù chủ yếu là học Triết
Đông, chắc vẫn tham khảo tìm hiểu thêm Triết Tây. Như lời ông nói: “không
hiểu sao tôi lại yêu thi ca của Đường Tống, Trung Hoa và thi ca trường
phái lãng mạn Pháp… Khi tôi viết ‘Thu, hát cho người’ cũng nặng trĩu
những suy tưởng về sự sống, tình yêu và sự xa biệt”. Với tính nghệ sĩ đa cảm và tâm hồn đồng điệu, ông đưa loại hoa linh lan “nước mắt của Mẹ” này vào lời nhạc của ca khúc “Thu hát cho người” chăng?
Nhưng, “sáng linh lan” có nghĩa là “buổi sáng linh lan” hay “linh lan tươi sáng”?
Như đã nói ở trên, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển sử dụng tính đối ngẫu của văn chương cổ điển “đi – về; trời – đất; đêm – ngày; ta – người” trong ca từ, cho nên khi đọc “đêm nguyệt cầm”, “sáng linh lan” nên tôi nghiêng về ý “sáng linh lan” có nghĩa là “buổi sáng linh lan”
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển giải thích thế nào về “đêm nguyệt cầm và ‘sáng linh lan”:
– Có lần lựa lúc vui chuyện nhà thơ Hồ Thi Ca hỏi đột ngột: ‘Sáng linh lan’ là cái buổi sáng kỳ quái nào thế?
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nở nụ cười mỉm chi nửa miệng quen thuộc: ‘Ông hiểu sao tùy ông!’.
– Ông Lê Đức Dương hỏi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển về “đêm nguyệt cầm” và “sáng linh lan”:
“Nhạc
sĩ kể, những đêm trăng trên đất phương Nam, ông thường treo cây guitare
Yamaha G tra bộ dây Hoffner ngoài cửa sổ; còn linh lan là một loại lan
rừng mọc từ trong đá ra, tím ngát cả cành, cả nhánh và cả hoa.”
Theo như lời thuật lại của ông Lê Đức Dương, thì nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho biết “linh lan là một loại lan rừng mọc từ trong đá ra, tím ngát cả cành, cả nhánh và cả hoa.” thì
hoa linh lan này không phải là lan chuông thuộc một họ thực vật có hoa
là họ Asparagaceae thường có ở châu Âu, có sắc trắng là phổ biến (dù
cũng có loài hoa màu tím nhưng hiếm hơn).
Còn có một
loại linh lan tím (tử linh lan) có tên hoa Violet châu Phi, thường mọc ở
vùng nhiệt đới châu Phi, châu Á… chẳng biết có phải đó là loại linh lan
mà nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nói không?
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển xác nhận ý nhạc “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ” do anh dùng điển tích “Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản” trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.
Anh cũng nhắc đến thi sĩ Bùi Giáng, người đồng hương Quảng Nam của anh khi viết: “Giữa thu vàng, bên đồi sim trái chín” là liên tưởng đến đoạn thơ:
“Anh lùa bò vào đồi sim trái chín
Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim
Anh nhìn lên trời xanh đỏ chín
Anh ngó bốn bề cây lá gió rung rinh”
Bùi Giáng
Đọc bài thơ “Một chút tình” của nhà thơ Lưu Trọng Lư, có đoạn:
Đợi đến luân hồi sẽ gặp nhau
Cùng nhau nhắc lại chuyện xưa sau
Chờ anh dưới gốc sim già nhé
Sẽ hái dâng em đóa mộng đầu
Lưu Trọng Lư
Đối chiếu hai câu cuối “Chờ anh dưới gốc sim già nhé / Sẽ hái dâng em đóa mộng đầu” trong đoạn thơ “Một chút tình” vừa dẫn ở trên của Lưu Trọng Lư, với ý nhạc “Ta vẫn chờ em, dưới gốc sim già đó, để hái dâng người một đóa đẫm tương tư…” trong ca khúc “Thu hát cho người” ta thấy có sự giống nhau; nhưng tôi chưa nghe nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển nhắc đến nhà thơ Lưu Trọng Lư, khi nói về ca khúc “Thu hát cho người”. Có lẽ, trong vô thức anh mượn ý thơ Lưu Trọng Lư mà không nhớ, hoặc có sự giống nhau chỉ do ngẫu nhiên chăng ?
Báo Quảng Nam online nhận định:
“‘Thu, hát cho người’
mang nỗi buồn chất ngất và lộng lẫy của chàng tuổi trẻ yêu quê hương da
diết và si tình đến ngây dại… Ca khúc không chỉ đẹp về giai điệu mà còn
chuyển tải hình ảnh quê hương xứ sở của ông với đồi sim tím, mùa thu
đầy nắng gió và dòng sông cũ đã ‘đưa người tình đi biền biệt’…
Giữa muôn nghìn bài hát lãng mạn về tình yêu thì ‘Thu, hát cho người’ của Vũ Đức Sao Biển vẫn đứng riêng một góc trời đầy kiêu hãnh, được rất nhiều người yêu thích suốt hơn 48 năm qua.”
(Báo QNO)
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tự đánh giá ca khúc “Thu, hát cho người” qua trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên:
“Tôi
vẫn thường mường tượng sáng tác ca khúc như một trạng thái lên đồng
(cười); hễ khi nào đồng nhập trọn vẹn thì ca khúc ra đời. Ca khúc “Thu,
hát cho người” tôi viết năm 1968 ra đời trong trạng thái… lên đồng như
vậy. Giả thiết rằng, bây giờ tôi trở lại với đồi núi ngày xưa ấy, ngồi
một mình trong chiều thu vàng ruộm với ngàn hoa sim tím đẹp mênh mông
thì tôi vẫn không thể viết ra được một khúc tình ca như “Thu, hát cho
người” của ngày xưa ấy.
Theo
tôi, “Thu, hát cho người” có sức sống bền bỉ vì nó là một bài tình ca
đẹp về giai điệu, giàu tính tư tưởng và tính nghệ thuật về ca từ. Nó ra
đời ở năm đôi mươi khi người ta còn rất trẻ, nỗi si tình cũng mới tinh
khôi. Âm nhạc là một trong bảy nghệ thuật nên ca từ của ca khúc phải
đẹp, nếu không đẹp thì không phải là âm nhạc ca khúc. Tôi thích viết ca
từ đẹp.”
Giới chuyên môn nhận định: “chỉ với ‘Thu, hát cho người’, bao nhiêu tinh hoa, tài năng của Vũ Đức Sao Biển đã phát tiết và gói gọn. Và chỉ cần một và chỉ một ‘Thu, hát cho người’, Vũ Đức Sao Biển đã có thể để đời với thế nhân bằng tác phẩm độc nhất như nhà thơ Hữu Loan nổi tiếng với ‘Màu tím hoa sim’, như nhạc sĩ Đinh Trầm Ca với ‘Ru con tình cũ’, như Nguyễn Thiện Tơ với ‘Giáo đường im bóng’… Sau này, chính nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cũng thừa nhận trong rất nhiều tác phẩm, ca khúc mình yêu nhất vẫn là ‘Thu, hát cho người’.”
Vũ Đức Sao Biển đang bay về vùng trời miên viễn “hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ”, hơn 48 năm qua anh đã từng“Thu hát cho người” và giờ đây người đời sẽ hát ru anh dù thu chưa kịp trở lại.
Kính cầu nguyện hương linh anh siêu thoát ở miền miên viễn và xin hát gửi đến anh lời vĩnh biệt:
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi.
Mùa vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.
Thu hát cho người
Thu hát cho người, người yêu ơi!
La Thụy
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét