Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

Đi tìm người con gái trong vở kịch thơ của Hòang Cầm – Nguyễn Duyên



         
Hoàng Cầm thời tiền chiến có khá nhiều bài thơ hay như: Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông… Ngoài ra người ta biết đến ông với vở kịch thơ nổi tiếng Người Điên. Ông là một trong những tác giả khởi sự nền kịch thơ Việt Nam những năm 1945 ( trong đó có Huy Thông).
 
Thời kháng chiến ông cùng nhà biên kịch Hoàng Tích Linh lập ra đoàn kịch Đông Phương vào đầu thập niên 40 gồm: Vợ chồng nhạc sỹ Văn Chung, Tuyết Khanh (vợ Hoàng Cầm),Trúc Lâm, Phạm Duy, Ngọc Bích… vở kịch đáng lẽ ra mắt công chúng vào tháng chạp năm 1946, nhưng toàn dân phát động công cuộc kháng chiến chống Pháp, khiến vở kịch chỉ diễn dăm ba ngày rồi đình lại. Vở kịch với nhân vật chánh tên là Kiều Loan, người khuyến khích chồng ra đi đánh đổ nhà Nguyễn để phục hồi nhà Tây Sơn, nhưng người chồng đã phản bội chạy theo Nguyễn ánh, nàng giả điên vào thành Phú Xuân đi tìm chồng… và sau đó tự vận chết trong tù..
                           
Người đóng vai Kiều Loan không ai khác hơn chính là phu nhân nhà thơ: nữ kịch sỹ Tuyết Khanh. Bà đi theo Hoàng Cầm ra vùng kháng chiến ông đổi tên vợ là Kiều Loan, do đó sau nầy có cái tên khác  là vở kịch Kiều Loan. Lúc đó người vợ có thai , nên ở lại vùng trung du và Hoàng Cầm lên đường đi lưu diễn.Trong bữa cơm đạm bạc chia tay ở phố Nỉ ( Bắc Giang) có Phạm Duy dự, nhà thơ không ngờ đây là lần cuối cùng ông không còn gặp lại vợ con
                         
Suốt từ năm 1948-1954 ,bà nhiều lần viết thư cho Hoàng Cầm nhưng bặt tin và đứa bé ra đời bà đặt tên là Bùi Thị Kiều Loan (vì Hoàng Cầm tên thật là Bùi Tằng Việt sinh năm 1921 tại Bắc Ninh ).
                      
Sau hiệp định Genève, Kiều Loan mẹ bế con di cư vào Nam sống, lúc ấy Kiều Loan con khoảng 6 tuổi, đến năm 1968 cô  lấy chồng ở Sài Gòn. Năm 1975 thống nhất đất nước Hoàng Cầm có vào Nam thăm vợ con, nhưng người vợ cũ đã di tản sang Mỹ.. chỉ còn đứa con gái ở lại, cha con gặp nhau bùi ngùi, nhưng vì xa cách quá cũng ít hàn huyên tâm sự nhiều, và đến năm 1982 thì Kiều Loan con cũng sang Mỹ đoàn tụ cùng người mẹ.
                     
Tháng giêng năm 1983, trong một buổi đi chơi ở Los Angeles, tình cờ Phạm Duy gặp triết gia Phạm Công Thiện ở khu China Town, Phạm Công Thiện cho biết người con gái trong kịch thơ Người Điên ở gần đây và dẫn nhạc sỹ đến thăm mẹ con Kiều Loan, Phạm Duy quá bất ngờ như gặp lại người bạn cũ ngày xưa nhiều kỉ niệm, khi ông cùng Ngọc Bích vác ba lô đi tìm bộ chỉ huy khu XII và đã gặp Hoàng Cầm.
                           
Trong căn gác nhỏ chung cư nghèo Los Angeles, Phạm công Thiện và Phạm Duy nghe lại những bài thơ của Hoàng Cầm và tận mắt nhìn lại hình bóng Kiều Loan ngày nào trong vở Người Điên.Bà Tuyết Khanh đọc lại những bài thơ mà thi sỹ tặng bà năm 1945 và thưởng thức giọng ngâm của cô con gái Hoàng Cầm:
 
Một sợi tóc treo ngang trước mộng
Một hàng mi rũ bóng bên đèn
Miệng cười một đoá trao duyên
Làm thơ mới dựng chưa quên ý tình
Anh đã về đây gặp lại mình
Cõi đời thiên hạ giấc u minh
Níu tay cười xuống hoàng hôn cũ
Vớt mắt em về bến hoá sinh…
Cô ngâm tiếp:
…Khanh ơi!
Thể xác hiu hiu bụi
Nắng dãi hoe vàng
Em ở đâu?
 
Ngày đó thi sỹ Vũ Hoàng Chương cũng làm một bài thơ tỏ tình với bà:
 
Khanh của Hoàng ơi! lửa bốn phương
Sầu lên dằn vặt gió tha hương
Hỡi ơi chạnh nhớ niềm ly tán
Lại sót nòi thơ buổi nhiễu nhương…
Hoàng Cầm còn có những câu thơ tình tặng bà khi hai người phải chia tay trong kháng chiến:
Mái tóc buông xuôi dòng khói lạnh
Bóng người thiếu phụ thoảng đêm xuân
Minh châu đôi hạt cài bên gối
Đợi đến bao giờ gửi cố nhân
 
Còn một bài nữa ,khi Hoàng Cầm làm thầy giáo ở Bắc Giang mà hoạ sỹ Tạ Tỵ sưu tầm đăng trên tờ nguyệt san Virgina:
 
Nếu anh còn trẻ như năm trước
Quyết đón anh về sống với em
Những buổi chiếu vàng phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh
 
Nhưng thuyền em buộc trên sông hận
Anh chẳng quay về với trúc tơ
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên sông vẫn đợi chờ…
(Sau nầy nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc lấy tên là Tình Cầm, qua tiếng ca của Duy Quang, Ái Vân rất hay )
                            
Nhiều năm liền bà Tuyết Khanh được mời đi nhiều nơi  trên nước Mỹ để ngâm thơ và nói chuyện về Hoàng Cầm.
 
Nguyễn Duyên

C

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét