Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

HAI BẢN TUYÊN NGÔN ĐANH THÉP CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM – Trần Thanh Xem

 
Ra đời vào những thời điểm trọng đại của đất nước, của dân tộc, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi Và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là hai áng  văn chương đã đi vào lịch sử, được coi như những tuyên ngôn của nước nhà. Nó mang dấu ấn của một thời và giá trị của nó trường tồn cùng dân Việt.
  

      Bình Ngô đại cáo do Nguyễn Trãi soạn để công bố cho thiên hạ biết sau khi vua Lê Lợi tổ chức thành công cuộc kháng chiến mười năm chống giặc ngoại xâm nhà Minh (1418-1427).
 
     Còn Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo và tuyên đọc ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Văn kiện lịch sử này không phải chỉ được đọc trước quốc dân đồng bào mà còn trước thế giới, đặc biệt là trước bọn đế quốc thực dân đang chuẩn bị tái chiếm nước ta.
 
BÌnh Ngô đại cáoTuyên ngôn độc lập ra đời trong hoàn cảnh khác nhau, hướng tới những đối tượng cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, Hai tác phẩm này có chung một tiếng nói như là bản tuyên ngôn mang đầy tính chính luận, đầy chất đanh thép, có sức lan tỏa mạnh mẽ và sức thuyết phục mọi người.
Trước hết, hai bản tuyên ngôn này đều nhắc đến cách khẳng định chủ quyền của dân tộc.
 
       Bình Ngô đại cáo khẳng định chủ quyền  trên nhiều phương diện thật phong phú:
 
“Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi song bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nên nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống , Nguyên mỗi bên hùng cứ một bên
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có”.
 
       Tuyên ngôn độc lập lại đưa ra lập luận để khẳng định chủ quyền trên hai phương diện: “VIệt Nam có quyền được hưởng tự do độc lập”; “Sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Từ chính điều này mới tuyên bố độc lập. Đây là cách lập luận khoa học, chặt chẽ, thuyết phục.
 
Tiếp đến, hai tác phẩm này cũng nói đến lòng yêu nước, thương dân vô hạn.
 
Trong Bình Ngô đại cáo, tác giả quan niệm lấy dân làm gốc, yêu nước là yêu nhân dân. Nhân dân là tầng lớp đáng thương nhất trong chiến tranh. Họ là nhân dân Đại Việt. Đây là quan niệm tiến bộ của Nguyễn Trãi:
 
     “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”;
      “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
      Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ”
 
     Còn Tuyên ngôn độc lập thể hiện yêu nước là yêu nhân dân đất nước, là đem lại độc lập cho dân tộc và dân chủ cho nhân dân, tình yêu con người được đề cập đến rộng rãi: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ xiềng xích Thực dân gần một trăm năm nay để gầy dựng nên nước”.
 
       Kế đến, hai áng văn chương này đều nói đến cách mở đầu của một bản tuyên ngôn.
 
      Bình Ngô đại cáo mở đầu bằng sự khẳng định một chân lý lịch sử bất diệt:
 
      “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
 –    Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
 
     Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng cách trích dẫn hai câu nói nổi tiếng trong hai bản tuyên ngôn của thế giới. Câu thứ nhất được trích từ Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Câu thứ hai được rút ra từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đây là một dụng ý chiến lược và chiến thuật của Bác. Người muốn dùng lời của ông cha người Pháp và người Mỹ để đập vào lưng của con cháu họ, dùng cây gậy độc lập tự do đánh vào lưng những kẻ thù của độc lập tự do. Tuyên ngôn độc lập là một lời tranh luận ngầm nhằm lột tẩy những mưu mô thủ đoạn của bọn thực dân.
 
      Bên cạnh đó, Hai tác phẩm này cũng đều thể hiện sự tố cáo tội ác của giặc ngoại xâm
 
      Trong Bình Ngô đại cáo, Ức Trai đã vạch mặt tội giặc Minh mượn gió bẻ măng, lợi dung thời cơ đất nước ta rối ren để thôn tính Đại Việt:
 
      “ Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
        Để trong nước lòng dân oán hận
        Quân cuồng Minh thừa cơ gây hoạ
        Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh
        Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
        Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
        Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
        Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
        Bại nhân nghĩa nát cả đất trời”.
 
         Với Tuyên ngôn độc lập, Bác đã dùng lập luận bác bỏ để vạch trần năm tội ác về chính trị, bốn tội ác về kinh tế của thực dân Pháp. Nếu nước mẹ Pháp đưa ra chiêu bài bảo hộ thì Bác đã vạch rõ: “trong năm năm, chúng bán nước ta cho Nhật”. Bác đã viết: “Chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu”; “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”.
 
     Mặt khác, Hai tác phẩm này còn thể hiện tính chất chính nghĩa, thái độ khoan hồng và nhân đạo
  • Tư tưởng nhân nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Bình Ngô đại cáo và cuộc đấu tranh chống quân Minh của quân dân Đại Việt. Sau khi giặc đầu hàng, lãnh tụ nghĩa quân Lam Sơn đã có những hành động hết sức cao thượng:
        “Mã Kì, Phương Chính cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể mà hồn bay phách lạc
  • Vương Thông, Mã Anh phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà tim đập chân run”.
  • Sự thảm hại của kẻ thù vừa làm tôn lên khí thế hào hùng của nghĩa quân đồng thời càng làm nổi bật tính chất chính nghĩa, nhân đạo sáng ngời của cuộc kháng chiến chống quân Ngô thuở nào.
      Trong Tuyên ngôn độc lập, Bác đã ngợi ca thái độ khoan hồng và nhân đạo của người dân đất Việt: “Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ”. Tinh thần nhân nghĩa đó vốn xuất hiện từ lâu trong đạo lý dân tộc: Đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại.
 
       Và điều quan trọng hơn hết cả hai áng văn chương này đã thể hiện sự tuyên bố độc lập của nước ta.
 
      Lời kết thúc Bình Ngô đại cáo với sự hòa quyện giữa cảm hứng độc lập và cảm hứng vũ trụ, Ức Trai trịnh trọng tuyên bố nền độc lập tự do:
 
    “Xã tắc từ đây vững bền
     Giang sơn từ đây đổi mới
     Càn khôn bĩ rồi lại thái
     Nhật nguyệt hối rồi lại minh
     Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
      Muôn thuở nền thái bình vững chắc”.
 
      Ở Tuyên ngôn độc lập, trước khi công bố quyền được hưởng tự do độc lập một cách xứng đáng của dân tộc ta, Hồ Chí Minh đã tuyên bố thoát lí mọi quan hệ với thực dân, xóa bỏ mọi hiệp ước, mọi quyền lợi của Pháp trên đất nước Việt Nam. Đây là một việc làm vô cùng có ý nghĩa. Để thiết lập một đất nước Việt Nam mới và mở ra một kỉ nguyên độc lập tự do của đất nước, ta phải xóa bỏ mọi ràng buộc, mọi mối quan hệ với thực dân Pháp, phải đập tan mọi luận điệu của tướng Pháp và bọn thực dân phản động Pháp đang âm mưu tái chiếm Đông Dương: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”
 
        Có thể nói, ra đời ở hai mốc lịch sự trọng đại khác nhau của đất nước nhưng với sự tương đồng về nội dung, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đã đem đến cho chúng ta bản tuyên ngôn chủ quyền thật đanh thép dựa trên một lập luận chặt chẽ, xứng danh tầm vóc của hai tác gia nước nhà. Đây là thành quả đáng ghi nhận của nhân dân ta sau bao năm gian khổ chiến đấu giành lại tự do, độc lập và đã được Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh khái quát lại bằng lí lẽ thuyết phục nhất để bố cáo thiên hạ, xã tắc từ nay quốc thái dân an.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét