Thứ Hai, 18 tháng 5, 2020

“HƯƠNG NỘI GIÓ NGÀN” – NHỮNG NẺO ĐƯỜNG QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC -Tập thơ của Châu Thị Cẩm Liên – Trần Thanh Xem



 
Châu Thị Cẩm Liên sinh năm 1958, quê quán tại thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Cô là giáo viên đã nghỉ hưu và còn là chi Hội trưởng Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Trà Vinh. Nữ thi sĩ là một trong những nhà thơ tiêu biểu của tỉnh Trà Vinh hiện nay. Cô có niềm đam mê văn chương và sáng tác thơ từ rất sớm. Năm 2019, tập thơ Hương nội gió ngàn do nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ phát hành  đã mang lại dấu nấn riêng cho vườn thơ Châu Thị Cẩm Liên. Tập thơ Hương nội gió ngàn có những vần thơ viết về nhiều địa phương trong cả nước. Qua đó, độc giả có thể cảm nhận hình ảnh những nẻo đường quê hương của đất nước được tái hiện lên bằng giọng thơ giàu chất trữ tình của tác giả.

Trước tiên, ở tập thơ Hương nội gió ngàn, người đọc bắt gặp hình ảnh những nẻo đường quê hương của đất nước ở nơi gần gũi nhất với Châu Thị Cẩm Liên. Đó là miền đất Trà Vinh yêu dấu.
Tiểu Cần là huyện thuộc tỉnh Trà Vinh, là nơi nữ thi sĩ đã cất tiếng khóc chào đời. Chính vì vậy, chúng ta có thể hình dung ra được những tình cảm sâu nặng thiết tha mà tác giả đã dành cho vùng đất này. Bài thơ Khúc hát dòng Cần Chong đã cho chúng ta cảm nhận được nỗi nhung nhớ dâng đầy của tác giả về vùng đất Tiểu Cần:
“Cần Chong ngân nga khúc hát
Về miền trầm tích xưa xa
Lách lau yêu từng con sóng
Đi đâu cũng nhớ quê nhà!”
Là người con của đất Trà Vinh, nhà thơ có những cảm xúc dạt dào về mảnh đất này. Trà Vinh yêu thương là bài thơ bày tỏ khát vọng của người sáng tác muốn bao quát hết những gì rất riêng của Trà Vinh từ những thắng tích cho đến lễ hội. Nhà thơ cũng đã phát hiện và thổi hồn vào bài thơ sự giao thoa văn hóa Kinh và Khmer. Thi phẩm này kết lại bằng những câu thơ da diết, tình yêu miền đất Trà Vinh vô hạn:
“Trà Vinh hỡi, ta yêu người quá đỗi
Từng hốc cây, góc phố tên đường
Tiếng rao hàng ướt đẫm những đêm sương
Tiếng líu ríu chim chuyền cành mỗi bình minh cây xanh nắng gội.”
Bên cạnh đó, chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh những nẻo đường quê hương của đất nước ở những nơi xa hơn, tức là ngoài phạm vi tỉnh Trà Vinh.
Châu Thị Cẩm Liên có một sự cảm tình đặc biệt với vùng đất Đà Lạt. Và nhà thơ có nhiều sáng tác hay khi tiếp cận với vẻ đẹp của xứ sở ngàn hoa này. Chính tình yêu Đà Lạt đến nồng nàn nên trong một khoảnh khắc, tác giả muốn thành người Đà Lạt như trong bài thơ là Đà Lạt mơ:
“Chỉ khoảnh khắc làm người Đà Lạt
Nên bốn mùa chỉ ngỡ mùa đông
Cái se lạnh chỉ làm sang môi má
Không phấn son thiếu nữ má vẫn hồng”
Trong Hương nội gió ngàn, Châu Thị Cẩm Liên xuôi về vĩ tuyến 17 của nước Việt Nam. Nhà thơ trầm tư khi đi qua chiếc cầu Hiền Lương lịch sử, nơi phân giới tuyến đôi bờ Nam – Bắc trong thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bài thơ Chiều trên cầu Hiền Lương là những rung động chân thành của tác giả khi hồi tưởng lại những nỗi đau đớn trong quá khứ:
“Thương chiếc cầu một thuở
Oằn mình gánh trọn niềm đau
Dòng sông Ngân hóa thân dòng Bến Hải
Đêm đêm mơ mãi chiếc cầu Ô
Nghe tiếng sông Tương ngơ ngẩn vỗ đôi bờ”
Nữ thi sĩ đã có những chia sẻ hết sức xúc động về cuộc sống thiếu thốn, gian khổ của những người anh hùng bình dị mà lặng lẽ, luôn cầm chắc tay súng giữ bình yên cho biển đảo quê hương. Bài thơ Bên anh Trường sa kết lại bằng hình ảnh xúc động của tác giả về người lính biển:
“Mơ ước đời thường nhỏ nhoi đơn giản
Tuổi trẻ dâng đời nào suy tính thiệt hơn
Bởi trân quý từng phân vuông Tổ quốc
Nên ở nơi nào đất cũng hóa quê hương”
Không chỉ thế, với bài thơ Thăm quê hương Tây Sơn Tam Kiệt, Châu Thị Cẩm Liên đã nối kết khí thiêng núi sông với anh linh của những bậc anh hùng. Đồng thời nhà thơ ngợi ca công đức lẫy lừng của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ:
“Ba trăm năm me vẫn mướt màu xanh
Viếng cổ trong veo màu thiên thanh
Trên nền cũ điện thờ tôn nghi vệ
Hậu thế ơn người vị đại đế lừng danh”
Đến với Hồ Gươm, gương mặt thủ đô ngàn năm văn hiến hiện ra. Hồ Gươm đẹp long lanh gợi nhớ gợi thương cho tác giả về nước non một thuở, dờn dợn hình ảnh cha ông đi mở cõi, trấn thủ Thăng Long:
“Ta dạo Hồ Gươm
Chầm chạm nhịp đời cổng đền Ngọc Sơn
Tả Thanh Thiên lặng yên mà ngạo nghễ
Chạnh nhớ người xưa
Nước non dâu bê
Thăng Long mấy độ mây mù
Ta đã viết được gì lên bầu trời thu
Từ độ người xưa mang gươm đi mở cõi?”
                                                     (Hồ Gươm)
Về với Pác Bó, về với quê hương cách mạng, tác giả lâng lâng trước vẻ đẹp nên thơ, thanh bình của chốn này, Đồng thời, nữ thi sĩ như thu nhỏ người lại, ngỡ mình là hạt cát bởi sự bao la của nơi một thời Bác Hồ sống và làm việc, nơi cội nguồn làm ra đất nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa:
“Hang Cốc Bó bên trời tôi đến
Hiểu Cuộc đời cách mạng thật là sang
Bài học lớn gối tròn bài học nhỏ
Nhỏ hóa tôi, hạt bụi trước mênh mang!”
                                               (Pác Bó)
Từ những lời tình tự đằm thắm, hồn thơ Châu Thị Cẩm Liên mang khuynh hướng thơ tự do với câu thơ trải dài miên man theo suy tư của tác giả. Vì thế, hình ảnh những nẻo đường quê hương của đất nước thể hiện trên mỗi vần thơ là những dòng tâm tình tuôn chảy tạo nên những dư vị sâu xa trong lòng người đọc. Điều đó cũng khẳng định tình yêu quê hương đất nước sâu nặng của nữ thi sĩ. Tập thơ Hương nội gió ngàn của Châu thị Cẩm Liên ra dời là một đóng góp tích cực cho thi đàn tỉnh Trà Vinh nói riêng cũng là đóng góp cho thơ ca đồng bằng song Cửu Long nói chung.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét