Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Tưởng nhớ soạn giả Đỗ Thanh Hiền đã vĩnh viễn ra đi vào cõi vĩnh hằng… – La Ngạc Thụy


Soạn giả Thanh Hiền, tên thật là Đỗ Văn Trượng, tác giả bản vọng cổ nổi tiếng "Chuyến xe Tây Ninh", là nghệ nhân ưu tú, hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh đã về cõi vĩnh hằng lúc 7 giờ ngày 26-02-2020…
Trong suốt quá trình hoạt động văn học nghệ thuật, ngoài tài năng sáng tác, Thanh Hiền được thiên phú sở hữu ngón đờn kìm điêu luyện, có hồn cuốn hút người nghe. Cây đờn kìm đã theo ông suốt gần 70 năm từ tuổi thơ ở vùng quê Gia Lộc Trảng Bàng đến chiến khu, tại các sân khấu khi Đoàn ca múa nhạc lưu diễn đó đây đến các điểm dạy đờn trong tỉnh, hay tụ điểm sinh hoạt đờn ca tài tử cải lương tại nhà. Rất nhiều học trò muốn được thụ giáo ngón đờn kìm của ông và hầu như chưa trò nào qua được thầy Thanh Hiền. Anh cũng là người anh thân thương đã hỗ trợ, động viên tôi rất nhiều trong sáng tác văn học.

Năm 1993 Tỉnh ủy và UBND tỉnh chủ trương củng cố Ban thường trực Hội Văn học Nghệ thuật để chuẩn bị tổ chức Đại hội VHVT lần thứ I, lãnh đạo đã cử Ban thường trực lâm thời gồm 4 người: Trần Công Nứ (Chủ tịch), 2 phó chủ tịch là Đỗ Thanh Hiền và Nguyễn Tam Bạch (họa sĩ Ba Trắng) và La Ngạc Thụy làm Chánh văn phòng. Vậy là Ban thường trực thời đó đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn lại mình tôi đau đáu nhớ lại những kỷ niệm xưa. Riêng đối với anh Thanh Hiền mà tôi gọi là Anh Tư thân thương đã động viên tôi viết tập truyện vừa Bến Quê Hương xuất bản năm 2013, trong đó những bối cảnh chiến tranh đều do anh kể lại…
Có lẽ, hồi ức "Nỗi nhớ khôn nguôi" mà anh kể lại có thể nói là quảng thời gian đáng nhớ nhất của anh. Tôi xin post lên đây thay lời tri ân, người anh thân thương đáng kính..
Nỗi nhớ khôn nguôi
Hồi ức Đỗ Thanh Hiền
Bây giờ, nội ô Tòa thánh Tây Ninh đã hơn 8 giờ.
Khoảng thời gian này, ngày xưa nhà văn Nguyễn Quang Sáng cùng nhạc sĩ Hoàng Việt …đã “lẹp xẹp” đạp lá vàng khô từ vuông lều “Gò mối bằng lăng” đến Trảng Vuông, rồi vòng về phía trên căn lều ni – lông của chú Tư Siêng – Lưu Hữu Phước để UTQ theo lời gọi của chú. Ban đầu tôi chẳng hiểu UTQ là gì? Sau này mới biết là “mật lệnh” của việc “uống trà quạo” mà chú Tư thường dùng để gọi cán bộ dưới quyền đến để bàn bạc và định hướng sáng tác trong từng thời điểm chiến dịch và mỗi khi nhận ra “sự lơ là” với thời sự chính trị của anh em văn nghệ sĩ.
Đây cũng là phong cách làm việc của chú Tư, vì bên “chén trà quạu” không khí làm việc bớt căng thẳng và việc tiếp thu cũng thoải mái hơn. Tôi nhớ thật rõ, giai đoạn này anh Bảy Cò (tên thường gọi của nhạc sĩ Hoàng Việt) đang nặng lòng với Sinfoni “Giao hưởng Cửu Long I và II” và nhà văn Nguyễn Quang Sáng (theo anh tâm sự) thì đang gò lưng viết ngày đêm để gấp rút hoàn thành tập truyện ngắn “Bông Cẩm Thạch”, nên việc hai anh “bị UTQ” gọi đến để nhắc nhở lưu tâm đến thời sự hơn trong sáng tác của mình. Thời điểm này, theo tin tức tình báo thì Mỹ đang chuẩn bị kế hoạch càn quét diện rộng trên khắp địa bàn với tên gọi “trận càn Đông Dương”. Và việc gì đến, nó đã đến …
Đó là vào chiều ngày 29 tháng 3 năm 1970 …
Trận càn Đông Dương như những chiếc vòi bạch tuột đã vươn qua suối Mật Cật, tiến tới cửa ngõ của Tiểu ban Văn nghệ R. Để bảo toàn lực lượng, nhất là đội ngũ văn nghệ sĩ “những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa ấy”, cánh văn nghệ sĩ trẻ chúng tôi đã nhận lệnh trước đó nhiều ngày đưa các “lão” văn nghệ sĩ Thanh Nha, Phạm Ngọc Truyền, Ba Thanh Loan, Ba Thừa Vĩnh, nghệ sĩ hài Quốc Hoà… về Cứ 2 của Ban, căn cứ đặt ở tận A Long Rết. Đêm dời lên Cứ 2, trên đường “Sáu Cầu” mà tai cứ nghe tiếng bom nổ, mắt nhấp nhánh giăng sao bởi những tia chớp lửa của bom B52 rải thảm bên căn cứ cũ ở Suối Cây, Bàu Lùng Tung …
Đúng là việc gì đến đã đến thật!
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà chúng tôi thường gọi là anh Năm thân thương lúc nào cũng lạc quan: “mày bom cứ bom, ta đi cứ đi”. Có lẽ nhờ vậy mà cánh văn nghệ trẻ chúng tôi cũng “khinh thường cái chết’ thản nhiên “lưng bòng, vai súng” đưa các “lão tướng văn nghệ” hành quân lên Cứ 2 một cách an toàn. Thế nhưng, mới đến nơi chưa kịp ổn định “nơi nghỉ, chốn viết” thì khu rừng “Gò Săng Ve”, dù đã tiếp cận giáp với phum Đôn Ca Đôn bên K vắng vẻ, từ trước đến nay được coi là yên tỉnh, an toàn bậc nhất đã không còn yên tĩnh nữa rồi. Không phải do đoàn văn nghệ chúng tôi đến phá tan không khí yên lành vốn có nơi đây mà do tin dữ từ anh Ba Thạnh, Trưởng ban tổ chức Tiểu ban báo cáo lại với đoàn từ bản tin của Đài kỹ thuật báo về cho Ban Cứ 2: “ … Điểm khu vực Gò Săng Ve, từ 12 giờ ngày 01 tháng 4 năm 1970 – là tâm điểm không kích, kể cả pháo đài bay B52 …”. Nghe tin, cánh trẻ chúng tôi không kềm được buông tiếng chửi: “Tổ cha cái thằng Mỹ”. Vậy mà chị Năm Lê Giang lại cười híp mắt như “khoái” lắm vậy, buông giọng rặt Nam bộ: “Gặp nữa rồi, Thanh Hiền ơi! Đi, đi nữa mầy ơi…”.
Thay vì gấp rút tiếp tục lên đường, nhưng chúng tôi lại ngồi phệt xuống, mở bình ton nhẫn nha uống nước. Nhờ vậy mà cả đoàn bất ngờ gặp được Đội bảo vệ và vị nữ tướng Nguyễn Thị Định cũng vừa hành quân tới. Cô Ba Định, chúng tôi thường gọi vị nữ tướng duy nhất, nổi tiếng với nhiều huyền thoại ấy với ba tiếng thận thương và kính trọng đó vẫy tay gọi chị Năm Lê Giang đến dặn dò một số công việc rồi lại vội vả lên đường thẳng lên hướng Bà Thét (Brathét), hướng từ Tây Ninh lên phía đông Campuchia..
Nhìn theo đoàn xe đạp của cô Ba khuất hẳn vào rừng cây, chị Năm Lê Giang quay trở lại. Chị lại cười híp mắt, cái miệng rộng huỵch, vui vẻ chành ra: “Cô Ba nói, hai chiến đoàn tăng Mỹ ngụy đã càn đến khu Ka Rết và Mi Mốt rồi. Cánh trái thì bọn Lonnon trước đây co cụm lại, giờ cũng bung ra. Vui chữa! Giặc hai bên, ba phía kềm kẹp lại rồi … Mình đi nữa hén”. Chị Năm Lê Giang vẫn thế, vẫn giọng điệu “lạc quan tếu” dù trong cảnh “dầu sôi lửa bỏng”, phổ biến ngắn gọn, rồi lại cười. Bỗng chị nhìn quanh, rồi gọi anh Ba Thạnh đến (cả hai người nằm trong cấp ủy của Tiểu ban văn nghệ, lãnh đạo cao nhất trong thời điểm hiện tại) để bàn kế hoạch tiếp tục hành quân theo chỉ thị của cô Ba Định.
Còn đang hoạch định kế hoạch thì phía bên phum Đôn Ca Đôn có một số cán bộ K và dân chúng chạy sang vì bọn lính Lon Non cũng động binh truy lùng ráo riết cán bộ cách mạng K (Khmer Đỏ). Bất ngờ và cũng khéo làm sao tôi được gặp lại cô nữ cán bộ thanh niên Chênh Tha. Kỷ niệm một thời với cô gái Chăm trong quá trình công tác thanh niên bên nhau, cứ ngỡ đã chìm trong góc khuất ký ức chợt hiện về. Chênh Tha đẹp mặn mà của cô gái hai dòng máu Chăm và S’tiêng, với đôi mắt to, đen láy bên nụ cười mĩm, lẳng lặng nhu mì. Nếu tôi không được Chênh Tha chăm sóc, có lẽ với căn bệnh sốt rét ác tính đã vào giai đoạn cuối quật ngã khi tuổi đời tôi còn quá trẻ. Căn bệnh quái ác đó không tha bất cứ ai thường xuyên luồn rừng, ngủ võng. Tôi vướng bệnh trên đường di chuyển đến hồ Chí Phèn và mê man nóng sốt, người đã gầy rọc, đi đứng phải có người dìu. Vậy mà với món thuốc gia truyền toàn là rễ và lá cây rừng do cha nàng đào và hái mang về đã cứu sống tôi. Thuốc do nàng sắc, cháo do nàng nấu, đi do nàng dìu suốt một thời gian dài. Thế là phát sinh tình cảm trai gái luyến lưu. Chính tôi, lúc bấy giờ cũng chưa xác định đó có phải là tình yêu hay không? Nếu có thì cũng là mối tình câm do nhiều ngăn cách. Đặc biệt là rào cản giữa hai dân tộc khó mà hòa hợp nhau, nhất là trong giai đoạn cách mạng đang gặp nhiều khó khăn do Mỹ ngụy cứ liên tục tổ chức hết chiến dịch này sang trận càn khác nhằm truy quét lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh mà Tây Ninh là căn cứ địa quan trọng trong suốt quá trình kháng chiến. Giữa ta và bạn luôn hợp rồi tan, vì mỗi bên đều có nhiệm vụ riêng. Do vậy khi chia tay kỷ niệm đó cũng dễ chìm vào ký ức. Gìơ gặp lại nhau chúng tôi rất vui mừng nhưng chỉ biểu lộ qua ánh mắt và nụ cười. Hoàn cảnh hiện tại không cho phép chúng tôi đủ thời gian để ở bên nhau hàn huyên tâm sự, vì phải gấp rút hành quân. Dù cùng nhau ngược lên hướng Tây Bắc, từ Đầm Be hành quân thẳng qua Đôn Cà Đôn (Phum Dừa), nhưng ai cũng có nhiệm vụ của riêng mình, nên ngậm ngùi tách nhau. Trong sổ tay nghệ thuật tôi còn ghi:
“… Ơi Chênh Tha, có đôi cánh vàng anh,
Chim vàng anh sà xuống sàn gác nhà xưa – trước sân sứ trắng.
Nắng Chùa Tháp nắng tươi – đượm nồng hương nắng …
Rồi mai đây,
Chênh Tha về nơi nào – trong gió, trong mưa!”
Dù chỉ gặp nhau trong thoáng chốc đã phải chia tay, không hiểu tâm tình của Chênh Tha thế nào? Riêng tôi vẫn tin tưởng và thắm thiết ghi rằng:
“… Anh vững tin một ngày không xa,
Anh sẽ kết “sứ trắng” trên chiếc thuyền hoa,
Mà đưa chung thuỷ, cùng Chênh Tha theo về!”
Cho tới bây giờ … tôi vẫn thầm lặng … sống thì nhớ, có chết mang theo hình ảnh Chênh Tha với chiếc áo cộc tay đen, xà rông đậm màu, đứng yên cười lặng lẽ, nhìn theo cho tới khi chúng tôi khuất bóng. Và hình ảnh ấy đã đi vào bản vọng cổ “Nàng Chênh Tha” tha thiết do tôi sáng tác phát trên sóng của Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh năm 1979.
Trong đoàn, sức khoẻ của anh Năm Nguyễn Quang Sáng có lẽ yếu nhất. Không hiểu anh bị bệnh gì, nhưng sau khi ra viện, tóc giữa đỉnh đầu của anh bạc trắng và dáng đi của anh cứ “lệ xệ”, nên cánh trẻ chúng tôi phải thay phiên nhau đỡ đần cho anh cái ruột tượng gạo, cái bồng chứa đầy bản thảo cùng tăng võng, để anh cùng “tụi bây tới đâu tao tới đó”.
“Ai nghe trên đường Thiên Lý,
Dưới nắng ngày – rồi trong mưa đêm!
Bước chân không hề ngơi nghỉ …
Của bao người chiến sĩ giao liên…”
Cánh quân văn nghệ sĩ thuộc Tiểu ban Văn nghệ Trung ương cục gồng gánh nhau tiếp tục lên đường. Gió thu vẫn lảng đảng lay nhẹ cành lá, lả tả lượn lờ như hướng dẫn bước đi.
Con đường từ Đầm Be đến hồ Chí Phèn, mà cánh trẻ chúng tôi gọi thành hồ “Chí Phèo”, phải qua phum Cà Đôn. Nơi đây bà con dân tộc Khmer trồng dừa nhiều hơn cây thốt nốt truyền thống nên còn gọi là Phum Dừa. Qua phum Dừa chạm ngay ngã ba Brathét (Bà Thiết). Thời điểm này, trận càn Đông Dương của Mỹ đã mở rộng lên phía Tây Bắc. Hai chiến đoàn tăng pháo Mỹ nguỵ giăng ngang tuyến đường từ Karết ngược lên Phố, rồi xẻ dọc sang Brathét, quân rải dài đến gần Thị trấn Suông Chúp. Lực lượng chúng hung hậu, trang bị vũ khí tối tân, khí thế thật hung hăng. Thế nhưng khi đổ quân đến đâu thì chúng “co cụm” lại. Nắm bắt được thế trận tuy dàn trải nhưng “co cụm” tạo nhiều khoảng hở, nên đoàn văn nghệ sĩ được lệnh phân tán mỏng, chờ đêm xuống len lỏi qua các khoảng hở đó. Do phải phân tán mỏng, đoàn quân trở nên dài “lê thê”, dù chẳng có bao nhiêu quân số, cắt đường xuyên lên rừng Giá Tỵ, hướng về Bàu Sỏi, Wát Thơ Mây … suốt cả đêm, đến 9 giờ hôm sau mới thoát ra khỏi vùng đóng quân của địch. Tưởng đã thóat ra khỏi vùng nguy hiểm, “đoàn quân lê thê” chưa kịp tập trung lại, bụng đói meo, thì nhận được tin địch đã phát hiện và xe tăng địch đã mở mủi đuổi theo.
Mẩu tin thật ngắn gọn và bay cũng thật nhanh từ cuối đoàn quân đến chị Năm Lê Giang đang dẫn dầu đoàn quân. Chị Năm chưa kịp ra chỉ thị thì cánh nhà văn Lê Văn Thảo và Nguyễn Chí Hiếu khẩn trương đến báo:
– Anh Năm Nguyễn Quang Sáng yếu lắm rồi, nếu hành quân hoả tốc, e anh Năm chịu không nổi. Chúng ta tìm cách “võng” ảnh thôi.
Bàn bạc và cử người phụ trách xong, anh Năm biết được nhất định không chịu để anh em võng đi. Anh cố lạc quan tếu:
.- Chưa hơn Trường Sơn đâu! Tao còn đi được. Tụi bây cứ lo ruột tượng gạo và bồng bị nè … Tao chỉ cần cây gậy này, bây đến đâu tao theo kịp đến đó. Đừng lo.
Rồi anh nhìn chị Năm Lê Giang, đôi mắt hướng về nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. Chúng tôi hiểu ý, không nên để chị bận tâm nhiều đến anh em, chị đang “bận bịu” với “ông tướng ròm họ Lư” này, cũng đang là bệnh nhân cần sự chăm sóc đặc biệt của chị.
Tính nhà văn Nguyễn Quang Sáng là vậy đó. Khi chưa thật sự ngã quị, anh không cần bất cứ sự dìu đở nào. Chẳng những vậy, anh còn lo cho người khác, đặc biệt là đối với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.
Đoàn vượt qua cánh đồng Bàu Sỏi. Nhìn lại phía sau vẫn còn người thấp thoáng dưới ánh nắng chiều đỏ chói. Bỗng nghe tiếng súng nổ rộ lên phía cuối đoàn quân. Đoàn khẩn trương cố vượt qua khỏi cánh đồng trống trải, vừa cặp sát cánh rừng Cù Đèn thì trinh sát Mặt trận tới báo tin và thúc hối:
– Cố gắng lên các anh chị ơi! Cố gắng đi nhanh hơn nữa. Phải đến nơi an toàn trước khi đêm xuống.
Dù thúc hối nhưng giọng các anh thật vui, phấn khởi. Bởi lẽ Ban Bảo vệ căn cứ Trung ương cục gồm C100, C81 …phối hợp với một bộ phận Công trường 9 (CT9) đánh tan tác hơn 60 xe bọc thép M118 và M113 của chốt Karết nống lên chốt chặn. Tin cũng cho biết, chiều và đêm nay tất cả đều phải đặt trong tình trạng cảnh giác, bằng mọi cách để phòng ngừa phi pháo địch. Phi pháo địch nói gọn là thế, nhưng đoàn văn nghệ sĩ chúng tôi đều hiểu là trận địa pháo bầy và máy bay đánh bom rải xung quanh nơi chúng đang “co cụm” để bảo vệ trận địa chốt chặn của bọn chúng. Do vậy các cánh quân nào đang ở gần trận địa đó phải cấp tốc bằng mọi cách di chuyển càng xa càng tốt trước khi màn đêm buông xuống. Nếu như thế thì thật khó cho “đoàn quân dài lê thê” này. Bởi đầu đoàn thì thì an toàn, nhưng cuối đoàn thì đang nằm trong khu vực phi pháo địch sẽ dập bất cứ lúc nào. Lệnh truyền từ chị Năm Lê Giang xuống cuối đoàn: Người khoẻ “võng” người yếu cấp tốc băng đồng hội quân tại bìa rừng. Không hiểu do tin vui từ anh em trinh sát mang đến hay do lệnh khẩn cấp mà sức khoẻ của đoàn quân như tăng lên, kịp hội quân khi màn đêm vừa buông xuống và tiếng phi pháo địch bắt đầu rền vang, nhoáng nhoàng tia chớp phía sau lưng.
Dù đã thoát ra khỏi tầm phi pháo, nhưng đoàn văn nghệ sĩ vẫn khẩn trương tiếp tục hành quân hướng lên mục tiêu Wat Thơ Mây. Nơi đây Huyện bạn đã bố trí tiếp đoàn tại khu chợ nhỏ. Wat Thơ Mây có nghĩa là Chùa Mới cũng là cái tên kinh hoàng cho quân Mỹ nguỵ hơn hai năm sau đó.
Đó là những ngày tháng 3 năm 1970 với Chiến dịch “Tìm Diệt”, các chiến đoàn tăng của Tổng trừ bị Phủ Tổng thống do tướng Đỗ Cao Trí điều binh phối thuộc với sư đoàn 18 của tướng Nguyễn Văn Minh đáng thốc lên nhằm xoá sổ “Đầu não Việt Cộng” đang đóng quân phía đông chiến trường Kampuchia. Chúng không ngờ, tại đây chúng bị đánh tan tác, tướng Đỗ Cao Trí chết thảm khi máy bay bị trúng đạn nổ tung khi vừa đáp xuống sân bay Tây Ninh gần sát dinh Tỉnh trưởng chỉ vài trăm mét.
Wat Thơ Mây – cái tên gợi nhớ đến con đường sỏi đỏ, đổ truông dài len lỏi giữa rừng le xanh thẳm bạt ngàn với những cụm bằng lăng cố vươn lên đón ánh mặt trời để khoe những chùm hoa tím ngát. Muốn ngắm hoa phải ngước cổ lên nhìn. Thỉnh thoảng nghe mấy chú chim hồng hoàng, cao các đậu chót vót cành cao trổ giọng “tố rô, tố rô” gọi bầy. Chúng càng “tố rô” tôi càng nhớ vùng rừng bao bọc Trảng Tà Xia, Lò Gò…; bấy nhiêu. Sao bây giờ nhớ Tây Ninh quá vậy, dù chỉ xa nơi đó không bao nhiêu ngày. Tình quê hương, đất nước càng dậy lên và theo tôi suốt mấy năm đầu kháng chiến (1959 – 1960). Sổ tay tôi còn ghi:
Ly hương – Ly hương đường kháng chiến
Nghe hồng hoàng “tố rô” chạnh nhớ Tây Ninh.
Cuối cùng, Đoàn quân văn nghệ sĩ thuộc Tiểu ban Văn nghệ R cũng đến căn cứ mới. Gọi là căn cứ nhưng chỉ là cánh rừng nằm cách hồ Chí Phèo hai ngày đường, chẳng có hầm hào trú ẩn, thậm chí chưa có chòi trại nào khả dĩ che bớt sương gió cho những người đang ốm đau. Ngày đầu tiên đến cứ đoàn quân mệt lả, chỉ còn sức tìm nhánh cây khô đốt lửa suởi ấm và “võng giá ni long” treo ngã lưng qua đêm, cùng nhau nghe tiếng gió xao động cành lá cây rừng, nghe cả tiếng chân cọp đuổi bắt nai, nai phóng ào qua mấy cánh võng ni – long của anh Lư Nhất Vũ, chị Lê Giang, Phạm Minh Tuấn, Hồ Thị Cúc… khiến họ giật mình kêu thét: “cứu, cứu” và cả đoàn bật dậy súng trên tay lên đạn căng mắt trong tư thế sẵn sang chiến đấu với … thú rừng. Chỉ tội Tổ bảo vệ phải chong mắt suốt đêm để ngăn ngừa sự cố.
Để dễ hình dung, con đường từ căn cứ cũ đến cứ mới, là con đường nối các địa danh từ Đầm Be, Dung Rạng, Rừng Tre, thị trấn Chơ Long, đầm Phơ Lây Phông, Rừng Dương, thị xã Krachíe (Cần Ché)… thuộc Đông Bắc Kampuchia. Hồ Chí Phèn nằm chếch về phía trái Đầm Be. Nếu cắt rừng thì đi qua suối Lồ Ô, ra xóm Chàm là đến cửa ngõ đầm hồ Chí Phèn. Mặt đầm rất rộng, nướcdưới hồ trong veo. Lúc nào cũng đầy sóng gió và xuồng câu, xuồng giăng lưới… của hơn bốn mươi gia đình bà con Việt Kiều lâu đời sống quanh hồ. Con đường này cũng chính là con đường ‘TIẾP PHẨM” của bà con Việt Kiều cho cách mạng. Đoàn văn nghệ sĩ đóng quân nơi đây nếu không có tấm lòng và sự hy sinh của họ đóng góp lương thực thực phẩm thì đoàn quân chỉ biết viết lách và đàn hát này dựa vào đâu để sống trong những ngày tháng mới chuyển về căn cứ mới chưa kịp sản xuất tăng gia? Thế mới hiểu được tấm lòng của những người dân xa quê luôn hướng về cách mạng với niềm tin sắt đá: đất nước sẽ được độc lập, tự do. Cũng chính từ những tấm lòng đó đã thúc đẩy chúng tôi sáng tác hăng say hơn, để có những tác phẩm văn học nghệ thuật góp phần động viên bộ đội ta chiến đấu quên mình cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Xin ghi nhận những tấm lòng của gia đình anh Hai Tánh, chị Hai Liễu, chú Sáu Có, chú Ba Gió… và bà con sống quanh hồ.
Hồ Chí Phèn với sóng nước mênh mang, cá tôm đầy rẫy cùng với tấm lòng của bà con Việt Kiều một lòng với cách mạng. Cũng chính nơi này là nơi an dưỡng cho các văn nghệ sĩ yếu sức sau những tháng ngày chịu đựng gian lao, lâm bệnh như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ … và cũng là nơi sáng tác lý tưởng cho những văn nghệ sĩ cần thời gian và yên tĩnh để hoàn thành tác phẩm. Nơi đây, thời đó (1970 – 1971) đón tiếp hầu như đầy đủ “anh tài” của Tiểu ban văn nghệ R, kể cả nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Anh Đức, nhà văn Trang Thế Hy, hoạ sĩ Nguyễn Văn Kính…

Suốt những ngày tháng đóng quân ở căn cứ mới, không hiểu đối với văn nghệ sĩ thời đó, bây giờ ai quên, ai nhớ. Riêng tôi thì cho đến nay vẫn đầy ắp kỷ niệm. Bởi lẽ, hầu như tuần nào tôi cũng “cuốc bộ” ra Đầm hồ. Nếu không cùng đi với hoạ sĩ Nguyễn Chí Hiếu (hiện nay là Tổng biên tập Báo Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh) thì cũng đi với chú Ba Thanh Nha… Ra Đầm hồ để thăm các anh chị em văn nghệ sĩ yếu sức nghỉ dưỡng và cũng để chứng kiến cảnh các anh, chị lao động sáng tạo thế nào nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm. Nhớ nhất là đợt học tập Nghị quyết về Miền Nam dành cho cán bộ trung cao và văn nghệ sĩ do chú Hai Trinh và chú Năm Trần Bạch Đằng trực tiếp triển khai, quán triệt. Nhờ vậy mà tôi gặp gỡ hầu hết cán bộ cấp cao của cách mạng và văn nghệ sĩ về học Nghị quyết đợt này. Đó là những ngày cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1971. Sau này, mỗi lần gặp lại nhau ai cũng nhắc lại kỷ niệm với niềm cảm xúc, ghi nhớ công ơn của bà con Việt Kiều đã giúp đỡ cách mạng trong những giai đoạn khó khăn.
Và có lẽ nhớ nhất là câu nói của anh Năm Nguyễn Quang Sáng mà tôi đã khắcghi vào ký ức từ ngày mãn khoá học, trướckhi chia tay anh trở về hồ Chí Phèn:
“Chưa học thấy rãnh rời, học rồi thấy công việc bằng trời, đầu óc tay chân nào viết cho kịp đây!”.
Những ngày cuối tháng 12 năm 2009.
Viết lại La Ngạc Thụy

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét