Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2020

HOÀNG DIỄM VÀ “GIẤC MƠ HỒNG” – PHẠM VĂN HOANH

 
Mải mê với công việc, mãi đến khi qua cái tuổi tri thiên mệnh, người chiến sĩ Công an Trương Binh (Hoàng Diễm) mới in tập thơ đầu tay “Một chút thôi” (2018). Cách một tập “Khúc ru chiều” (05/2019), bây giờ lại trình làng tiếp tập thơ thứ ba “Giấc mơ hồng”.

Tập thơ “Giấc mơ hồng” gồm 86 bài thơ là những suy tư, trăn trở, những ân tình sâu nặng của Hoàng Diễm với đời, với quê hương đất nước, với gia đình, với đồng đội, bạn bè, người thân…
Đọc “Giấc mơ hồng”, ta nhận thấy tình cảm mà Hoàng Diễm dành cho quê hương thật sâu nặng: “Quê mẹ chẳng có phù sa/ Là vùng đất cát đậm đà tình thương/ Trải qua sương gió dặm trường/ Nuôi con khôn lớn can trường đến nay./ … Quê hương dẫn dắt con đi/ Là dòng sữa mẹ chẳng gì thế thay/ Cho con khôn lớn từng ngày/ Là nơi con sống đong đầy tình thương!” (Quê hương). Hình ảnh quê hương trong thơ anh luôn gắn với kỷ niệm tuổi thơ: “Ta lại lục tìm dấu ấn của tuổi thơ/ Bao nhiêu kỷ niệm nay vẫn đợi chờ/ Tuổi thơ gắn với quê nhà bạn ơi!/ Giờ đây mỗi đứa mỗi nơi trĩu lòng…” (Tìm lại tuổi thơ).  Bài thơ “Tìm lại tuổi thơ” gợi ra một khung cảnh thanh khiết, yên bình với những trò chơi dân gian thời cắt cỏ, chăn bò, chăn trâu của trẻ con chốn quê nhà, giúp cho mỗi chúng ta tạm rời xa nơi phố thị ồn ào, vội vã, xô bồ, tìm về quê quán xưa để được đắm mình trong hoài niệm tuổi thơ hạnh phúc.


Trong dòng hoài niệm ấy, là những hồi ức ấm áp về về cha mẹ: “Mang nặng đẻ đau vì con tất cả/ Con sinh ra là công mẹ công cha/ Con trưởng thành nào tự con tất cả/ Nghĩa sinh thành con trả hết được sao./ Trải nghiệm cuộc đời thấm sâu lời mẹ/ Giọt máu đào nhè nhẹ mãi trong tim” (Nhủ lòng). Hình ảnh người cha, người mẹ trong “Giấc mơ hồng” là hình ảnh cha mẹ của tác giả mà cũng là của tất cả những đứa con Việt Nam. Cha mẹ tảo tần, dịu dàng, ấm áp là nơi mỗi đứa con trở về sau cơn bão của đời người. Để tỏ lòng thành kính mẹ cha, Hoàng Diễm đã dành những lời thơ trang trọng: “Thương lắm mẹ ơi! Mẹ là suối nguồn/ Ấp iu nuôi dưỡng chúng con thành người/ Mẹ nở nụ cười nhân hậu bao dung/ Thương mẹ vô cùng – Mẹ là mẹ tôi! ” (Quà tặng ngày tám tháng ba), “Nghĩa tình mẫu tử cao cả bao la/ Mẹ trao tất cả tình thương ngọt ngào/ Công lao của mẹ con nào nỡ quên/ Thiên chức của mẹ – niềm vui cuộc đời.” (Mẹ tôi).

Giờ đã trưởng thành nhưng những lời dạy của mẹ cha anh vẫn khắc dạ ghi lòng: “Lời cha khuyên ngày ấy/ Giờ đọng mãi trong con/ Làm hành trang vào đời/ Nào có phụ… Cha ơi!” (Về với mẹ – cha ơi!).

Nối tiếp dòng hoài niệm là hình ảnh người thầy, người cô giáo cũ. Viết về người thầy, Hoàng Diễm đã dành những lời thơ trân quý để nói lên sự tôn trọng, lòng biết ơn của thế hệ học trò: “Mười ba tuổi thầy cô cầm tay viết chữ/ Nét nghiêng xưa đến giờ em vẫn giữ/ Ơn nghĩa thầy cô từng câu chữ lời khuyên/ Vẫn vẹn nguyên trong ký ức cuộc đời./ … Chí Linh – Trường Mười đọng mãi yêu thương/ Thầy trọn đời mình vì học sinh miền Nam/ Hạt giống đỏ nảy mầm trong sương gió/ Công ơn này chúng em mãi khắc ghi.” (Kính nhớ thầy cô).

Trong tập thơ này ta còn bắt gặp một hoài niệm về một mối tình chẳng nên duyên đau quặn lòng: “Chiều nay tia nắng nhạt nhòa/ Chiếu qua khe lá lòng ta não nề/ Gió chiều cũng chẳng chịu về/ Lòng người trĩu nặng trăm bề ngổn ngang./ Thời gian nối tiếp thời gian/ Thương người xa vắng ta càng nhớ nhau/ Tình ơi, vơi bớt nỗi đau!/ Chữ tình chưa trọn niềm đau vẫn còn.” (Chiều muộn). Mối tình ấy đã để lại trong anh những nỗi niềm: “Từng đêm mơ về em/ Âm thầm trong khuya vắng/ Mộng đẹp đóa hoa hồng/ Hôn lên suối tóc mây!” (Giấc mơ hồng). Tình yêu lứa đôi trong thơ Hoàng Diễm buồn nhưng không bi lụy. Khi tình yêu tan vỡ anh chỉ trách một cách nhẹ nhàng: “Trách rằng trời ở trên cao/ Nhìn xa trông rộng mà sao bẽ bàng/ Gặp nhau dưới ánh trăng vàng/ Tình trao chưa trọn thì nàng đi xa./ Tình si nào có phai nhòa/ Đẹp như giấc mộng hương hoa cây đời/ Vần thơ tường tỏ đôi lời/ Gửi người em gái một thời ta yêu!” (Tình si)

Bên cạnh những hoài niệm là những cảm hứng ngợi ca. Đi đến đâu những cảnh đẹp của thiên nhiên cũng thu vào tầm mắt, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng anh. Đến Buôn Đôn anh cảm tác: “Ghé thăm huyền sử Buôn Đôn/ Nơi đây thuần dưỡng voi rừng Tây Nguyên/ Cảnh quan hùng vĩ thiên nhiên/ Sắc màu văn hóa Tây Nguyên nồng nàn./ …Buôn Đôn thương cảng một thời / Giao thương sầm uất Việt – Lào – Cao Miên/ Văn hóa du nhập mọi miền/ Nhịp xoang âm hưởng cồng chiêng rộn ràng” (Buôn Đôn thầm nhớ). Lên Hà Giang, anh ngỡ ngàng tước hoa tam giác mạch: “Về Hà Giang – Địa đầu Tổ quốc/ Từ Đồng Văn, Quảng Bạ, Yên Minh/ Nặng nghĩa tình ta về Mèo Vạc/ Thoảng hương thơm hoa Tam giác mạch.” (Hoa tam giác mạch).

Tập thơ còn mang nặng tình nghĩa vợ chồng. Anh dành cho vợ những lời thật mặn mà tha thiết: “Mấy chục năm nào có biết đâu/ Đến với nhau tâm đầu ý hợp/ Vần thơ nhỏ tấm lòng ta đó/ Trải nỗi niềm chung thủy vợ yêu!” (Vợ yêu). Ngày sinh nhật vợ hay ngày 8 tháng 3, ngày 20 tháng 10… anh đi công tác xa nhưng vẫn luôn nhớ về người vợ ở hậu phương bằng những tình cảm ngọt ngào; “Đến ngày Tám tháng Ba / Anh lại vắng nhà em có buồn không/ Bạn bè chồng tặng hoa hồng/ Còn em phảo nặng lòng chăm con/ … Hôm nay anh phải xa nhà/ Hoàn thành công việc trao quà tặng em/ / Tối nay anh thức thâu đêm/ Viết vần thơ nhỏ gửi em làm quà” (Quà tặng ngày Tám tháng Ba).

Ngoài ra anh còn gửi đến người đọc một triết lý sống, một bài học nhân sinh sâu sắc: “Sống đời có trước có sau/ Tình người chữ đạo nỡ nào nhạt pha/ Sống lâu mới biết đêm dài/ Gian nan mới biết là ai thật lòng./ … Sống thì chia sẻ buồn đau/ Để khi nhắm mắt xuôi tay an lòng/ Chớ nên ganh ghét người cười/ Yêu thương trân quý cuộc đời thanh tao!” (Chuyện đời).

Và còn nhiều điều mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc trong tập thơ này, nhưng trong khuôn khổ bài viết tôi không thể nói hết.

Tập thơ “Giấc mơ hồng” vẫn còn những điểm khiếm khuyết, nhưng những gì tác giả Hoàng Diễm viết ra là đáng trân trọng.

Quảng Ngãi, trung thu 2019
PHẠM VĂN HOANH

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét