Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

ĐỌC TẬP 6 “HƯƠNG THƠ QUẢNG NGÃI” – PHẠM VĂN HOANH





Tập 6 “Hương thơ Quảng Ngãi” của Chi hội thơ Đường luật Quảng Ngãi do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2019, có sự góp mặt của 31 tác giả trong chi hội và những người con Quảng Ngãi xa quê, với gần 280 bài thơ. Có thể chia bố cục tác phẩm thành hai phần. Phần I là những bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật chắc khỏe, mạnh mẽ. Phần II thuộc về các thể thơ lục bát uyển chuyển dạt dào âm hưởng dân ca, thể thơ năm chữ dồn dập nhưng bình dị như những khúc đồng dao, thể thơ bảy chữ, tám chữ khoáng đạt, bay bổng…

Đọc “Hương thơ Quảng Ngãi”, ta nhận thấy các tác giả đã hướng cảm xúc chủ yếu đến đề tài quê hương đất nươc, gia đình. Đó là những kỷ niệm đầy ắp về cố hương với hình ảnh cây đa, bến nước, con đò: “Sống cảnh phồn hoa chốn phố phường,/ Hồn quê vẫn gọi khách tha phương,/ Cây đa bạn cũ lòng lưu luyến,/ Bến nước tình xưa dạ vấn vương.” (Cố hương – Phạm Văn Thành). Đó là nỗi nhớ: “Một buổi chiều buồn về lại chốn cô thôn/ Bao nỗi nhớ nhạt nhòa trong ký ức.” (Mảnh hồn làng – Phan Thị Hiệp).
 
Yêu quê hương tha thiết nhiều tác giả luôn mong muốn được quay về với cội nguồn. Điều đó được thể hiện một cách sinh động trong các bài thơ “Mộng tiên tổ” của Nguyễn Chín, “Về cố hương” của Võ Duy Tiến, “Niệm, khúc quê nhà” của Vũ Thanh Bình, “Nhớ Hà Nội” của Nguyễn Thị Kim Thanh,”Tình khúc tháng ba” của Trần Hữu Sơn… Tình cảm trong những bài thơ này chân thật, mộc mạc nhưng mãnh liệt thiết tha nên có sức lôi cuốn bạn đọc. 
Tôi thích những bài thơ, câu thơ mang tâm trạng buồn hoặc phảng phất những nét buồn, như bài  “Cố hương” của Phạm Văn Thành, “Hồn hương quê” của Trần Thị Mỹ Hạnh, “Bến Tam Thương” của Đinh Hoàng Kim, “Tình khúc tháng ba” của Trần Hữu Sơn… “Nhặt chút tình sương treo lá cỏ/ Hút miền sông nước buổi xa mơ/ Gói trọn niềm thương nơi xóm nhỏ/ Ép vào trang giấy tạo vần thơ” (Tình khúc tháng ba – Trần Hữu Sơn) và “Ôi quê hương lòng đau đáu trong ta./ Giờ trở lại dạt dào từng bước nhớ” (Hồn hương quê – Trần Thị Mỹ Hạnh)…
 
Tình yêu quê hương của các tác giả còn được thể hiện thông qua việc ngợi ca. Nguyễn Giàu có:” Quê hương đổi mới”, “Động Thiên Đường”. Võ Tấn Thường: “Đẹp quá quê mình”. Nguyễn Thị Kim Thanh: “Vũng Tàu”.  Đỗ Minh Tâm: “Cảnh đẹp Ba Tân Gân”, “Mũi Né Hòn Rơm”. Võ Hữu Quý: “Quảng Ngãi quê tôi”. Nguyễn Văn Quyền: “Cảnh Đà Lạt”, “Kỳ tích địa linh”… Mỗi tác giả lại có cảm xúc ngợi ca khác nhau. Với Võ Tấn Thường thì vẽ bức tranh phong cảnh: “Đẹp quá quê mình Quảng Ngãi ơi!/ Mười hai thắng cảnh một phương trời” (Đẹp quá quê mình). Còn Nguyễn Giàu thì ngợi ca sự khởi sắc của quê hương: “Quê hương khởi sắc tạo niềm mơ/ Quảng Ngãi bao năm vẫn đợi chờ/ … Hòa nhập giao lưu ra thế giới/ Việt Nam quang cảnh đẹp nên thơ.” (Quê hương đổi mới).
Tình yêu quê hương trong “Hương thơ Quảng Ngãi” gắn liền với tình yêu gia đình. Các tác giả đã dành những câu thơ trân quý nhất để viết về đấng sinh thành: “Đêm khuya nhắm mắt lệ tràn ngươi,/ Xúc động trào dâng tưởng nhớ người/…thắp nén hương lòng tâm khẩn nguyện,/ Thâm tình phụ tử nhất trên đời.” (Thâm tình phụ tử – Nguyễn Giàu). Hay: “Chiều đông lạnh/ con ngồi tựa cửa/ Nhớ mẹ hiền/ nhớ đứa em thơ/ …Con không khóc/ dòng lệ tràn ra sướt mướt/ Nỗi lòng con/ khó tả lắm mẹ ơi!” (Chiều đông nhớ mẹ – Nguyễn Cảnh Trọng)…
 
Bên cạnh đó còn có một số bài thơ viết về tình yêu lứa đôi thật lãng mạn như bài “Ai thương – ai nhớ” của Nguyễn Chín: “Ngọn triều sóng dậy chạnh lòng ta/ Ai nhớ – ai thương sao xót xa/ Cố quận thuyền quyên mơ gối mộng/ Phương trời lãng tử vọng Hằng Nga”, “Mưa đầu mùa” của Nguyễn Mậu Công: “Hạt mưa đầu mùa/ xóa nhòa lối cũ/ Con đường tình/  ướt sũng dấu chân xưa/ Trăng vàng rơi nụ hồng theo gió/ … nụ tình thơm thuở đó/ Đến bay giờ/ còn gõ nhịp trong mơ.”…
 
Tập 6 “Hương thơ Quảng Ngãi” vẫn còn những khiếm khuyết, nhưng những gì các tác giả gửi gắm trong tập này là đáng trân trọng.
 
PHẠM VĂN HOANH
TRƯỜNG THCS BÌNH TÂN
BÌNH SƠN, QUẢNG NGÃI

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét