Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

HỒN SÁCH – Truyện ngắn Mai Thanh

 
(Kính tặng PHAHASA và ngành Phát hành sách toàn quốc)
Vào thời điểm giữa những năm 60 của thế kỷ trước, sau khi tốt nghiệp, Khoa được điều động từ khoa Ngữ văn Trường đại Tổng hợp Hà Nội – nay là Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn quốc gia – về làm biên tập viên tại một tờ báo trung ương, có trụ sở đóng tại Hà Nội, anh được cơ quan bố trí nhà ở tại một khu tập thể gần Nhà hát lớn thành phố.

Từ nhà Khoa ở ra hiệu sách Tràng Tiền chỉ vài trăm mét. Là người rất yêu sách, nên vào những ngày chủ nhật, Khoa hầu như luôn có mặt ở hiệu sách lớn nhất này của Hà Hội, thậm chí lớn nhất miền Bắc thời bấy giờ. Hiệu sách được bố trí từng căn hàng với các loại sách khác  nhau – sách chính trị- xã hội, sách khoa học- kỹ thuật, sách văn học, sách nghệ thuật… Căn hàng sách văn học  lôi cuốn Khoa mạnh nhất. Lôi cuốn, trước hết là do sách, bởi anh yêu sách văn học nhất, song tiếp theo là lôi cuốn bởi ở đó người đứng bán hàng là một cô gái trẻ, khoảng ngoài hai mươi, một cô gái xinh đẹp nhiều vẻ hấp dẫn, mà ấn tượng nhất đối với Khoa là đôi má lúm của em. Anh còn nhớ như in một lần gặp gỡ giữa anh và cô gái trẻ:
– Chào anh, anh mua sách đi! – em chủ động mời Khoa.
– Chào em, anh đang tìm chọn
– Có cuốn “Mặt trận trên cao” của Nguyễn Đình Thi đây anh!
Thật sự Khoa đã được một người bạn tặng cuốn này, nhưng để khỏi phật lòng người đẹp, anh hỏi lại:
-Truyện nói về gì đó em?
– Về chiến đấu của không quân ta với giặc lái Mỹ đó anh!
– Vậy hả?
Em trao cuốn sách cho anh và ngọt ngào giới thiệu tóm tắt nội dung cuốn sách.
Khoa thầm nghĩ, bây giờ xử lý thế nào, mua thì không cần thiết, vì đã có sách, không mua thì mất lòng người đẹp.
Nhanh trí, anh hỏi:
Còn cuốn nào mới nữa không?
– Dạ còn, có tập thơ “Ra trận” cùa nhà thơ Tố Hữu đây anh!
-Hay lắm, em đưa anh xem!
Bất giác, anh  đọc mấy câu thơ trong bài thơ “Đường vào”của Tố Hữu đã đăng báo, mà chắc chắn là có in trong tập này:
Đường vào khu bốn vào Thanh
Không đi thì nhớ không đành phải đi
Lắng nghe như biển rầm rì
Đường ra tiền tuyến lắm khi giục lòng
-Ôi, anh thuộc thơ Tố Hữu trong tập này vậy sao? Mấy câu anh vừa đọc là trong bài thơ “Đường vào”, đúng không?
Em ngạc nhiên vì anh thuộc thơ Tố Hữu, đến lượt anh lại ngạc nhiên, vì em biết những câu thơ anh đọc là ở bài thơ “Đường vào”.
-Em yêu thơ lắm hả? Em có làm thơ không?
– Em yêu thơ, nhưng em không có hồn thơ nên không biết làm thơ, em chỉ có hồn sách thôi!– Em trả lời anh.
– Trong sách có thơ mà em!
Em cười hoà giải.
Anh xem giá sách sau bìa, nhận cuốn thơ , rồi trao tiền. Tự nhiên, Khoa cảm thấy gần gũi em, như đã quen thân nhau từ lâu rồi vậy!
Khoa chủ động:
-Anh tên là Hà Khoa, Lê Hà Khoa, quê gốc Quảng Bình, còn em tên là gì?
Em tên là Loan, Trần Minh  Loan, nhà em ở khu phố cổ Hà Nội!
Thì ra, văn chương là cầu nối con người gần lại với nhau nhanh hơn và gắn bó hơn. Nhưng Loan đối với anh còn có một cái gì đó hơn cả cầu  nối văn chương nữa!
Từ hôm đó, hiệu sách Tràng Tiền là địa chỉ càng gắn bó với Khoa nhiều hơn, bởi ở đây không chỉ  có nhiều sách, mà còn có người con gái bán sách mà anh luôn mong được gặp. Từ đó, anh thường xuyên đến hiệu sách để gặp em nhiều hơn là để mua sách. Điều gì sẽ đến, tất phải đến, họ trở nên thân thiết hơn và đi xa hơn tình bạn, gần chạm tới ranh giới tình yêu…
 Một hôm, Khoa ngỏ lời:
-Tối thứ bảy này, anh mời em đi xem duyệt bộ phim “Nguyễn Văn Trỗi”?
– Dạ vâng, em cảm ơn anh!
Buổi xem phim hôm đó đánh dấu tình yêu của họ, bắt đầu từ cử chỉ sụt sùi khóc cho mối tình cùa hai nhân vật Trỗi và Quyên trong phim, rồi em ngả đầu vào vai anh nức nở…Khoa dùng khăn tay lau nước mắt cho Loan, rồi đặt  nụ hôn đầu tiên lên môi em nồng cháy…
Họ yêu nhau qua gần một năm, khỏi nói tình yêu của đôi trai gái nồng nàn và thắm thiết đến mức nào!
Họ đã bàn đến chuyện xin phép gia đình và “báo cáo” với cơ quan, chuẩn bị cho cuộc hôn nhân của họ.
                                           *
                                        *    *
Sau chuyến đi công tác dài ngày tại khu mỏ Quảng Ninh, Khoa hăm hở ra ngay cửa hiệu sách Tràng Tiền – nơi người yêu  của anh chắc chắn đang mong chở anh  ở đó!
Như có điều gì báo trước không ổn, lòng Khoa chộn rộn khi bước chân vào cửa hàng.
Quả vậy:
Ở quầy hàng, nơi em vẫn đứng bán, nay  không có em đứng đó, nhiều người đứng túm tụm vây quanh. Anh nhanh chân bước tới, lách người ghé vào. Trên bàn quầy hàng là một bát hương khói bay nghi ngút, đặt dưới bát hương là một mảnh bìa cứng với dòng chữ nắn nót:
“Tưởng nhớ hương hồnTrần Minh Loan – nhân viên cửa hàng, sinh tại Hàng Giấy-Hà Nội  –  đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tại Quảng Bình!”
Khoa bàng hoàng, lảo đảo, mắt hoa lên, thấy các giá sách như chao nghiêng và đổ sụp vào đầu mình, anh gục đầu xuống bàn quầy sách.
Anh chỉ còn nghe tiếng kêu: “Cấp cứu, cấp cứu, có người ngộ cảm, cần cấp cứu!”.
Khi tỉnh dậy, Khoa thấy mình đang nằm trong phòng nghỉ tạm của cửa hàng.
Là người biết ít nhiều về chuyện tình yêu của Khoa và Loan, chị Dung – cửa hàng trưởng kể cho anh nghe toàn bộ chuyện em xung phong chuyển sách vào tuyến lửa Quảng Bình phục vụ bộ đội và nhân dân trong đó. Đang khi làm niệm vụ, thì máy bay địch ập đến, thả một loạt bom chùm, em trúng bom và hy sinh tại trận. Chị Dung trao cho Khoa bức thư của em gửi lại cho anh trước khi đi. Trong thư em viết: “Rất tiếc là trước khi đi chúng mình không gặp nhau được và em muốn giấu anh chuyến đi để tạo sự ngạc nhiên cho anh, khi trở về”, em còn nói: “Anh hãy coi chuyến đi của em như những việc làm bình thường, không khác gì trên các trang sách đã thể hiện vậy!”. Chị Dung  nói them: “Sau khi hy sinh, em được an táng chu đáo tại một vùng đất, nơi Nguyễn Viết Xuân ngã xuông không xa. Và nói rõ địa chỉ làng xã mà em ngã xuống….

Vĩ thanh:
Ngay sau hôm đó, Khoa xin phép cơ quan một chuyến đi Quảng Bình để “gặp em”, nơi đó có hồn em cùng hồn sách quấn quyện với nhau giữa đất Quảng Bình  quê hương  yêu dấu của anh vậy!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét