Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

ĐỌC “MƠ VỀ THẠCH HÃN” THƠ HỒ VĂN CHI – Châu Thạch

Mơ Về Thạch Hãn.
 
“Thuyền lên Thạch Hãn…ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm”
 
Lời ai day dứt tháng năm…
Trong mơ, tôi trở lại thăm nơi nầy
Một vùng cỏ cháy lắt lay
Khói bom lãng đãng phủ dày mặt sông
Dậy trời, tiếng thét xung phong
Bom vùi, pháo dập…nhuộm hồng bùn non
 
Linh thiêng hỡi những linh hồn
Hòa trong sóng nước vỗ dồn ngàn năm
Lung linh hỡi ánh trăng rằm!
Hãy soi sáng tới chổ nằm các anh
Sông ơi, xin chớ trôi nhanh
Dập dờn sóng nước, dập dềnh đò đưa
Hòa cùng gió thoảng rặng dừa
Ru các anh ngủ say sưa tháng ngày
 
Hết rồi, cỏ cháy lắt lay
Hết rồi bom đạn đan dày mặt sông
Hàng dừa soi bóng xanh trong
Các anh yên giấc giữa giòng bình yên./.
                        
Hồ Văn Chi
 

Lời bình:  Chấu Thạch
 
Quảng Trị không phải là nơi tôi sinh ra, không phải là chánh quán trong lý lịch của tôi nhưng nơi đó tôi đã lớn lên cùng cha mẹ, anh em bạn bè và người yêu của một thời tuổi trẻ. Tôi xem nơi đó là quê hương của mình.
Con đường Gia Long bên dòng sông Thạch Hãn tôi đã đi lại nhiều lần và xót xa bỏ nó  trong một mùa hè khói lửa .
Hôm nay đọc bài thơ “Mơ Về Thạch Hãn” của nhà thơ Hồ Văn Chi, một lính chiến khác chiến tuyến với tôi thuở ấy đã làm tôi xúc động.
Tôi phải viết và tôi chỉ viết về thơ, không viết những điều gì ngoài thơ cả.
Nhà thơ đã mơ một giấc mơ hiện thực trong quá khứ và nằm trong ký ức lúc bây giờ. Đây là một giấc mơ về một cảnh hải hùng khi sống trong thực tại nhưng đẹp trong giấc mơ của mình. Đẹp vì người mơ được quay về quá khứ, được thấy lại những gì đã mất, được un đúc lại bầu máu nóng của tuổi thanh xuân, và những gì thi nhân cảm xúc trong giấc mơ của mình cũng làm cho người đọc bài thơ đồng cảm xúc như vậy.
 
Hãy vào đọc khổ đầu của bài thơ để thấy bức tranh, để nhìn hoạt cảnh năm xưa, nó hiện ra trong câm lặng vì nó chỉ nằm trong giấc mơ của người cựu binh quay lại chiến trường bằng mộng mà thôi:
 
              Lời ai day dứt tháng năm…
              Trong mơ, tôi trở lại thăm nơi nầy
              Một vùng cỏ cháy lắt lay
              Khói bom lãng đãng phủ dày mặt sông
              Dậy trời, tiếng thét xung phong
              Bom vùi, pháo dập…nhuộm hồng bùn non
 
Bởi hai câu thơ của nhà thơ Lê Bá Lương “Thuyền lên Thạch Hãn…ơ chèo  nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm” được khắc lên đá đặt bên dòng sông Thạch Hãn là một lời thơ làm “day dứt tháng năm”, khiến nó đi vào trong giấc mơ Hồ văn Chi và hóa thân thành những vần thơ đẹp. Nếu những câu thơ trên của một thi sĩ đứng trước dòng sông thì chẳng có gì đặc biệt. Đặc biệt ở đây là Hồ Văn Chi đã đưa cảnh năm xưa vào trong giấc mơ, được dẫn nhập bằng hai câu thơ làm  “day dứt tháng năm”  biến khung cảnh  cũ thành nỗi bi thương day dứt tâm hồn  người lính chiến năm xưa và người thi sĩ ngày nay.
Lời thơ của  Lê bá Dương làm day dứt tháng năm thì lời thơ của Hồ Văn Chi cũng nhẹ như thế nhưng cũng làm day dứt lòng người như thế. Hồ Văn Chi dùng câu thơ “Một vùng cỏ cháy lắt lay/Khói bom lãng đãng phủ dày mặt sông” là cảnh buồn lây lất sau chiến trận. Rồi sau đó, nhà thơ mới tiếp nối khổ thơ bằng  một cảnh “bom vùi, pháo dập” là cảnh đang đánh nhau. Sự cố tình kết cấu bài thơ cảnh sau thành trước, cảnh trước thành sau là một hàm ý đã làm giấc mơ trở nên hàm súc. Hàm súc là hình thức diễn đạt, qua đó, người nói có thể thông báo được một nội dung lớn nhất bằng một số lượng các yếu tố ngôn ngữ ít nhất, hay một dụng ý sắp xếp câu từ hợp lý nhất. Đây là đặc điểm, đồng thời cũng là yêu cầu rất cao của ngôn từ văn học. Sự kết cấu đảo lộn hai cảnh, tưởng rằng không hợp lý nhưng rất hợp lý vì nó là gíấc mơ, khiến cho rất tự nhiên, lời thơ đưa người đọc cùng đi vào giấc mơ với cảnh vật động mà tỉnh, trước mà thành sau như mọi giấc mơ của con người.
Câu thơ “Bom vùi…pháo dập…nhuộm hồng bùn non” cũng là một câu thơ rất xúc tích, gói trọn ý nghĩa của xương rơi máu chảy trong chiến trận, hình dung hóa xương máu làm đổi màu sắc của bùn thật là tinh tế.
 
Hồ Văn Chi tiếp nối bài thơ qua khổ thơ thứ hai:
 
Linh thiêng hỡi những linh hồn
Hòa trong sóng nước vỗ dồn ngàn năm
Lung linh hỡi ánh trăng rằm!
Hãy soi sáng tới chổ nằm các anh
Sông ơi, xin chớ trôi nhanh
Dập dờn sóng nước, dập dềnh đò đưa
Hòa cùng gió thoảng rặng dừa
Ru các anh ngủ say sưa tháng ngày
 
Hãy nhớ rằng đầu đề của bài thơ là “Mơ Về Thạch Hãn” nên cảnh trên đây cũng là cảnh trong mơ. Cảnh trong mơ nhưng là cảnh đẹp hiện thực bây giờ trên dòng sông Thạch Hãn. Nhà thơ vẽ một bức tranh lung linh mới, hay chiếu một hoạt cảnh mới sau khổ thơ thứ nhất, là khổ thơ có những bức tranh, những hoạt cảnh bi hùng, là một sự dàn dựng khôn ngoan, đưa cảm xúc người đọc biến chuyển từ động qua tỉnh, từ mơ qua thật, nhưng mà thật vẫn ở trong mơ, mơ lại thấy cảnh thật, để khi tỉnh giấc, hồn người sẽ bâng khuâng, sẽ nuối tiếc một chuyến đi của linh hồn quay lại vùng quá khứ, nơi ở của tuổi thanh xuân.
 Những  câu thơ trong khổ thơ nầy  đầy sự “lung linh”, đầy sự “dập dờn” khiến cho sự linh thiêng của những linh hồn  hòa trong sóng nước , ngủ say sưa tháng ngày trong tiếng gió thoảng của rặng dừa êm ái làm sao,  được an ủi làm sao! Hồ văn Chi đưa hình ảnh ánh trăng rằm soi sáng đến tận chổ nằm của các chiến sĩ hy sinh năm xưa, gọi dòng sông trôi chậm lại, gọi đò ngưng chèo, để trôi dập dềnh theo sóng nước mà thôi. Tất cả nhưng ý thơ nầy. những tứ thơ nầy làm cho lời thơ thành bàn tay thánh thiện vỗ về  linh ồn người đã khuất, vỗ về cả linh hồn người đang sống với nỗi niềm thương nhớ quá khứ đầy biến động bi thương của một thời khói lửa. Đọc khổ thơ, ta thấy mỗi dòng thơ đều mang hình ảnh nổi bậc, sống động, mênh mang và liên tục nối kết từng ý thơ thiết tha,  như dòng trôi của con sông Thạch Hãn.
 
Qua khổ cuối của bài thơ, Hồ Văn Chi gởi đến nhưng linh hồn nằm đó một lời nhắn nhủ, như lời chào chia tay để ra khỏi giấc mơ:
 
                         Hết rồi, cỏ cháy lắt lay
                         Hết rồi bom đạn đan dày mặt sông
                         Hàng dừa soi bóng xanh trong
                         Các anh yên giấc giữa giòng bình yên./.
 
Đọc toàn bộ bài thơ, ta thấy nhà thơ có một giấc mơ êm ái và đẹp. Êm ái vì không phải chạy, núp, xung phong hay đội bom đạn, bắn giết nhau rùng rợn. Đẹp vì cuối của bài thơ, những linh hồn chiến sĩ yên giấc giữa dòng bình yên, có hàng dừa soi bóng. Thế nhưng cái êm ái và  cái đẹp nhất của bài thơ là gì? Đó là bài thơ không lấm một vết  bẩn nào của hận thù.
Bài thơ “Mơ Về Thạch Hãn” là một bài thơ bằng những vần lục bát trôi như những đóa hoa thả trên dòng Thạch Hãn, thánh thoát như cơn gió mùa xuân mang hương thơm của thôn Nhan Biều bên kia dòng sông thổi đến Cổ Thành rêu mốc, và cũng ‘buông” như những tiếng chuông chùa bên dòng sông ấy đã an ủi linh hồn người quá cố, làm bình tịnh lòng người còn sống tháng năm qua./.
                                                
Châu Thạch 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét