Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2019

NHÂN ĐỌC BÀI THƠ : BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP của Hữu Thỉnh – Lộc Trang

Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập
 
Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện
Rau muống xanh như hái tự ao nhà
Trời còn đầy ắp hoa và pháo
Nhìn nhau chưa vội mở vung ra
 Màu xanh – sân cỏ xanh mải miết
Quây quần đồng đội đến vui chung
Hàng cây so đũa cùng ta đó
Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng
 Khách thường: Thương mấy anh nhà báo
Theo tăng băng dốc mấy mươi ngày
Sáng chiếm núi Bông, chiều Cửa Thuận
Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây
 Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu
Xích còn vương đất đỏ Phan Rang
Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận
Chia thêm tổng-thống-ngụy-đầu-hàng
 Kìa gắp đi anh, ai nấy giục
Có gắp chi đâu, mải ngắm trời
Tự do xanh quá, mênh mông quá
Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi
 Bỏ lại đằng sau bao trận đánh
Kịp vào thành phố sáng tên Người
Độc lập theo tăng vào cổng chính
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi!
 Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm
Ta reo trời đất cũng reo cùng
Ta no cười nói, say đôi mắt
Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông 

HỮU THỈNH
 
Cảm nhận của Lộc Trang
 
 Đọc lại nguồn tư liệu phong phú, quý giá, chân thực về tình hình chiến sự trong những ngày cuối tháng 4, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975. THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC – NON SÔNG LIỀN MỘT DẢI.
    Trong nguồn tư liệu ấy, tôi cứ ám ảnh mãi bài thơ : BỮA CƠM CHIỀU TRONG DINH ĐỘC LẬP của nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhà thơ vừa là chiến sĩ tăng thiết giáp, nay là Chủ tịch Hội Nhà văn việt Nam. Xin nhặt nhạnh những câu, ý thơ chừng như vỡ òa trong “bữa cơm chiều “ ngày ấy.
    Bài thơ mang dáng dấp lối kí sự, ngôn ngữ bình dị, đời thường mà lấp lánh những viền cảm xúc.
Mở đầu bài thơ, không vòng vo mà đi thẳng vào câu kể: “ Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện”. Thực ra, ai cũng biết “cơm dã chiến” được nấu bằng bếp Hoàng Cầm, hoặc củi rừng…hơn nữa nồi cơm nuôi quân to tướng thế sao “ nấu bằng bếp điện” được. Bóc tách 2 vế câu thơ như có sự đối lập, tương phản giữa gian khổ người lính quen nếm trải – tiện nghi thành phố còn lạ lẫm. Đây là bữa cơm đặc biệt, khác thường không như mọi ngày vì thế nhà thơ nghĩ “nấu bằng bếp điện”. Điều đó xuất phát từ cảm quan chân thật, lạ lẫm, ngỡ ngàng của chiến sĩ lần đầu vào thành phố. Rồi món ăn được bày ra “rau muống xanh” thường ngày. Hôm nay lại khác, đặc biệt trong tâm tư người lính “như hái tự ao nhà”. Bữa cơm đoàn viên sum họp mang hương vị quê hương, nhắc nhớ về gia đình, người thân… Cả hậu phương – tiền tuyến tề tựu về đây ca khúc khải hoàn. Và màu xanh ấy cứ đầy ắp, lan tỏa suốt bữa cơm chiều. Đúng là “có một bữa tiệc khao quân rất xanh trong thơ của Hữu Thỉnh”. Người dùng bữa không bằng khẩu vị mà bằng thị giác thưởng thức dư vị hạnh phúc, tự do, hòa bình, thống nhất. Một chữ xanh cứ day đi day lại biến bữa cơm chiều bình dị mà thiêng liêng quá đỗi! Có được bữa cơm đặc biệt này, phải đánh đổi sự hi sinh quá lớn, quá đắt bao thế hệ “Lớp cha trước, lớp con sau / Trở thành đồng chí chung câu quân hành”. Người đọc sau này cũng ngất ngây theo dòng cảm xúc suốt bài thơ hòa lẫn nỗi ngậm ngùi tiếc thương về những người đã khuất để có được “bữa cơm ở đích cuối cùng” này. Bữa cơm chiều hôm ấy lại mời đến hai dạng thưc khách: khách thường chính là những chiến sĩ, nhà báo đã từng “vượt mấy ngàn bom mới tơi nơi”. Nhưng có một thưc khách thật đặc biệt, bởi một chi tiết ngờ ngợ “Vừa mới vào mâm, anh nuôi bận / Chia thêm Tổng thống Ngụy – đầu hàng” Không biết có thật không nhưng qua lời kể: có vị chỉ huy nào đó mời Dương Văn Minh “ hôm nay ăn một bữa cơm với Việt cộng cho vui”. Tất nhiên viên tướng bại trân, tổng thống đầu hàng đang hoang mang, mặc cảm làm sao cùng ăn (?). Vậy mà “vẫn chia thêm tổng thống ngụy đầu hàng”. Câu thơ như thoát ra hiện thực hướng đến điều cao đẹp, nhân văn hơn. Suy cho cùng cũng là anh em một nhà (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Và thực sự Tổng thống Dương Văn Minh xứng đáng tiếp mời như thế! Tôi trân trọng ông ở tình đồng bào, khi thúc giục “ anh em binh sĩ VNCH hãy buông súng, không kháng cự để tránh sự đổ máu của đồng bào”.
         Bài thơ gắn liền thời khắc trọng đại lịch sử xưa nay không hiếm. Nhưng bữa cơm chiều trong dinh Độc Lập lại đặc biệt, khác thường: người đọc gợi nhớ ngay đến ngày lịch sử 30-4-1975, dù xuyên suốt bài thơ không có dòng nào nhắc đến sự kiện này. Ngay cả sự việc xe tăng 390 húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập, cáo chung chế độ VNCH cũng thoát thành “độc lập theo tăng vào cỏng chính / cờ treo trên đỉnh nước non ơi”.Có thế thì tiếng reo vui lòng người, non nước mới trọn vẹn mà đến đoạn kết bài thơ “Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm / Ta reo trời đất cũng reo cùng / Ta no cười nói, say đôi mắt”. Vỡ òa niềm sung sướng, hạnh phúc vô biên! Bỗng dưng khép lại bài thơ mang mang nỗi niềm đầy tâm trạng hướng vào cõi lòng mình mà rưng rưng nỗi nhớ… “Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông”. Bài thơ đã ghi lại bằng cảm xúc tâm trạng về sự kiện lịch sử!
                                                                                                                                          Lộc Trang      

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét