Thứ Tư, 22 tháng 5, 2019

“THU VÀNG” CỦA ÁI THI : Một bài thơ hai bức tranh đẹp – Châu Thạch

                       Tác giả Ái Thi
 
THU VÀNG
 
Thu về … lá vàng rơi !
Thu nhuộm kín phương trời …
Lá cuốn theo chiều gió …
Mang sầu gieo muôn nơi !
 
Cây chơ vơ đứng đợi …
Trong chiều vắng đơn côi !
Người đi cuối chân trời !
Gió vể vương mây trôi …
 
Chiều về trên phố vắng !
Bước chân đếm thời gian
Chút sầu vương trong nắng
Mắt thu buồn mênh mang !!!
 
Đà Nẵng thu 27-04 -2017
ÁI THI
 
 
Lời bình:  Châu Thạch
 
Hôm nay mới trung tuần tháng tư âm lịch mà thời tiết miền trung đã quá nóng . Trong cái oi bức đầu hè, đọc bài thơ “Thu vàng” của Ái Thi, những bức tranh mùa thu tuyệt đẹp trong thơ như hiển hiện cho tôi những cảm xúc về thu, làm dịu mát tâm hồn.
Đọc khổ thơ thứ nhất của bài thơ:  Lá bay rợp cả khung trời. nhuộm vàng cả khung cảnh. Một bức tranh thu toàn cảnh, với một màu vàng như hiển hiện trước mắt, cho ta hình dung vẽ đẹp bao la của thu:
               
                Thu về … lá vàng rơi !
                Thu nhuộm kín phương trời …
                Lá cuốn theo chiều gió …
                Mang sầu gieo muôn nơi !
 
Bức tranh thu của Ái Thi thì cũng giống như hàng ngàn bức tranh thu khác mà biết bao thi nhân đã viết với lá vàng và gió heo may. Thế nhưng ở bức tranh nầy, Ái Thi đã khôn khéo kết cấu một bố cục vô cùng hài hòa, khiến con mắt người thưởng thức nhìn từ gần đến xa, thấy cái điểm xuyết trước rồi toàn cảnh sau.
 “Lá vàng rơi” là hình ảnh điểm xuyết, “nhuộm kín khung trời”là hình ảnh toàn bộ.
 
Ta thấy bức tranh ước lệ của Nguyễn Du tả cảnh mùa xuân như sau: “Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”cho ta màu xanh toàn cảnh mà màu trắng của của hoa Lê là diểm xuyết. Ở đây Ái Thi cũng tả một bức tranh ước lệ như thế, nhưng tất cả là một màu vàng. Màu vàng của những chiếc lá rơi thấy rõ trước mắt là màu điểm xuyết và màu vàng nhuộm kín cả khung trời là màu toàn cảnh.
 
Tranh ước lệ mùa xuân của Nguyễn Du làm cho ta vui vì có hai màu sắc, nhưng tranh ước lệ của Ái Thi với gam màu toàn vàng làm cho ta cảm thấy buồn. Cả hai bức tranh đều cho ta thấy đẹp nhưng mỗi bức tranh làm con tim ta rung cảm khác nhau.
 
Khác với những bài thơ mùa thu thường lệ, người ta tả nhiều phần của bức tranh  mùa thu nào đó trong nhiều khổ thơ, rồi liên kết lại thành một bức tranh tòan cảnh. Trong “Thu vàng”, Ái Thi tả một bức tranh ở khổ thơ thứ hai hoàn toàn khác với bức tranh ở khổ thơ thứ nhất:
 
              Cây chơ vơ đứng đợi …
              Trong chiều vắng đơn côi !
              Người đi cuối chân trời !
              Gió vể vương mây trôi …
 
Bức tranh nầy cho ta thấy một góc của toàn cảnh thu với cái nhìn từ gần đến hun hút xa. Vì thế ta thấy được cây chơ vơ đứng đợi” mà còn thấy được “Người đi cuối chân trời”. Hình ảnh trong thơ ấy, ta thường thấy trên nhiều bức tranh vẽ mùa thu, nó cho ta cảm nhận một nỗi cô dơn, lẽ loi len lõi vào hồn. Trong khung cảnh rất thanh tịnh đó, nhà thơ cho một hình ảnh lay động nhẹ nhàng, thanh thoát là “Gió về vương áng mây trôi”. Gió phải đẩy áng mây trôi mới đúng. Ái Thi viết ngược lại gió vương áng mây trôi cho ta thấy gió rất nhẹ và mây trôi rất êm đềm.
 
Qua khổ thơ thứ ba, nhà thơ cho ta biết đó là khung cảnh một con phố vắng mùa thu, đồng thời, thổ lộ cảm xúc của mình khi đang đi trên con phố đó:
                      
                       Chiều về trên phố vắng !
                       Bước chân đếm thời gian
                       Chút sầu vương trong nắng
                       Mắt thu buồn mênh mang !!!
 
Ở khổ thơ nầy tác giả dùng những từ ngữ rất nhẹ,  làm cho không gian mùa thu rộng ra. Làm cho thời gian mùa thu trôi nhè nhẹ, êm ái vô cùng.  “Bước chân đếm thời gian” là bước chân rất chậm và thư thái. “Chút sầu vương trong nắng” làm cho ánh nắng rất dịu  đi và phơn phớt một màu. “Mắt thu buồn mênh mang” có thể hiểu đôi mắt của người đi phóng tầm nhìn bao quát cả không gian, mà cũng có thể hiểu cả không gian như một đôi mắt đang buồn. Chữ “buồn” thay cho chữ sầu làm cho cảm xúc trong lòng nhẹ hơn, man mát hơn, hòa hợp với phong cảnh mênh mang bên ngoài.
 
 
Với ba khổ thơ gọn nhẹ, Ái Thi đã giới thiệu hai bức tranh tuyệt đẹp, thể hiện được một màu thu diệu vợi để ở khổ thơ thứ ba, tác giả tức cảnh sinh tình, gởi cái nỗi buồn “như gió bay” của mình vào sự mênh mang của mắt thu ẩn hiện trong màu vàng và vương trong nắng.
Bài thơ không sánh được với những bài thơ như “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư nhưng đem đến cho tâm hồn ta cảm xúc với một màu vàng bắt mắt, một khung cảnh cô liêu và tất cả nỗi buồn êm ái của buổi chiều thu trên một con phố vắng./.
                                        
Châu Thạch

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét