Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

LẦU ÔNG HOÀNG CỦA HÀN MẠC TỬ VÀ LẦU ÔNG HẠNH CỦA LÊ ĐÌNH HẠNH – Châu Thạch

                                    Lê Đình Hạnh
 
LẦU TRĂNG

Hàn mặc Tử có lầu ông Hoàng .
Anh cũng có một lầu trăng khuyết chỗ ,
Ngồi chờ ai ,
Hay đợi người thiên cổ…
Về chung bàn cùng uống ánh trăng sương .?
Hàn mặc Tử có lầu ông Hoàng,
Anh cũng có một lầu trăng nở rộ…
Chốn hoang sơ hay giữa lòng thành phố
Ở nơi nào trăng cũng lẽ loi thôi .
Hàn mặc Tử có lầu ông Hoàng
Anh cũng có một lầu trăng hiu quạnh,
Trăng muôn năm trăng đời vàng lạnh
Lầu ông Hoàng, ông Hạnh khác chi trăng !
                                  Lê Đình Hạnh
 
Bình ngắn:   Châu Thạch
Trong bài thơ “Phan Thiết! Phan Thiết!” nhà thơ Hàn Mạc Tử kể lại chuyện tình ngang trái như sau: Hàn Mạc Tử nhớ tiền kiếp của mình là con chim Phương Hoàng đã “vỗ cánh bay chín tầng trời cao ngất”. Một hôm chim gặp trăng sao chặn đường bay của mình liền nổi trận lôi đình “thấy trăng sao liền mổ”. Trăng sao bị mổ tan tành rơi xuống “một cù lao/Hóa đài diện rất nên tráng lệ”. Phương hoàng thấy cảnh đẹp nên “mê mang như tới chốn Phượng Trì/ Ở mãi đấy không về thiên cung nữa”. Tại đây xuất hiện một giai nhân khiến cho chim Phượng Hoàng “đắm mê trong ánh sáng trần duyên/ Và van lạy xin nàng kết nghĩa”. Có lẽ người và chim đã yêu nhau thắm thiết, sống với nhau nhiều ngày tháng đam mê. Nhưng mỉa mai thay, Phương Hoàng là “đương kiếp muôn chim” nên phải trở lại trời để “tu luyện muôn đêm” cho trở thành chánh quả. Khi đạt được chánh quả rồi thì chim thành người: “Ta trở nên như ngọc đàng kim mã/Rất hào hoa rất phong vận:người thơ” Lúc bấy giờ chim đã trở thành nhà thơ Hàn Mạc Tử. Hàn Mạc Tử nhớ lại tình xưa tìm về chốn cũ, nơi có tên là Lầu Ông Hoàng tại địa phận Phan Thiết thì phong cảnh đã trở nên tiêu điều đến nỗi nhà thơ phải khóc than:
 
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu ông Hoàng, nơi thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết
Ôi trời ơi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mãnh trăng rơi
Ta đến nơi Nường ấy vắng lâu rồi
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ!
Ta nhìn trắng không xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi vung thơ lên tận cung Hằng
Thơ phép tắc bổng kêu rên thống thiết
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận ngàn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư.
 
Bài thơ Phan Thiết! Phan Thiết! đã đi vào văn học và đã làm tốn biết bao nhiêu giấy mực để ca tụng nó, để cảm tác nó và từ nó xuất hiện không biết bao nhiêu bài thơ trác tuyệt khác về Lầu Ông Hoàng, về trăng Hàn Mạc Tử. Hôm nay đọc bài thơ “Lầu Trăng” lòng tôi cảm xúc với một thứ lầu trăng khác,  không phải lầu Ông Hoàng mà là một “lầu trăng khuyết chổ”:
Hàn mặc Tử có lầu ông Hoàng .
Anh cũng có một lầu trăng khuyết chỗ ,
Ngồi chờ ai ,
Hay đợi người thiên cổ…
Về chung bàn cùng uống ánh trăng sương .?
Lầu trăng của Lê Đình Hạnh không tiêu điều như lầu ông Hoàng, nhà thơ không khóc than bi thiết như Hàn Mạc Tử, thế nhưng nỗi cô đơn của người ngồi dưới trăng hôm nay cũng thê thiết như người ngồi dưới trăng năm xưa. Hàn Mạc tử quay lại chốn cũ, thất vọng vì vắng bóng em. Lê Đình Hạnh thì ngồi mà chờ em mãi mãi dưới lầu trăng, tưởng lâu như chờ người thiên cổ. Nhà thơ không uống rượu, chỉ chờ em về để cùng “uống ánh trăng sương”. Ý thơ không nói đến rượu dưới lầu trăng là một điều vô tình hay chủ ý của nhà thơ tôi không biết, thế nhưng chính ý thơ nầy làm tinh khiết đêm trăng, làm cô tịnh linh hồn và làm thăng hoa nỗi sầu trong ánh sáng vô biên của trăng trong đêm thương nhớ đợi chờ.
 
Khác với Lầu ông Hoàng của Hàn Mạc Tử có mãnh trăng tan vỡ: “Ôi trời ơi, là Phan Thiết! Phan Thiết! / Mà tang thương còn lại mãnh trăng rơi”thì Lầu Trăng cúa Lê Đình Hạnh luôn luôn có anh trăng tròn tuyệt đẹp:
 
Hàn mặc Tử có lầu ông Hoàng,
Anh cũng có một lầu trăng nở rộ…
Chốn hoang sơ hay giữa lòng thành phố
Ở nơi nào trăng cũng lẽ loi thôi .
 
Trăng của Lê Đình Hạnh là “trăng nở rộ” nghĩa là trăng như một bông hoa tỏa sáng lung linh nên nền trời và tất nhiên ánh sáng dịu huyền phả xuống khắp nhân gian.
Hàn Mạc Tử chỉ khóc cho một lầu trăng là Lầu ông Hoàng nhưng Lê Đình Hạnh khóc cho nhiều lầu trăng mà anh đã từng ngồi cô đơn đối bóng trong cuộc đời mình:“Anh cũng có một lầu trăng nở rộ/ Chốn hoang sơ hay giữa lòng thành phố”
Hàn Mạc Tử có thể quên nàng “muôn đêm” vì tu tập. Lê Đình Hạnh thì khác, nhà thơ nhớ nàng suốt cả cuộc đời, nhớ đến nỗi một phút thấy dài như thiên thu, cho nên tưởng rằng đợi em như “đợi người thiên cổ”.
 
Qua khổ thơ cuối Lê Đình Hạnh đem cái trăng hiu quanh, cái trăng vàng lạnh dựng một lâu đài trong tâm hồn mình để mình hiu quạnh, vàng lạnh với nó muôn năm:
 
Hàn mặc Tử có lầu ông Hoàng
Anh cũng có một lầu trăng hiu quạnh,
Trăng muôn năm trăng đời vàng lạnh
Lầu ông Hoàng, ông Hạnh khác chi trăng !
 
Ta thấy Hàn Mạc Tử khi không tái ngộ được với nàng thì đem cái đau thương vung vãi làm mờ cảnh vật, đau thương làm nhà thơ hận thù nguyền rủa lên Phan Thiết: 
 
Ta vãi vung thơ lên tận cung Hằng
Thơ phép tắc bổng kêu rên thống thiết
Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!
Mi là nơi ta chôn hận ngàn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư.
 
Với Lê Đình Hạnh, nhà thơ điềm đạm hơn, nén nỗi đau và ôm vào lòng mình. Nhà thơ đã dựng nỗi đau đó vào tấm khảm mình và đặt tên nó là Lầu ông Hạnh. Tất nhiên ai cũng biết nước mắt nuốt vào lòng chua xót hơn trăm lần nước mắt chảy ra.
 
Đọc Lầu Trăng của Lê Đình Hạnh, tôi thấy nhà thơ chỉ mượn lầu của Hàn Mạc Tử, mượn trăng của Hàn Mạc Tử như mượn cây bút để viết tâm tư cúa mình. Tất nhiên tôi không dám đem cái hay của thơ để so sánh cùng nhau, mà chỉ viết lên những cảm nhận đột xuất của mình khi đọc “Lầu Trăng”. Với tôi, tôi nghĩ rằng “Lầu ông Hoàng, Lầu ông Hạnh khác chi trăng” ./. 
                                           
Châu Thạch
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét