Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

datdung.com VÀ TẬP THƠ “TRONG NỖI TÌNH CỜ” – Trần Hoàng Vy

(Đọc tập thơ “Trong nỗi tình cờ”, nhiều tác giả, NXB Hội Nhà Văn ấn hành quý I/ 2019)
Họ là những người đam mê văn học nghệ thuật, tuổi đời không còn trẻ nữa. Người ít tuổi nhất đã là U 50 và người cao tuổi nhất đã ngoài 70, cùng sinh ra, lớn lên, hoặc sinh sống, gắn bó lâu năm với mảnh đất Tây Ninh “Nắng cháy da người”, thích nhau, và tìm đến, tập họp nên trang Web datdung.com với mong ước đem văn học nghệ thuật làm đẹp cho đời và quê hương Tây Ninh mến yêu. Tác phẩm thơ của 9 tác giả “Trong nỗi tình cờ”, là sách thuộc “Thư viện tác giả Đất Đứng” lần thứ 3 cùng 15 tuyển văn thơ- lý luận phê bình khác của nhóm. Tập thơ gồm các tác giả: Thế Diệp, Vũ Thiện Khái, Phạm Mai, Minh Phương, Vũ Miên Thảo, La Ngạc Thuỵ, Đan Thuỵ, Vĩnh Thuyên và MP. Trường Giang Thuỷ. Hầu hết đều là những cây bút gạo cội của nhóm, đã khẳng định mình trong đội ngũ anh em Văn nghệ sĩ của tỉnh.

Chủ đề chung của toàn tập là hướng về tâm tư tình cảm sâu đậm của người làm thơ với quê hương đất nước, mà cụ thể là vùng đất Tây Ninh vốn ghi dấu ấn và tràn đầy kỷ niệm của mỗi người, từ thuở ầu ơ, cho đến khi là cô cậu học trò, với những mối tình hồn nhiên trong sáng, là sự lao động cần cù, miệt mài của người thân, xóm giềng… là bao tình cảm gắn bó của cuộc đời. Từng người có thế mạnh và cảm xúc thể hiện khác nhau qua từng con chữ, ý thơ, với các thể loại thơ truyền thống quen thuộc như lục bát, 6, 7 chữ và thơ tự do, song ít có sự bột phát mạnh mẽ, hay những cách tân, có lẽ bởi… tuổi tác và con người “cũ” trong nghiệp thơ văn? Nhà văn Vũ Thiện Khái với những nỗi niềm xưa cũ, không kém phần thế sự và cả hóm hĩnh khi viết : “ Chợ chiều chẳng phải ế chiều/ Giản đơn chợ họp về chiều vậy thôi/ Đừng lo rau héo cá ôi/ Không mua thì bán nụ cười cho nhau…”, vậy nhưng “ Hàng gà ngồi lẫn hàng khoai/ Rổ ếch giẩu mỏ nguýt dài giỏ cua/ Chợ chiều chóng vánh bán mua/ Lao xao cho kịp đêm vừa lén buông” ( Trong nỗi tình cờ, trang 40). Ông cũng có những cảm nhận… tươi mới, rạo rực lòng người khi đứng “Trước núi Bà”, biểu tượng của Tây Ninh: “ Cong cong hai chóp núi/ áo mây bục nút mỗi ngày/ Ỡm ờ đá lộ mầm non/ Khoe giữa trần gian mây mẩy/ Mươn mướt rêu xanh mép độn/ Mầu thiên thai/ Ngàn tuổi hây hây…” ( trang 43). Vũ Miên Thảo thì…”Chờ bao la xanh mượt” : “ Mùa lâm bồn khai nhuỵ rét non tơ/ Trời vẫn nắng sao nghe hồn ớn lạnh/ cầm chân nỗi buồn trong bốn mùa hiu quạnh/ Nên tháng mười và ta bơ vơ” (trang 89), để rồi “Ngẫu hứng”: Gửi em một ít niềm mong nhớ/…Gửi em một ít hồn du tử/… Gửi em một ít lời của gió/ Theo võng đong đưa mát dịu hè…” ( trang 87), nghe lòng cứ nao nao khó tả!

La Ngạc Thuỵ với cái tựa đề bài thơ và tứ thơ khá lạ, gây ấn tượng và khá xúc động “ Chiều quay nghiêng” : “ Chiếc quạt trần quay quay tròn vo gió mỏng/ em trong chiều thơ thẩn nương gió vào yêu/ anh đang quắt quay trên giường bệnh cô liêu/ chờ giọt nhớ tràn về quên chiều nghiêng đổ bóng/ …. hơi thở anh reo vào bình chứa hoá chất/ theo từng cơn mất ngủ/ bọt khí nhảy múa mừng vui vì được tự do/ lâu quá rồi bị nhốt trong lá phổi nhầy nhụa virus tù và hàng tổng” ( 111). Cụm từ kết thúc bài thơ… bỗng cũng quay quắt quay nghiêng vì… “con virus bệnh”? Tiếc là bài thơ dường như còn mở ngỏ.
Phạm Mai một thầy giáo dạy chuyên văn vừa về hưu lại nhuần nhị trong những câu lục bát: “ Tôi về nép bóng trăng gầy/ tìm trong nhân thế mong vay nụ cười/ Thế gian đời chẳng còn vui/ Môi cười xưa cũng dập vùi bão giông” ( Tôi về, trang 54) nghe ra mới đau đáu làm sao? Minh Phương, mới ngày nào còn khoẻ mạnh xông xáo trong nhiều lĩnh vực văn chương, vừa qua cơn bạo bệnh, phải nương náu cửa chùa, và anh bỗng “ngộ” ra nhiều nỗi; “ Xuống bến trăng đau/Múc vầng trăng cũ/ Nhớ sợi tơ trời/ Thương tiếc mưa ngâu…” ( trang 73), mà hiểu “Qui luật” rằng: “ Sông vẫn là sông chảy ra biển/ Đời là cát bụi/ nên con người là cát bụi/ Có gì vui đâu!” (trang 75). Với Đan Thuỵ, người phụ nữ làm doanh nghiệp và có thể nói là thành đạt, đến với thơ như một sự tình cờ, thơ chị mỏng manh như những kỷ niệm xưa, cố công gìn giữ: “ Xin giữ lại mắt môi màu hoa tím/ Gửi đam mê theo giọt nắng sông Vàm/ Ai còn nhớ?/ nụ cười trăng mười sáu/ Mắt nâu huyền tóc bím xoã ngang vai!” (Tây Ninh và em, trang 131). Một hình ảnh đầy thi ảnh, chợt giật mình “ tóc bím xoã ngang vai” nghe có gì thật chưa ổn? MP. Trường Giang Thuỷ, cây viết nữ thứ hai trong tập, cũng gốc cô giáo, những vần thơ của chị mang phong vị của thơ “tiền chiến” với những sầu mộng, ngang trái chạnh lòng: “ em đứng trên đỉnh sầu/ Tay ôm hoai nỗi nhớ/ Xưa, chuyện mình dang dở/ Nên vẫn chờ mùa ngâu…” ( Trên đỉnh sầu, trang 153), và chợt buồn: “ Đành thôi lỡ giấc mộng đầu/ Người đi không hẹn mùa ngâu sum vầy/ Em chiều quán nhỏ mưa bay/ Ly cà phê gợi nhớ ngày bên nhau” ( Thu tàn, trang 152)
Tiếp theo là Vĩnh Thuyên, cũng một doanh nhân thành đạt. Anh làm thơ đã lâu, những câu thơ buồn, trái ngược với thực tế, âu đó cũng là chiêm nghiệm? “ Còn nỗi buồn nào buồn hơn?/ Trên con đường dài hun hút/ Có chiếc lá thu rơi quay tròn/ Mùa xuân này chắc cũng không anh!” (trang 146) để rồi: “ Chờ đến khi nào hò hẹn cô đơn/ Em sẽ thấy ly cà phê biết nhớ/ Những giọt đắng thành cay bỡ ngỡ/ Vì hôm qua có gã khóc thất tình” (Cà phê chiều, trang 145). Và người cuối cùng là Thế Diệp, cũng là một doanh nhân, mê hoặc bởi thi ca. Có lẽ thơ đối với Diệp vừa là “Nỗi tình cờ” vừa là nơi để giao lưu tâm cảm, nên đôi khi thơ cứ dàn trãi, tản mạn như một cuộc dạo chơi trước con chữ; “ Nhà nhỏ xiêu xiêu nhấp nhô trên sóng nước/ Mong manh xuồng câu nghiêng ngửa bến hiên nhà/ Bếp lửa sôi cơm reo trong mái ướt/ cá rễ tre kho trộn nghệ thơm lừng”( Cá rễ tre, trang 9). Cùng một phát hiện lý thú của cuộc đời: “ Cô học trò nhỏ từ sau bước tới/ Thầy mới về trường em chưa biết tên/ Thưa không phải tôi về thăm trường cũ/ Học trò ngày xưa nên đã bạc đầu!” ( Mái lá ngày xưa, trang 19). Hình ảnh ngộ nhận nhưng thật đáng yêu!
Là tập thơ chung nhiều tác giả nên dĩ nhiên chất lượng khó có thể đồng đều. Giá mà chặt chẽ hơn, qui định mỗi người chỉ nên góp 10 bài thơ là vừa đủ. Vì số lượng nhiều, khó làm nên hương thơm riêng, có khi còn nhàn nhạt đáng tiếc. Nhưng dù sao, qua tập thơ lần này, datdung.com cũng đã trình làng hết thực lực của mình để khẳng định vị trí của mình trên một mặt bằng chung của vườn hoa văn học nghệ thuật tỉnh nhà… 

THV.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét