Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

NHỮNG TÂM SỰ DỊU DÀNG VỚI ĐIỆU HỒN SÁU TÁM. – Hoàng Quý

BÌNH THƠ: “LỤC BÁT RIÊNG MÌNH”, tập thơ đầu tay của nhà văn Châu Hoài Thanh
lethienminhkhoa: Nhà văn nữ Châu Hoài Thanh sinh năm 1966 tại Quảng Trị và sống tại TP Vũng Tàu. Chị là Trưởng ban Văn học của Hội VH-NT tỉnh BR-VT và đã đoạt giải thưởng Văn Học tỉnh BR-VT lần thứ III, 2009-2014. Viết văn không sớm, nhưng rất chịu khó, tài hoa và say đắm văn chương, trong thập niên nầy chị đã xuất bản 5 tác phẩm văn xuôi: “Đường đến bình minh” (tập truyện, NXB Hội Nhà Văn, 2011), “Nắng sớm sân trường” (tập truyện, NXB Hội Nhà Văn, 2013), “Những ý nghĩ nỗi loạn” (tập truyện, NXB Hội Nhà Văn, 2015), “Thiên đường bóng tối” (truyện dài, NXB Kim Đồng, 2017), “Ban mai xanh” ((truyện dài, NXB Kim Đồng, 2018). Điều làm giới VNS và người đọc ngạc nhiên là giữa thời đoạn thơ ca đang hỗn độn, “trước những sạt, lỡ chữ, nghĩa hôm nay” (chữ dùng của nhà thơ Du Tử Lê), nhà văn nữ này lại vừa phát hành một tập thơ lục bát có thể nói là “đứng được” trên văn đàn Việt hiện nay: tập “LỤC BÁT RIÊNG MÌNH” (NXB Văn Hóa – Văn Nghệ, 2018).

                                                  Nhà thơ Châu Hoài Thanh
 
Xin giới thiệu với bạn đọc Cảm nhận của nhà thơ Hoàng Quý về tập thơ đầu tay của một nhà văn nữ.
“LỤC BÁT RIÊNG MÌNH” của nhà văn Châu Hoài Thanh _ NHỮNG TÂM SỰ DỊU DÀNG VỚI ĐIỆU HỒN SÁU TÁM. – Nhà thơ Hoàng Quý 
          Tôi đọc bản thảo “Lục bát riêng mình” của Châu Hoài Thanh đã rất lâu. Viết dẫu là đôi dòng giới thiệu một tập thơ, đặc biệt là tập thơ đầu lòng của bạn văn bao giờ cũng làm tôi ngần ngại. Phần vì, tôi không phải nhà phê bình. Lại nữa, tôi vốn là người viết lục bát rất kém. Không kể thi nhân tài trí có thiên duyên lục bát như Nguyễn Du, cứ sơ điểm vài bậc thượng thừa rất gần với thời tôi như Bùi Giáng, Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, cùng với thời tôi như cố thi sĩ Đồng Đức Bốn, sinh sau tôi như nữ nhà thơ tài hoa bạc mệnh Nguyệt Thảo… mà, mỗi khi đọc thơ lục bát của họ thấy lục bát mình gầy guộc, cằn cỗi, cũ kỹ, làng nhàng.
          Tôi lại vốn là cái anh đa cảm. Hễ bập vào thơ, chỉ mới tên bài khơi gợi là tôi ham đọc. Tôi có mắc cái quán tính, khi tác giả đặt tên bài gợi nghĩ là tôi đọc ít bỏ ngang. Huống hồ, “Lục bát riêng mình” mang tên cả một tập thơ – tập thơ khởi đi của Châu Hoài Thanh, lại trăm phần trăm lục bát, cái thể loại niêm luật bằng, trắc, vần, điệu chặt chiệm, số từ không thể thêm bớt tùy ý của người thơ. Có viết đôi dòng, cũng chả dám lạm bàn về dở, hay, cũ, mới!
          Một lý do nữa tôi không từ chối khi nhận lời Châu Hoài Thanh giới thiệu ngắn cho thi tập này, cũng bởi Châu Hoài Thanh là một tác giả bước lên đường văn, chọn đường văn, lao động văn bằng nghị lực, đam mê và sự kiên nhẫn khác thường. Rất có thể, vào một dịp nào đó tôi sẽ viết những điều ấy về cây bút này, một cây bút dấn thân không nản dẫu biết rằng con đường kia lao lực, chênh vênh và rất nhiều khắc nghiệt.
          “Lục bát riêng mình” gồm 47 bài thơ viết gần gũi với lối viết lục bát truyền thống.
          Ngay từ bài khởi tập, ta bắt gặp một giọng thơ rất nhiều nữ tính và đầy ắp hoài niệm:
                   “Đã tàn một nụ vàng say
                   Biển đêm héo cạn thuyền ngày lắc lư
                   Lỡ thương, thương đến bây chừ
                   Lỡ đau, đau đến nát nhừ ngày đi
                   Có người nhuộm trắng tình si
                   Vấp cơn ngái ngủ cũng vì cuộc vui
                   Cơn mơ hoài niệm ngậm ngùi
                   Lạc xưa vào cũ lỡ vùi ngày xanh”
                                          (Hoài niệm)
                   Dường như (những) hoài niệm, dấu vết găm níu, những khoảnh khắc váng vất quá khứ, những thời khắc diễn mơ, những không gian hiện nhớ thường đa phần vào thơ nhiều tác giả trong những bài thơ đầu tiên hoặc những tập thơ đầu tiên. (Ấy là tôi suy thế, chứ cũng có thể không hoàn toàn thế ở những tác giả nào đó). Với thơ Châu Hoài Thanh ở tập lục bát này thì Hoài Niệm là thanh âm chính, cái thanh âm chính rất nhiều đa cảm, cái thanh âm chính trầm và chậm trong nhịp đằm thắm truyền thống, cái thanh âm chính như những tâm sự dịu dàng trong điệu hồn sáu tám lan lây dư ba, từ tốn và chậm rãi sang ta.
 
                   “Con đường cứ nghĩ gần thôi
                   Mà đi, đi mãi suốt đời còn xa
                   Đảo điên ý nghĩ em… và…
                   Thềm trăng bữa nọ thu qua mất rồi”
                                          (Em giờ còn mãi trong tôi)
 
                   Hoặc đây:
 
                   “Em về nhón gót trăng ngoan
                   Rèm buông đèn tắt hân hoan chuyến đò
                   Còn thương dây muống quanh co
                   Nắng thưa dưa héo mà lo ngày dài
                   Em về xõa tóc ban mai
                   Nụ cười trắng giữa tàn phai nhọc nhằn”                                            (Em về)
                  
Và đây nữa:
 
                   “Vỗ về giấc ngủ giêng hai
                   Khép hờ mi mắt gót hài mù xa
                   Chớm đông vừa mới hôm qua
                   Thềm xuân đã tới ngõ nhà nắng phơi
                   Ngồi nhìn một nụ vàng rơi
                   Nhớ thời con gái
                   Mù khơi…
                   Rớt buồn!”
                                                (Đã qua một thời)
 
                   Như tôi vừa nói, Hoài Niệm là thanh âm chính – thanh âm chính làm nên nhịp điệu xuyên suốt của Châu Hoài Thanh ở tập thơ này. Hoài Niệm trong ngày về. Hoài Niệm trong thời khắc chia xa, Hoài Niệm cả trong những muốn quên. Hoài Niệm trong khói sương nhung nhớ…
 
Dòng chảy Hoài Niệm hiện ngôn trong Chợ quê, đọc lên gợi nhớ những vị quê, nét quê trong bao miền quê Việt:
 
“Tôi về nhặt nắng muối dưa
Mua mây bán thúng đong đưa chợ chiều
Qua hàng bánh đúc rong rêu
Củi thơm cay khói mái lều con con
Có đôi mắt nhỏ đen tròn
Ẩn sau hàng nón trắng giòn cuối phiên
Nụ cười vương nét dịu hiền
Chông chênh tôi lạc giữa miền chiêm bao”
 
Hoặc dòng chảy Hoài Niệm trong Xin em thì như lời tự nhắn mình mà rất nhiều khắc khoải:
 
“Xin em đừng tựa bờ vai
Trái chiều rụng xuống ban mai ngập ngừng
Hoa cau trổ đến lưng chừng
Lá trầu mỏi cuống nửa mừng nửa lo
Xin em giữ lại câu hò
Để dành bên nớ đừng cho bên này
Xin em đừng chuốc rượu say
Đau lòng kẻ đứng mai ngày ngóng trông”
 
Ngay cả ở một bài thơ có lẽ viết về vệt buồn dĩ vãng thời thiếu nữ, Hoài Niệm vẫn trỗi trong diễn ngôn, trỗi trong cảm xúc cách Châu Hoài Thanh:
 
“Người đi rớt lại vàng trăng
Tím môi cô quạnh heo hanh bẽ bàng
Người về xuôi chuyến đò ngang
Tình còn lưu lạc đia đàng dại khôn”
                             (Vớt bóng)
 
Tôi rất thích những váng vất Hoài Niệm trong tập thơ này, vì nó rất đời, vì chứa chan nỗi người, vì “bước vào chữ” là từ đời thực. Nói cách khác, “nó” hiển lộ đời thực thăng hoa lên chữ.
 
Châu Hoài Thanh dành một lượng bài viết về nỗi nhớ quê, viết về vùng đất cưu mang mới, viết về các đấng sinh thành. Khi viết những câu thơ về đấng sinh thành, thơ Châu Hoài Thanh giọng ấm trầm, cách viết không sáo ngôn, dụng chữ giản dị nên nhiều xúc động. Ở loạt bài viết về cha, mẹ với cách viết vừa như tự chuyện, lại vừa như độc thoại làm cho những bài thơ ấy tỏa nhiều hơi ấm và truyền lây dư ba:
 
“Cha thì đất đã gọi tên
Hắt hiu một bóng người bên hiên nhà
Cuối ngày hé mắt trông ra
Đứa con mấy độ non xa chưa về
Bưởi kia đã chín hả hê
Quả na căng nụ quả lê cũng vừa
Bấm tay mà đếm ngày mưa
Trời thong dong nắng ngõ thừa lối đi”
                       (Đợi con)
 
“Đếm từng sợi khói chiều buông
Thương cha nằm xuống chiến trường xa xôi
Ca dao mẹ hát ạ ời
Nguyện làm chinh phụ một đời vì con
Mẹ ơi nước mắt lăn mòn
Mẹ là mẹ. Mẹ cũng còn là cha
Một đời dầu dãi sương sa
Ngược xuôi một bến thuyền nhà sóng xô”
                         (Nhớ mẹ chiều xưa)
 
Tôi không chủ đích lạm trích và rắc vitamin vào những dẫn dụ, những phẩm bình khi giới thiệu thi tập “Lục bát riêng mình” của Châu Hoài Thanh. Những câu thơ dễ lây và những câu thơ hay nếu chọn thì có thể chọn trích và bình dẫn khá nhiều. Một tập thơ khởi đi, không gì tốt hơn để ngỏ cho tiếp nhận hoặc phản ứng chủ quan của mỗi riêng bạn đọc. Cách viết gợi nhiều liên tưởng đặc sản ca dao giầu tình người của miền Trung quê chị và những bài thơ gửi  những tâm sự đầy nữ tính, không khoa ngôn, dụng điệu hồn sáu tám khá nhuyễn đã là điểm nhấn ở tập thơ này. Chọn cách viết gần với lục bát truyền thống, hay cách viết mà một số nhà thơ đang chủ trương tìm đường làm mới thi ca như đổi cách ngắt câu, vắt dòng, tạo khoảng ảo, pha trộn nhạc điệu, tạo cảm xúc bất thường, cảm xúc lạ, phả vào thơ hơi thở hiện sinh, nhịp sống thời công nghiệp, thời kỹ thuật số, thời đô thị hóa, mở rộng chiều kích nghĩ vả cái tôi cho thơ… cũng là gợi ý trên con đường làm mới thơ, kể cả thơ lục bát niêm vận ngặt nghèo nhưng không có nghĩa là không thể làm mới.
 
“Lục bát riêng mình” là tập thơ khởi đi của Châu Hoài Thanh. Vậy thì, thưa bạn đọc kính mến, tôi mượn bài thơ mang tên tập, ngõ hầu khép những dòng viết sơ sài này thay cho lời chúc lên đường, và, chúc Châu Hoài Thanh bền bỉ hòa vào những giao lộ văn chương!
 
“Gửi em một sợi thu vàng
Một heo may gió
Một thênh thang buồn
Gửi em vệt thắm hoàng hôn
Một bươm bướm lượn
Một chuồn chuồn bay
Một tim tím nở cuối ngày
Một hồng hồng nụ thắp đầy vườn đêm
Gửi em một chút ưu phiền
Một hiên đã ngẩn
Một thềm vàng mơ
Gửi em một bến đợi chờ
Một thuyền dậy sóng
Một bờ khô lau
Dăm câu lục bát cũ nhàu
Viết rồi ru khúc… ruột đau
Vậy mà!” 
 
TP Vũng Tàu, tháng 9 năm 2018
Hoàng Quý
 
 
Mời độc giả xem thêm mấy bài trong “LỤC BÁT RIÊNG MÌNH”:
 
NHỚ MẸ CHIỀU XƯA
 
Mẹ tôi tóc trắng nắng vàng
Cái thời con dại cái mang bế bồng
Giữa mùa tất tả mưa dông
Đầu mùa khó nhọc ngả đồng nắng phơi
 
Đàn con dẫu đói cũng cười
Bởi còn có mẹ bên đời mà vui
Rạ rơm khoai nướng sắn lùi
Mẹ manh áo vá ngậm ngùi vì thương
 
Đếm từng sợi khói chiều buông
Thương cha nằm xuống chiến trường xa xôi
Ca dao mẹ hát ạ ời
Nguyện làm chinh phụ một đời vì con
 
Mẹ ơi nước mắt lăn tròn
Mẹ là mẹ. Mẹ cũng còn là cha
Một đời dầu dãi sương sa
Ngược xuôi một bến thuyền nhà sóng xô
 
Bây giờ gạo trắng cơm khô
Nhớ thời khói bếp hạt ngô bay vòng
Dang tay ôm nhớ vào lòng
Thẩn thờ dáng mẹ vít cong ngọn chiều…
 
 
 
MÙA CHIÊM BAO
 
Quần quật nhớ – quần quật đau
Câu thơ bỏ dở nhuốm màu thời gian
Gối lên một mảnh trăng vàng
Mà yêu mà ghét lỡ làng người ơi
 
Còn thương cái dậu mùng tơi
Kẻ đi người ở phương trời cách xa
Giấu trong giọt nắng mưa sa
Dối lòng nên để khóc òa ngày đi
 
Tháng năm tóc vẫn xanh rì
Bạc lòng cũng một ta vì ngày xưa
Ai mang tình cũ ra đùa
Để ta mãi nợ một mùa chiêm bao…
 
 
SOI GƯƠNG
 
Soi gương níu giữ tháng ngày
Lòng còn niệm Phật tay đầy từ bi
Xoay vần tạo hóa làm chi
Cõi nhân gian đến rồi đi là thường
 
Đời người lãng đãng khói sương
Một mai hóa kiếp vô thường mà thôi
Ngày cùng tháng tận năm vơi
Loay hoay cũng hết một thời sắc xuân
 
Phấn son níu giữ số phần
Buồn vui lấm láp mấy lần sang sông
Cũng là sắc sắc không không
Vẽ tô còn biết ai mong ai chờ
 
 
Có người đủng đỉnh làm thơ
Câu ngày đợi tháng bạc phơ bóng mình
 
RỚT BUỒN TRÊN ĐIỆN THOẠI
 
Tiếng ngân dìu dặt mơ hồ
Nỗi buồn di động trên bờ phím ngoan
Khép ngày môt thoáng chiều tan
Cho ta hóa thạch giữa ngàn sao thưa
 
Ngủ nào những ngón tay mưa
Nằm yên nỗi nhớ khi chưa lối về
Em còn vằng vặc trăng quê
Ta còn thương một bờ tre cũ càng
 
Ngủ đi cái nụ thì sang
Cái đong cái đẩy mơ màng giêng hai
Tình anh nối chẳng đủ dài
 Đời chưa mở lối ngày cài xác xơ
 
Đời còn một mảnh thuyền mơ
Ta còn giữa chốn dại khờ bước ra
Bao giờ cho đến tháng ba
Em ngồi giặt áo đợi ta bên cầu
 
Lời buồn biết thả về đâu
Gửi vào điện thoại ngồi câu bóng mình.
 
MẸ
 
Bao năm mình mẹ nuôi con
Đợi chờ nay đã hóa hòn vọng phu
Biển chiều ráng đỏ mịt mù
Cha thành con nước buồn ru sóng đầy
 
Con ngày xưa ấy thơ ngây
Chẳng hay mẹ đã hao gầy vì con
Ngày đi chữ hiếu chưa tròn
Cố công gìn giữ tấm lòng thảo thơm
 
Mẹ là một ánh sao hôm
Tàn ngày vẫn sáng cả vòm trời xanh
Mẹ là trái chín trĩu cành
Cả đời ủ mật ngọt lành cho con
 
Lắt lay một bóng mỏi mòn
Nỗi niềm mẹ gánh héo hon phận người
Sóng đầy chi lắm sóng ơi
Ngàn năm mẹ hóa mồ côi đợi chồng…
 
Châu Hoài Thanh.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét