Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

Vũ Thiện Khái – Nỗi đau đáu với quê hương – Giới thiệu La Ngạc Thụy

Vũ Thiện Khái
Vũ Thiện Khái quê ở tận Ninh Bình vào Tây Ninh lập nghiệp từ những năm 90 của thế kỷ trước. Trong một dịp đến Tân Châu dự buổi ra mắt Câu lạc bộ Thơ  huyện Tân Châu mới phát hiện ông và nhà thơ Lê Trí Viễn là hai cây bút kỳ cựu ở quê nhà, đã khẳng định được năng lực sáng tác, có nhiều tác phẩm văn thơ đăng trên các báo văn nghệ phía Bắc. 

Vào Tây Ninh do mưu sinh nên ông hầu như quên hẳn công việc sáng tạo. Mãi đến năm 2010 tôi mới phát hiện và động viên ông gia nhập Hội VHNT Tây Ninh , từ đó ông mới sáng tác trở lại và bút lực thật sung mãn. Năm 2014, ông đã tập hợp những tác phẩm sáng tác trong những năm qua và tự bỏ kinh phí xuất bản liền 2 tập truyện ngắn thật đầy đặn; Đất Thiêng và Thao Thức Sông Quê. Tập truyện ngắn Thao Thức Sông Quê tạo được tiếng vang trên diễn đàn văn nghệ cả nước, được Hội VHNT Tây Ninh giới thiệu và Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải Khuyến khích năm 2015 vừa qua. Và cũng trong năm 2015 nhà văn Vũ Thiện Khái được Hội VHNT Tây Ninh hỗ trợ kinh phí xuất bản tập thơ Hương Hoa Mộc.
Nhận định về Vũ Thiện Khái, nhà văn Trần Hoàng vy đã viết:  Hai tập truyện ngắn của nhà văn Vũ Thiện Khái là sự thể hiện những công việc của thiên chức nhà văn, tâm trạng và những vất vả của đời người, đôi chỗ, lời văn cũng có lúc thô mộc, phải gia công đục đẽo, song ông đã từ những “hiện thực” của cuộc đời mình mà dồn mọi nỗ lực tâm huyết cho ra đời cùng lúc hai tác phẩm đầu tay quả là một việc làm rất trân trọng và đáng quí…
Nhà thơ Đỗ Xuân Thu cũng cảm nhận: Điều đáng nói nữa trong truyện ngắn Vũ Thiện Khái đó là sự kết hợp huyền ảo với cõi thực. Ông đưa người đọc vào những câu chuyện ma mị, huyền bí để rồi từ khung cảnh ấy đánh thức hoài niệm, thức tỉnh nhân tâm, trò chuyện với quá khứ để khẳng định hiện tại, vươn tới tương lai. Đọc những đoạn văn này, tôi như bị mê hoặc. Ông tả cảnh, tả người, tả việc rất tài tình. Cứ sắc sắc không không. Cứ hư hư thực thực.
Nhà văn Bùi Hằng cũng có nhận xét về Vũ Thiện Khái: Có một điều dễ nhận thấy ở các truyện ngắn của Vũ Thiện Khái là ông xây dựng nhân vật của mình là những con người xa xứ, tâm luôn hướng về quê, bằng cách này hay cách khác, giữa cõi hư và cõi thực, giữa cái sắc sắc và cái không không. Cốt lõi của chủ đề tư tưởng vẫn nằm ở nỗi day dứt quê hương. .. Giá trị nhân văn của tác phẩm nằm ở đó. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng Vũ Thiện Khái đã với tới được cái tầm, cái sức nặng của một truyện ngắn.
Tác  phẩm tiêu biểu:
 
 
ĐẤT THIÊNG
Truyện ngắn: Vũ Thiện Khái
          Đoàn xe thành phố Hồ Chí Minh chở dân đi khai hoang đợt đầu, trong đó có gia đình Hai Huân. Tới ngã tư giữa rừng thì dừng lại. Lúc ấy đã xế chiều. Một thông báo ngắn gọn phát ra: Đến quê hương mới rồi bà con ơi! Xin mau xuống để xe còn về kịp sáng mai chở chuyến tiếp theo.
Suốt hành trình, bà má Hai Huân tuổi đã ngoài sáu chục bị say xe mặt mày xanh lét ngồi gục đầu vào lưng con dâu. Hai Huân cũng trong trạng thái lử lả gật gật gà gà. Chợt mấy cú đập cửa thình thình. Choàng tỉnh, anh vội xốc nách bế  bổng bà má đang rũ rượi như tầu cải muối rồi thập thễnh xuống xe. Ngó lên trời vần vụ mây đen, nhìn sang bên vệ đuờng, thấy căn nhà vách đất, mái tranh mới lợp vàng ươm bỏ không, anh quyết định thập thễnh bước vào. Để má nằm tạm trên tấm rải giường ghép bằng những thân cây le còn xanh rói. Thấy yên yên, anh trở ra cùng vợ và thằng con lôi được chiếc rương và lỉnh kỉnh mấy bao đồ nhật dụng từ nóc xe xuống thì trời đổ trận mưa rào như trút nước. Nhắm chừng còn mưa dai, ông trưởng ban điều hành lệnh cả đoàn gồng gánh lên vai hành quân theo ông nhận nhà. Đến chỗ Hai Huân, nhìn bà cụ cong lưng nôn thốc tháo mật xanh mật vàng, lại còn một đống đồ đạc đã bị ướt sũng, lại thấy Hai Huân chân cẳng khập khễnh, ái ngại, ông mắm môi hạ một lệnh mồm: Thôi giao cho vợ chồng anh căn nhà này. Hai Huân vâng dạ cám ơn rối rít. Người bạn thân cùng nghề xe ba gác cùng phố rỉ tai: Mày ngu bỏ mẹ, ở giữa ngã ba trống trải thế này, lính Pôn – pốt nó tập kích có mà chết đầu nước. Chả biết có linh tính nào mách bảo, Hai Huân đáp gọn lỏn: Ông tưởng chết dễ vậy sao? Anh ta xì một tiếng rõ dài rồi lập cập bỏ đi. Lại còn ngoái cổ chửi gọn lỏn một câu xanh rờn: Đồ ngu khó dạy!
          Gần hai chục năm sau, nơi này thành thị trấn, thành trung tâm kinh tế chính trị cấp huyện. Ngã tư đường rừng xưa thành trung tâm phố huyện đèn điện sáng suốt đêm. Góc đối diện nhà Hai Huân xây khu thương mại dịch vụ qui mô một nhà lồng chợ mênh mông chứa mấy trăm hộ tiểu thương. Chẫm sáng chẫm tối người đông nghìn nghịt. Hai góc còn lại huyện thu hồi đất để lập mấy tòa công sở cao ngất. Thửa vườn góc ngã tư của Hai Huân và các hộ mặt tiền dọc đường được giữ nguyên vẹn khu dân cư. Không ít người xuýt xoa tiếc ngùi ngụi, sao hồi ấy mình không nhanh chân xí phần cái căn nhà đầu lô ấy nhỉ. Đã quen túc tắc sống cầm chừng thời bao cấp, mấy năm đầu chuyển sang cung cách kinh tế thị trường, ai nấy đều luật quật đuổi theo những đổi thay chóng mặt. Các hộ có đất cạnh đường như Hai Huân đua nhau chia ra từng miếng đủ xây một căn nhà phố rồi đánh tiếng mua mua bán bán, đổi chiều ngang đất lấy chiều cao những ngôi nhà lầu. Người bạn năm nọ chê ông ngu bỏ mẹ giờ cười hề hề: Hai Huân hóa Hai Hên rồi. Ngồi dạng dái đếm vàng bỏ két, sướng nhá! Đáp lại Hai Hên cũng hề hề cười, chẳng ra vui, chẳng ra buồn. Mười năm sau nữa cái làng kinh tế mới xưa chẳng còn tí dấu vết nào. Hai bên đường, bốn bên ngã tư lên lầu lên phố rần rần, nhà nhà mở cửa hàng cửa hiệu buôn bán thu lời như nước. Riêng khu vườn của Hai Huân hai mặt tiền vuông góc áp hai con phố chính vẫn y sì xanh rờn cây trái tỏa bóng mát che căn nhà ba gian mái thiếc cũ xì rỉ sét. Bao nhiêu người thèm nhỏ dãi thế đất đẻ ra vàng ấy, cậy cục, van nài, ép buộc, Hai Huân vẫn kiên định lập trường không bán. Bây giờ thì trong mắt mọi người, Hai Hên lại hoá ra Hai Hâm tỉ độ. Thâm tâm Hai Huân cũng buồn vì cái tiếng hâm ấy chứ. Cũng muốn bộc bạch nỗi niềm sâu kín vì sao mình muốn giữ cho miếng đất này thanh sạch y như nó từng thanh khiết và đang thanh khiết như xưa rày vốn vậy. Nhưng hễ sắp mở lời thì trước mặt ông toàn trô trố những con mắt thèm thuồng, châu chẩu những cái mồm mở ra là tiền, là vàng, là lời lỗ. Ông thấy bọn họ không xứng được chia sẻ những tâm sự lâu nay ông thành kính ấp ủ trong lòng. Bởi vì cái miếng đất ấy gần bốn chục năm rồi cả gia đình ông đã yên hàn sinh cơ lập nghiệp, ăn ngủ ở đấy, hít thở không khí thanh khiết bao trùm trên ấy, con cái ông nên người tử tế cũng bước ra đời từ đấy. Với ông nó là một cõi đất thiêng phải bảo vệ, phải giữ gìn để không một ai, không một thứ gì có thể bôi bẩn được.
          Ba mất sớm, má Hai Huân một nách con thơ, một nách khi rổ bánh bèo, khi giỏ bánh ú bán dạo khắp hang cùng ngõ hẻm Sài gòn. Lên năm tuổi, Hai Huân bị một cơn sốt tưởng chết. Sống được nhưng teo một bắp chân. Từ đấy mỗi bước đi của anh thập thà thập thễnh. Khiếm khuyết tí chút vậy thôi, các phần khác của cơ thể anh phát triển tuyệt vời. Người cứ chắc như nắm cơm. Bảy tám tuổi anh đã có thể xay bột hì hụi cả ngày phụ má làm bánh. Mười mấy tuổi đủ sức đạp xe ba gác chở thuê trăm thứ bà rằn cho hàng phố. Rồi anh lấy được vợ. Vợ anh hoàn cảnh cũng như anh, áo ngắn đùm áo rách, như má anh, cũng đòn gánh trên vai buôn thúng bán bưng đầu hẻm cuối phố đủ loại tầm tầm. Trước Sài Gòn giải phóng một năm, thằng Hân con anh chưa đến tuổi bị bắt lính nhưng to xác, lực lưỡng. Một lần vây ráp, nó bị hốt nhưng được thả nhờ một bên mắt bị tật đục lờ như cùi nhãn. Vậy là cha con anh nhờ tàn tật mà thoát tội cầm cây súng mà chẳng biết trước đầu ruồi là kẻ thù nào. Ngày thằng cháu mang về tấm giấy chứng nhận miễn quân dịch, má Hai Huân mắt hấp háy cười nhưng dấp dính đôi giọt lệ nói: Rõ khổ cái nhà này, bố què con chột. Vợ Hai Huân cười thật tươi: Thế má không thấy nhà thím Tư bên cạnh sao, chồng tử trận, con cũng vừa báo tử. Giờ ra vào thui thủi.  
Mấy tháng đầu giải phóng, Sài Gòn thất nghiệp nhiều. Chính quyền phường vận động dân đi kinh tế mới với nhiều ưu đãi. Hai Huân được cả nhà đồng thuận liền hăng hái đăng ký một suất. Giao lại cho phường gian nhà rách như tổ quạ anh chẳng tiếc. Nhưng ở xứ rừng hoang vu liệu nhà anh có khá lên không thì anh có chút vương vấn hoang mang. Đêm đầu tiên nằm trong căn nhà vách đất lạ lẫm, tứ bề kèn kẹt từng hồi tắc kè gọi nhau không ngớt, lạ sao anh chẳng gợn chút lo lắng, bồn chồn. Cứ như là có người mách bảo đấy là duyên phận, đấy là anh đang trở về nơi chốn của anh tự thuở nảo nào. Đêm ấy, giữa tiếng mưa rì rầm không ngớt, không hẳn thức, cũng không ra ngủ, anh mơ hồ nghe văng vẳng trong gió rừng ràn rạt lúc xa, lúc rất gần những tiếng hô một, hai, ba, bốn… cùng nhiều bước chân rầm rập chạy qua nhà. Đồ rằng có doanh trại bộ đội đóng ở gần đây. Gần sáng anh lò dò sang bên kia đường ngồi chung bàn với mấy ông già đang uống cà phê sớm. Trời còn sớm lắm, đêm rừng đen như mực. Quán tranh xập xệ lèo tèo vài bộ bàn ghế ghép bằng tre thấp lè tè. Vài ngọn đèn hột vịt le lói vài quầng vàng vọt. Sau mấy phút đôi hồi làm quen thăm hỏi xã giao, anh hỏi về những tiếng hô trong mưa đêm qua, mấy ông chẳng tỏ chút ngạc nhiên. Rồi một ông già nhất thủ thỉ: Chả có trại binh nào ở đây đâu. Nhưng chúng tôi nghe thấy hoài hoài. Các anh em bộ đội âm binh đấy. Ngã ba này hồi đó ác liệt lắm. Ta hy sinh cũng nhiều. Bên kia cũng chết nhiều lắm. Thương lắm. Những đêm hôm mưa gió đều nghe rầm rập di chuyển như vậy. Nhưng sáng ra tịnh không một bóng anh bộ đội nào. Đất này thiêng lắm. Phía sau căn nhà anh vừa nhận ấy, cách khoảng dăm trăm mét là trạm sơ phẫu tiền phương của quân giải phóng thời chiến đấy. Còn con đường này hồi đó chỉ là lối mòn giao liên dẫn quân về Trung ương cục đóng gần đây, độ chục cây số  hà.
Vậy là dưới đất này chắc chắn còn nhiều hài cốt liệt sĩ. Loé trong đầu ý ấy, khi quay về căn nhà mới, bất giác Hai Huân bước đi rón rén, chỉ sợ mình sơ ý dẫm phải một thứ gì đấy rất linh thiêng đang nằm vùi trong cỏ.
          Tờ mờ sáng Hai Huân đã một mình dạo quanh khu vườn vừa được giao. Mấy gốc cây lớn còn nguyên một mẩu thân rỉ mủ nhô lên mặt đất nằm rải rác lẫn với những ụ mối to như đống rơm. Đây đó những khóm le đâm măng tua tủa. Chả hiểu sao giữa vườn còn duy nhất một cây khế rừng thân to cả người ôm. Khắp cành la, cành bổng trái vàng âng ẩng treo núc nỉu. Lẫn trong vòm lá, mấy chú chim nhí nhắt mổ những trái chín mọng. Mơ hồ anh nghe tiếng khúc khích của nhiều cô con gái. Ngẩng đầu, nhiều đôi mắt chim mở tròn, hó háy nhìn anh thân mật chẳng khác mắt người. Sẵn trong tay cây rựa, anh phát quang cỏ dại quanh gốc cây, thầm nghĩ biết đâu hồi ấy các cô giải phóng quân đã từng đến đây hái từng nón rồi cùng ăn ngon lành, cùng cười khúc khích, cùng nao nao thương nhớ vị quê hương. Biết đâu trong số ấy có người đang nằm lại nơi đây, hương hồn vẫn tìm về khúc khích cùng nhau dưới bóng cổ thụ này. Một tuần sau, khi dọn cỏ tới cuối vườn, hai cha con anh phát hiện một mô đất lùm lùm bề dài chừng hai mét, bề rộng non một mét. Nhớ lời mấy ông già bữa nọ, nghi nghi là một nấm mồ liệt sĩ, anh cùng con đào đất đắp lên vuông vắn. Ngay trưa ấy, anh lập một bàn thờ thiêng trên đầu nấm đất rồi dâng hương hoa khấn vái rằng nếu đây là nơi yên nghỉ của anh chị liệt sĩ nào thì xin báo mộng, tôi sẽ bằng mọi cách liên lạc để hài cốt anh chị được về với cố hương. Vái xong ba vái, anh thấy ba cây nhang loé sáng khác thường và ba đoạn tàn hương uốn cong vòng tạo nên đoá hoa ba cánh. Từ đấy, mỗi tư rằm, đầu tháng chưa bao giờ nhà anh quên hương hoa cúng vái.
          Cuối năm ấy vợ Hai Huân sinh con gái. Lúc đứa con cất tiếng khóc chào đời, trong đầu anh vừa loé lên cái tên Hồng Liên thì vợ anh cũng khẽ bảo đặt tên con là Hồng Liên anh ạ. Ngày cháu Hồng Liên đầy tháng trùng với ngày mồng hai tháng chín. Bà má anh giết gà, đồ xôi, ăn mừng lễ Quốc khánh và cúng bà mụ cháu bé luôn thể. Tất nhiên bà cụ không quên dâng lễ lên bàn thờ thiêng nơi cuối vườn. Buổi trưa hôm ấy, sẵn tí rượu ngà ngà, Hai Huân vắt áo qua vai lâng lâng ra cổng, định làm một ly cà phê cho thêm phần sung sướng. Đột nhiên một chiếc xe zeep quân sự phanh kít giữa đường. Mở cửa xuống xe là một nữ chiến sĩ Giải phóng. Cô vừa nở nụ cười tươi rói dưới vành nón tai bèo, vừa tiến đến nắm tay anh thân mật như người quen lâu giờ gặp lại. Rồi kéo anh lên xe, nói đơn vị trân trọng mời anh tới dự liên hoan. Anh lặng lẽ làm theo như cái máy. Xe rồ ga lướt về phía rừng xa khoảng mươi phút thì dừng trước cổng doanh trại. Trong sân đông đặc bộ đội đi đi lại lại. Chạy ùa ra ríu rít đón anh khoảng hơn chục cô gái. Cô nào cũng đội nón tai bèo, chân đi dép râu và vận quân phục màu xanh lá cây. Cô nào ánh mắt cũng sáng lấp lánh, tóc dài đen nhánh nhưng màu sắc áo quần thì đều in dấu nắng mưa bợt bạc. Hình như nhận ra từ anh cái nhìn đầy ái ngại xót xa cho đời lính gái, một cô cứng tuổi hơn nói: Đã mấy năm rồi chúng em chưa được phát quân trang. Phải thông cảm cho đất nước mình còn nghèo khó đủ bề anh ạ. Nói rồi cả bọn kéo anh vào nhập tiệc. Tiệc đãi khách có thịt bò, thịt heo đều chế biến theo kiểu Bắc. Bữa ấy các cô thay nhau mời anh uống rượu. Vui quá, cảm động quá, chủ khách đều uống nhiều. Rồi  các cô nghiêng ngả hát, nghiêng ngả cười, nghiêng ngả ôm nhau khóc khiến anh cũng ầng ậng hai hàng nước mắt. Trong lúc tâm thần chuếnh choáng, anh nghe loáng thoáng các cô nói với nhau: Liệu anh ấy có nhận ra chúng mình hằng ngày đến hái cây khế giữa vườn không nhỉ? Mà cái Liên phải chăm sóc anh ấy nhiệt tình vào, căn nhà mày được ấm cúng là nhờ anh ấy đấy. Khoảng xế chiều, các cô ríu rít tiễn anh lên xe, cô khóc, cô cười bịn rịn. Xe tới cổng, cô Liên còn ngồi nán lại gục vào vai anh nức nở: Anh ơi! Em nhớ mẹ em quá. Tròn mười năm rồi em chưa được về với mẹ. Đáp lại, anh chỉ biết khóc cùng cô. Anh em quyến luyến chia tay. Liêu xiêu bước cao bước thấp chưa tới cửa anh đã nghe cả nhà ồ lên: Tỉnh rồi! Tỉnh rồi! Tiếng má anh: Cái thằng yếu gì đâu, mới vài ly đã say mê mệt suốt buổi. Mở mắt, thấy mình đang nằm trên giường giữa vòng vây mấy người nhà và hàng xóm. Định thần, anh chẳng nói lời nào, chỉ im lặng nghiền ngẫm cái bữa tiệc lạ lùng vừa rồi.
Sáng hôm sau, anh lẳng lặng lên huyện đội báo cáo về nấm đất cuối vườn. Cũng không quên kể lại câu chuyện hư hư thực thực chiều hôm trước. Khoảng một tuần sau, một toán quy tập hài cốt liệt sĩ đến chỗ anh lập bàn thờ. Họ đào sâu độ một mét thì chạm tấm tăng màu lá cây. Cẩn thận mở ra, trong đấy còn nguyên vẹn bộ xương nhỏ nhắn. Phía trên đầu còn cả một mái tóc dài đen óng ánh. Cạnh đấy vẫn nguyên xi hai chiếc bát xứ lồng miệng vào nhau khít rịt. Mở bát thấy một tấm hình con gái lồng trong túi nilon hiện lên đôi má bầu bầu, miệng nở cười tươi tắn hai hàm răng đều như hạt bắp. Lạ kỳ, chỉ ít giây sau đó tấm hình chỉ còn là tấm giấy trắng toát. Nhưng Hai Huân vẫn nhận ra đấy là cô bộ đội đã gục vào vai anh nức nở nhớ mẹ già ngoài Bắc trong buổi chiều kỳ lạ ấy. Trong bát còn vỏ một lọ thuốc péniciline chứa tờ giấy tuy đã nhoè nhưng vẫn đọc được dòng chữ: Nguyễn Thị Hồng Liên quê quán… hy sinh ngày… Hài cốt liệt sĩ Liên chuyển đi rồi, Hai Huân thấy trong lòng vô cùng trống trải, ngẩn ngơ như mình vừa vĩnh viễn chia ly đứa em gái thân thương bé bỏng. Ngay chiều ấy, anh gửi thư báo cho gia đình cô Liên ngoài Bắc. Lại bồn chồn đón xe đến chân núi Bà đặt thợ đá làm một tấm bia khắc chữ: Nơi đây từng là chỗ yên nghỉ của liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Liên, quê quán… hy sinh ngày… Rồi chở về dựng trang trọng vào chính giữa chỗ đất anh em bộ đội vừa khai quật. Vẫn chưa bằng lòng, cha con anh còn kỳ công kiếm mấy cây dầu nhỏ đem về trồng bốn góc bia, thầm khấn chỗ đất này sẽ là nơi đi về, trú ngụ của các linh hồn Liệt sĩ chưa có cơ hội về với lòng đất quê nhà họ hằng nhớ thương mòn mỏi.
Chừng nửa tháng sau, người anh cả của liệt sĩ Hồng Liên bước xuống từ chiếc xe U oắt đít bầu đậu trước nhà Hai Huân. Tận mắt chứng kiến tấm lòng của cả nhà Hai Huân đối với em gái mình, ông để lại một tấm hình của Hồng Liên cho Hai Huân đặt lên ban thờ. Ngủ lại một đêm anh em mở lòng tâm sự, ông thấy mến thương Hai Huân như đứa em trai mình. Lúc chia tay anh em thân thiết ôm nhau. Ông nói: Hồng Liên nó nhận chú là anh trai nó rồi. Vậy chú cũng là em trai tôi. Mẹ tôi bao năm rồi mòn mỏi chờ mong ngày này. Vài hôm nữa Liên về với mẹ tôi. Thay mặt gia đình, tôi cám ơn chú nhiều lắm. Vốn vụng lời, Hai Huân chỉ biết nắm hai tay anh mà khóc. Tháng sau nữa, đột nhiên Ủy ban huyện cho người về làm hồ sơ rồi quyết định tuyển dụng thằng Hân vào làm chân văn thư chạy giấy. Từ đấy con trai Hai Huân có lương tháng, lại thêm tiêu chuẩn gạo nữa, nhà Hai Huân đỡ lo miếng ăn hằng ngày. Không hỏi nhưng Hai Huân thầm đoán ông anh ngoài quê Bắc làm chức gì to lắm gửi gắm nên con anh mới mở mày mở mặt được như vậy. Sau này, con gái Hồng Liên của anh học xong đại học, nộp đơn xin việc vào một cơ quan phân bộ đóng ở thành phố Hồ Chí Minh cũng được tuyển dụng ngay. Mấy tháng sau nó được ông trưởng phòng bảo thứ trưởng H…hỏi thăm cháu đấy, Hai Huân mới biết ông anh kết nghĩa của mình đương chức thứ trưởng bộ X.
Bây giờ thì Hai Huân già lụ khụ rồi. Mẹ ông rồi vợ ông đã lần lượt bỏ ông quay về thiên cổ. Thằng Hân con ông đã có vợ. Vợ nó có sạp hàng bán mỹ phẩm trong nhà lồng chợ. Công việc nội trợ chẳng bao giờ nó để mắt tới, tối ngày chỉ lo bận bịu sơn xanh sơn đỏ móng tay, mí mắt. Sợ nhiều con mau già, nó chỉ sinh cho ông một thằng cháu nội. Năm nay thằng bé học lớp năm rồi. Hiện thời đôi mắt Hai Huân đã mờ, hai chân thập thễnh hơn. Ngày hai buổi ông tha thẩn chống gậy quanh vườn quét dọn lá lảu và lau chùi mấy tấm ghế đá ông đặt dưới gốc những cây dầu giờ đã là cổ thụ xoè bóng che tấm bia ghi dấu chỗ xưa em gái Hồng Liên yên nghỉ. Mấy chiếc ghế chả đêm nào vắng những cặp tình nhân rù rì tâm sự. Sáng sáng thì các cụ già đến ngồi tắm nắng, gặp nhau trao đổi tâm tình. Cây khế giữa vườn gốc to vượt người ôm. Quanh năm trái sai ríu rít. Rất nhiều lần ông ngước nhìn lên bắt gặp những con chim quen thuộc năm xưa từng ríu rít mổ mổ những trái khế chín vàng. Bây giờ từng đôi mắt chim vẫn mở to tròn hó háy như mắt người. Nhưng vẻ tinh nghịch đi đâu mất cả. Có hôm chúng xếp cánh đứng bên nhau thẫn thẫn thờ thờ. Lần nào ông cũng nghe văng vẳng ai đó nhắc đến cô Liên lâu nay không thấy vào chơi. Lại như có nhiều lời nỉ non gọi mẹ. Ông chỉ biết đứng ôm cây tu tu khóc. Mấy người bắt gặp cảnh ấy, họ rỉ tai nhau lão Hai Huân già quá sinh ra dở người rồi.
Đêm qua ông nghe tiếng vợ chồng thằng Hân cãi vã. Tiếng con vợ: Bảo với ông chặt cây khế rồi xây căn nhà mở tiệm mỹ phẩm. Thời cơ hái ra vàng mà không biết tận dụng. Thằng chồng dằn giọng: Cô im cái mồm đi! Động đến cây khế là động đến sinh mệnh ba tôi đó. Con vợ nó xì một tiếng rõ dài: Sắp xuống lỗ còn bo bo giữ của. Trưa nay thằng cháu ông đi học về phụng phịu: Ông mua cho con chiếc xe đạp điện. Ông xoa đầu nó rù rì: Ông làm gì có nhiều tiền vậy. Thằng cháu linh hoạt hẳn lên: Thì ông bán đi một tí ti đất, mua được ối thứ. Má cháu bảo vậy.
Nghe cháu hồn nhiên mách nước, Hai Huân bần thần chống gậy ra vườn. Ông đau đớn xoa xoa tấm bia đá, rân rấn hai dòng lệ ôm gốc cây khế già. Ông biết ngày ông trở về với cõi mẹ ông, vợ ông và em Hồng Liên đang hiện diện cũng sắp đến rồi.
Mảnh đất thiêng này rồi sẽ ra sao? Lo lắng bất an cả buổi chiều khiến ông chẳng thể nào chợp mắt. Nửa đêm chợt nhớ chuyện mươi năm trước, một tay ba tàu hay Đài Loan gì đấy nằm lì nhà ông cả ngày. Hắn lải nhải: Mệnh của ngộ hợp với phong thủy thế đất lày lắm lớ. Nị phát giá lào ngộ cũng ưng liền hà, tiền bạc không thành vấn lề. Ngộ mà mở được cái siêu thị ở đây thì đại phát lớ, ngộ không quên nị đâu… Quá bực mình, ông bảo hắn: Thì anh ra gốc cây khế khấn thần linh xem ngài có ưng không đã. Hắn xăng xái ra vườn thắp hương cúng vái. Dăm phút sau đã mặt xám như chàm quay về lắp bắp: Ngộ sợ lắm lồi, sợ lắm lồi. Miệng nói, tay hắn móc ra nắm tiền nhờ ông mua con heo quay lễ tạ dùm. Rồi chuồn thẳng.
Vậy là ông biết chắc hùng khí các liệt sĩ vẫn muôn đời hiện hữu trên mảnh đất thiêng này. Lạy trời, xin các anh em chỉ cho con cháu ông con đường sáng.
Sáng hôm sau, không thấy ba dậy sớm như mọi ngày, thằng Hân đến chỗ giường ông, thấy cha nằm duỗi thẳng hai chân, hai tay giao nhau chắp lên giữa bụng. Cúi xuống thấp, nó nghe ngực ông không thở phập phồng. Xoè bàn tay lên mặt cha, nó cảm giác như chạm vào luồng khí lạnh từ hai mắt còn he hé mở và vầng trán trắng bợt cau cau mấy đường gân sóng. Nó vội quỳ thụp xuống nghẹn ngào nức nở: Ba ơi! Xin ba cứ yên tâm, con còn sống trên đời này thì không ai dám động đến cõi đất thiêng của gia đình ta được. Mà còn cháu chắt ba nữa chứ. Xin ba hãy tin tưởng và yên lòng ra đi.
Ngẩng lên nó ngạc nhiên thấy vừng trán ông giãn ra thanh thản và hai mi  mắt khép kín tự lúc nào.
(trích trong Tuyển tập Văn Tây Ninh 40 năm)
SÔNG NGUỒN
 
                                                                   Truyện ngắn: Vũ Thiện Khái
 
          Chả nhớ ngày giỗ ông tôi năm ấy tôi lên mấy tuổi. Nghe bà nội lẩm bẩm: Sống ở thác về, tôi hỏi bà: Ông nội con đã về đâu? Bà kéo tôi vào lòng nói nhỏ như sợ người ta nghe thấy: Ông nội con giờ đang ở bên Tây Trúc. Thế lúc ông về Tây Trúc con lớn bi nhiêu? Bà mắng yêu: Cha bố anh! Lúc ấy anh đang ở mãi bên nước Nam Nứ. Tò mò tôi hỏi thêm: Nước Nam Nứ ở đâu? Trầm ngâm một lát, bà hạ giọng: Ở xa lắm, tận ngoài cửa Đông Hải lận, bà cũng chưa đến đấy bao giờ.
Bà tôi hồi đó đã ngoài bảy mươi, nhưng chưa hề lẫn cẫn tí nào. Đi lại mới hơi chậm chạp kiểu người cao tuổi, còn những chuyện bà kể hằng ngày thì rành rọt chẳng chê vào đâu được. Cái nước Nam Nứ ấy ở đâu? Mà nghe có vẻ bí mật làm vậy. Từ buổi ấy đầu óc tôi đã mơ hồ một ý định lớn lên sẽ đi đến tận cái nước xa xôi kia xem nó diệu kỳ tới mức nào. Đến năm cuối trung học phổ thông, làm hồ sơ thi đại học, cha tôi bảo ghi quê quán Ninh Bình. Không thêm một thông tin gì. Tôi lại nổi máu tò mò muốn khám phá cái miền đất Ninh Bình ấy mặt mũi ra sao. Tôi căn vặn bà nội, được bà đáp lào phào qua đôi môi nhăn nhúm: Quê cha đất tổ của nhà mình mãi tận sông Nguồn ngoài Bắc. Xa lăng lắc, dằng dặc đường đi chẳng có chỗ cuối cùng. Nói rồi bà nhắm nghiền hai mí mắt chảy xệ rất nhiều nếp nhăn xếp chồng lên nhau, kẽ mắt lúc nào cũng ướt loèn nhoèn nhấp nha nhấp nhính. Nóng lòng muốn hỏi thêm nhiều câu nữa, tôi chỉ được bà mệt mỏi lắc nhẹ mái đầu bạc phơ và một câu duy nhất: Bố anh và cô anh cũng nhờ tắm táp, uống nước sông Nguồn mới nên người đấy. Năm ấy bà gần chạm chín chục tuổi rồi.
          Tôi tìm trên bản đồ không có con sông Nguồn nào cả.
Vậy thì sông Nguồn ở đâu?
Tới năm tôi vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Cái tuổi không còn thơ ngây để tin rằng có một nước Nam Nứ tận ngoài biển Đông, nhưng cũng đã có thêm một tí khôn ngoan để mơ hồ nhận ra trên đời này hình như có thực một con sông Nguồn đang reo rắt chảy qua một miền đất mến thương nào đó. Một con sông Nguồn gần trăm năm nay vẫn  âm thầm rì rầm trôi trong tâm hồn đôn hậu của bà tôi. Qua tết mấy ngày thì bà tôi không ốm không đau nằm ngủ một lèo lặng êm về cõi Phật. Phút lâm chung, bà mở to đôi mắt long lanh đến lạ kỳ nhìn tôi rồi thì thào: Có một con sông Nguồn chốn cố hương thật đấy cháu ạ.
          Nhận bằng Cử nhân hôm trước, hôm sau tôi xin phép bố mẹ tự làm một cuộc hành trình khám phá sông Nguồn. Mẹ tôi ngơ ngác: Mẹ chưa bao giờ nghe nói có sông Nguồn. Nhưng bà vẫn cẩn thận chuẩn bị lèn chặt cứng túi hành trang của tôi từ viên thuốc, cuộn bông băng y tế, thậm chí cả cái kim sợi chỉ. Còn cha tôi thì vẫn nghiêm nghị như thường ngày. Chỉ dặn một câu: Chưa một lần tắm sông Nguồn thì chưa thành người con ạ.
Đêm đầu tiên thao thức theo nhịp con tàu xình xịch lao phăm phăm vào bóng tối, tôi rưng rưng nhận ra cha mẹ tôi đã bước sang tuổi già thật rồi, cái độ tuổi bà nội thì thào với tôi về một nước Nam Nứ mịt mờ ngoài cửa bể.
          Những năm đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước, cha tôi được cử đi du học nước ngoài. Khi ông hoàn thành chương trình thì đất nước đang vào giai đoạn quyết liệt chiến tranh chống Mỹ. Ông lại khoác ba lô hành quân đi B. Ở nhà chỉ còn bà tôi và cô tôi. Mỹ leo thang ném bom miền Bắc, cô tôi trở thành xạ thủ mười hai ly bảy đơn vị phòng không của xã. Tham gia chiến đấu được vài năm thì cô trở thành liệt sĩ giữa tuổi hai mươi hồn nhiên chưa hề vương vấn một mối tình đầu. Sau 30/4, tổ chức phân công cha tôi ở lại Sài Gòn. Mẹ tôi vốn là cô du kích miền Tây Nam bộ. Những cuộc cùng nhau chống càn đã xây nên mối tình rất đẹp của hai người. Ổn định cuộc sống, cha tôi đưa bà tôi vào thành phố ở chung. Vì chốn quê nhà còn ai ruột thịt nữa đâu. Tôi sinh năm 1980. Khi biết dỏng tai lắng nghe thì cả ngày được bà rù rì bao nhiêu câu chuyện vừa đẹp như mơ, vừa buồn buồn êm ái bất chợt hiện lên trong ký ức già nua, trong nỗi nhung nhớ khôn nguôi của bà cụ hiền hoà quen sống chốn đồng quê lộng gió giờ bị giam lỏng trong bốn bức tường bê tông ngột ngạt.
           Bà tôi kể: Căn nhà gỗ xoan của gia đình mình ngày xưa quay mặt ra sông Nguồn. Buổi sáng đứng giữa sân vẫn trông thấy những cánh buồm nâu nhô khỏi mặt đê. Gió to thì buồm căng phồng bay vùn vụt. Ít gió thì lơ lửng lật phật in lên nền chân trời nhìn giống những đám mây nhiều màu trôi chầm chậm. Ngày quang mây có thể thấy rõ ngọn tháp chuông nhà thờ xứ đạo trắng óng ánh bên kia sông Nguồn. Ụ pháo phòng không của tiểu đội dân quân cô mày nằm giữa mom sông lượn về bên tả. Hôm ấy cô mày cùng đồng đội quần nhau với một bầy máy bay Mỹ. Cô mày là xạ thủ bấm cò bắn rơi một máy bay. Thằng phi công vướng bộ đồ bay lóp ngóp giữa sông, không có ông Hiếng thọt bơi ra vít cổ lôi vào thì chết ngóp. Giữa trưa thì cô mày cùng cả khẩu đội hy sinh. Tội nghiệp toàn những đứa hơ hớ chưa chồng. Cả một đuôi tóc dài kẹp chặt trong chiếc cặp ba lá của cô mày bị mảnh bom hớt ngọt bay đi đâu mất. Chắc là chìm xuống đáy sông rồi. Tóc cô mày dài lắm. Óng ánh đen nhưng nhức. Mái tóc mới chiều qua tao còn dội từng gáo nước nấu hoa hương nhu cho cô mày cúi lưng vò vò bằng hai bàn tay trắng nuột. Đến tận giờ cô mày vẫn về báo mộng đòi tao nắm tóc và chiếc cặp ba lá ấy. Thương đứt ruột nhưng tao vẫn làm mặt giận mắng: Cha bố cô đã là liệt nữ anh hùng còn làm nũng mẹ. Nói rồi bà lặng lẽ kéo vạt áo lau nước mắt. Chốc sau bà lại móm mém cười: Cái ông Hiếng thọt có công bắt tù binh Mỹ ấy là bạn thân thiết với ông nội mày đấy. Ông mày học văn. Thời Tây bỏ thi Hán học, chán đời ngày ngày không ngồi câu cá thì đi ăn giỗ, không đọc văn tế thần ngoài đình hàng tổng thì la cà chơi cùng bọn trẻ thả diều. Ông Hiếng thọt theo nghề võ. Bị té ngựa thọt chân. Bất đắc chí bỏ về làm nghề lái đò qua lại hai bến sông Nguồn. Khi cùng túng quá thường nửa đêm bơi thuyền nan ăn cướp những con đò dọc. Một bận ông mày dẫn thuyền chở toán thợ gặt nhà mình xuôi xuống công điền thu hoạch lúa mùa, bị ông Hiếng thọt kề gươm vào cổ quát nằm im. Ông mày thưa: Ấy ấy xin ngài nhẹ tay kẻo dằm tre đâm vào cổ con thì khốn. Hiếng thọt cười ha hả buông cây gươm thanh tre bôi vôi đấm lưng ông mày thùm thụp. Chuyện vui đáo để.
          Sau cuộc hành trình hai ngày một đêm, khoảng ba giờ chiều, con tàu hỏa thả tôi xuống một ga xép. Ghé vào một quán trà chén ngoài sân ga tôi hỏi  ông khách ngồi đối diện đường đi về phía sông Nguồn. Ông mở tròn mắt: Chưa hề nghe ai nói có sông Nguồn ở vùng này. Bà cụ chủ quán trùm chiếc khăn đen chỉ chừa hai con mắt nhập nhoèn chậm rãi: Có sông Nguồn đấy. Cháu cứ theo con đường đất giữa cánh đồng kia kìa, chạm chân đê là nó đấy. 
          Tôi chậm rãi bước trên con đường cát mịn chạy giữa cánh đồng lúa đang ngả màu ua úa lá gừng. Sắp tới mùa gặt nên chỉ có nắng nhạt vàng và thảm lúa mênh mông. Xa xa đây đó lùm xùm những lũy tre xanh sậm, tôi đoán ở đó là những thôn làng nho nhỏ. Đi giữa một làng như vậy, mắt tôi vướng những làn khói bếp bay lơ phơ và mũi tôi chạm mùi cá mắm kho thơm lựng dọc con đường. Từ sau tấm cổng tre sơ sài vọng ra tiếng người mẹ trẻ gọi con: Cha tông nhân thằng cu Tĩn lại biến đâu rồi. Không biết tìm bà về ăn cơm à. Rõ khổ người đâu chuyện trăm năm xa lắc thì nhớ rành rành mà ngõ nhà mình quên khuấy. Tôi nhận ra y chang khẩu khí, ngữ điệu bà tôi xưa. Qua một cánh đồng nữa, lúc đôi tai tôi mơ hồ tiếng sóng sông đắm đuối ôm xiết eo lưng đôi bờ sông mập mạp phù sa thì mắt chạm thân con đê cao sừng sững. Tôi hăm hở trèo lên mặt đê. Không nghe tiếng sóng sông rì rào, không một cánh buồm lơ lửng gần xa. Nếu không cả những ngọn gió nam đang lồng lộng thì cảnh chiều nơi đây vắng vẻ vô cùng. Có vẻ như chỗ này là một bến đò ngang. Ngay đầu mom sông có một mái nhà đang toả khói lam chiều ấm cúng. Sát mép nước một con thuyền nho nhỏ bập bềnh cột vào một cây sào cắm xiên xiên. Từ dưới bến một ông già quần đùi áo cộc vai vác mái chèo khập khễnh bước về phía ngôi nhà. Cả ông và căn nhà đều in rõ những đường viền anh ánh bóng hoàng hôn rực rỡ hắt sang từ phía bờ sông đối diện. Tôi theo chân ông vào nhà. Ông quay qua hỏi: Cậu muốn sang sông? Tôi dạ rồi lại thưa không. Ông bảo: Cậu là người miền Nam? Tiếp thêm: Người Nam dạ là vâng. Tôi đã ở trong ấy mấy năm. Rồi ông lặng lẽ đi vào khuông cửa bếp đang đỏ lửa. Tôi cởi ba lô ngồi lên chiếc ghế băng làm bằng nguyên một tấm ván bìa đặt trên bốn chân chôn xuống đất. Mặt bàn cũng bằng nguyên hai tấm như vậy ghép lại. Một ngọn đèn nhỏ như trái ớt cháy leo lét trên mặt bàn. Gian bên, bà cụ già ngồi trên tấm võng đay rờ rẫm hai bàn tay đội lại tấm khăn vuông màu đen. Áng chừng cụ tầm tuổi bà tôi. Nhưng giọng nói thì chưa nhiễu hơi thở phập phù. Còn nghe rõ từng âm tiết. Bà cụ chỉ lưng ông lái đò bảo: Thằng cả nhà tôi đấy. Nó đánh Mỹ cả chục năm trong đó. Bị thương vỡ bánh chè nên khập khiễng. Thảo nào thoáng trông vào mắt ông tôi thấy giống hệt  ánh mắt cha tôi. Hình như những người lính đã trải qua chiến tranh đều có đôi mắt như vậy cả. Có một chút ngơ ngác, một chút nghiêm nghị và một chút xa vắng buồn buồn cố giấu. Lát sau cô gái dưới bếp bưng lên một ấm trà và bốn cái ly, miệng lí nhí mời khách. Tôi nhìn kỹ đoán cô trạc tuổi cô tôi hồi đó. Khi cô quay người trở ra, tim tôi giật thót trông thấy mớ tóc dài kẹp gọn ghẽ bằng chiếc cặp ba lá sáng óng ánh nằm ngang eo lưng tròn lẳn. Chắc cùng kiểu với chiếc cặp tóc của cô tôi mà bà tôi đã gói sâu trong ký ức nhớ thương tới ngày về với sông Nguồn. Cô gái lui về căn bếp rồi, để lại mùi hương hoa hương nhu se se toả ra từ mái tóc thơm khắp ba gian nhà nhỏ. Bà cụ chủ nhà lại cất lời: Cháu gái tôi đấy. Đã học xong đại học sư phạm trên tỉnh năm ngoái. Bốn năm cha nó nén chịu chân đau gò lưng chèo đò nuôi con, bây giờ nó lại quay về cam chịu phận gái phụ bố chèo đò, chỉ vì không chịu đáp ứng yêu sách đầu tiên của ai đó. Mà có dư dả bố nó cũng không chịu nhục như vậy. Tôi biết tính khí nó mà.
          Khuya ấy, tôi đang lan man nghĩ: Giá như chị gái kia sinh cùng thời với cô tôi thì … Sóng sông rì rầm và làn gió mát rượi từ cửa biển đã ru tôi vào giấc ngủ. Tôi mơ thấy cháu gái bà cụ cùng chung khẩu đội mười hai ly bẩy với cô tôi. Họ cùng hy sinh một lúc. Cùng bị bay ngược hai mớ tóc đen dài và hai chiếc kẹp ba lá óng ánh  rớt xuống giữa sông. Hai chiếc cặp thì vùi dưới đáy sông. Còn hai mớ tóc trôi cuồn cuộn theo sóng chảy dài đến vô cùng. Tôi cũng mơ thấy tôi vùng vẫy giữa dòng sông bơi sải hai cánh tay giữa những sợi tóc trơn trơn cọ vào da thịt tôi lướt thướt. Và cả dòng sông bỗng nhiên nóng ấm như một nồi nước hương nhu thơm sực. Có lúc mơ thấy chị không chết mà bây giờ chính là cái người đòi thủ tục đầu tiên ấy. Lúc sau chị lại chính là vị nữ thẩm phán đanh thép kết tội kẻ tham nhũng kia.
          Tôi tỉnh dậy lúc ông lái đò lịch kịch chuẩn bị đồ nghề khập khễnh ra bến sông. Ông đưa tôi sang sông. Tôi bước lên bờ, ông lưu luyến dặn: Con cứ theo con đê này ngược lên phía thượng lưu. Hình như phía ấy có luỹ thành đồn chống Tây của quan Hoàng Giáp người làng Tam Đăng. Sông Nguồn có thể phát nguyên từ chỗ đấy.
          Bà tôi đã từng kể: Cụ Tổ đời thứ tám của họ ta xếp dao cầu thuyền tán đầu quân dưới trướng quan Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Các cụ huy động dân quân đắp đồn dựng lũy ròng rã mấy tháng trời. Lại quyên góp rựa cùn cuốc mẻ rèn thành sợi xích dài giăng ngang ngã ba sông chắn tàu sắt của Tây. Lại truyền dân khắp vùng hái hết ổi xanh, mơ mận còn xanh rải kín mặt đường. Lính Tây vận giày cột xà cạp da cao qua đầu gối đi lại thẳng đơ, các cụ cho là nó không có đầu gối. Hễ đạp phải trái ổi xanh lăn tròn thì mười mươi ngã chỏng vó. Nào ngờ xích sắt nó nổ đoàng một phát đã đứt phựt. Còn ổi xanh, mơ xanh, đứa nhai ngồm ngoàm xì xồ bòong bòong. Đứa nhét đầy túi cóc. Mấy trận liền các cụ bị thua. Quan Hoàng giáp tử nạn. Cụ Tổ mày nuốt thuốc phiện quấn giấy bản tự vẫn. Sau dân làng lập đền thờ các quan ngài cạnh miếu Bà Nàng dưới tán cây muỗm đầu xóm gốc to chục người ôm không hết. Miếu Bà Nàng mỗi tháng đều có mấy cuộc hát văn lên đồng. Cuộc nào cũng bà đồng Tháp ngồi hầu bóng từ đầu chí cuối. Mà cái bà đồng ấy hầu bóng hay lắm. Lắc lư múa may, mặt mày thất sắc như là các ông hoàng bà chúa ngự về thật. Chỉ có điều hễ đến lúc vãn chầu phát lộc thì thánh toàn chia những thứ ngon vào tay con cháu mình. Người ngoài toàn đầu mấu mía và chuối lép. Có lần ông Hiếng thọt cớt nhả đòi mó máy cái ấy của bà chúa sơn lâm. Ông ấy bảo: các cụ nói “Lạnh như l… ma”. Nếu tôi thấy nóng hổi thì là đồng giả. Bà đồng Tháp quên cả mình đang ngồi đồng quay ra chửi: Cha tổ thằng thọt. Đã bị quan ôn vật suýt chết còn chưa kinh.
 Ngày thứ hai tôi vác ba lô trên vai đi bộ trên mặt con đê chạy hút phía thượng nguồn. Tới non trưa thì gặp một đoàn các bà các cô xúng xính tà áo dài bay lướn phướn. Người xách làn, người đội đồ lễ. Họ bảo đi hội đền ông Hoàng. Tôi bám theo sau. Cô trẻ nhất nói với bà già nhất: Cụ Tháp ơi sắp đến hội chưa? Cha bố cô mới được một thôi đường đã mỏi chân. Tôi giật mình chả lẽ đây là bà đồng Tháp cùng thời với bà tôi còn sống? Khu vực làng mở hội là quần thể đền và miếu những mấy ngôi quy tụ xung quanh gốc cây gội cổ thụ loằng ngoằng bao nhiêu rễ nổi lên mặt đất tựa rắn bò. Tôi hỏi thì được biết đây không phải đền thờ các vị trung lương tử nạn thời chống Tây. Cây gội không phải là cây muỗm.
Vậy thì đền thờ ngài Hoàng giáp và cụ Tổ tôi ở phương nào nhỉ? Đêm ấy tan hội tôi xin ngủ ở đền với cụ từ coi đền. Cả đêm cụ rù rì kể tôi nghe về thần tích ngôi đền. Ngài xuất thân là anh đơm đó tép. Không vợ không con, ngài ở chung với ông hổ nhỏ. Sau bị ông hổ nhầm là kẻ đổ trộm đó tép tát chết. Rồi ngài hiển linh cứu dân làng thoát nạn dịch. Dân làng tôn ngài làm Thành Hoàng, lập đền này thờ từ bấy đến nay. Tôi hỏi sông Nguồn, cụ chỉ biết lơ mơ về một con sông Nguồn truyền tụng trong dân gian. Ngôi đền Trung liệt và cây muỗm miếu Bà Nàng cụ cũng chỉ nghe đâu nó ở trên mạn ngược. Không chắc chắn nhưng cụ đinh ninh tất cả đều có thực.
Bà tôi cũng từng bảo: Bố mày ra đời trong căn buồng ấm cúng, trên chiếc giường gỗ lim đen rưng rức, nặng trịch bốn người khiêng không nổi. Cụ nội cũng sinh ra ông nội mày trên chiếc giường bóng lưỡng nước thời gian ấy. Ông cố, ông sơ các đời cũng đều mở mắt chào đời từ đấy. Người nào lần đầu tiên da thịt cũng được bọc bằng tấm áo cũ còn hôi hổi mồ hôi ông bà cha mẹ. Người nào cũng được tắm táp, được uống nước sông Nguồn, nên người nào cũng thành người đáng kính. Chỉ có mày sinh ra trong bệnh viện. Chỗ nào cũng một màu trắng toát. Đến tấm tã lọt lòng cũng trắng tinh lạnh lẽo. Cha bố anh! Bà thương cái thằng cún con của bà lọt lòng chưa được tắm nước sông Nguồn. Chưa được uống nước sông Nguồn quá.
Sáng sớm mai tôi lại đi tiếp về phía thượng nguồn. Chắc chắn có một con sông Nguồn đang đợi tôi nơi ấy. Bởi trong tôi luôn thì thào câu nói linh thiêng của bà tôi: Có một con sông Nguồn trên cõi đời này, thật đấy. Và tôi tin tôi sẽ được tắm nước sông Nguồn. Tôi sẽ nên người như cô tôi, như bố tôi, như các vị tổ tiên tôn kính của tôi.
Mùa hè của tôi còn nhiều ngày nghỉ. Tôi còn trẻ lắm mới ngoài hai mươi tuổi.
(Trích trong Tuyển tập Văn Tây Ninh 40 năm)   
 
CỎ YÊU  
             Kết quả hình ảnh cho cỏ dại
 
Từng có một loài cỏ dại 
Thơm như mùi mít chín cây 
Tuổi thơ chúng tôi ngày ấy 
Dắt nhau ngơ ngẩn đi tìm 
 
Đem cỏ giấu vào áo gối 
Khấn thầm gặp Bụt gặp tiên
Em mơ cô Tấm dịu hiền
Đi hội cùng chàng hoàng tử
 
Cất nắm cỏ thơm túi ngực
Đêm đêm trăng mọc đầu giường
Đầy buồng nưng nức mùi hương
Tôi quên tuổi thơ lấm láp
 
Một ngày tôi hết dại khờ
Nhận ra mùi hương con gái
Ngây ngây lẩn vào cỏ dại
Thì thào em bảo cỏ yêu
 
Lời yêu vừa ngọt đôi môi
Gặp thời bom rơi đạn nổ
Chúng tôi cuốn vào giông tố
Cỏ yêu ém đáy ba lô
 
Ngày về lẻ một mình tôi
Bao năm em nằm đâu đó
Bên em xanh miên man cỏ
Ngọn nào ngan ngát cỏ yêu !
                       22/9/2015

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét