Gió se lạnh. Còn non tháng nữa là tới Tết
Thanh Minh. Công việc bận rộn không biết tôi có sắp xếp được thời gian
để về quê tảo mộ ba hay không ? Việc tảo mộ cho ông bà cha mẹ là bổn
phận là trách nhiệm, là việc nên làm cớ sao tôi phải phân vân…
Ba tôi là người đàn ông tài hoa và đào
hoa. Ba quê gốc Chợ Gạo Tiền Giang. Má tôi dân Long An. Vì thời cuộc gia
đình tôi trôi dạt lên Tây Ninh và ở luôn cho đến tận bây giờ. Ba tôi là
lính kiểng, chuyên làm tài xế riêng cho mấy xếp lớn nên buộc phải ăn
mặc nghiêm túc bảnh bao. Ba đẹp trai, người cao ráo, chơn chất, ăn nói
có duyên, dí dỏm và hài hước. Nhà tôi đông anh chị em nhưng từ nhỏ cho
tới lớn ba tôi chưa hề cầm roi đánh hay la mắng gì mấy chị em tôi.
Thương con, ba cất trong bụng trong dạ không thể hiện ra bên ngòai. Còn
má tôi thì đảm đang và giỏi giang, trong ngòai một tay má tôi vén khéo.
Má tôi kỹ tính, ngăn nắp, sạch sẽ, bởi vậy mấy chị em tôi ăn ngủ học
hành gì cũng bị má la tối ngày, mắc lỗi hơi nặng chút xíu thì bị ăn roi
mây tức thì, vì vậy thuở nhỏ mấy chị em tôi gần gũi với ba nhiều hơn là
với má. Năm tôi lên tám, tôi mới biết ba tôi có vợ nhỏ. Nghe lóm hình
như dì Chín vợ nhỏ của ba mê ba như điếu đổ mặc dù biết ba tôi đã có vợ
có con. Nói như vậy để biết rằng ba tôi không lừa gạt hay dụ dỗ dì Chín,
mà chính dì Chín đã kéo ba tôi vào con đường đau khổ này và đó cũng là
nghiệp duyên mà ông trời đã định, tôi nghe ba tôi nói với má tôi như
vậy. Hổng biết ba nói to nói nhỏ làm sao mà má tôi tin vào số trời, tin
vào duyên nợ. Không biết ai đã nợ ai mà má tôi cam chịu hổng có ghen, vợ
lớn vợ nhỏ thuận thảo. Hai nhà ở hai nơi khá xa, thỉnh thỏang ba tôi
lấy xe jeep công vụ chở chị em tôi qua nhà dì Chín ở tuốt bên Thanh Điền
chơi rồi chở ngược mấy em qua nhà má lớn bên này để má lớn dẫn đi sắm
sửa. Nhiều năm về sau, hể nhà bên đây đẻ một đứa thì nhà bên kia cũng
đẻ thêm một đứa, bên đây đặt tên gì thì bên đó cũng đặt tên giống y vậy,
rồi đặt thêm tên kêu ở nhà để khỏi lộn, con nhà hai bên tính ra hơn
một chục.
Ba tôi rất khéo tay, học lõm cái gì cũng
nhanh có khi làm còn hay hơn thầy dạy, vì vậy ba là niềm tự hào của mấy
chị em tôi. Thỉnh thỏang ba hay làm kẹo kéo cho mấy chị em tôi ăn. Ba
đóng sẵn một cây đinh dài cả gang tay vô cây cột gỗ ở nhà bếp, đậu phộng
ba rang xong rồi vuột lụa để sẵn. Không biết ba thắng đường kiểu gì mà
thấy ba cầm cục đường màu vàng cứ đứng quăng lên cây đinh kéo dài xuống
rồi thẩy lên, kéo tới kéo lui một hồi ra cục đường trắng tinh dẽo
quẹo, ba trải đường ra cái bọc mũ to, bỏ đậu phộng rang vô chính giữa vo
tròn lại rồi sau đó kéo ra từng cây kẹo nhỏ trắng muốt thơm giòn ăn
ngon dễ sợ. Ba tôi gói bánh ít còn đại tài nữa. Hai ông bà trải chiếc
chiếu xuống nền nhà, lá chuối lau sạch lấy kéo tề vừa tầm để sẵn, nhưn
dừa nhưn đậu vo cục bằng nắm tay, hỏi vo cục nhưn chi bự ba nói có mua
bán gì đâu sợ lỗ, nhưn nhiều ăn mới đả. Bày biện xong ba ngồi một bên má
ngồi một bên còn chị em tôi ngồi giáp vòng coi ba má gói bánh. Má tôi
bắt bột nếp nhão nhẹt, chậm tay là bột chảy tèm lem khó gói lắm, hỏi má
bột gì nhão dữ má nói bánh vậy mới mềm mới ngon. Chấm miếng dầu phộng
xoa vào lòng hai bàn tay cho khỏi dính, má bắt nhưn áo bột thoăn thoắt
xoay tròn hai bàn tay như múa. Còn ba xếp lá chuối để trong cái mâm chờ
má bỏ cục bột vừa nắn xong thả xuống là ba nhanh tay gói liền. Cái bánh
ba gói đẹp làm sao, xếp qua xếp lại dựng đứng lên nhọn đót ra cái bánh
hình nóc chùa, hỏi sao là nóc chùa, ba nói hỏi vậy cũng hỏi vì nó nhọn
giống cái nóc chùa. Còn có một kiểu gói bánh ít khác nữa mà mấy người
vụn tay mới làm đó là nhào bột hơi cứng một chút, vò đâu còn đó, lá xếp
hình cái quặn bỏ bột vô bẻ đít là xong. Ba tôi nói kiểu gói bánh nóc
chùa này chỉ có dân miền Tây làm là hết sẩy.
Năm 1975 ngày miền Nam hòan tòan giải
phóng, ba tôi đi học tập cải tạo ngắn ngày. Đời sống khó khăn, dì Chín
đưa cả nhà về quê làm ruộng. Chị em tôi trên này tất thảy đều nghỉ học.
Má chạy chợ mua bán đủ thứ, có khi mua đầu chợ bán cuối chợ, đầu tắt mặt
tối mà vẫn không đủ ăn. Khổ lắm. Anh chị tôi túa ra đi làm thuê làm
mướn, còn tôi lúc đó mới mười hai tuổi phải ở nhà lo cơm nước và chăm
sóc năm đứa em, thằng em út lúc đó còn đỏ hỏn mới hơn hai tháng tuổi.
Thất nghiệp, ba tôi về dưới dì Chín làm ruộng và phụ lo cho mấy đứa em.
Rồi dì Chín tôi sanh thêm út Chót, út Mót. Ba tôi trở thành vú em chuyên
nghiệp. Xa mặt cách lòng, ba tôi mất dần vị trí trong nhà cũng như tình
thương của chị em tôi. Má tôi buồn bã một phần lo lắng cơm áo gạo tiền,
thương con thất học. Một phần vì ba tôi buông tay bỏ má con tôi để lo
hẳn cho bầy em ở dưới. Chị em tôi thiếu vắng tình thương của ba từ dạo
đó. Thỉnh thỏang trong bữa cơm khi nghe đứa em gái nhắc sao lâu quá
không thấy ba lên, má tôi không trả lời mà buồn buồn đọc : “ Đường không
đi đường đầy cỏ dại, nhà không qua lại thành người dưng “. Mà thành
người dưng thiệt. Lâu dần hình ảnh thân thương và hơi hướng đậm nồng của
ba mất hẳn trong tôi. Còn má tôi thì ít nở nụ cười. Mãi về sau này, khi
đã có chồng có con thì tôi mới biết mới hiểu, má tôi đã khóc ngược vào
trong như thế nào.
Người ta nói : “ Một vợ nằm giường lèo,
hai vợ nằm chèo queo… “. Ba tôi nằm chèo queo rồi bị cảm lạnh ngủ luôn
một đêm không dậy nữa. Các em tôi ở dưới bị cắt ngang sự yêu thương vỗ
về nên hỏang lọan kêu gào đòi ba. Má tôi bị tai biến đi đứng không vững
tưởng chừng đi trước ba mà không ngờ phải khóc chồng lần cuối. Chị em
tôi trên này rồng rắn dắt nhau về quê đội tang. Về đám tang cha vậy mà
cả đám đi lộn đường xa đến ngỡ ngàng. Thiệt là chua xót. Về tới nơi thì
đã tẩn liệm xong. Mọi người phân trần là do mấy chị em tôi về trễ quá,
sợ để qua giờ lành thì có điều không hay. Em tôi buộc miệng : Tới giờ
chót cũng không được thấy ba lần cuối, rốt cuộc ba cũng là ba của tụi
nó. Ý trời… mới khiến xui cho chị em mình đi lạc đường xa tới vậy. Còn
dì Chín chỉ nói đúng mỗi một câu : Ba con nhớ tụi con dữ lắm !
Bà con dòng họ dưới này thấy chị em tôi
về đông đủ thì mừng mừng tủi tủi, kể lể đủ chuyện về ba. Nghe xong
chuyện, lẻ ra thì phải vui vì ba mình ăn ở sao mà đầu trên xóm dưới ai
cũng thương, nhưng tôi lại thấy cay đắng vừa thương cho mấy chị em mình
và thương cho má. Lần đầu tiên dự cái đám tang ở miền Tây mới thấy ngộ.
Trong nhà vật heo, vật gà ăn uống ì xèo vui vẻ. Mỗi lần có người đến
cúng hay tế, dàn nhạc tây trổi lên ì đùng xôm tụ, lúc vắng khách viếng
thì hòa tấu nhạc boléro nghe mùi mẫn. Bà con đầu trên xóm dưới có dịp tề
tựu gặp nhau nên ôi thôi đám tang mà hổng có thấy buồn. Vậy cũng được,
chết là hết mà.
Con hai dòng quỳ lóc nhóc trước đầu hàng
tế cha. Tôi đứng lên chụp hình và quan sát kỹ chậm rãi từng chút một.
Trời ơi! Ba tôi hay. Con cái hai bên có một mặt, giống ba như đúc. Trong
bộ tang phục trắng, không phân biệt thứ bậc lớn nhỏ chị em chúng tôi
quỳ sắp lớp nghe thầy tụng đọc kinh, tôi bắt gặp những cặp mắt đỏ rưng
rưng nước, những cái miệng mếu xấu giống nhau chỉ nhà tôi mới có. Dù
muốn hay không, trên đó hay dưới này máu huyết chị em tôi cũng cùng một
dòng. Len lén đưa máy ảnh đến chỗ dì Chín, tôi ngạc nhiên khi thấy dì
Chín thay đổi đến không ngờ, dì đang ngồi dựa lưng vào tường, mắt nhìn
ra xa coi chiều mõi mệt. Dì Chín ngày xưa mà tôi biết dáng cao ráo, xinh
xắn, mặt mày trắng trẻo, tóc ngắn phi-dê tân thời. Còn dì Chín bây giờ
sao già nua còm cõi, da nám đen, tóc hoa râm lưa thưa bới củ tỏi, cốt
trầu đỏ tươi bám sâu hai khóe miệng, quần đen áo túi trông dì già hơn
tuổi quá nhiều. Tưởng một mình má tôi chịu khổ, ai dè dì Chín coi bộ còn
khổ hơn má tôi nhiều lần nên bộ dạng mới ra như vậy. Cái giá phải trả
sao? Dì Chín trở bộ quay nhìn di ảnh ba, bần thần dì Chín chầm chậm kéo
chéo khăn lau nước mắt. Chắc tại ba đi quá đột ngột, tiếng đờn khải
điệu Nam Ai nghe sao buồn não ruột. Bỗng chốc sự chối bỏ người đàn bà
già nua kia một thời từng là nguyên nhân của sự đổ vỡ, tan nát chia lìa
của nhà tôi lại khiến tôi trào dâng niềm thương cảm. Ôi thôi ! Phận đàn
bà. Ba tôi thì tốt rồi, ra đi nhẹ nhàng không vướng bận, để lại hai
người vợ còm cõi bệnh tật, kiệt sức vì những vất vả, những nỗi đau riêng
mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
Chôn cất ba xong, lấy lý do nhà xa, chị
em tôi xả tang tại chỗ. Xong xuôi, chị em tôi cụ bị ra về. Dì Chín chuẩn
bị sẵn quà quê mấy hủ mắm tép, mấy chục hột vịt, ổi, thanh long, bưởi…
cây trái có gì bẻ hết vô làm cho một tụng. Cả nhà đang quây quần sành
sọan túi này giỏ kia thì bỗng nhiên đứa em gái cùng cha khác mẹ cất
giọng :
– Hồi ba còn sống, mỗi lần ba lên trển về ba nói ba buồn mấy chị.
– Buồn vụ gì ?
– Mấy chị cư xử tệ với ba.
– Tệ làm sao ?
– Lên lần nào mấy chị cũng cằn nhằn trách móc.
– Trách hổng đúng sao ?
– Đúng sao mà đúng. Mấy chị cứ vậy nên ba
thua buồn hổng có muốn về trển. Đốt đuốc đi tìm thử coi có ai được như
ba mình hôn, mấy chị hổng biết ba mình tuyệt vời ra sao ha ? Ba mình
hiền lành, thương con hết mực, chăm lo con cái hổng còn chỗ chê, thương
ba đứt ruột đứt gan vậy mà mấy chị…
– Mấy chị làm sao ? Nhỏ em tôi xẳng giọng
: Phải rồi ! Tuyệt vời đối với mấy đứa thôi, còn với tụi chị thì… ba bỏ
tụi chị cù bơ cù bấc. Hổng tuyệt vời sao được, tụi bây đứa nào đẻ ra từ
lúc còn đỏ hỏn cho tới lớn, một tay ba ẳm bồng đút cơm bú sữa, giặt
quần giặt áo, tắm rửa chùi đít, thức đêm thức hôm chết lên chết xuống
nói sao mà hổng thương đứt ruột đứt gan, nói sao mà hổng tuyệt vời. Mà
mầy có quyền gì trách móc hả ? Mọi ánh nhìn dồn về một phía chờ nghe
tiếp sự phẩn uất dồn nén nhiều năm mà nay mới có dịp bùng phát.
– Thôi đi ! Hồi ba còn sống hổng nói gì thì thôi, giờ ba mất rồi hơn thua để làm gì. Chị tôi lên tiếng.
– Tính hổng nói mà thấy ghét, thấy nó đạo
đức giả, bày đặt chảnh chẹ, làm như có hiếu lắm. Nghe nói tụi bây giàu
có lắm mà, nhà lầu xe hơi ở Sài Gòn nhóc hết trơn mà sao tụi bây hổng lo
cho ông già được đi đây đi kia, ăn sung mặc sướng với người ta, sao để
ông già tối ngày quanh quẩn ở nhà làm mọi không công cho chị em nhà mày
đến chết vậy hả cái con khốn ? Em tôi gào to trong nước mắt. Đâu đó có
tiếng nức nở.
Rồi cũng đến lúc phải trở về Tây Ninh.
Mọi người bàn đi đường tắt cho nhanh. Đường bờ ruộng mấp mô nhỏ xíu đủ
chỗ cho một chiếc xe hai bánh chạy. Nhìn từ xa thấy có một chiếc xe khác
đang chạy vô, cả đám kêu to : Chết mẹ ! Sao giờ ? Vừa lúc đó thấy chiếc
xe đang chạy vô rẻ ngang qua bờ ruộng kế bên nhường đường cho chị em
tôi chạy qua. Ngóai ngược ra sau, tôi thấy chủ nhân chiếc xe chạy vô kia
đang bước xuống dẫn xe trở lui về đường cũ rồi leo lên xe chạy tiếp một
cách thong dong. À ! Có gì đâu mà hỏang, nhường đường một cách đơn giản
thôi mà. Nhường nhịn nhau. Phải nhường nhịn nhau thì mọi việc mới êm
xuôi. Chúng tôi tự dặn dò với nhau như vậy. Xe chạy ngang qua vườn thanh
long đang vào mùa trái chín đỏ trời, nhỏ em tôi kêu lớn hồi sáng đưa ba
mình có đi ngang qua chỗ này. Mọi người nín thinh. Xe chạy lướt qua bỏ
lại sau lưng vườn cây thanh long chín đỏ, bỏ lại đồng ruộng xanh mướt
bạt ngàn và bỏ cả ba tôi ở lại. Bất chợt những ký ức tươi đẹp ngày xưa
ùa về. Nhớ như in cái cách ba ngồi gói bánh, cách ba đứng kéo kẹo… và
nhớ cả niềm tự hào về ba từ lâu lắm rồi tưởng chừng đã mất sau ngần ấy
năm xa cách. Nhưng thật ra nó vẫn còn đó, nó đã nằm im ẩn khuất sâu
trong tim mà tôi không biết giờ đang trỗi dậy. Nhớ lần cuối hai cha con
nói chuyện với nhau không hồi kết. “ Trong bất cứ hòan cảnh nào, hay bất
cứ việc gì, chuyện xấu tốt hay dở gì thì cũng có cái lý của nó, con hãy
từ từ suy nghĩ cho thấu đáo, nếu con giữ được bình tĩnh thì con sẽ có
cách giải quyết êm đẹp. Là nghiệp là duyên nên kiếp này mới trở thành
cha con chồng vợ. Giờ con còn nhỏ, chuyện tình cảm con chưa hiểu hết
được đâu, để rồi con coi thấy vậy mà hổng phải vậy, không thể thẳng tuồn
tuột đâu con. Con đừng vội phán xét, hãy nhìn mọi việc bằng cái tâm
thương yêu thì con sẽ nhẹ nhàng hơn…”. Lúc đó tôi không hiểu mấy lời ba
nói, chỉ nghĩ là ba đang biện hộ cho chính mình. Nhói lòng, tôi bật
khóc.
Giờ thì tôi vẫn không hiểu ai đã nợ ai,
nhưng tôi biết rõ mỗi một điều là ba còn nợ má con một lời xin lỗi và ba
còn nợ chị em con một món nợ ân tình.
Tháng 02/2016
Hương Nhu
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét