Từ xóa bỏ các tàn tích văn hóa đồi trụy…
Sau ngày
giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1975), từ quan điểm chỉ đạo
đến việc thực hành phê bình văn học ở nước ta đều thống nhất trong nhận
định rằng, 30 năm chiến tranh và chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ
đã để lại những hậu quả nặng nề về văn hóa, tư tưởng. Phương hướng,
lối ứng xử chung là chống hệ tư tưởng chính trị phản động và tư tưởng
đồi trụy, chống ảnh hưởng của văn hóa tư sản, thực dân mới; giương cao
ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần tự hào
dân tộc, truyền thống yêu nước, bảo vệ và phát triển các yếu tố dân
tộc, dân chủ trong văn hóa; tiến hành cách mạng tư tưởng và văn hóa,
xây dựng nền văn hóa mới, hệ tư tưởng mới, xóa bỏ các mặt còn khác biệt
hoặc còn chưa đồng nhất, thống nhất giữa hai miền. Đây cũng là một
trong những nhiệm vụ cơ bản của công cuộc cải tạo xã hội, cải tạo con
người, xây dựng chế độ mới, con người mới, lối sống mới, đạo đức mới…
Nói
chung trong khoảng 10 năm sau ngày giải phóng, tinh thần cơ bản của các
nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật là ngăn chặn, chống, phê phán,
đấu tranh, quét sạch văn hóa nô dịch, đồi trụy, lai căng; xóa bỏ những
xuất bản phẩm phản động, khiêu dâm; trừng trị nghiêm khắc những ai cố ý
vi phạm các quy định của Nhà nước…
… đến ủng hộ việc phổ biến các giá trị đích thực
Từ chỗ
bị phê phán gay gắt, bị loại bỏ, cấm phổ biến, văn học miền nam dần dần
đã được coi là một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam,
được xuất bản và nghiên cứu nghiêm túc. Nhiều tác giả (nhà văn, nhà phê
bình) miền nam xuất hiện trở lại trong đời sống văn học đương đại,
nhiều tác phẩm (sáng tác, nghiên cứu, phê bình, văn học sử) được in lại
và được bạn đọc ghi nhận. Báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Diễn
đàn văn nghệ Việt Nam của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt
Nam đều từng mở chuyên mục giới thiệu văn học miền nam trước 1975;
nhiều tạp chí chuyên ngành ở trung ương và địa phương cũng đăng tải
những nghiên cứu về các tác giả, tác phẩm, hiện tượng văn học, phê bình
văn học Sài Gòn trước 1975; không ít luận án, luận văn cao học và
không ít đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp Bộ, cấp Nhà nước đã lấy văn
học, học thuật miền nam 1954-1975 làm đối tượng khảo sát, phân tích,
đánh giá; một số nhà xuất bản, công ty văn hóa truyền thông đã chọn lọc
giới thiệu những “người lạ mặt quen thuộc”… Nói cách khác, sự thay đổi
trong thái độ đối với văn học miền nam diễn ra ở cả khu vực nghiên cứu,
xuất bản, lẫn giảng dạy, sưu tầm, giới thiệu, phổ biến đến công chúng.
Hoạt động được khuyến khích là vượt qua định kiến, thiên kiến, tỉnh
táo chọn lọc những tác phẩm có yếu tố dân tộc, tinh thần nhân đạo, dân
chủ, yêu nước và tiến bộ, có giá trị cách tân.
Có thể
nói, nếu không có không khí cởi mở, chắc chắn những sáng tác của Dương
Nghiễm Mậu, Tràng Thiên – Võ Phiến, Du Tử Lê, Trần Thị NgH, Đinh Hùng,
Nguyên Sa, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện…; những nghiên cứu của Nguyễn Văn
Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Thanh Lãng, Toan Ánh… không có
điều kiện tái xuất hiện trong đời sống văn học. Nhờ sự thay đổi trong
cách ứng xử, mới có những nghiên cứu về các trường hợp như Lê Tuyên,
Thanh Tâm Tuyền… về tư tưởng triết học và các khuynh hướng lý luận –
phê bình văn học ở đô thị miền nam 1954 – 1975. Theo GS Huỳnh Như
Phương: “Từ 1975 đến nay, khoảng 160 tác giả và dịch giả ở các đô thị
miền nam có tác phẩm được tái bản chính thức trong nước, trong đó có
người còn sống, người đã mất và một số ít đang định cư ở nước ngoài.
Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, việc làm đó chưa thật hệ thống và đầy
đủ. Trong thời điểm hiện nay, xúc tiến việc tập hợp, tuyển chọn những
tác phẩm, công trình có giá trị là việc làm đúng lúc và cần thiết, không
chỉ để cung cấp tài liệu cho các nhà nghiên cứu mà còn góp phần làm
phong phú và đa dạng đời sống tinh thần của đất nước”.
Trên đại
thể, về mặt quan điểm ứng xử đối với khu vực văn học đô thị miền nam,
từ đầu những năm 2000 trở lại đây có thay đổi mạnh mẽ. Sự thay đổi này
được ghi nhận, khẳng định rõ rệt từ nhiều phía, trong đó có các cơ quan
quản lý văn hóa văn nghệ.
Vậy trên
bình diện văn hóa văn nghệ, chúng ta giới thiệu, nghiên cứu, đánh giá
như thế nào, từ khi nào về các thành tựu văn hóa, văn nghệ miền nam
giai đoạn 1945-1975 và thực tiễn phổ biến các giá trị tích cực đích
thực tới công chúng, đâu là nỗ lực và thành tựu cho đến nay? Lý giải
vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu văn học thống nhất là cần khẳng định:
Trên mảnh đất miền nam có sự tồn tại dòng văn học nghệ thuật kháng
chiến ở vùng giải phóng, dòng văn học yêu nước, tiến bộ ở vùng tạm
chiếm; chúng ta đã và đang ghi nhận những đóng góp của nhiều nhà văn,
dịch giả đối với việc giữ gìn và phát triển văn hóa nước nhà, khẳng định
các tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị về đất nước con người
Việt Nam; ngay sau ngày giải phóng bên cạnh việc đấu tranh chống tàn dư
văn hóa phản động thì việc chọn lọc, giữ gìn, phát huy những yếu tố dân
tộc, dân chủ, tiến bộ trong văn học nghệ thuật đã được đặt ra, “bằng
sự gạn đục khơi trong, chính quyền cách mạng đã cho phép lưu hành 1067
cuốn sách tiếng Việt, 562 cuốn sách tiếng Anh, 359 cuốn từ điển bằng
tiếng nước ngoài. Thời gian qua dù đã có những chuyển biến trong cách
nghĩ, cách làm, nhưng công việc này còn hạn chế, nhất là trên phương
diện nghiên cứu, lý luận.
Như vậy,
quan điểm chính thức được khẳng định hiện nay là, ủng hộ việc đẩy mạnh
nghiên cứu, chọn lọc phổ biến các giá trị đích thực của văn học nghệ
thuật miền nam trước 1975 trên tinh thần hòa hợp dân tộc để hàn gắn vết
thương, đoàn kết mọi người cùng nhìn về một phía, thực hiện hòa hợp
dân tộc bằng con đường văn hóa văn nghệ. Dĩ nhiên trên thực tế, câu hỏi
về cách ứng xử như thế nào đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật
của các tác giả miền nam trước 1975 là vấn đề khó có được câu trả lời
cụ thể và thấu đáo.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét