Thứ Năm, 15 tháng 9, 2016

Con đường Sứ - Ký La Ngạc Thụy




Năm 1620, vùng đất Tây Ninh đã có người Việt đến sinh cơ lập nghiệp. Tây Ninh thuở ấy có tên gọi là Rodumray thuộc Chân Lạp, đến thời Pháp thuộc người Pháp dịch là Pareaux Elephants (Chuông Voi). Việc giao lưu thương mại giữa kinh đô Nông Pênh và Prei – Nokor (Sài Gòn) đi qua Rodumray là gần nhất, nên người dân đã mở một con đường để qua lại giao thương*.

Đến thời Nhà Nguyễn nước láng giềng Chân Lạp luôn sống trong cảnh nội chiến do vua quan tranh giành quyền lực, tạo ra tình trạng cát cứ, loạn lạc triền miên, có lúc quốc vương Chân Lạp phải bỏ kinh thành chạy về Cudong. Mỗi lúc như thế đều cử Sứ thần sang Việt Nam cầu cứu. Từ đó, mãi về sau nước ta nhận bảo hộ cho nước bạn, nhiều lần đưa quân sang cứu viện. Các danh tướng Lê Văn Duyệt, vì bảo hộ cho triều đình Chân Lạp mà suốt đời nhọc nhằn điều binh, khiển tướng, không lúc nào ngơi.
Đáp lại sự bảo hộ của Việt Nam, quốc vương Chân Lạp hàng năm đều đưa lễ vật sang triều cống nước ta. Do Tây Ninh giáp ranh và gần kinh thành Chân Lạp nhất, không bị ngăn trở sông nước nên được triều đình chọn con đường giao thương cũ cho Sứ Thần mang cống phẩm sang. Thuở ấy, vùng đất này mới khai phá, dân cư thưa thớt ở rải rác khắp nơi khai khẩn đất đai để sinh cơ, lập nghiệp chưa hình thành thôn xóm. Ở đâu cũng là rừng rậm bạt ngàn, bưng lầy, trảng trống vô cùng hoang sơ, việc đi lại khó khăn, vất vả. Con đường lâu ngày không được sửa sang tu bổ nên gập ghềnh khó đi. Đoàn Sứ Thần mang cống phẩm sang triều cống vì vậy luôn bị chậm trễ thời gian. Tổng trấn Gia Định thành là Lê Văn Duyệt cùng thống nhất với vua Chân Lạp huy động quân dân hai nước bồi đấp con đường này nối dài thêm đến thành Gia Định để việc nạp cống phẩm được dễ dàng thuận lợi hơn.
Thế là con đường hình thành từ kinh thành Nông Pênh len lỏi qua các phum sóc đến ranh giới Tây Ninh qua ngõ huyện Châu Thành ngày nay, vượt qua rừng rậm, trảng trống qua xóm Vịnh, đến Trà Cốt về Chà Là, Truông Mít, Bàu Đồn, Lộc Hưng, Trảng Bàng, Củ Chi, Hốc Môn ...  Theo vết tích còn lại và lời kể của người xưa thì con đường được đấp cao, rộng 10 mét, hai bên có mương lớn và sâu do đào đất đấp đường. Dọc đường xây dựng nhiều trạm canh để đổi ngựa, các bến sông luôn có ghe thường trực, suối nhỏ thì bắc cầu gỗ ...  Hàng năm cứ đến gần Tết Nguyên đán, từng đoàn Sứ Thần mang theo lễ vật chở trên những chuyến xe bò, xe trâu cùng quân hộ tống rầm rộ sang nước ta trên con đường mới mở và được người dân đặt tên là "Con đường Sứ".
Con đường Sứ đã mang một sứ mệnh bảo hộ trong lịch sử nước ta. Vua Chân Lạp dựa vào đó mỗi khi có binh biến đều sang nước ta cầu viện, nên lúc nào cũng ỷ lại  vào sự giúp đỡ đó. Tuy nhiên đến đời vua Tự Đức, trong nước nhiều loạn lạc, nhà Nguyễn không còn đủ lực bảo hộ nên lơi dần. Vua Chân Lạp quay sang cầu viện Xiêm La. Khi quân Pháp phô trương lực lượng, uy hiếp vua tôi Chân Lạp và Chân Lạp dễ dàng thần phục nước Pháp.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, con đường Sứ không còn tác dụng nữa, trở thành con đường hoang vắng, nhiều đoạn bị rừng cây mọc đầy. Nhiều đoạn được quân Pháp sử dụng và trở thành đường 13 và 26. Hiện nay, con đường 26 nằm trên địa phận tỉnh Tây Ninh từ Trảng Bàng qua huyện Gò Dầu đến xã Bàu Năng huyện Dương Minh Châu đã được nâng cấp láng nhựa thông thoáng, là con đường huyết mạch kinh tế trọng điểm của tỉnh ta. Con đường đã in dấu chiến công của đại đội 3, trung đoàn 311 Tây Ninh. Đó là vào mùa khô năm 1947, quân Pháp được điệp báo Chi đội 6 của lực lượng kháng chiến đang đóng quân tại xóm Ràng thuộc ấp Trung Hưng xã Trung Lập. Quân Pháp mở cuộc bao vây một cánh quân cơ giới trên đường Sứ, với lực lượng bộ binh nằm phục đầy theo mương lề chờ Chi đội 6 bị đánh bật ra để tiêu diệt. Đại đội trưởng Trần Minh Ngọc đại đội 3, trung đoàn 311 Tây Ninh đang đóng quân ở ấp An Thới xã An Tịnh được tin đã mang quân đến giải vây và đánh tan tác quân Pháp đang nằm phục kích dưới mương. Bọn chúng bị đánh bất ngờ, âm mưu phục kích tiêu diệt đoàn xe cơ giới của địch bị bẻ gảy, bọn chúng phải rút chạy khỏi chiến trường.
Hơn trăm năm qua, dù con đường nhiều lần bị đạn bom băm nát, hình dạng ban đầu đã đổi dạng thay hình. Thế nhưng tên "Con đường Sứ" vẫn tồn tại mãi trong lòng mọi người với sứ mệnh bảo hộ nước Chân Lạp và đặc biệt là mặt trận Trung Hưng với chiến công vang dội như mùa xuân mãi trường tồn theo thời gian.

LNT

* Tư liệu của Ngô Thị Tuyết Xuân

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét