Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

Những nẻo đường xưa - La Ngạc Thụy

 
Cầu Gò Dầu nối 2 bờ thượng hạ

Cứ tưởng sinh ra, lớn lên và sống cả đời ở vùng thị tứ với những con đường rộng thênh thang, trải nhựa bê tông, đèn đường sáng choang hai bên hè phố hay chí ít là những con đường trải nhựa theo công nghệ “kẹo đậu phọng” hoặc trải đá đỏ thì những nẻo đường xưa chỉ còn qua lời kể trong ký ức của ông bà cha mẹ. Nhưng không, nếu chịu khó quan sát một chút thôi, mỗi ngày trên đường phố đều có thể nhận ra vài dấu tích của những con đường thôn trước khi “cứng hóa” hay nhựa hóa qua phong trào xây dựng nông thôn mới.

Trôi vào miền ký ức khi đi trên những con đường như thế, ai có thể hình dung được những con hẻm hình thành từ lối mòn xưa. Ban đầu quanh co, ngoằn ngoèo càng đi sâu càng mất hút, hai bên thỉnh thoảng còn bắt gặp cây da, cây gòn cổ thụ, dưới gốc có ngôi miếu nhỏ thỉnh thoảng có người đến đặt vào miếu nảy chuối vài vài trứng gà, vịt và đốt ba nén nhang của người trong xóm. Rồi nhà cửa, phố xá, chợ búa mọc lên theo đà kinh tế phát triển, vùng quê trở thành thị tứ…
Sau năm 1968, tuổi tôi cũng vừa lớn để đủ hiểu về chiến tranh. Năm đó tôi đang học lớp đệ nhị, chuẩn bị thi Tú tài phần thứ nhất. Cũng năm này chiến tranh ngày càng dữ dội hơn. Đứng trên lầu ngôi trường Trung học công lập Tây Ninh, ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh xây dựng vào năm 1956, nhìn về hướng xã Thanh Điền, từng chiếc F111 bay lượn dội bom dồn dập xuống vùng đất quê tôi. Chiến tranh dâng đến cao trào, ác liệt đã hủy hoại nơi chốn ngập tràn kỷ niệm tuổi thơ và cũng đầy ắp chia lìa, mất mát.
Ba tôi chết sau cơn bạo bệnh, mẹ đành xa rời Thanh Điền khi tôi vừa đủ tuổi vào lớp năm (lớp 1 hiện nay), dắt hai anh em tôi về sống nhờ trong nhà dì Sáu, em ruột của mẹ tôi gần chợ Long Hoa. Ở đây, mẹ tôi buôn bán trái cây ở chợ nuôi hai anh em tôi ăn học trong vất vả, nhọc nhằn. Trong ngôi nhà ngói đỏ, cất kiểu lợp ngựa, vách ván, nằm khiêm nhường, đối diện với trường Tiểu học Long Hoa (hiện nay là văn phòng Huyện ủy và UBND huyện Hòa Thành), là nơi lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm thân thương của thời niên thiếu. Khi lên lớp đệ thất, anh tôi cũng vừa cưới vợ thì bà ngã bệnh do gió sương cùng năm tháng khổ nhọc và đã lìa đời vào một đêm mưa gió tháng chín, để lại cho anh em tôi căn nhà trống hoác mà những năm tháng qua mẹ dành dụm mua được, chưa kịp sắm sửa vật dụng trong nhà cùng một khoản nợ nần. Anh tôi đành bán căn nhà đầy mồ hôi và nước mắt của mẹ để "mẹ không còn vướng nợ trần gian, thanh thản trên cõi niết bàn", về sống bên vợ. Còn tôi được một người bạn thân của mẹ không con nhận làm con nuôi, lo cho tôi ăn học đến nơi đến chốn và trở thành thầy giáo.
Sau khi đậu Tú tài phần thứ nhất, tôi thi rớt Tú tài phần thứ hai. Nhận được lệnh gọi nhập ngũ ngay sau khi có kết quả, tôi vội vả nộp đơn thi vào sư phạm cấp bổ túc để tránh đi quân dịch như bao bạn bè cùng cảnh ngộ. Số tôi cũng thật đen đủi chỉ đậu dự khuyết, may mà trường Sư phạm Phước Tuy (Bà Rịa – Vũng Tàu). thiếu giáo sinh thông báo nhận thêm hai mươi người đậu dự khuyết ở Tây Ninh và Long An, nên tôi khăn gói hành trang xuống điền khuyết ở trường. Tôi đã tập tễnh làm thơ, viết văn từ những năm theo học Trung học đệ nhất cấp, có lẽ vì thế mà tính phiêu lưu, lãng mạn trong tôi bộc phát khi có dịp xa nhà. Tôi tranh thủ thời gian đi khắp nơi trong tỉnh trong suốt thời gian học sư phạm và sau khi ra trường. Mốc thời gian đáng để ghi nhận nhất là thời điểm chính quyền Sài Gòn thành lập tỉnh Hậu Nghĩa vào năm 1963 để phục vụ cho yêu cầu quản lý, kiểm soát địa bàn hòng ngăn chận kịp thời sức tiến công của quân giải phóng. Tỉnh mới Hậu Nghĩa gồm các quận Củ Chi của Sài Gòn, quận Đức Hòa, Đức Huệ của tỉnh Long An và quận Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh. Bởi quận Trảng Bàng cách xa tỉnh lỵ Tây Ninh đến 65 km với địa danh Suối Sâu nằm trên hai xã An Tịnh và Lộc Hưng gây cho chúng nhiều tổn thất. Quận Đức Hòa với các địa danh Rạch Nhum, An Ninh, Lộc Giang nằm ven sông Vàm Cỏ Đông nhiều đồng bưng sình lầy và quận Đức Huệ thì nằm tận phía bắc – Tây Bắc mà Tiểu khu Long An không thể với tới, đành phải bỏ ngõ. Còn quận Củ Chi nổi tiếng với những địa danh Trung Lập, Lào Táo, Mũi Lớn, Thái Mỹ nằm dọc theo kinh Thầy Cai giáp với quận Đức Ḥa nên Tiểu khu B́nh Dương cũng không thể vươn tay kiểm soát thường xuyên, nên chính quyền Sài Gòn quyết định thành lập tỉnh mới Hậu Nghĩa với tỉnh lỵ là Khiêm Cương đặt tại Bàu Trai. Tây Ninh còn lại 4 quận Hiếu Thiện, Khiêm Hanh, Phú Khương và Phước Ninh.
Trảng Bàng xưa là điểm dừng của lưu dân Ngũ Quảng sau khi xuôi thuyền ven biển tấp vào vùng đất bưng biền sông Cửu Long rồi chuyển dần về huyện Quang Hóa dừng chân lập nghiệp. Từ đây, do mưu sinh lưu dân tiến dần lên hướng bắc sinh cơ lập nghiệp hình thành dần tỉnh Tây Ninh cho đến thời kỳ Pháp thuộc. Trong lịch sử phân chia quản hạt về vùng địa lý hành chánh huyện lị của nước ta từ xưa đến nay, thì Trảng Bàng là địa phương trải qua nhiều biến động, chia tách địa giới hành chính rơ nét nhất. Thời nhà Nguyễn, Trảng Bàng ngày nay là một phần của huyện Quang Hóa, thuộc phủ Tây Ninh. Dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, sau một loạt cải cách, trong đó có việc đổi địa danh hành chánh, nãm 1961 Trảng Bàng đổi tên là quận Phú Ðức. Ðến năm 1963, để thành lập thêm tỉnh mới Hậu Nghĩa, thì Trảng Bàng một lần nữa tách ra khỏi tỉnh Tây Ninh. Sau năm 1975, đất nước thống nhất Trảng Bàng lại “châu về hiệp phố” với Tây Ninh. Trảng Bàng là nơi có “Con Đường Sứ” đi qua. "Con Đường Sứ" (người Pháp gọi là Route des Ambassadeurs) là vết tích lịch sử nói lên vai trò quan trọng đó của Tây Ninh của thuở nào. Các sứ thần Chân Lạp mỗi năm mang lễ vật triều cống Việt Nam phải đi qua ngã Tây Ninh trên con đường sau này biến thành Tỉnh Lộ 13 và Lộ Xóm Vịnh, do đó có tên "Đường Sứ". Ngoài ra còn có con đường huyết mạch nữa từ Gia Định lên Tây Ninh dành cho quân Nam triều sử dụng trong việc vận tải lương thực, di chuyển quân binh, giao thông liên lạc quan yếu, chống giặc Chân Lạp bảo vệ đất nước mỗi lần có sự xâm lấn hay loạn lạc ở biên thùy. Con đường này cũng được gọi là đường sứ hay là Thiên Lý Cù, con đường tuy dắp bằng đất nhưng rộng lớn như một tỉnh lộ sau này.             
Biến động về địa giới hành chính nên tỉnh Tây Ninh từ năm 1963 bắt đầu từ Gò Dầu Hạ thuộc quận Hiếu Thiện. Tại đây, nếu rẽ phải theo con đường đất đỏ lổn nhổn ổ gà, ổ voi qua Suối Cao, Suối Bà Tươi, Bàu Đồn. Tại Suối Cao có đồn bảo an mang tên Đinh Bộ Lĩnh với nhiều trận công đồn của quân giải phóng khiến chúng phải đau đầu đối phó. Tiếp tục đi nữa sẽ đến Truông Mít, ngã ba Đất Sét. Từ ngã ba Đất Sét, nếu rẽ phải nữa sẽ qua suối Ông Hùng, Bến Củi rồi qua Dầu Tiếng (thuộc tỉnh Bình Dương). Nếu đi thẳng sẽ băng ngang một rừng cao su ngút mắt Cầu Khởi, vắng tanh trông rất nên thơ vào những mùa đông thay lá, rồi đến Chà Là, ngã ba Bàu Năng. Đường này còn gọi là "Con Đường Sứ"- Con đường hình thành do Đoàn Sứ giả Chân Lạp vận chuyển "hàng cống nạp" cho triều đình Nhà Nguyễn – Gia Long, từ Nam Vang sang Sài Gòn do quan Trấn thủ thành Gia Định Lê Văn Duyệt tiếp nhận rồi chuyển về triều đình Huế. Khoảng giữa có đồn Bắc Tiến do một đại đội biệt động quân đóng ở đây. Tại ngã ba Bàu Năng, nếu quẹo phải sẽ qua Suối Đá, núi Bà Đen; nếu rẽ trái sẽ về Tòa Thánh, Long Hoa. 
Cũng từ đầu Quốc lộ 22 – Gò Dầu Hạ, nếu quẹo trái theo quốc lộ I qua cầu Gò Dầu đi lên Trà Cao, Gò Dầu Thượng tiếp tục đến Bến Cầu rồi qua biên giới, thẳng tiến đến Nam Vang. Cầu Gò Dầu thời ấy nhỏ hẹp, sườn thép, lát ván gỗ bắt ngang sông Vàm Cỏ Đông lững lờ ghe thương hồ chở nông sản, lâm sản, đồ gia dụng nồi đất, tủ, giường … ngược xuôi lên Cẩm Giang rồi vào rạch Tây Ninh…Dọc bên trái dòng sông Vàm Cỏ Đông là những bưng biền xa tắp dẫn đến các mật khu Ba Thu, Mỏ Vẹt của quân Cách Mạng. Bên phải dòng sông là tuyến đường nhựa dẫn về tỉnh lỵ Tây Ninh. Các căn cứ Trà Cú, Bến Kéo của chính quyền Sài G̣òn đóng dọc tuyến đường. Hàng hóa được vận chuyển bằng đường bộ và đường thủy từ miền Tây về cung cấp cho những chợ ven sông Trảng Bàng, Gò Dầu, Cẩm Giang, Bến Kéo và ven rạch Tây Ninh chợ cũ, rồi chợ mới Tây Ninh.
Tòa hành chính và dinh Tỉnh trưởng Tây Ninh, thời Pháp gọi là Tòa Tham Biện (Tòa Bố) với kiến trúc kiểu Pháp cũng đóng dọc ven rạch Tây Ninh và nằm sát Dốc Tòa. Cầu Quan Tây Ninh ba nhịp bắt ngang rạch Tây Ninh để qua chợ mới Tây Ninh. Qua Cầu Quan là đường phố thương mại Gia Long với dãy phố cổ. Đây là dãy phố chính buôn bán đủ các mặt hàng gia dụng và đặc sản của tỉnh. Cuối phố quẹo trái về xã Thanh Điền và bị ngăn chận bởi dòng sông Vàm Cỏ Đông, muốn lại qua chỉ bằng phương tiện là những chuyến đò ngang. Đến thời chính quyền Ngô Đình Diệm, do nhu cầu sản xuất, chuyển hàng hóa ngày càng nhiều mới có một vài ngư dân đóng bè đưa người và xe qua sông, sau nâng lên thành bến phà Gò Chai, nối liền con đường đến Bến Cầu qua các địa danh Ngũ Long; còn quẹo phải từ dốc Cây Me sẽ qua Cầy Xiêng, Trảng Sụp, Trại Bí; nếu đi thẳng dẫn đến Trảng Lớn, Cao Xá, qua bến phà Phước Tân và đi lên nữa đến biên giới. Tất cả các ngã đường này đều dẫn đến vùng rừng bạt ngàn biên giới với một dọc các căn cứ biên phòng heo hút và luôn bất an của chính quyền Sài Gòn: Thiện Ngôn, Bạch Đằng, Lạc Long, Hưng Đạo. Từ cầu Quan ngược lên dốc Tòa dẫn đến Tòa thánh Tây Ninh, quẹo phải xuống  chợ Long Hoa rồi xuống ngã ba Giang Tân, nối Quốc lộ 22 về Sài Gòn.
Tây Ninh chỉ có thế, một phạm vi quá hẹp so với bản đồ. Đoạn đường Võ Thị Sáu hiện nay, năm 1963 còn là khu rừng chồi phân chia tỉnh lỵ với quận Phú Khương, tiếp giáp nghĩa địa người Hoa, nhắc thế để hình dung tỉnh lỵ Tây Ninh quá nhỏ hẹp so với qui mô một tỉnh lỵ, dù từ năm 1952 đã có chợ Long Hoa. Thế nhưng, chính quyền Sài Gòn bố trí dày đặc đồn bót để hòng ngăn chặn sức tấn công của quân cách mạng, vẫn không tránh khỏi bởi chiến trận từ lòng dân. Thời gian này tôi chỉ loáng thoáng nghe, ngoài lực lượng nằm bên kia biên giới còn có Chiến khu C với bộ phận đầu não Trung ương Cục miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam trú đóng chỉ đạo kháng chiến toàn miền Nam. Có lẽ vì vậy mà Tây Ninh luôn là tuyến đầu, là mục tiêu để Chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ tập trung B52 ném bom, rải thảm chất độc da cam cùng đốt phá, càn quét hơn là quan tâm xây dựng, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng, cho nên Tây Ninh luôn hứng chịu những cuộc hành quân với qui mô lớn mà điển hình là trận càn Đông Dương vào tháng 3 năm 1970 và nhiều trận càn khác từ sau "chiến dịch Đồng khởi vũ trang" với chiến thắng Tua Hai lịch sử.
Tây Ninh nghèo khó nhưng dũng cảm đấu tranh. Người dân Tây Ninh nhiều khổ đau nhưng kiên cường, bất khuất. Thời gian lặn lội trên khắp nẻo đường dù trong vùng tạm chiếm cũng đủ để tôi hiểu Tây Ninh. Nhờ vậy mà hôm nay tôi vẫn còn hằn sâu trong ký ức rừng cao su Cầu Khởi bạt ngàn; rồi Truông Mít, Chà Là … Quốc lộ 22, trước khi đến Mít Một để đến tỉnh ly Tây Ninh, phải qua ngang một khu gia cư hoang tàn đổ nát của căn cứ Bến Kéo. Trước đây, nơi này là Trung tâm Huấn luyện Địa phương quân, bên cạnh là Trại gia binh đông đúc, nhưng sau nhiều lần quân giải phóng tấn công và dập pháo vào Bến Kéo, Trung tâm Huấn luyện được chuyển về tỉnh Phước Tuy (Bà Rịa) và Bến Kéo chỉ còn những ngôi nhà tróc nóc, sụp đổ trong không khí ảm đạm, nặng nề.
Tôi là người dân Tây Ninh, ít nhất là đối với tôi được sinh ra và lớn lên trên vùng đất này, nên biết rất rõ Tây Ninh. Tây Ninh rất nghèo và người dân Tây Ninh rất khổ. Nghèo khổ cứ măi đeo đẳng Tây Ninh cho đến tận ngày cả miền Nam được giải phóng. Không thể phủ nhận đặc điểm này: vì Tây Ninh có Trung ương Cục và cũng là Thủ đô của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam … nên Tây Ninh luôn là chiến trường ác liệt, chẳng những không được chính quyền Sài Gòn xây dựng, duy tu mà còn tàn phá, giết chóc nên Tây Ninh mãi nghèo và khổ. Nói chung là vậy. Nhưng Tây Ninh vẫn còn một nơi có thể nói là ổn định và có phát triển đó là khu vực xung quanh tỉnh lỵ và nối dài đến vùng Thánh Địa Cao Đài mà chợ Long Hoa trở thành Trung tâm thương mại đến tận hôm nay. Dù sao đây cũng là bộ mặt của một tỉnh.
Bắt đầu từ Cầu Quan và phố Gia Long, tôi cho là như thế, khởi nguồn cho sự phát triển là từ một tiệm sách Trường Xuân trong hệ thống thương mại dọc theo hai dãy phố. Đứng bán sách là cô gái xinh xinh, tôi không thể nhớ tên vì đã gần 60 năm từ ngày tôi đã hiểu biết và cảm nhận. Thật ra phải gọi đây là tiệm tạp hóa vì ngoài bán sách còn bán đủ thứ hàng hóa chất đầy trước cửa tiệm, nơi chứa sách chỉ có hai chiếc kệ. Chỉ có điều đa số là sách văn học của các nhà xuất bản Lá Bối và An Tiêm. Tiệm nhỏ vì chỉ rộng chừng chục mét vuông. Thuở ấy tôi rất mê sách của Dương Nghiễm Mậu, Trùng Dương, Nguyễn Thị Hoàng, đặc biệt là Duyên Anh với tập tiểu thuyết thiếu niên, nhi đồng "Bồn Lừa". Ở đây tôi đã diện kiến nhà thơ Bùi Giáng. Thật tình thuở ấy tôi còn khá trẻ không đọc nổi thơ ông và rất ấn tượng với ông vì câu đề tặng trong tập thơ "Thơ Bùi Giáng" của NXB Lá Bối là "Tặng cào cào, châu chấu". Đặc biệt, khi bước vào tiệm sách, nhà thơ Bùi Giáng hỏi ngay cô bán sách: "ở đây có bán thơ Bùi Giáng không? Cô bán sách trố mắt ngạc nhiên, nhưng vẫn chỉ tay lên kệ: Đàng kia, ông muốn mua à? Nhà thơ thản nhiên đến kệ sách rút ra một cuốn và nói với cô bán sách: Không, tôi không mua vì tôi là Bùi Giáng! Nhưng cô có thể ký tặng tôi không? Thái độ của cô bán sách không khác thái độ của tôi, đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bùi Giáng, một nhà thơ nổi tiếng, sao lại xuất hiện ở đây? Và chính nhà thơ đề nghị cô chủ quán ký tặng chính thơ mình cho mình? Và tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô bán sách lẳng lặng đến bên nhà thơ nhận lấy quyển sách và lấy cây viết bên bàn ký tặng ngay cho nhà thơ. Tôi rất ngưỡng mộ cô bán sách hơn cả ngưỡng mộ nhà thơ Bùi Giáng.
Từ tiệm sách, ngược lên Dốc Tòa, khoảng hơn một ký lô mét, cách Ty Cảnh sát khoảng vài chục mét, phía bên phải có quán cà phê Thằng Cuội. Chủ quán là một nghệ sĩ, cũng làm thơ, viết văn, nhất là vẽ tranh nên quán được thiết kế rất thẩm mỹ, không gian quán rất thoáng đãng, kết hợp hài hòa một phần quán Hầm Gió vì có một tầng hầm âm xuống đất và một phần của quán La Pagode ở Sài Gòn vì có cửa kiếng nhìn ra đường phố. Điều khác biệt ở đây là quán chuyên hát nhạc Phạm Duy và Trịnh Công Sơn qua chiếc máy Akay rất hiện đại thời bấy giờ và nếu ở La Pagode chúng ta có thể "rửa mắt", nhìn nam thanh nữ tú dập dìu thì ở đây nhìn ra chỉ thấy toàn lính đủ các quân binh chủng và vũ khí mang đầy người, sẵn sàng nhận lệnh hành quân bất cứ lúc nào. Để được bình tâm tôi thường ngồi ở tầng hầm, thỉnh thoảng ngóng nhìn những chiếc xe lôi, kéo theo cái thùng lôi sơn màu đỏ bầm viền màu vàng sậm uốn lượn dọc theo các cạnh thùng, chất đầy đồ hàng bông từ hướng Cửa số 2, Trảng Dài … chạy về hướng Cầu Quan, qua chợ mới Tây Ninh. Có cả những chiếc xe bò, xe trâu cồng kềnh rơm rạ, cuốc xẻng, gỗ củi … lửng thửng lại qua. Đặc biệt là những chiếc xe ngựa đóng bến ở khu vực Nhà Đèn (mà nay người dân còn quen gọi là Bến xe ngựa – Phường 3), một loại xe thô sơ, bánh gỗ được kéo bằng sức ngựa gõ nhịp lốc cốc ngày đêm chuyên chở hàng hóa nông sản từ mọi vùng quê về chợ. Chỉ đúng trưa, mới được "rửa mắt" nhờ các tốp học sinh trung học tan trường của các trường Trung học Công lập Tây Ninh, Trung học Văn Học, Văn Thanh …, với những bộ đồng phục: nam quần xanh dương, áo trắng và giày bata trắng; nữ với bộ áo dài trắng thướt tha hợp thành dòng lũ lượt chảy trên những chiếc xe đạp chiếm lĩnh không gian xua đi màu quân phục lính trận. Khi dòng chảy đó ngang qua quán Thằng Cuội thì những chiếc nón lá cùng lượt che nghiêng lẫn tránh những cặp mắt "soi mói", đói sắc ngắm nhìn. Ngồi ở Thằng Cuội, thật ra, với tôi chỉ là những giây phút thư giản cho nhẹ tâm hồn, quên đi nỗi nhớ khoắc khoải về một người mẹ đã về cõi vĩnh hằng và người mẹ đang còng lưng với quán cơm chắt mót từng đồng để nuôi tôi ăn học thành người.
Có thể nói, đây là những giây phút thư giản và một chút hưởng thụ văn hóa mà tôi cảm nhận được. Riêng tôi là vậy, có thể những người khác còn thưởng thức những bộ phim hay từ rạp chiếu phim Lạc Thanh ở cuối phố Gia Long hay đi xem những tuồng cải lương do các đoàn cải lương nổi tiếng như Hương Mùa Thu, Dạ Lý Hương, Thanh Minh Thanh Nga, Kim Chung … diễn mỗi đêm ở rạp hát Thanh Sơn nằm bên bờ rạch Tây Ninh thơ mộng…
Và những nẻo đường xưa cùng sự hưởng thụ văn hóa Tây Ninh chỉ có chừng ấy!?

(Bài có sử dụng một số tư liệu của tác giả Nguyễn Mạnh An Dân) 
(Kỳ tới Huyền thoại núi Bà Đen)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét