Cầu Quan! Dấu ấn đặc trưng của Tây Ninh. Không hiểu từ bao giờ chiếc
cầu ấy đã găm vào tiềm thức của tôi. Người sống ở quê, có thể bắt đầu từ
con đường làng nhỏ, chạy ngoằn ngoèo lượn qua những vạt ruộng, men theo
những hàng rào dâm bụt, lũy tre gai, trúc rừng; rồi những trụ rơm cao
ngất bên góc vườn nhà, bên cạnh chuồng trâu, bò … còn người dân phố thị
bắt đầu từ cầu Quan, là ký ức miên man từ thuở mẹ cha gồng gánh qua cầu
trên đôi quang gánh, là nỗi nhớ đeo mang cho một đời người.
Cầu Quan Tây Ninh là nắng, là gió, là sông nước hun đúc nên khí chất
của người dân bán trung du rất kiên cường và bất khuất, biết chịu đựng
và chống trả một cách khôn ngoan và quyết liệt với thiên nhiên khắc
nghiệt, mưu sinh giữa “cá nước, chim trời” nên con người trở nên rắn rỏi
và tính cộng đồng càng thắt chặt hơn. Từ đó, không ngại gian lao, nguy
hiểm, sẵn sàng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giải
phóng quê hương.
Bây giờ tôi mới hiểu vì sao cầu Quan mãi mãi là niềm tự hào của người
dân Tây Ninh. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, cầu Quan đã được đập
phá và tiến hành xây mới, cho dù rộng hơn, vững bền hơn, nhưng những
nhà lãnh đạo Tây Ninh vẫn chủ trương giữ dáng dấp chiếc cầu như xưa.
Giữa nắng gió mặn mòi của dòng rạch và không gian cầu sẽ thoáng đãng
hơn, tôi sẽ là người hít thở thật sâu, đứng giữa chiếc cầu sau khi xây
xong, dõi mắt lên hướng bắc nhìn ngọn núi Bà Đen úp nón mây trắng lừng
lững giữa trời mà nghiêng nghiêng ánh mắt kiêu hãnh.
Người dân Tây Ninh chính gốc, ai cũng đều biết ngọn nguồn của cầu Quan
và đã đi trên cây cầu nầy. Cầu quan do tổ chức Akrop của Pháp thiết kế
xây dựng vào năm 1924, rộng 4 mét dành cho các loại xe lại qua, hai bên
có lối đi dành cho người đi bộ, ngăn bởi 3 nhịp cầu và đã trở thành biểu
tượng của Tây Ninh đến hôm nay. Cầu Quan phân chia khu hành chánh và
khu thương mãi của tỉnh lỵ Tây Ninh. Phía bên này bờ rạch là các cơ quan
hành chánh của tỉnh cũ như: Tòa án, các Trường trung tiểu học, bệnh
viện….bờ bên kia là chợ Tây Ninh với một cái nhà lồng khá lớn và có 2
rạp hát: Lạc Thanh cuối phố Gia Long và Thanh Sơn cách chợ mới vài chục
mét. Sau khi thi công cơ bản hoàn thiện, công trình cầu Quan đã đủ điều
kiện thông xe lúc 7 giờ sáng 20.3.2013, cầu Quan được chính thức đưa vào
khai thác, sử dụng. Theo thiết kế, cầu Quan mới dài 64m, rộng 13m: gồm 2
làn cầu dành cho xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5m; còn lại là lề bộ hành,
dải an toàn, gờ lan can, vòm bê tông cốt thép. Cầu mới cũng có 3 nhịp,
được xây dựng giống như mẫu cầu Quan trước đây nhưng kết cấu hiện đại
hơn.
Trong thời buổi đô thị hóa, có thể một số người bỗng quên mất tuổi thơ
đầy ắp những kỷ niệm êm đềm của một bến quê hương. Đối với tuổi thơ, có
thể chúng sẽ hờ hững trước sự kiện chiếc cầu bị đập phá, xây mới. Chiếc
cầu mới vẫn lưu giữ trong lòng người dân Tây Ninh với dáng cầu xưa.
Chiếc cầu ấy, dòng rạch này, hàng trăm năm qua đã ghi khắc trong lòng
mỗi người một chốn quê. Dù đi xa, bao lâu đi nữa cầu Quan vẫn là nơi neo
đậu tình người.
…Dường như môi ươm vị mặn, nhớ mùi vị của cá lòng tong kho tóp mỡ năm
nào dưới lòng rạch Tây Ninh đã trở thành nỗi nhớ khôn nguôi.
Và tôi khởi đầu từ dòng rạch Tây Ninh lần tìm về nguồn cội, lắng đọng
những chuyện kể, những huyền thoại từ những thôn làng ven sông rạch.
Rạch Tây Ninh xưa là dòng Khe Lăng, nơi hội tụ mọi nguồn khe, lạch trên
đỉnh núi Bà Đen; vùng rừng thượng nguồn đổ về, nối dòng rạch chảy ra
sông Quang Hóa xưa và nay là sông Vàm Cỏ Đông. Tuổi thơ tôi, hơn 50 năm
trước có dịp xuôi ghe từ bến cầu Quan, lênh đênh trên sông Vàm Cỏ Đông
bằng ghe mười, phương tiện của những người sống kiếp thương hồ. Thuở ấy,
máy đuôi tôm chưa phổ biến nên sông Vàm Cỏ Đông ghe xuồng lại qua, dù
là ghe mười vẫn phải chèo tay hai mái. Khi ra đến sông Tiền, sông Hậu
thông thoáng, mênh mông mới có tàu kéo trang bị động cơ, các ghe thương
hồ kết lại cả trăm chiếc nối đuôi nhau theo tàu kéo, bấy giờ chủ ghe mới
được buông tay chèo thảnh thơi trôi theo con nước. Và chính sông Vàm Cỏ
Đông đã thầm thì kể chuyện, câu chuyện dàn trải, lắng đọng trong ký ức
tôi từ thuở ấy đến tận hôm nay…
Kể rằng, vùng đất Tây Ninh được lưu dân đến khai khẩn từ hơn 300 năm
trước. Trước thế kỷ 16, Tây Ninh vẫn còn là một vùng hoang sơ. Đến thế
kỷ 17, những lớp lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng – vào khai phá
vùng Đồng Nai – Gia Định lập làng dựng ấp. Những lớp cư dân đó đã tụ cư
tại Xóm Ràng (huyện Củ Chi hiện nay), sau đó theo dòng Quang Hóa họ xuôi
ghe xuồng và dừng chân ở các vùng đất thấp, trù phú dễ khai hoang phục
hóa ven sông và lưu cư rải rác ở Lò Mo, Trà Vơn, Tha La, Trường Đà
(thuộc tổng Hàm Ninh cũ, nay là huyện Trảng Bàng) rồi dần phát triển
thành những xóm rộng lớn hơn như: xóm Vàm Cỏ, xóm Rừng, xóm Gàu, xóm
Tôn, xóm Giồng Nổi… đến năm 1809, hình thành làng Bình Tịnh, tên cũ của
xã An Tịnh hôm nay.
Một lực lượng người Việt quan trọng khác theo gót lực lượng lính biên
cảnh do Chúa Nguyễn điều động gồm 720 lính biên cảnh, 5 đội thuyền với
15 chiếc đóng đồn dọc theo sông Quang Hóa vào giữa thế kỷ 18. Những cụm
dân cư dần mọc lên dọc theo sông Quang Hóa và ven rạch Khe Lăng… Bắt đầu
từ những điểm tụ cư ven sông rạch, cư dân người Việt đã mở rộng khai
khẩn những vùng đất thấp, tạo nên vùng đất trù phú, ruộng vườn phì
nhiêu. Theo đó, cư dân người Việt đến Tây Ninh ngày một đông hơn, đặc
biệt là những lưu dân từ miền Tây sông nước. Đến những năm đầu thế kỷ
19, có nhiều đợt nhập cư và hàng loạt cuộc khai thác quy mô lớn trên
nhiều địa bàn thuộc vùng đất Tây Ninh hình thành xóm làng ven sông rạch
bắt đầu từ địa phận huyện Quang Hóa.
Lời thì thầm của dòng Vàm Cỏ Đông đã được khẳng định qua tập sách “Tây
Ninh – 180 năm hình thành và phát triển” được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tây
Ninh công bố nhân dịp tổ chức Lễ kỷ niệm ngày 09.9.2016. Qua tập sách
người dân Tây Ninh đã rõ thêm nguồn cội ghi trong Gia Định Thành Thông
Chí của Trịnh Hoài Đức: “Ở thượng lưu sông Thuận An cách phía tây
trấn 160 dặm rưỡi. Phủ sở ở bờ phía Bắc sông lớn có người Trung Hoa và
Cao Miên ở chung lẫn lộn làm ăn, có tuần ty coi thâu thuế lệ cước đồn và
phòng giữ biên cảnh. Từ đây chảy 24 dặm rưỡi đến cửa sông Khê Lăng, 91
dặm rưỡi đến thủ sở Quang Phong giáp địa giới Cao Miên, đây là con đường
mà sứ thần Cao Miên sang cống hiến phải đi ngang qua. Dọc theo sông
ruộng đất mới khẩn còn nhiều rừng rú. Lên hướng Tây nước chia làm 2
nhánh. Nhánh phía Bắc tục danh là Cái Bát đi thẳng ra Bắc 100 dặm chỗ
cùng tuyền về đằng Bắc 100 dặm nữa là rừng Quang Hóa. Nhánh phía Nam tục
gọi là Cái Cay đi lên hướng Tây hơn 100 dặm cũng cùng tuyền. Tới đây
đều là đất rừng Quang Hóa liên tiếp nối dài…”. Cái Cay chính là
sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ, thuộc hệ thống sông
Đồng Nai bắt nguồn từ phía bắc tỉnh Svay Rieng (Kampuchia) có tên Khmer
là Prek Kampong Spean, dài 218km, phần chảy qua Tây Ninh từ xã Biên
Giới, xã Thành Long là 151km uốn khúc, lượn lờ qua các xóm làng trù phú.
Năm Minh Mệnh thứ 5 vua đã cho xây thành Quang Hóa vị trí đóng tại vùng
đất Cẩm Giang, cách cửa rạch Tây Ninh 14 km.
Đứng bên lan can trước Linh Sơn Tiên Thạch Tự nhìn xuống chỉ thấy ruộng
rẫy, cây cối, nhà dân bao quanh chân núi. Nhưng lần theo dòng Suối Vàng
bắt nguồn từ trên đỉnh núi đến ngách đá cạnh chùa Hang trượt xuống chân
núi, rồi xé đất len lỏi đổ nước ra suối Ông Tuấn, Trà Phí, Vườn Điều …
rồi đổ vào rạch Tây Ninh, tới vàm rạch gần cầu Gò Chai hợp lưu cùng sông
Vàm Cỏ Đông hướng ra biển cả. Nhà thơ Hưng Huyền trong một bài thơ thay
lời tựa cho một tập thơ, ông đã viết:
“Yêu thắng cảnh, yêu danh lam
Yêu hòn núi Điện, yêu Vàm Cỏ Đông…”.
Còn nữ sĩ Phan Phụng Văn lại có những câu:
“Nẻo thông thương Bến Sỏi nối Tầm Long
Êm êm nước chảy xuôi dòng
Trầm buồn bằng một con sông lặng tờ…”.
Sông Vàm Cỏ Đông hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây tại Tân Trụ (Long An)
thành sông Vàm Cỏ. Tại Tây Ninh sông Vàm Cỏ Đông có nhiều nhánh rạch tự
nhiên và kênh đào nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng
đường thủy, cảng Bến Kéo là đầu mối tập trung sản phẩm nông nghiệp và
lâm nghiệp từ phía bắc tỉnh thông qua rạch Tây Ninh và đầu nguồn sông
Vàm Cỏ Đông xuôi về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. Trên
dòng sông này đã xảy ra nhiều trận đánh ác liệt trong các cuộc chiến
tranh, ngay từ năm 1861, khi Pháp mới đặt chân xâm lược nước ta, người
Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy đốt cháy chiến hạm
Esperance tại vàm Nhựt Tảo. Và “Hỏa hồng Nhựt Tảo” tiếp tục cháy sáng
qua hai cuộc kháng chiến. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quân đội
Sài Gòn luôn tổ chức tuần tra trên sông hòng ngăn chặn quân giải phóng
qua sông bằng những đội “giang thuyền” và cả máy bay “trực thăng” quần
đảo ngày đêm.
Không hiểu trên cả nước có dòng sông nào tạo nguồn cảm hứng sáng tác
cho văn nghệ sĩ, tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật chảy vào lòng
người như sông Vàm Cỏ Đông! Những hình ảnh cao đẹp về truyền thống hào
hùng của các thế hệ cha anh được thể hiện qua lăng kính và cảm nhận của
văn nghệ sĩ qua thơ ca… cho ta thấy thế giới nội tâm của họ. Chính những
hiện thực phong phú, giàu chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tấm lòng kiên
trung, nồng hậu của người dân Tây Ninh trở thành hấp lực kỳ lạ đã thu
hút họ. Nhà thơ Hoài Vũ đã có những lần nằm lại bên bờ, đợi yên để qua
sông. Ðêm trăng lung linh trên dòng sông đã gây cảm hứng để nhà thơ viết
nên bài “Vàm Cỏ Ðông” đi vào lòng người: “Có anh du kích dũng cảm kiên cường – Lẫn ánh trăng mờ băng lửa đạn qua sông”. Và nhạc sĩ Trương Quang Lục đã phổ thành ca khúc cùng tên “Vàm Cỏ Đông”. Hãy lắng nghe:
Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông ơi! Vàm Cỏ Đông…
… Vàm Cỏ Đông đây, ta quyết giữ
Từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm
Từng con người làm nên lịch sử
Và dòng sông trong mát quanh năm…”,
Từng chiếc xuồng, tấm lưới, cây dầm
Từng con người làm nên lịch sử
Và dòng sông trong mát quanh năm…”,
Và cũng chính nhà thơ Hoài Vũ là tác giả bài thơ “Anh ở đầu sông em cuối sông” mà nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chắp thêm cánh cho thơ bằng giai điệu trữ tình, bay bổng:
“Anh ở đầu sông em cuối sông,
uống chung giòng nước Vàm Cỏ Đông,
Thương nhau đã chín ba mùa lúa,
chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông…”
“ Gió thương nhớ ai mà lay bờ lá,
để bìm bịp kêu con nước lớn ròng…
Thương nhau ta hẹn trong mùa tới,
anh đón em về thỏa chờ mong…”.
Có thể nói những tác phẩm viết về sông Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ
qua 4 tập thơ: Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương
tràm, Chia tay hoàng hôn; các tập truyện Tiếng sáo trúc, Rừng dừa xào
xạc, Quê chồng, Bông sứ trắng, Vườn ổi…và 10 bút ký Bên Sông Vàm Cỏ…, có
lẽ bài thơ Vàm Cỏ Đông để lại ấn tượng sâu sắc nhất, là chất xúc tác để
văn nghệ sĩ trải lòng mình qua âm nhạc, ca cổ. Ngoài bài “Vàm Cỏ Đông”
của nhạc sĩ Trương Quang Lục, thấm đẫm và sâu lắng vào hồn người dân cả
nước, còn có ca khúc “Lên ngàn” của nhạc sĩ Hoàng Việt, “Anh ở đầu sông,
em cuối sông” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều, “Dòng sông và tiếng hát” của
nhạc sĩ Nguyễn Nam, “Anh lại về bên sông Vàm Cỏ” của Lưu Cầu, “Vàm Cỏ
thương nhớ” của Duy Hồ … Và các bài vọng cổ “Dòng sông quê em” lời của
soạn giả Huyền Nhung, nhạc Trương Quang Lục , “Anh ở đầu sông, em cuối
sông” lời của Mai Thanh Phượng, nhạc Phan Huỳnh Điều, “Bên sông Vàm Cỏ,
lời của Trọng Nguyễn, … được các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng trình bày bằng
những xúc cảm ngọt ngào làm cho những bài hát nhanh chóng chiếm trọn
cảm tình, khắc ghi vào tâm khảm người dân. Còn nhiều tác phẩm văn học
nghệ thuật khác viết về dòng sông huyền thoại này luôn tạo cảm hứng cho
nhạc, cho thơ… từ mọi góc nhìn.
Không những thế, những giai điệu, những dòng thơ trữ tình về sông Vàm
Cỏ Đông được thể hiện với nhiều sắc độ vô cùng phong phú. Nhạc sĩ Phạm
Minh Tuấn trong chiến tranh cũng có nhiều lần qua lại sông Vàm Cỏ Ðông.
Dòng sông đã tạo cảm hứng để nhạc sĩ sáng tác bài “Qua sông” để đời:
“Hò khoan chúng em khua mái chèo
Ðưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo
Ðường hành quân các anh đi khắp nẻo
quê hương mà anh chẳng ngại gian lao”.
Nhà thơ Nguyên Thạch trong bài “Tiếng vọng quê hương” đã bật thốt:
“Hồn ai đó
Chập chờn theo sóng vỗ
Tiếng vọng hờn con nước Cửu Long Giang
Vàm Cỏ Đông mây phủ ngút ngàn
Lệ lầm tủi
Đường quê hương gió lộng…”
Văn Liêm, đối với tôi là nhà thơ lạ hoắc, lạ quơ nhưng anh đã gửi lòng
cùng nhạc sĩ Thuận Yến và nhà thơ Hoài Vũ qua bài “Hai dòng sông” để
khắc họa thêm:
“Hai chúng ta như hai dòng sông
Anh – Vàm Cỏ Tây, Em – Vàm Cỏ Đông
Hai con sông cùng hai dòng nước mát
Xa cách nhau – bát ngát cánh đồng
….
Có dòng sông đi vào lịch sử
Dòng sông Vàm Cỏ Đông,
Chở nặng biết bao chiến công…”
Đến nhà thơ Trần Mạnh Hảo cũng trải lòng trong bài “Sông đó người đây”:
“Vàm Cỏ Đông rồi Vàm Cỏ Tây
Anh sang bên đó vắng bên này
Ước gì anh hóa đôi dòng ấy
Một lòng chung thủy cả hai tay…”
Rồi nhà thơ Trần Kiêu Bạc khi “Về lại dòng sông năm xưa” cũng thốt lên:
“Lại trở về bên dòng sông năm xưa
Đêm một mình thâu đêm chờ trới sáng
Tiếng chim gọi bầy qua màn sương trắng
Vọng đêm buồn ba tiếng “Vàm Cỏ Đông”…”
Ca khúc “Đi trên sông Vàm một đêm trăng tròn” đã khiến lòng người khoắc khoải:
“Đi trên sông Vàm một đêm trăng rằm
Mái chèo khua nhẹ tựa sóng vỗ lòng anh
Mê say em hát mắt sáng long lanh
Mà cả dòng sông là hương lúa ngọt lành…”
Rất nhiều tác phẩm thơ ca mãi mãi ghi đậm dấu ấn với người nghe và đã
trở thành những tác phẩm đi cùng năm tháng cho mọi thế hệ dân tộc Việt
Nam.
Tôi vốn yêu các dòng sông, riêng dòng Vàm Cỏ Đông đối với tôi có nhiều
kỷ niệm, tôi sinh ra trên vùng đất Cẩm Giang, sau ngược dòng sông đến
vùng đất Thanh Điền sinh sống bên bến phà Gò Chai tấp nập ghe xuồng lại
qua, càng yêu hơn tôm cá dưới lòng sông, đúng như cách yêu của người
sống trên sông nước. Nên nhìn ngắm dòng sông đẹp, đã thấy yêu. Nhưng nếu
được ăn những con cá con tôm ngon do chính mình lưới chài bắt được dưới
dòng sông ấy, thì tình yêu càng đậm đà, thấm đẫm hương vị của bến quê
khiến tôi nhớ rất lâu, có khi là cả cuộc đời này. Tôi nhớ, rất nhớ những
đêm vắng lặng bỗng nghe ca khúc Vàm Cỏ Đông với hồn quan họ trong tiếng
sáo réo rắt hòa cùng âm điệu độc huyền cầm mềm mại để lặng người nghe
sông Hồng gọi dòng Vàm Cỏ Đông tha thiết với từng đoàn tàu giặc đắm,
từng đoàn quân giải phóng qua sông và từng mối tình hò hẹn…
Đúng là trong mỗi người dân Tây Ninh, dường như ai cũng có một bến quê.
Bến quê nào cũng nằm dọc hai bên dòng sông. Sông Vàm Cỏ Đông chảy qua
Tây Ninh đầu tiên hình thành Bến Cầu, nơi giao thương tấp nập. Rồi Bến
Đình, Bến Tro, Bến Lúa, Bến Mương, Bến Kéo, Bến Cừ, Bến Gò Nổi, Bến Sỏi,
Bến Tầm Long… Tên mỗi bến là đặc trưng từng bến với những đặc điểm
riêng. Đặc biệt Bến Tầm Long ẩn chứa huyền thoại về vua Gia Long. Gọi là
huyền thoại vì chưa chắc chắn, chỉ được nghe qua lời kể. Kể rằng, khi
vua Gia Long tránh sự săn lùng của quân Tây Sơn đã chạy về vùng thung
lũng giữa núi Bà Đen và núi Cậu lánh nạn. Dù đang trốn tránh, nhưng
những buổi chầu vua vẫn được tiến hành. Nên nơi này đã hình thành địa
danh Sân Chầu. Một đêm, vua được Linh Sơn Thánh Mẫu báo mộng chỉ điểm
đến vùng Bến Sỏi tạm lánh chờ thời cơ. Sau các tướng tập hợp được lực
lượng đã ngược sông tìm vua và vua tôi gặp nhau tại một bến sông, nên
người dân gọi nơi này là Bến Tầm Long. Sau này khi lên ngôi, vua Gia
Long đã ban sắc chỉ phong Bà Đen là Linh Sơn Thánh Mẫu, đặt tên núi là
Linh Sơn và chùa Bà là Linh Sơn Tiên Thạch Tự để tạ ơn.
Đặc điểm các bến là nơi trao đổi hàng hóa, thường cạnh bến đều hình
thành các chợ: chợ Trảng Bàng, chợ Gò Dầu, chợ Cẩm Giang, chợ Bến Kéo,
vào rạch Tây Ninh có chợ cũ rồi chợ mới nằm ngay bờ sông… cạnh cầu Quan.
Nhắc đến cầu Quan, chợt nhớ thuở ấy tỉnh Tây Ninh chỉ có 2 cây cầu, một
là cầu Quan bắc trên rạch Tây Ninh để nối 2 bờ và cầu Gò Dầu bắc trên
sông Vàm Cỏ Đông để hình thành 2 vùng Gò Dầu Thượng và Gò Dầu Hạ. Người
dân muốn qua lại trên sông đều trông vào phương tiện là những chiếc đò
ngang. Sau tiến bộ hơn phương tiện qua sông cũng chỉ dừng lại là những
chuyến phà như ở miền Tây sông nước mà phà Gò Chai và phà Bến Đình còn
lưu dấu mãi đến sau giải phóng cầu Gò Chai, cầu Bến Sỏi mới được xây
dựng và đến năm 2015 cầu Bến Đình mới hoàn thành nối vùng đất Cẩm Giang
với huyện Bến Cầu mênh mông ruộng rẫy.
Tôi may mắn có dịp lênh đênh trên dòng Vàm Cỏ Đông huyền thoại và những
sử tích lưu danh truyền đời. Có những chiều ngồi trên ghe thả cánh diều
bay bổng trên không và những đêm trăng ngắm trời mây sông nước mới hiểu
hết cái thi vị, tiêu dao của những tâm hồn văn nghệ sĩ xưa nay. Một
thời tôi đã cảm nhận được sự lãng mạn của khách thương hồ pha nét lãng
tử rày đây mai đó trên sông. Để rồi khám phá con sông huyền thoại, lần
theo dấu vết thăng trầm lịch sử của dòng sông Vàm Cỏ Đông từ cách nay
mấy trăm năm mà ngẫm ngợi. Các cây cầu mọc lên, theo đó mọc lên các khu
công nghiệp, khu chế xuất và làng mạc, phố xá người xe tấp nập nhưng
dòng sông ấy vẫn còn giữ trong mình những tháng năm huyền thoại lưu lại
cho đời sau. Thời gian là minh chứng, sông Vàm Cỏ Đông trải qua các cuộc
dựng xây và giữ gìn đất nước cũng đóng góp không ít chiến công vào
trang sử vẻ vang của dân tộc. Từ giá trị văn hóa truyền thống và cảnh
quan thiên nhiên ấy, sao đến nay chưa có dự án du lịch nào khai thác, bỏ
phí nét đẹp hoang sơ quyến rũ của dòng sông lịch sử mang sắc màu huyền
thoại, chiến tích ít nơi nào có được. Vậy đó, sông Vàm Cỏ Đông nên thơ
với những huyền tích đi vào lòng dân tộc, vậy mà đến nay tiềm năng du
lịch sinh thái tuyệt vời vẫn hững hờ trôi và chờ đợi, trong khi núi Bà
Đen đã trở thành điểm du lịch sinh thái, tín ngưỡng quan trọng nhất Tây
Ninh, thu hút hàng triệu lượt người về tham viếng hàng năm…
Tây Ninh còn một dòng sông khác ít người dân Tây Ninh nhắc đến. Vì dòng
sông này chỉ có một phần nhỏ người dân nằm trên lưu vực sông thuộc các
huyện Tân Châu, Dương Minh Châu và phía đông Trảng Bàng. Đó là dòng sông
Sài Gòn bắt nguồn từ Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Phước đến ngã ba Cát Lái,
thì hợp lưu với sông Đồng Nai, chiều dài 219km. Riêng đoạn chảy qua địa
phận tỉnh Tây Ninh có chiều dài 101km, nhưng lấp lánh hai huyền thoại
mà bất cứ người dân Tây Ninh nào cũng tự hào. Một huyền thoại về Ngũ hổ
tướng với ba anh em Huỳnh Công Giảng, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ
cùng hai tướng Lê Ngọc Báu và Lê Ngọc Đương lập đồn đóng quân bảo vệ
cuộc sống người dân thoát nạn xâm lấn quấy phá của bọn thổ phỉ Chân Lạp
hoành hành, cướp phá chém giết dân bản xứ của thời xa xưa và huyền thoại
về việc “Xây hồ đấp đập” với công trình thủy lợi Hồ Dầu Tiếng ghi nhiều
kỷ lục, là hồ chứa nhân tạo lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á hiện tại.
Hồ Dầu Tiếng với mặt hồ rộng 270 km2 và 45,6 km2 đất bán ngập, dung tích
nước 1,5 tỷ m3 và diện tích tưới lớn nhất với 172.000 ha; quan trọng
nhất với nhiều công dụng: tưới cho nông nghiệp, ngọt hóa, cấp nước cho
công nghiệp, dân sinh, đuổi mặn trên sông Sài Gòn; được khảo sát, thiết
kế với lực lượng tinh nhuệ nhất, nhanh nhất; khu đầu mối được thi công
bằng lực lượng cơ giới hiện đại nhất… lúc bấy giờ. Và hồ Dầu Tiếng cũng
là nơi ghi kỷ lục thử nghiệm nhiều mô hình quản lý nhất, có thời gian
thi công dài nhất: 20 năm, trong lịch sử thủy lợi Việt Nam.
Về chuyện Ngũ hổ tướng dù vẫn đang còn chưa xác định là do triều đình
Huế cử đến để bảo vệ an dân hay các tướng là những anh hùng tự chiêu mộ
dân binh đứng lên lập đồn chống bọn thổ phỉ, bảo vệ an toàn cho người
dân an tâm sinh sống, nhưng rõ ràng con người là có thật và đã đi vào
lòng dân. Hãy lắng nghe dòng sông kể lại:
Những năm 40 thế kỷ 18, nước Chân Lạp loạn lạc triền miên, thay vua như
thay áo, do tranh dành quyền lực đến mức có vua quan phải bỏ kinh thành
đi lánh nạn… Từ đó, nạn thổ phỉ hoành hành, cướp phá, chém giết dân bản
xứ, còn vượt biên giới sang nước Việt quấy nhiễu. Tình trạng nhiễu
nhương bất ổn, dân chúng lầm than kéo dài mãi đến đầu thế kỷ 19. Trước
tình hình đó, năm 1826 xuất hiện năm hổ tướng là Huỳnh Công Giảng, Huỳnh
Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ, Lê Ngọc Báu, Lê Ngọc Đương chiêu mộ dân
quân tăng cường cho phủ Tây Ninh dẹp loạn, ổn định lòng dân. Đoàn quân
tăng viện theo đường thủy tiến lên qua sông Sài Gòn, ngã ba Sanh Đôi,
Rạch Cái Cùng (Bà Chiêm). Trên đường tiến quân, các tướng chọn nơi xung
yếu đóng quân, cắt cử người trấn thủ. Khi đại quân tiến đến vùng rừng
Quang Hóa, đoàn quân đã đổ bộ tìm nơi đóng quân, đã dừng lại ở một đoạn
sông, hai bên bờ loài cỏ dại phiểu lưu thảo cùng với lục bình nở đầy hoa
tím, thoạt nhìn như trải thảm gấm hoa, tướng Huỳnh Công Giảng đặt tên
cho đoạn sông này là Sông Gấm, cử người em kế là Huỳnh Công Thắng lập
đồn đóng quân, ngăn chặn bọn thổ phỉ tràn sang quấy phá. Năm 1828, thổ
phỉ được quân Chân Lạp tăng viện kéo quân sang vây đồn, sau nhiều tháng
cầm cự, đồn thất thủ, tướng Huỳnh Công Thắng tuẩn tiết. Dân làng nhớ ơn
đã lập miếu thờ, quanh năm hương khói. Tuy nhiên do không rõ họ nên
người dân đề trên bia mộ là Trần Văn Thắng, mãi đến năm 2004, căn cứ vào
sử liệu mới cho sửa lại là Huỳnh Công Thắng.
Đoàn chiến thuyền tiếp tục thả dọc theo dòng sông đến Vịnh Cù chỉ định
hai tướng Lê Ngọc Báu và Lê Ngọc Đương lập đồn tại đây. Sau nghe tin đồn
Cẩm Giang thất thủ, năm 1836 hai tướng kéo quân trở lại đồn Sông Gấm
trấn giữ và cho xây dựng chùa Quan Huế để yên lòng dân với quyết tâm tử
thủ. Quân Chân Lạp lại kéo sang công đồn, bọn chúng quyết san bằng đồn
này, bởi lẽ chính đồn này ngăn trở sự cướp phá của bọn chúng. Tuy nhiên
dù quyết tâm tử thủ, nhưng do quân ít, lương thực cạn kiệt hai tướng
đành chấp nhận rút quân về Vịnh Cù. Quân Chân Lạp quyết truy đuổi đến
cùng. Trên đường rút quân chưa kịp về đến chốn cũ, hai tướng đã hy sinh
sau trận đánh xáp lá cà không cân sức đã hy sinh, quân lính liều mạng
mang thi thể hai tướng về Vịnh Cù mai táng.
Lại nói về đại quân tiếp tục tiến quân đến Bến Thứ, Tướng Huỳnh Công
Giảng để người em út Huỳnh Công Nghệ ở lại trấn giữ sau khi lập đồn, còn
ông lên bộ kéo quân lên sát biên giới lập đồn đóng quân tại Trà Vông
tạo thế ỷ giốc tiếp viện cho nhau.
Kể từ năm 1826, khi đại quân do ngũ hổ tướng chia quân lập đồn trấn giữ
chống bọn phỉ được sự hậu thuẩn của vua Chân Lạp thường xuyên cướp phá
dân lành, các tướng đã đưa quân chống ngăn, cứ thế hai bên tiến đánh lẫn
nhau kéo dài suốt 20 năm (1826-1845). Trong suốt 20 năm chống ngăn xâm
lược, nhiều trận đánh lớn nhỏ xảy ra, có thắng, có bại. Đặc biệt có trận
đánh có thể dùng cụm từ “long trời lỡ đất” mà chiến thắng thuộc về quân
ta tại đồn gần biên giới do chính tướng Huỳnh Công Giảng trấn giữ,
khiến quân tướng Chân Lạp hoảng sợ tôn sùng là đồn Tà Vông (có nghĩa là
đồn Ông Lớn), nhưng dân ta không hiểu nên ghép thêm hai từ Ông Lớn thành
Quan Lớn Tà Vông. Có người am hiểu nên gọi trại là Trà Vông để Trà
Vông không còn nghĩa là quan lớn mà trở thành địa danh cho đến ngày nay.
Trong 20 năm chiến tranh liên miên, quân Chân Lạp sau này có sự tiếp
sức của quân Xiêm La, chúng tiến hành chiến lược phá thế ỷ giốc của các
đồn, chúng tổ chức diệt từng đồn, từ đồn Cẩm Giang, đến đồn Vịnh Cù, Bến
Thứ và cuối cùng là đồn Trà Vông. Ngũ hổ tướng lần lượt hy sinh. Suốt
hai thập niên ở Tây Ninh, ba anh em ông chia ra mỗi người một khu vực,
riêng ông Huỳnh Công Giảng ở cánh rừng Trà Vông, xây thành lập ấp, bảo
vệ biên cương, quanh năm đánh nhau với quân Chân Lạp. Năm 1782, sau một
trận chiến giáp lá cà vô cùng ác liệt, khi quân tiếp viện của Huỳnh Công
Nghệ chưa tới kịp, sau nhiều lần tả xung hữu đột giữa vòng vây, tướng
Huỳnh Công Giản đã quay gươm tuẫn tiết chứ không để rơi vào tay giặc.
Khi Huỳnh Công Nghệ tới, ông vây thành đánh một trận rửa hờn cho anh
trai và những binh sĩ đã hy sinh, quân Chân Lạp phải mở đường máu chạy
qua biên giới và từ đó không dám sang xâm lăng nữa. Sau đó, Huỳnh Công
Nghệ chôn cất Huỳnh Công Giảng ngay tại khu vực đồn Trà Vông, cách bờ
thành cũ khoảng 2km về hướng Bắc. Mặt ngôi mộ hướng ra suối Trà Vông.
Điều đáng ghi nhận là hệ thống đền và miếu thờ những anh hùng có công
đánh giặc, giúp dân có cuộc sống an lành thoát cảnh trộm cướp hoành hành
thì miếu thờ Quan lớn Trà Vông Huỳnh Công Giảng được người dân xây dựng
ở khắp địa bàn mà đoàn quân của ông đi qua. Kể cả hai người em của ông,
tướng Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ mỗi người chỉ có một miếu
thờ. Miếu thờ tướng Huỳnh Công Thắng ở xã Cẩm Giang và tướng Huỳnh Công
Nghệ ở Bến Thứ.
Cạnh bên bờ Suối Vàng, thuộc khu lòng chảo sát chân núi Bà Đen có một
ngôi đền thờ Huỳnh Công Giảng, khói hương nghi ngút không bao giờ dứt.
Tương truyền đó là nơi luyện tập binh mã ngày xưa của quan lớn Trà Vông.
Tới giờ, người dân vẫn còn lưu truyền câu chuyện nhuốm màu huyền bí
rằng vào những năm xa xưa, thỉnh thoảng người ta lại thấy xuất hiện giữa
đêm trăng thanh vắng, một đạo quân kỳ bí, gươm sáng chói lòa, người
ngựa phóng như bay, dẫn đầu là một vị tướng mặc áo bào đỏ, oai phong lẫm
liệt. Đạo binh xuất hiện như chớp rồi cũng nhanh chóng mất hút vào bóng
đêm của núi rừng.
Các vị bô lão quanh vùng đồn rằng, đó chính là "đạo binh ma" của vị
tướng Huỳnh Công Giảng, trong lúc sa cơ đã tuẫn tiết mà chết. Hào khí
của vị tướng anh hùng và đạo binh trung thành kia, hồn vẫn còn quyện mãi
cùng non sông đất nước.
Trong một lần đến thăm đền thờ chính – mộ của tướng Huỳnh Công Giảng ở
xã Trà Vông – ông Nguyễn Văn Liễm Trưởng ban quản lý mộ đã ngoài 80 tuổi
cho biết: Năm 2009 chính tôi đã liên hệ trực tiếp Trung tâm Bảo tàng Cố
đô Huế và Bảo tàng đã tìm lại được sắc ấn vua ban cho tướng Huỳnh Công
Giảng và cho phục chế lại nguyên mẫu gởi cho Ban quản lý lăng mộ lưu
giữ. Từ đó hàng năm tới ngày lễ chính, các đền, miếu thờ trong tỉnh đều
đến đây làm lễ khai ấn thỉnh về. Chỉ có điều, cho dù là truyền thuyết và
trong chính sử không có ghi hay hiện nay đã có sắc ấn thì công trạng
khai quốc công thần của Huỳnh Công Giảng với vùng đất Tây Ninh là có
thật, và tấm lòng kính phục, biết ơn của người dân Tây Ninh với ông vẫn
đang hiện hữu, đã thiên hóa ngài như một vị thần. Để cứ đến ngày giỗ
Quan lớn Trà Vong các đền miếu đều tổ chức thành một lễ hội dân gian đặc
sắc của vùng đất Tây Ninh.
Nhắc đến huyền thoại xưa với chiến tích giữ nước của cha ông, đồng thời
ghi nhận công sức xây dựng nước của lớp người hiện tại trên dòng sông
Sài Gòn này.
Trời hôm nay đã chớm xuân, vậy mà tiết trời vẫn còn se lạnh. Đứng trên
lan can đập tràn hồ Dầu Tiếng gió xuân càng lộng hơn trước mênh mông
trời và nước. Tôi như nhấp nhô theo sóng nước hướng mắt về phía Bắc, núi
Bà Đen nổi lên giữa mặt nước hồ bao la, dường như cũng chao chao. Ở góc
độ này núi không giống “chiếc nón bài thơ lộng giữa trời” như một lời
thơ từ khi chưa có lòng hồ, mà trông giống như bầu vú mẹ cho đàn con
nguồn sống thiêng liêng.
Bên cạnh đập tràn đã là chân núi Cậu, mới thuở nào còn hoang vắng tiêu
sơ, mà nay đã là một khu du lịch trên núi dưới hồ vô cùng thơ mộng. Là
người Tây Ninh mà khi nhớ lại quá trình xây dựng hồ tôi vẫn cứ ngỡ
chuyện hoang tưởng huống gì khách tham quan du lịch phương xa. Đúng là
đứng trước cảnh biển nước dập dềnh sóng vỗ giữa tiết xuân, khó ai tưởng
tượng được gần hai mươi năm trước nơi này là rừng rậm âm u, đồng đất
hoang sơ. Giờ đây, mắt nhìn những chiếc xuồng con của ngư dân nhấp nhô
lướt sóng phía xa, tai nghe tiếng sóng nước rì rào, tưởng chừng như con
nước đang thì thầm kể lại câu chuyện thần kỳ, huyền thoại giữa thời hiện
đại. Chuyện “xây hồ đấp đập” nơi đây thật đúng là chuyện thần kỳ. Không
thần kỳ sao được, bởi kể từ ngày chính thức khởi công cho đến ngày tưng
bừng vào hội mở nước, chỉ có năm năm, không kể quá trình khảo sát thiết
kế và chính thức gởi văn bản đề nghị đến Hiệp hội phát triển quốc tế
IDA kéo dài từ tháng 6 năm 1977. Nguời Tây Ninh còn nhớ như in, ngày cố
Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát và nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Nguyễn Cảnh
Dinh đến chủ trì buổi lễ khởi công ở đồng đất Suối Ông Hùng ngày 23
tháng 4 năm 1981. Ngày ấy những thanh niên dân công và cả chúng tôi –
những văn nghệ sĩ ở Tây Ninh bám công trường để phản ảnh khí thế thi đua
lao động, vẫn không ai mường tượng được đến lúc hoàn thành hồ Dầu Tiếng
rộng lớn đến cỡ nào, dù ai cũng được nghe các vị ấy báo cáo rõ diện
tích mặt hồ là 27.000 ha, tích 1,5 tỉ mét khối nước của dòng sông Sài
Gòn đổ về. Từ hồ sẽ có hai kênh chính Đông, Tây và hàng ngàn con kênh
nhánh, kênh nội đồng đưa nước tưới tiêu cho 175.000 ha đất canh tác trên
đất Tây Ninh và một phần huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh của Thành phố
Hồ Chí Minh, chưa kể việc rửa phèn, đuổi mặn cho hai dòng sông Sài Gòn
và sông Vàm Cỏ Đông, tăng độ ẩm đất đai cho ba tỉnh Bình Phước, Bình
Dương và Long An. Rõ ràng, một công trình như thế từ bao nhiêu đời nay
ai đã dám mơ? Vâng, chẳng ai dám mơ, một giấc mơ thần kỳ. Nhưng rồi chỉ
trong năm năm chuyện thần kỳ đã biến thành hiện thực, công trình đại
thuỷ nông hồ Dầu Tiếng đã hoàn thành. Trong năm năm đó, hàng triệu lượt
người Tây Ninh đã ra công trường trải dài, trải rộng khắp tỉnh đào đấp
70 triệu mét khối đất để xây lát 770.483 mét khối đá hoa cương núi Bà
Đen, cùng 190.112 mét khối bê tông, 200.000 tấn xi măng, 20.500 tấn gỗ
xẻ … và cả khối lượng vật tư, nguyên liệu đó đã làm nên đập chính với
chân đập rộng 300 mét, cao 28 mét, dài 1.200 mét và 27 kí lô mét chiều
dài đập phụ, cùng 44 ki lô mét kênh chính Đông, 70 kí lô mét kênh chính
Tây và hàng ngàn con kênh nhỏ … biết bao công sức của con người và các
loại cơ giới đã đổ xuống cho rừng núi nghiêng mình hoá thành biển lớn.
Hôm nay, đứng trước cảnh quang “hồ bên núi” mặt nước không dừng sóng
vỗ, đợt này nối tiếp đợt kia rượt đuổi nhau ập vào khe đá tung bọt trắng
xoá, tôi đứng bên công trình tràn xả lũ nghe tiếng vọng ào ào của nước
từ những cửa tràn bằng thép mở hé trên cao ào xuống như thác đổ, sức
nước ầm ầm dữ đội, sôi sục, cuộn trào chảy dài tít xa nối lại dòng hạ
lưu cho sông Sài Gòn xuôi về biển cả.
Ngày nay đến thăm hồ Dầu Tiếng có ai ngờ được vùng trời nước bao la này
ngày xưa là rừng xanh đại ngàn. Nơi từng là chốn trú ẩn của vua Gia
Long – Nguyễn Ánh khi bôn đào tránh sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn.
Địa danh Sân Chầu là một minh chứng. Nơi đây cũng là nơi dừng chân của
Tín Võ Hầu Phạm Văn Điển, vì bất bình với vua Tự Đức khi ra lệnh bãi
binh cắt đất cầu hoà với thực dân Pháp. Tín Võ Hầu đã cùng các thuộc hạ
thân tín vào ẩn lánh tại vùng Suối Đá – thị trấn Dương Minh Châu ngày
nay khi quân Pháp chiếm Tây Ninh năm 1863. Giặc truy kích quyết liệt,
ông Điển rút sâu vào ngọn rạch Cái Cùng giữa rừng sâu rồi tuẫn tiết, vì
đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan. Dân làng Phước Hội, tên cũ của xã
Suối Đá đã mang bài vị của ông vào Đình làng và tôn vinh ông là Thành
Hoàng cùng thờ chung với người em vợ là ông Đào Văn Chữ, một vị Cai tổng
có công khai mở làng Phước Hội. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, thời
chín năm kháng chiến chống Pháp, vùng đất lòng hồ ngày nay từng là địa
bàn đứng chân của Xứ uỷ Nam Kỳ, của Tiểu đoàn 933 và Trung đoàn 311 Tây
Ninh có Công binh xưởng và Trạm quân lương, có cả lò thuộc da phục vụ
cho nhu cầu của bộ đội. Rồi đến thời kháng chiến chống Mỹ, vùng Bà Hảo
trong khu vực lòng hồ ngày nay từng chứng kiến sự kiện lịch sử: Mặt trận
Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đoàn kết toàn dân miền Nam
quyết tâm đứng lên giành độc lập cho nửa nước đang oằn oại dưới chế độ
Mỹ – Diệm tàn bạo hơn cả thời trung cổ.
Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng chục vạn đồng bào
từ thành phố Hồ Chí Minh đã lên đường đến huyện Dương Minh Châu lập
nghiệp. Họ từ giả cuộc sống vất vưỡng lang thang trên hè phố để lên miệt
rừng thẳm này xây dựng cuộc sống mới, lập thành hai xã Lộc Ninh và
Phước Minh. Cuộc sống vừa tạm ổn định thì một lần nữa bà con lại bấm
bụng ra đi. Biển nước đã nhấn chìm tên xã Lộc Ninh và người dân sống nơi
đây đã di dời đến vùng Suối Ông Hùng thành lập xã mới. Còn xã Phước
Minh may mắn hơn, nằm ngay phía ngoài bờ đập hồ Dầu Tiếng, trở thành khu
dân cư sung túc ngay bên bờ hồ. Hồ nước hình thành đã biến tiểu vùng
khí hậu Tây Ninh mát mẻ hơn. Hai tuyến kênh chính Đông, Tây xẻ đất mang
theo nguồn nước ngọt mát từ hồ rồi phân nhánh, rẽ dòng theo các tuyến
kênh cấp 1,2,3 và kênh nội đồng chằng chịt như mạng nhện, biến những
vùng đất xưa nay chỉ làm một vụ bấp bênh theo nước trời mưa, trở thành
vùng đất được tưới tiêu chủ động, sản xuất nhiều vụ trong năm với đủ
loại cây trồng.
Đứng trên mặt đập tôi mải mê đắm chìm vào ký ức những con suối, dòng
sông mà nghe như nước ngọt thấm mát tâm hồn. Các dòng suối Tha La, Suối
Dây, Suối Bà Chiêm, Suối Nhím … uốn khúc, len lỏi, xé đất rừng bạt ngàn
mang nước từ đầu nguồn đổ về sông Sài Gòn, để cho những người dám
nghiêng đất ngăn sông tích nước thành lòng hồ Dầu Tiếng chứa hàng tỷ mét
khối nước ngọt tưới mát cho những cánh đồng. Nước đổ xuôi về nam qua
tuyến kênh chính Đông chảy qua huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng
Bàng, xuống tận huyện Củ Chi thành phố Hồ Chí Minh. Nước hồ ngược lên
hướng Bắc qua tuyến kênh chính Tây chảy qua thành phố Tây Ninh, huyện
Hoà Thành, Tân Biên, Châu Thành hình thành vùng chuyên canh mía, mì, đậu
phọng, lúa, vườn cây ăn trái… Sau đó lại khai thông thêm hệ thống kênh
Tân Hưng chảy qua hai huyện Tân Châu, Tân Biên biến hơn 30.000 ha trên
vùng đất này thành cánh đồng mía có tưới đạt năng suất cao từ 100 tấn
đến 150 tấn/ ha một cách diệu kỳ.
Bên cạnh việc mang nuớc ngọt tưới mát đồng xanh, đẩy năng suất cây
trồng lên cao, nâng vòng quay của đất, làm thay đổi giá trị đất đai,
lòng hồ còn thu hút con người tập trung về đây sống với nghề nuôi trồng
thuỷ sản. Ở Dương Minh Châu đã có hàng ngàn người dân từ các tỉnh miền
Tây và hơn một trăm hộ ngư dân Việt kiều, sau gần một thế kỷ lưu lạc
kiếm sống bên hồ Tông Lê Sáp – Kampuchia quay trở về và hình thành những
làng cá quanh hồ. Chẳng những họ sống với nghề đánh bắt cá trong hồ mà
còn tận dụng nguồn nước kênh đào ao nuôi cá. Nơi đây đã nổi danh là làng
nuôi cá lóc bông, rồi cá lóc đen, đến nuôi cả cá điêu hồng, một loài cá
cao cấp không sống ngoài thiên nhiên chỉ sống trong nguồn nước chảy và
sạch.
Có hồ phải bảo vệ hồ. Muốn bảo vệ hồ một cách căn cơ, vững chắc cần
phải có vành đai rừng phòng hộ. Thế là dự án trồng rừng phòng hộ được
Chính phủ phê duyệt ngày 9-2-1998 với tổng diện tích rừng lên đến 34.000
ha. Riêng trong vùng bán ngập có diện tích rừng trồng là 4.560 ha. Dự
án chẳng những thu hút người dân địa phương đầu tư trồng rừng mà còn thu
hút cả các công ty trong và ngoài tỉnh tham gia, sau khi Ban Quản lý dự
án trồng thử nghiệm thành công 14 ha rừng tràm, một loài cây trước nay
chỉ thích hợp ở vùng nước lợ ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong một dịp
công tác, tôi đã được đến thăm vùng rừng do Công ty Xuất nhập khẩu và
xây dựng Á Châu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trồng và
quản lý. Thật mát mắt làm sao, một vùng xanh mướt của 300.000 cây tràm
ba năm tuổi vươn mình xanh tốt, có cây cao hơn ba mét lả ngọn theo chiều
gió. Cánh rừng tràm trong vùng bán ngập đầu tiên đang phủ một màu xanh
ngút tầm mắt. Cây đã cao khỏi đầu người, buông rũ từng chùm rễ từ thân
cây xuống mặt đất như những dây leo chằng chịt, dấu vết của những ngày
tháng chịu đựng, vượt qua mùa nước nổi. Ông Truơng Công Khanh, cán bộ
Ban Quản lý rừng khoe: “Chỉ cần chăm sóc tốt trong hai năm nữa là rừng
có thể cho khai thác theo phương thức tỉa thưa, chừa lại cây đúng quy
cách rừng phòng hộ”. Qua lời ông Khanh tôi cũng được biết theo thiết kế
mật độ rừng phòng hộ trồng từ 9.000 đến 10.000 cây/ha. Nhưng để khai
thác có hiệu quả và thu lại vốn ban đầu, Ban Quản lý dự án đã trồng theo
phương pháp tỉa thưa từ 18.000 đến 20.000 cây/ha, sau năm năm sẽ tỉa
bớt phân nửa, số còn lại vừa đúng theo quy hoạch. Đúng là cách làm “lấy
ngắn nuôi dài” thật “nhất cử lưỡng tiện”. Những người quản lý rừng còn
vui mừng nói với tôi: “Vào mùa nước nổi, trên tàng cây rừng, từng đàn
ong bay về xây tổ làm mật; dưới nước, từng đàn cá lội tung tăng. Hoàng
hôn buông xuống, từng đàn cò trắng bay về ngủ đêm trắng xoá một vùng
dưới trăng, đẹp tuyệt”.
Vẫn còn bên tai tôi lời thì thầm của tiếng nước hồ. Và trong một góc
lòng hồ, tôi như còn mường tượng thấy những bóng dáng tất bật của những
nông dân chất phác đã bỏ công sức góp phần làm nên chuyện thần kỳ của
lòng hồ. Hình như lời thì thầm của tiếng nước hồ Dầu Tiếng như muốn báo
cho tôi biết, nhờ có nước hồ cụôc sống người dân tỉnh Tây Ninh và một bộ
phận người dân thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Long An
đã vươn lên và đang trên đà làm giàu.
LNT
(Kỳ tới: Những nẻo đường xưa)
(Kỳ tới: Những nẻo đường xưa)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét