Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

NGOẠI Ô CHIỀU ĐÔNG CHÍ – Truyện ngắn VĨNH THÔNG

 
Tôi cố ý đến quán sớm hơn giờ hẹn, vì muốn có chút thời gian ngồi một mình, chỉ vậy thôi. Quán cà phê nằm khuất ở ngoại ô, có cái tên khá đặc biệt: Giáng Mi. Đây là quán ưa thích của tôi ở quê nhà. Lúc còn ở đây, những lần rủ bạn bè đi cà phê tôi lại hẹn đến Giáng Mi. Bây giờ xa quê nhưng vẫn vậy, mỗi khi có dịp về tôi lại tìm đến quán, như một thói quen. Có lẽ bởi nơi đó, tôi đã buộc một phần dĩ vãng vàng vọt của mình, tự nhủ lòng để mãi quên đi, nhưng rồi thỉnh thoảng vẫn vọng về từ đâu đó xa xăm, hay chính mình đang tự tìm đến và nhắc nhớ?
Nửa tiếng sau Xuyên đến. Đã nửa năm rồi mới có dịp gặp lại cô bạn thân, chưa gì tôi đã nghĩ đến cảnh hai đứa tíu ta tíu tít với nhau bao nhiêu chuyện trên đời. Xuyên là một cô gái khá mạnh mẽ – dĩ nhiên là so với một đứa mềm yếu như tôi. Nhưng dù sao vẫn là con gái, Xuyên không thoát khỏi những đặc tính cố hữu: làm đẹp, nhỏng nhẻo và… thích “tám” chuyện!
Xuyên là một trong những cô bạn thân nhứt của tôi. Cá tánh đặc biệt của Xuyên là hay triết lý, điều nầy nghe như có vẻ hơi lạc điệu đối với phái nữ. Lúc còn học chung lớp, những lần tôi có tâm sự về chuyện tình cảm, Xuyên thường lãnh vai trò là người tư vấn. Lúc nào cô nàng cũng mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu nói bông đùa: “Chú ý, giờ giảng đạo bắt đầu”. Vậy là một tràng những lý thuyết, phương pháp, công thức rất chi là học trò được cô nàng bày biện ra, mục đích chính để thuyết phục tôi tán đồng quan điểm của Xuyên về vấn đề nào đó.
Cuối cùng thì người thầy triết lý kia cũng đã lên xe hoa và đang mang thai đứa con đầu lòng, còn đứa học trò chịu khó ngồi nghe và nhồi nhét vào đầu bao “chiêu thức” là tôi thì vẫn là cánh chim cô độc. Chân trời thì xa biết mấy…
 “Về quán quen mà thấy mình cứ như khách lạ”.
Không hiểu sao tôi lại nói một câu như vậy, để rồi bị Xuyến đáp trả khiến tôi bật cười:
“Thì trước nay vẫn là khách, có là chủ hồi nào!”.
Ừ, thì phải! Dù quán có thân quen cách mấy, mãi mãi tôi chỉ là khách mà thôi, cũng như bao người từng đến và từng đi. Nhưng có mấy người ra đi rồi lại quay trở về, như tôi? Trở về làm chi, để nhìn thấy quán vẫn là quán xưa, mà những con người ngày cũ không còn gặp nữa, kẻ ở người đi như bóng chim tăm cá.
Tôi nhìn quanh quất với những hình ảnh thân quen. Vẫn con đường ngoằn ngoèo hẹp te, dài hơn nỗi nhớ. Vẫn từng khóm cây, hàng ghế, mái lá. Vẫn bốn phía xung quanh lồng lộng mây trời. Đôi lúc tôi tự nhủ lòng thầm cảm ơn chủ quán đã giữ lại hình ảnh của quán ngày cũ, giữ giùm một góc hoài niệm nhỏ nhoi cho những ai từng ghé qua. Nó làm người đang ngồi bên ly đắng nhận ra mình cũng từng là người cũ, cũng từng có những cụm ký ức cũng đã cũ càng, giờ đây chỉ còn bàng bạc như sương. Ký ức ấy, có tôi, có Xuyên, có biết bao bạn bè tinh nghịch… và, còn có Hạ.
 “Tao mới gặp Hạ tháng trước”.
Xuyên có chút thảng thốt, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, hỏi:
“Ờ… Rồi sao?”.
 
* * *
 
Thì có sao đâu! Gặp nhau không biết có phải mình từng quen hay người dưng nước lã qua cầu.
Tôi và Hạ gặp nhau ở một quán cà phê, không phải là Giáng Mi, tất nhiên. Thành phố rộng lớn kia tìm những quán xinh đẹp vàsang trọng thì không thiếu, và cũng dĩ nhiên hơn Giáng Mi gấp nhiều lần. Vậy mà làm sao tìm được cảm giác như khi đang ngồi trong quán nhỏ giản đơn ở thị trấn bình lặng quê nhà. Có những thứ không dễ gì giải thích được.
Ngày đó Hạ cũng thường hẹn tôi ra Giáng Mi, không rõ vì anh thích quán nầy như tôi hay do chiều theo sở thích của tôi. Nhưng có lẽ một phần bởi đây chính là nơi chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên. Để rồi phải lòng nhau, cũng từ nơi đó. Chúng tôi là vài người trong số vô vàn những gương mặt mà Giáng Mi từng chào đón. Dẫu đến quán hồ hởi hay ủ rũ, tụm năm tụm bảy hay chỉ hai người, nói cười tíu tít hay chỉ nhìn nhau… quán đều thấy hết. Và quán cũng đều chia sẻ hết, không than phiền hay chán nản. Không gian vốn có giới hạn, nhưng quán vẫn cố mở thiệt rộng lòng – chừng như bất tận, để dung chứa những cảm xúc mà khách mang đến, bất chấp mảng màu ấy tối sầm hay sáng trong.
Những ngày la cà ấy kéo dài cho đến lúc chúng tôi ra đi, mỗi đứa chúng tôi chọn một con đường và không lời từ biệt. Rời trường, bắt đầu làm việc xa nhà, không thể có thời gian ngồi trầm ngâm ở quán như trước nữa. Thỉnh thoảng khi về ghé lại chốc lát trong những dịp về quê, rất vội. Quán, từng có những lúc ngỡ như là không gian của riêng tôi và Hạ, nhưng giờ đây tất cả đã trở thành xa lạ mất rồi.
Xa lạ kể từ khi ra đi. Đi? Làm sao không đi được? Làm sao đối mặt một bên là người mình yêu, một bên là bạn thân của mình. Ra đi, nếu không thì có còn cách nào tốt hơn chăng?
Bởi, tôi chưa từng chuẩn bị tâm lý cho điều đó. Trước đó, tôi đã từng vô tư đến độ không nhận ra tình cảm vừa mới chớm mà Xuyên dành cho Hạ. Tôi khờ khạo cứ mặc định rằng bạn là bạn còn người yêu là người yêu và chúng tôi sẽ mãi là một tam giác mà ba cạnh không chồng lấn lên nhau. Nhưng Hạ tinh nhạy hơn tôi để nhận ra mối quan hệ nầy không phải chỉ là một tam giác.
Dấu hiệu cho sự đổ vỡ của tam giác đó manh nha từ khi Xuyên buông tay người yêu của mình. Tôi và Hạ đã ở bên cạnh Xuyên, an ủi Xuyên, đi chơi cùng Xuyên – có khi cả hai, có khi Xuyên rủ một mình tôi, và cũng có khi chỉ có Hạ. Chúng tôi sẻ chia cùng Xuyên với tư cách là những người bạn thân. Nhưng nào ngờ sợi dây vô hình đã kéo Hạ và Xuyên gần nhau hơn, kể từ dạo đó. Để đến khi tôi biết, mọi thứ đã trễ tràng…
Không giành giựt Hạ về phía mình, cũng nào có quyền gì để oán trách Xuyên, tôi đi. Kết thúc với Hạ, không có nghĩa là tôi cao thượng để nhường người mình yêu cho bạn thân của mình. Chẳng qua, tôi đã quá chán chường, thất vọng, không chỉ về tình yêu, mà gần như mọi thứ. Tôi mất tất cả niềm tin với cuộc sống nầy.
Nhưng rồi Hạ và Xuyên cũng không đến với nhau. Xuyên lấy một chàng trai là bạn làm cùng công ty và cả hai đang sắp có thêm thành viên nhỏ của gia đình. Hạ bẵng đi lâu lắm không nghe tin tức, sau nầy loáng thoáng biết là cũng đã đi làm ăn xa, cho đến khi chúng tôi tình cờ gặp lại ở một quán cà phê hào nhoáng giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến cảnh mình gặp lại người yêu cũ sau bao nhiêu năm quên lãng, vậy mà giờ đây Hạ đang ngồi trước mặt tôi, thâm trầm và lặng lẽ như ngày ấy.
“Đôi khi thèm nghe vài tiếng cười nói thân quen để biết mình không cô độc, nhưng sao khó quá!”. Hạ nói rồi khẽ cười, nụ cười méo xệch. Hình ảnh nụ cười méo xệch đó, có lẽ phải rất lâu sau nầy tôi mới có thể quên được. Tự mình neo vào lòng hình ảnh đó, vì tôi xót xa cho Hạ hay vì mỉa mai?
Liệu chúng ta có thể bắt đầu lại? Hạ đã từng ngỏ ý như thế. Chúng ta ở đây nghĩa là tôi và Hạ. Tình yêu của chúng tôi, đã trở thành một ký vãng cũ càng, như một tấm tranh đã ố vàng theo thời gian, làm sau có thể quay trở lại lúc bắt đầu. Mọi thứ giờ đã là quá khứ. Quá khứ, có những mảnh ghép đẹp đẽ mà con người mong lưu giữ, như cũng có những mảnh ghép cần phải lãng quên.
Mặc dù, nào phải dễ quên như thể cứ nói quên là quên được. Cuối cùng tôi vẫn loay hoay với những câu hỏi đại loại như: tình cảm mà Xuyên dành cho Hạ có thật là tình yêu không hay chỉ nông nổi nhứt thời, ai là người phải lòng và tìm đến người kia trước, mối quan hệ của ba chúng tôi là như thế nào… Những câu hỏi rối rắm không tìm ra lời giải. Đôi khi có những chuyện tưởng chừng như biết ràng ràng ra đó, nhưng là một người phụ nữ làm sao tôi thoát khỏi những câu hỏi mông lung.
 
* * *
 
Mấy tháng sau tôi lại về quê, với tâm trạng nặng trĩu, lần nầy không phải về vô cớ.
Hạ mất đột ngột vào một ngày thành phố trở lạnh, do tai nạn giao thông. Tôi báo tin cho Xuyên và không ngờ đó lại là việc làm khiến tôi ân hận mãi. Xuyên nghe tin đã ngã quỵ trước sân nhà khi cuộc gọi còn chưa kết thúc. Gia đình đưa Xuyên vào bệnh viện cấp cứu, nhưng đứa bé trong bụng đã không còn cơ hội cất tiếng khóc đầu tiên. Tôi ngồi bên giường suốt từ lúc Xuyên được đưa ra khỏi phòng cấp cứu đến khi tỉnh lại, lòng tự trách và dằn vặt ghê gớm. Xuyên mở mắt nhìn tôi xót xa, Hạ đã ra đi, đứa bé cũng ra đi, chỉ còn nỗi đau ở lại.
Bây giờ thì tôi đã trả lời được phần nào câu hỏi về tình cảm giữa Xuyên và Hạ. Tôi mỉm cười đau xót cho cái vòng luẩn quẩn cột chặt ba chúng tôi, và còn lôi kéo thêm nhiều người, như người đàn ông chung chăng gối hằng ngày với Xuyên và cả đứa bé mà chúng tôi chưa kịp nhìn thấy mặt.
Rời bệnh viện, tôi loay hoay mà không biết đi đâu, vòng vèo một lúc lại đến Giáng Mi, không biết vô tình hay do thói quen. Chiếc bàn cũ lần nầy chỉ có mình tôi. Hôm nay là Đông chí – trời phương Nam cuối năm không lạnh nhiều, thỉnh thoảng vài con bấc đẫy đà phả vào người như trêu ghẹo. Quán nằm ở ngoại ô, xung quanh ít nhà cửa, nên khá lạnh hơn bởi gió ngoài sông có dịp len vào từng ngóc ngách của quán mà không chạm phải bất cứ vật cản nào. Có lẽ, cuối cùng chỉ có Giáng Mi là người bạn chân thành của chúng tôi, luôn sẵn sàng san sẻ, ủi an, dẫu không bằng lời.
Quán nào phải là nơi trú ngụ lâu dài của riêng ai, như đúng cách mà người ta gọi nó: quán – chỉ là một địa điểm dọc đường để khách ghé lại rồi ra đi, họa hoằn lắm cũng chỉ níu kéo chân người chùng lại đôi chút. Hợp rồi tan nào phải quy luật của riêng con người, chẳng phải quán vô tri mà cũng chịu cảnh tan hợp đó sao. Nhưng quán không vồn vã mời chào, cũng chẳng bịn rịn tiễn chân, người cứ đến cứ đi, quán cứ ung dung cùng lăn tăn sóng và xạc xào gió.
Quán, đơn giản là quán thôi, để đôi lúc chồn chân giữa chặng dài mê mỏi, ta lại tìm về. Con người “xa mặt cách lòng”, quán thì không. Không chờ ai mà cũng chẳng hẹn ai, nhưng quán luôn mở vòng tay đón những gương mặt dẫu thân quen hay lạ lẫm, đón cả những niềm vui hay nỗi buồn mà họ đem đến.
Quán vẫn thủy chung với bao lớp người trước lớp người sau từng đặt chân đến.
Chỉ là quán thôi mà sao bao dung đến vậy!
Hôm nay chỉ còn một mình tôi và Giáng Mi, ngoại ô, chiều Đông chí…
 
VĨNH THÔNG

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét