Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

MIẾU CÔ HỒN – Truyện ngắn Vũ Thiện Khái

vt-khai

Bóng phần tử xa chừng hương khúc
Bãi tha ma kẻ dọc người ngang
Cô hồn nhờ gửi tha phương
Gió trăng hiu hắt, lửa hương lạnh lùng
(Văn Chiêu hồn – Nguyễn Du

Mấy năm cuối đời, bà tôi thường lảm nhảm nói một mình. Vừa ăn xong bữa trưa, bát đũa rửa chưa kịp khô, bà đã lệt xệt vào bếp hỏi vu vơ: Ơ cái nhà này, quá ngọ rồi mà chả cho ăn cho uống gì sất là sao. Tôi bảo bà lẫn rồi. Bà mắng: Cha bố anh. Bán cái lẫn của tôi cũng mua được cây vàng cho anh làm vốn đấy. Không ít lần bố tôi đang tiếp khách, bà chống gậy lần mò đóng hết cửa trước cửa sau, cả bốn khuông cửa sổ cũng đóng nốt. Kín bưng rồi bà ra ngồi với khách, phân trần: Các anh có lớn mà chẳng có khôn. cửa nẻo mở toang toác không sợ ma đói nó nghe lỏm chuyện à?
Rồi bà kể lể dài dòng: Trước Cách Mạng Tháng Tám 1945 mấy tháng, dân ta còn phải chịu một cổ hai tròng Pháp và Nhật, dẫn đến đại nạn đói tháng ba Ất Dậu. Tới mùa gặt lúa chiêm năm ấy, cái đói tạm qua đi, nhưng đường làng Điềm chật ních ma đói. Quờ tay là chạm vào họ như chạm quả bóng bay lơ lửng. Nhà có giỗ bố, hôm trước con cái bàn với nhau  nấu nướng những gì, hôm sau ông bà ông vải chớ hòng được hưởng. Ma đói kéo đến đầy nhà. Cỗ bàn bê xuống vữa vãi như đồ ăn thừa. Nửa đêm ông vải về báo mộng chẳng được miếng nào. Ma đói nhào vào tranh ăn hết. Sau làng mời thày pháp về lập miếu cô hồn giữa bãi dứa dại ngoài đê  sông Nguồn, ngày rằm, mồng một cử người thay phiên nhau cúng nồi cháo trắng mới yên yên đấy.
Tôi nhớ mấy lần, bà tôi đóng kín mít mọi cánh cửa rồi cầm tay tôi kéo vào ngồi trong xó tối. Đầu bà quay bốn phía quan sát, để biết chắc không ai nghe trộm được. Vậy mà bà vẫn hạ giọng tới mức mỗi lời chỉ vừa đủ lọt đến tai tôi: Cháu phải nhớ kỹ, cái tháng ba Ất Dậu 1945 ấy dân tình đói chao đói chát. Phần Tây ép dân bán tới hạt thóc cuối cùng cho nó dự trữ quân lương, phần những chân lúa sớm bị Nhật bắt nhổ lên lấy ruộng trồng đay dệt bao tải, nên mới qua tết dân đã phải ăn rau, ăn cỏ. Rồi cỏ, rau cũng hết, phải ăn đến cây chuối, lá chuối. Đến ruột cây đu đủ, biết là mủ nó độc lắm cũng ăn. Ăn rồi phù thũng mình mẩy lăn ra mà chết. Đận ấy, làng mình mươi nhà thì dăm nhà có một hai người chết đói. Có nhà giầu giấu được ít thóc, tham rẻ, đổ thóc mua ruộng. Đến lượt mình chẳng còn hột gạo, ôm đống văn tự nằm chết xó vườn. Không hiếm nhà chết không còn một mống. Có cảnh mẹ chết rồi, con còn thoi thóp chóp chép nhay nhay núm vú xám ngoét. Có người chết đã lâu, dòi bọ to bằng đầu đũa lúc nhúc bò kín cái xác trương phình, hàng xóm phải kéo sập mái tranh đốt đùng đùng mới dám lôi đi chôn. Tình cảnh thảm thiết lắm.
Bãi chợ làng mình, dân đói tứ xứ kéo đến nằm la liệt. Chợ búa chẳng dám bán buôn gì. Thật ra dân tình xác xơ cả rồi, còn gì mà mua với bán. Hễ  hở cái gì nhét vào mồm được đều bị họ cướp sạch. Tuần đinh trị an cũng chịu thua. Chẳng ai nỡ quất roi vào những tấm lưng trơ xương ấy. Không đánh thì cũng chỉ ngày mai hay ngày mốt họ đã nằm chết co quắp góc lều rồi. Mỗi ngày ông lý trưởng phát cho mỗi dân phu thu dọn xác chết một chiếc bánh chưng bằng lòng bàn tay ăn cầm hơi. Lúc đầu mỗi xác được bó một tấm chiếu cói. Sau chiếu cũng hết, từng tấm thân cứng ngắc chỉ còn da bọc xương, trần như nhộng cứ vậy bị quẳng lên xe ba gác. Ngày một chuyến, ngày hai chuyến xác người nằm chồng lên nhau, chân tay thò ra lệt quệt mặt đường. Hành trình cuối cùng của những con người xấu số ấy chỉ non cây số, bánh xe ục ịch nặng nề lăn bánh, cánh phu xe đói lả phải nghỉ tới dăm lần. Tới bãi sông Nguồn họ chôn lấp quấy quá, vài tháng sau gặp mưa, những nấm mồ vô chủ chôn chung ấy thụt lún xuống, thò lên những bàn chân, bàn tay thâm đen. Đêm đêm vọng vào làng, tiếng chó hoang tru từng hồi ngoài bãi sông nghe ghê rợn tóc gáy. Có lần trương Tho động vào một xác người thẳng đơ, bất động, tưởng chết rồi. Bất ngờ người ấy bật lên mấy tiếng thều thào: Ông ơi… con chưa chết đâu. Ngần ngừ một lát, trương Tho tặc lưỡi bảo bọn tuần: Thôi để tắt thở hẳn chuyến sau ta làm nốt. Thương xót lắm cũng chỉ thốt được mấy lời cảm thông lạnh lùng như vậy. Chả nên trách họ nhẫn tâm vô cảm. Hôm nay họ nhặt xác người, ngày mai người khác nhặt xác họ, biết đâu. Mỗi ngày được một tấm bánh chưng bằng lưỡi mèo, chia ba chia bẩy cho vợ cho con, cả nhà cầm cự cả tháng trời rồi, chết cả nút là cái chắc.
Cuối tháng ba, ngoài đồng, giống lúa sớm đã lác đác làm đòng. Dân đói túa ra tước từng nắm cấn lúa non nhai ngấu nghiến. Trương Tho dẫn tổ tuần đinh canh phòng, giả vờ đưổi đầu nọ bỏ đầu kia lấy lệ. Vợ Trương Tho lết ra chợ Điềm chờ chồng chia cho miếng bánh chưng. Đói quá nằm gục chết lẫn vào đám xác người tứ xứ. Cánh dân phu nhặt xác chẳng nhận ra, hốt lên xe ba gác đem chôn ngoài bãi. Đêm, Trương Tho trộm được mớ lúa bao tử đem về giã thành bột nấu cháo loãng, gọi vợ, vợ chết mất xác rồi. Chỉ còn thằng con mấy tuổi nằm thoi thóp.
Sau đận đói ấy, cơ man ma đói lởn vởn cùng người sống. Đã xẩy ra chuyện, nhập nhoạng tối hôm trước, hai bà hàng bánh đúc hẹn nhau canh tư đi bán chợ xa. Nửa đêm gà gáy te te, bà này choàng dậy, nghe bà kia gọi ngoài cổng, te tái đội thúng bánh ra đường. Hai người đi mãi trong sương mù chẳng thấy trời sáng, bảo nhau ngồi nghỉ. Bà bạn bảo: Chị cởi khăn em bắt chấy cho. Bà kia xổ mái tóc dài loã xõa, chợt rùng mình, thắc mắc: Tối vầy sao thấy được chấy? Thì chị quay lại coi mắt em có sáng không? Bà kia ngoái cổ thấy sát sau gáy mình hai con mắt lồi ra như hai quả trứng gà xanh lè xanh lét, kêu rú được một tiếng rồi nằm chết ngất. Bảnh mắt hôm sau, người ra đồng đi qua thấy bà kia nằm trên nấm mộ chưa xanh cỏ. Họ túm đến, kẻ hú hồn, người cạo gió. Nạn nhân tỉnh lại, thúng bánh đúc bị ma vày thiu nhớt.
Mấy đêm đầu ngủ ở làng Điềm, nghe gió khua hú vu vu qua mái nhà, tôi sởn gai ốc nghĩ tới năm xưa bà kể những bóng ma lởn vởn ngoài đường. Lồm cồm bò sang giuờng chú tôi, hỏi: Cái miếu cô hồn cúng cháo ma đói còn không chú. Chú tôi trả lời: Còn. Vẫn hiện diện lạnh lẽo giữa bãi dứa dại um tùm ven sông Nguồn từ bấy đến giờ. Thấy tôi nằm co rút sợ hãi, chú cật vấn: Sao cháu biết? Tôi thuật lại những chuyện ma bà nội đã kể. Chú tôi trấn an: Ôi giời! Các bà già toàn nhồi nhét vào đầu bọn trẻ những chuyện hoang đường nhảm nhí. Ngày chú còn bé, mẹ chú cũng kể y như vậy. Nhưng chuyện người chết đói như ngả rạ thì có thật. Trận đói thảm khốc, kinh hoàng năm ấy, làng Điềm mình có hơn nghìn nóc nhà với hơn năm nghìn nhân khẩu, sau tháng ba Ất dậu, kiểm lại còn gần bốn nghìn. Mấy chục căn nhà không còn người ở. Chục năm sau cỏ lút mái tranh. Mèo hoang và chuột bọ vào đào hang trú ẩn, sinh sôi nhiều vô kể. Số người làng đi ăn xin chết ở xứ người cũng nhiều. Số sống sót không về làng cũng có, nhưng ít lắm.
Trưa hôm sau, dẫn tôi ra vuờn, chú tôi chỉ tay về phía ngọn cây mít đàng sau mấy nóc nhà hàng xóm: Đấy là thổ ngơi nhà ông Thân. Hiện giờ người em họ ông Thân cho con trai mình sang ở để trông nom hương khói. Ông Thân thoát nạn chết đói năm Ất dậu là nhờ một cơ duyên vô cùng may mắn. Biết không qua được nạn đói này, bố mẹ ông nghĩ ra cách dìu nhau lết ra bãi sông Nguồn, mong manh hi vọng có ông lái nào chống  thuyền đi qua thương tình cứu giúp. Ông Thân năm ấy còn là đứa trẻ năm, sáu tuổi, còn sức bò lê lên được mặt đê sông Nguồn là nhờ bố mẹ nhường con mấy miếng rau dại cuối cùng kiếm được. Hôm ấy, bố mẹ ông Thân cùng nằm chết chỗ gần mép nước. Quá trưa có mấy anh chân sào kéo thuyền lừ đừ ngược nước. Động lòng trước cảnh thằng bé ngồi ôm xác bố mẹ lạnh ngắt khóc không thành tiếng, ông lái chủ thuyền cho cắm sào rồi cùng mấy anh hóp đò khiêng xác hai người vào chôn cất tử tế chỗ gần chân đê. Xong việc, ông thắp ba nén nhang, xá ba xá, rớt nước mắt khấn mấy lời xin nhận thằng bé làm con nuôi. Rồi ghé vai cõng nó xuống thuyền. Nhớ ngày giỗ, ông lái ghé bãi năm trước, cùng thằng con nuôi lên bờ với một mâm đồ cúng. Nào ngờ nấm mộ bố mẹ ông Thân đã thành đống mối, quanh đống mối đã mọc lên những thân dứa dại  bạc phếch, tầu dứa xanh thẫm vươn dài, hai mép lá mọc hai hàng gai nhọn hoắt. Hoá xong vàng mã, ông lái an ủi con nuôi: Vậy là trời đất thương tình đã đắp điếm mộ phần bố mẹ con rồi. Từ giờ con yên tâm nhé.
Từ đấy thằng bé Thân được ông lái nuôi nấng, được ông cho lên bờ đi học cùng với các con ông. Tết năm nào ông lái cũng cùng con nuôi về bãi sông làng Điềm lễ mộ. Nhưng chỉ là cúng vọng trước một rừng dứa dại bời bời, lá dài như lưỡi kiếm đan xoắn vào nhau, chó cũng không chui lọt. Mộ phần bố mẹ ông Thân mỗi năm mỗi thêm mơ hồ chẳng biết đích xác chỗ nào giữa trùng trùng hoang vu ấy. Những xác chết vô thừa nhận ngoài chợ Điềm năm đói cũng được chôn lấp sơ sài trên bãi sông này. Mấy chục năm rồi, linh hồn họ bơ vơ nương náu vào nhau, cùng chia nhau nồi cháo loãng dân làng Điềm tư rằm cúng kiếng. Cùng chịu chung cảnh ngộ mùa lụt nước dâng ngập mộ. Ban đêm vô vàn đom đóm lập loè. Ban ngày hun hút gió sông lạnh lẽo. Bốn mùa quang cảnh vắng vẻ đến rợn người.
Được ông bố nuôi nhân đức cho đi học tới tốt nghiệp đại học Thuỷ Lợi, ông Thân về tỉnh công tác. Cách nay gần chục năm, ông nghỉ hưu, giao lại chức trách giám đốc sở rồi về quê xây ngôi từ đường. Năm mấy lần đưa con cháu thăm quê, cúng giỗ.  
Trương Tho còn sống tới bây giờ. Tuổi hơn chín chục rồi, ai hỏi, cụ vẫn minh mẫn kể vanh vách chuyện tháng ba Ất dậu kinh hoàng, không sót tình tiết nào. 
Tôi về nghỉ hè giữa lúc làng Điềm đang xôn xao bức xúc chuyện người cháu nội ông trương Tho đứng tên cho ông chủ người nước ngoài bỏ tiền mua quyền khai thác bãi dứa dại bên sông Nguồn thời hạn mấy mươi năm. Họ đang rục rịch tập kết máy móc phương tiện phá rừng dứa dại rồi san lấp để xây dựng khu ăn chơi. Họ bảo đấy là điểm nghỉ mát vệ tinh của đại dự án du lịch sông Hồng liên kết qui mô hàng chục tỉnh thành.
Người con sống sót trong đận đói tháng ba Ất Dậu của ông Trương Tho, thời đánh Mỹ vào bộ đội. Trước lúc đi B anh để lại thằng này trong bụng vợ. Anh hy sinh năm 1972. Thằng này nhờ tiêu chuẩn con liệt sĩ, được nhà nước chiếu cố nuôi cho ăn học tới nơi tới chốn. Ra công tác mấy năm đã leo đến chức trưởng phòng gì đó của công ty du lịch tỉnh. Tháng trước, hắn đánh con xe tiền tỷ chở một ông ăn vận lịch sự về nhà. Ông này đeo kính gọng vàng, hai tròng trắng che đôi mắt một mí, che hai hàng lông mi cum cúp giấu đôi con ngươi ti hí luôn nhìn ngang liếc xéo. Ông ta nói tiếng Việt lơ lớ giống mấy chú Khách năm xưa buôn bán ngoài chợ Điềm. Ngồi nói chuyện với cụ trương Tho, hắn quảng cáo: Đây là dự án tiền tỷ đô la lớ. Cả một hệ thống nhà hàng trên bờ, nhà hàng nổi dưới sông phục vụ quý khách du lịch vui chơi giải trí lớ. Dân làng Điềm sẽ có nhiều cơ hôi kiếm việc làm lương cao lớ. Cụ Trương Tho hỏi hắn: Bãi này hiện là nơi chôn cất nhiều sinh linh chết đói năm Ất Dậu. Đống xương họ còn nằm dưới đất. Ông tính sao? Thì ngộ cho thu gom rồi thiêu, rồi rải xuống sông cho mát mẻ. Cụ Trương cố kìm nén, hỏi lại: Dưới đấy còn có xương cốt của vợ tôi, tức là bà nội cái thằng cho ông núp bóng mua đất ấy, ông nghĩ gì không? Nếu chỗ này có mộ mẹ ông, ông cũng cho hót đổ xuống sông à? Hắn lạnh lùng trả lời: Tôi rất tiếc. Phải lấy đại cục làm trọng lớ. Giận quá, cụ Trương định chửi vào mặt hắn: Đại cục cái con mẹ mày, cút về nước mày mà đại cục cứt với nhau. Nhưng cụ ghìm được cơn phẫn nộ, chỉ nói to như quát: Này tôi bảo cho ông biết, chỗ ngã ba trọng địa thiêng liêng này không thể, không bao giờ là chỗ cho bọn ông muốn nhảy vào nằm sẵn đấy là được đâu. Ra thực địa mà nhìn đi, phía thượng nguồn, cách chưa đầy nửa cây số còn sừng sững di tích đoạn thành đồn của các quan tướng, dân binh Cần Vương chống Tây đấy. Trên đấy còn nghi ngút khói hương ngôi đền Nghĩa sĩ Trung Liệt đấy. Lá cờ Thần gần hai trăm năm nay chưa ngày nào thôi phần phật tung bay trước cổng ngôi đền oai linh ấy đâu. Nhớ lấy nhé, kẻo lại bảo ta chưa cảnh báo. 
Sau buổi gặp mặt đầy giận dữ ấy, Cụ Trương can gián hết lời, chửi mắng hết nhẽ, thằng cháu nội cụ vẫn trơ trơ, bịt tai giả điếc. Người hiểu biết thở dài ngao ngán: Chắc cu cậu  được lại quả số cổ phần khơ khớ rồi. Không quen ăn kiểu ấy, sao có nhà lầu xe hơi, sao lấy được vợ đẹp, sao dư tiền để mai mốt cho con du học bên Tây bên Mỹ?
Ông Thân sau nửa tháng chạy đôn chạy đáo đơn từ trình cấp nọ cấp kia, chiều nay ông thẫn thờ trở về làng Điềm. Chập choạng tối rồi, ông vẫn lập cập đi ra ngôi miếu Cô hồn, tay xách túi đồ cúng gồm thẻ nhang và nải chuối vườn nhà chín cây. Gặp cụ Trương Tho chống gậy đứng quay mặt ra mặt sông Nguồn cờn cờn sóng vỗ. Hai người lẳng lặng đi qua lối nhỏ len giữa hai bờ dứa dại dẫn vào ngôi miếu cô hồn. Ông Thân đặt đồ lễ lên bệ thờ, thấy ba chấm đỏ cháy nửa thân nhang. Ông đoán có người vừa vào lễ miếu này.
Đứng lom khom giữa cửa miếu chập chờn hai ngọn nến, cụ trương Tho buông một tiếng thở dài: Chả lẽ dân mình chịu lép rồi sao. Nhớ đận dân công đắp đê đã xâm phạm chỗ này, ông về ra một lệnh đình chỉ ngay, huyện phải y một phép. Ông Thân đáp lời: Cụ ơi, ngày ấy còn làm trưởng phòng đê điều, được tin tôi tức tốc về ngay. Thấy hố nào hố ấy xếp đầy xương trắng, lệnh đắp điếm lại và cho đào chỗ đất khác là đúng chức trách của tôi. Còn bây giờ, chốn này, với dân mình là mồ mả linh thiêng, là động chạm đến nơi yên nghỉ của bao linh hồn xấu xố, trong đó có bố mẹ tôi, có bà vợ cụ. Nhưng phức tạp lắm cụ ơi, tôi đã trình bày hết nhẽ thiệt hơn với các cấp rồi. May ra nhờ địa thế chiến lược ngã ba sông nhạy cảm, tôi hi vọng dự án này có thể bị rút giấy phép đầu tư thì vạn phúc.
Trước khi ra về, ông Thân cúi đầu, khấn với các vong linh mà như thì thầm cùng cha mẹ: Lần này có thể con thua cuộc rồi. Có thể con không giữ được bình an cho chốn yên nghỉ cuối cùng của bồ mẹ rồi. Có những việc, sức vóc một người không lay chuyển nổi một tình thế, dẫu rằng mình đúng mười mươi, bố mẹ ơi!
Hai ông lên đến mặt đê thì gặp cơn mưa rào đầu mùa. Tóc râu cụ Trương ướt loã xoã. Hai má ông Thân mưa quất rát rạt. Sau lưng hai ông, sông Nguồn tối đen thăm thẳm, sóng động ầm ào.
Vũ Thiện Khái
Trích trong tập truyện ngắn Sông Nguồn                                                                              
5/6/2016 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét