Thứ Năm, 26 tháng 1, 2017

Những cây bút nhà giáo trong làng văn học Tây Ninh – La Ngạc Thụy

NTVN15
Trong năm 2016 lĩnh vực văn học nghệ thuật ở Tây Ninh đã diễn ra 2 sự kiện quan trọng, đó là “Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh mang tên Xuân Hồng lần thứ 2 và cuộc thi sáng tác văn học với 2 thể loại thơ và bút ký để chào mừng “kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển”. Về mảng văn học Giải thưởng Xuân Hồng có 12 tác giả đạt giải và cuộc thi kỷ niệm 180 năm hình thành và phát triển có 13 tác giả đạt giải. Chiếm một phần đáng kể trong số các tác giả nói trên là những gương mặt nhà giáo: 5 người giải Xuân Hồng và 6 người giải cuộc thi sáng tác. 

Có thể nói trong suốt thời gian qua, các nhà giáo hoặc xuất thân là nhà giáo đã là một thành phần nồng cốt trong lực lượng sáng tác văn học ở Tây Ninh. Có thể điểm lại một số tên tuổi ít nhiều đã khẳng định được mình trong lĩnh vực sáng tác như: Trần Hoàng Vy, Thiên Huy, Nhất Phượng, La Ngạc Thụy, Đào Thái Sơn, Vũ Hồng, Vũ Miên Thảo, Phùng Thị Tuyết Anh, Thiên Kim, Đặng Mỹ Duyên, Lê Thị Phù Sa, Nguyệt Quế, Nguyễn Thị Kim Liên, Nguyên Hạ, Lê Văn Thật, Nguyễn Xuân Khanh, Trần Nhã My … Tất cả đều đã từng đứng trên bục giảng hoặc đã từng là cán bộ quản lý trong ngành giáo dục.
Trong những cái tên kể trên thì tác giả Trần Hoàng Vy xứng đáng là gương mặt tiêu biểu, nổi trội với hơn chục đầu sách văn học đã xuất bản, đạt nhiều giải thưởng từ trung ương đến địa phương. Anh cũng được kết nạp vào Hội  Nhà văn Việt Nam.Trần Hoàng Vy sở trường về thơ nhưng anh cũng sáng tác cả văn xuôi nhất là mảng thiếu nhi và tuổi mới lớn. Thơ anh nhiều bài hướng về đề tài sông nước, quê hương; phần văn xuôi của anh thường  chỉn chu, mực thước đúng phong cách của nhà giáo.
Thầy giáo Đào Thái Sơn dù bận bịu với công tác quản lý một trường trung học cơ sở với chức vụ hiệu phó, nhưng bạn bè văn nghệ vẫn thất được ở anh một sức sáng tạo bền bỉ, đều đặn..Sơn đã có tập thơ đầu tay “Ánh mắt tẩy trần” . Anh có khuynh hướng sáng tác về dđề tài dân tộc Chăm, tập thơ đầu tay của anh đã thể hiện rõ điều đó. Dạo sau này Sơn còn thâm nhập vào lĩnh vực nghiên cứu, đã có nhiều bài viết đăng tải trên tạp chí Kiến thức, Xưa và Nay….Thơ Đào Thái Sơn qua tập “Ánh mắt tẩy trần” là sự xâu chuỗi những liên tưởng, tìm lại vóc dáng dân tộc Chăm- một đề tài mà bao nhiêu năm qua ở Tây Ninh chưa ai dám xông vào.
Đặng Mỹ Duyên – nguyên là cô giáo mầm non là một cây bút vừa viết văn vừa làm thơ, chưa kể chị còn là một cộng tác viên khá chắc tay của báo tỉnh nhà. Ở chị hai thể loại nổi trội song song nhau. Thơ Mỹ Duyên nhuần nhuyễn câu từ, vần điệu. Nhiều bài có từ ngữ, hình ảnh khá lạ, chẳng hạn như:
" Cũng đành rớt giọt nước mưa/ Đựng trong hũ mẻ/ Đậy vừa mo nang/ Cũng đành/ Lỡ đục, lỡ trong/ Sương treo bông bưởi/ Rớt vòng nhện giăng…"(Cũng đành) hay: "Cô ấy khóc mình ên suốt tối/ Chẳng một người cho mượn đỡ bờ vai." (Cô ấy khóc mình ên).
Trong số những gương mặt nhà giáo sáng tác ở Tây Ninh, không thể quên các cô giáo chuyên làm thơ ở các huyện phía Nam và Đông Nam của tỉnh. Nhà thơ nữ Nguyệt Quế – hiện là Phó chủ tịch Hội Cựu Giáo Chức huyện Gò Dầu bắt đầu làm thơ từ những năm 70 của thế kỷ trước nhưng cho mãi đến năm 2007 chị mới xuất bản tập thơ đầu tay có tên: “Trăng ngân”. Năm 2012 được sự hỗ trợ từ quỹ sáng tạo của trung ương, chị xuất bản tập thơ thứ hai “Tóc rau hẹ” và tập thơ này đã được xét  trao giải Xuân Hồng lần II – 2016.Nhà thơ nữ xuất thân từ làng quê, có lẽ vì vậy mà thơ Nguyệt Quế như con người chị, thắm đẫm  giọng hò quê nam bộ, nhẹ nhàng như sóng gợn dòng sông, chan chứa tình người. Hãy đọc bài thơ “Tóc rau hẹ” bài thơ trong tập thơ đạt giải để thấy chất trữ tình giăng khắp:
Tháng mười / gió mỏng se se/ Ngoài bưng rau hẹ nở xòe tóc mây/ Mong manh sợi biếc, sợ phai/ Rau quê no bữa những này ấu thơ.
…. Nghe thèm / một chút heo may/ Nhớ mùa rau hẹ, dáng gầy mẹ yêu
Đạt giải Xuân Hồng cùng năm với Nguyệt Quế là Nguyễn Thị Kim Liên – nhà thơ nữ Trảng Bàng. Nói về thơ của chị, nhà văn Vũ Thiện Khái cho rằng: “cô giáo Nguyễn Thị Kim Liên làm thơ nên nghệ thuật ngôn từ cứ đẹp từ ý đến lời. Con sông nào vào thơ Kim Liên, con sóng nào vỗ trong hồn nhà thơ cô giáo cũng hóa thành biếc xanh con nước, êm ả câu hò, đôi bờ nào cũng hóa bến nước nồng nàn cho con thuyền yêu tìm chỗ đậu, cho những nụ hôn cứ kéo dài vô tận những chao chiêng”. Trong bài thơ có tên được chọn làm tựa đề cho cả tập thơ: “Con sông chúng mình”. Nhà thơ nữ đã viết: Vàm Cỏ của em và Vàm Cỏ của anh/ Cho chúng mình một quê hương đằm thắm/ Một tình yêu ngọt ngào sâu đậm/ Và dập dìu như con nước dịu êm.
Còn Lê Thị Phù Sa- cô giáo một trường vùng sâu của huyện biên giới Tân Châu lại là người đắm đuối với thơ vừa đam mê bộ môn sân khấu cải lương. Chị đến với thơ đã hơn 20 năm và đã có tập thơ “Chiếc bóng bên đời” cho riêng mình. Tuy làm thơ và mê thơ nhưng Lê Thị Phù Sa được người ta biết đến nhiều hơn ở lĩnh vực sân khấu, ca cổ qua bút danh Hồng Ngự. Những bài vọng cổ do chị sáng tác đã đưa tên tuổi của chị vướt ra ngoài tỉnh. Các bài ca cổ của Hồng Ngự từng được các nghệ sĩ nổi tiếng trong làng cải lương Nam bộ thể hiện. Loại hình nghệ thuật này cũng đưa chị đến với giải thưởng Xuân Hồng và được kết nạp vào Hội Sân khấu Việt Nam năm 2016.
Nguyễn Xuân Khanh, Thanh Liêm, Chân Quê 3 nhà giáo ở 3 xã cánh tây huyện Trảng Bàng là đồng tác giả của tập thơ in chung: “Tình yêu và Khoảng lặng” và thầy giáo Lê Văn Thật cũng in được tập thơ riêng năm 2014. Các tác giả đã tạo ít nhiều dấu ấn trong làng văn nghệ tỉnh nhà. Đáng buồn là nhà thơ nữ Nguyễn Xuân Khanh đã đột ngột qua đời cách nay không lâu để lại nhiều thương tiếc cho bạn bè làng văn nghệ tỉnh nhà.
Nếu như thơ của Nguyệt Quế, Nguyễn Thị Kim Liên, Nguyễn Xuân Khanh vẫn theo phong cách thơ truyền thống, và thiên về ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước con người, thì Trần Nhã My- cô giáo trẻ cũng là một cây bút trẻ khá nổi bật với phong cách sáng tác theo chiều hướng hiện đại, như nhà văn Vũ Thiện Khái đã nhận định: “Bút pháp thơ Nhã My luôn liên tục  một chuỗi cách tân độc đáo không chút lẫn vào một vệt đường mòn của bất cứ ai đi trước”. Trần Nhã My đã có 2 tập thơ riêng xuất bản trong vòng 3 năm, và  cả 2 tập đều được Ủy ban Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng vào năm 2013 và 2015. Sức viết của cô giáo trẻ vẫn còn dồi dào, mạnh mẽ và sức sáng tạo vẫn còn tiềm tàng trong cô, văn nghệ Tây Ninh có quyền kỳ vọng ở cây bút trẻ này những phá cách mới trong thời gian tới.
Trong lớp nhà giáo làm thơ lão làng hiện nay, phải kể đến Vũ Miên Thảo. Ông giảng dạy và làm thơ từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thơ Vũ Miên Thảo chân thật đến lạ kỳ, khẳng định một thể thơ mà anh đang tìm tòi và khám phá. Chân thật ở chỗ ngôn ngữ thơ lúc nào cũng bình dị nhưng gieo vào lòng người những nỗi buồn thăm thẳm, chất chứa nỗi cô đơn và hy sinh. Chỉ cho mà không đòi hỏi như: "những cánh lục bình trôi mãi trong dòng đời/ cho dù ngày nắng hay đêm mưa". Và đây là cách mà ông sử dụng ngôn ngữ thơ: "Nắng đâu vào trúng ngực em/ Cho tôi và phố thót tim mỗi ngày". Hoặc : "Từ khi nợ gặp duyên / niềm đau rơi lăn lóc".
Hiện nay Vũ Miên Thảo vẫn đang thử nghiệm với thể loại “Lục bát rớt dòng” như: “Thôi thì / say với cô đơn / còn hơn tỉnh / phải thiệt hơn tình đời”. Hay “Bây giờ/  phố núi dọc ngang / Phố hai dòng chạy, nhớ tràn hồn tôi/ em ơi/  chờ đứng / mong  ngồi/ lang thang / sợ mất rạng ngời dáng xưa…” (Vàng thu phố). Đối với Vũ Miên Thảo, thơ tình yêu cũng là thế mạnh, đây chính là cuộc hành trình tìm kiếm và sáng tạo. Có vẻ như nhà thơ muốn tạo dựng nét mới cho thơ của thể thơ lục bát truyền thống dù tuổi ông đã qua ngưỡng 70.
Các cây bút là nhà giáo hoặc từng là nhà giáo  Thiên Huy, Nhất Phượng, Phùng Thị Tuyết  Anh, Nguyên Hạ, Thiên Kim … thì chuyên về văn xuôi, hầu hết là viết truyện ngắn. Tác giả Nhất Phượng là cây bút đoạt giải caotrong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội với tác phẩm “Cà Na Đắng”. Mới đây truyện ngắn này đã được soạn giả Đăng Minh chuyển thể thành vở cải lương có tên “Vị ngọt cà na đắng”. Vở diễn được Đoàn Nghệ thuật Tây Ninh dàn dựng đưa đi tham dự Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc và đã giành được huy chương bạc. “Vị ngọt cà na đắng” sau đó được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam.
Thiên Huy – nhà giáo hiện đã về hưu, ông viết không nhiều lắm, nhưng ông có truyện ngắn được đưa vào chương trình giảng dạy văn học Tây Ninh. Cũng là cán bộ quản lý ở một trường trung học phổ thông như Thiên Huy nhưng thầy giáo Vũ Hồng thích đưa ngòi bút vào mảng lý luận, phê bình. Các bài viết của anh thường đưa ra những ý kiến, cảm nhận khá sắc bén. Riêng 3 cây bút nữ: Thiên Kim, Nguyên Hạ, Phùng Thị Tuyết Anh thì có nhiều tác phẩm văn xuôi được đăng trên báo Tây Ninh, tạp chí Văn nghệ Tây Ninh. Cô giáo Phùng Thị Tuyết Anh đã giành giải nhì và cô giáo về hưu Nguyên Hạ giành giải khuyến khích về bút ký trong cuộc thi sáng tác văn học do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2016, nhân kỷ niệm “180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển”. Xuất hiện muộn hơn trong lĩnh vực sáng tác là các thầy giáo, cô giáo mới được kết nạp vào Hội như: Nguyễn Thị Phượng, Anh Thi, Quang Thảo, Trần Văn Hờ, Đỗ Thu Trang, Trúc Lan, Nguyễn Hồng Phượng…
Ngoài lĩnh vực văn học, các thầy giáo, cô giáo đã hoặc đang công tác trong ngành giáo dục Tây Ninh còn góp mặt ở lĩnh vực sáng tác khác; trong số đó có thể kể đến những cái tên đã trở thành quen thuộc như Nguyễn Quốc Đông, Trần Quang Cường (nhạc sĩ), Nguyễn Văn Bình, Trần Văn Chỉnh (Họa sĩ)… Họ- mỗi người mỗi vẻ đang góp sức làm nên sắc màu cho diện mạo văn học nghệ thuật Tây Ninh ngày càng thêm tươi thắm.
 La Ngạc Thụy       

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét