Và hồn ta dường như đong đầy hồn xuân bởi
vẻ đẹp của quê hương hòa quyện với vẻ đẹp của thi ca, mang đến lòng
người một bức tranh đầy đủ sắc màu, đủ sức khơi gợi biết bao câu chuyện
đẹp đẽ từ quá khứ đến hôm nay, từ mùa xuân trước đến mùa xuân sau. Liên
Chiểu ơi! Con đường ta đi dệt nên gấm vóc/ Xoa dịu nỗi buồn hóa ngọt
đắng cay/ Ta đã bước những bước dài theo năng tháng/ 20 năm ấy là khúc
say, những câu thơ trong bài “nồng nàn Liên Chiểu”, tác giả Biện
Kim Yên như rót vào hồn tôi một khúc ca đằm thắm ngọt ngào, bởi mảnh đất
ấy đã gắn liền với bao kỷ niệm, dẫu thoáng qua “như một nỗi tình cờ”
(chữ nhà văn La Ngạc Thụy), day dứt và đầy trăn trở. Dẫu tôi mới gắn bó
vùng đất này vỏn vẹn bốn năm, có lúc thoáng qua cơ hồ như giọt nước lăn
tăn trên mặt hồ, có lúc nhẹ nhàng như hạt phù sa vang vọng tiếng gọi
lòng sông Cu Đê hiền hòa chảy ra biển lớn, có lúc rì rào những con
thuyền vững chải vượt sóng Hải Vân. Và mỗi mùa xuân đến tôi đón chào
“tin xuân” trong một khát vọng mới, mãnh liệt hơn, tự hào hơn, dẫu mới
chỉ tái lập 20 năm nhưng Liên Chiểu hòa chung mạch ngầm văn hiến nghìn
năm lịch sử dân tộc. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, chủ tịch hội khoa học
lịch sử thành phố viết về sự hình thành của quận Liên Chiểu: “Vùng
đất Liên Chiểu có một địa danh gắn với hành trình quảng-nam-mở-cõi: Nam Ô
– tức là phía Nam của Châu Ô. Người Việt đã sở hữu được Nam Ô nói
riêng, vùng đất Liên Chiểu nói chung từ năm 1306”. Trải qua biết
bao thăng trầm lịch sử, Liên Chiểu đã góp vào bản đồ Đất Việt, một diện
mạo không lẫn vào đâu được, gắn liền với bề dày văn và lịch sử, gắn liền
với rất nhiều những địa danh nổi tiếng. Trong nhạc phẩm “Liên Chiểu
tuyệt vời một bức tranh xuân”, nhạc sỹ Nguyễn Duy Khoái phác họa trọn
vẹn cái tình của người và đất Liên Chiểu, nhất là mỗi khi khoảnh khắc
giao thoa của đất trời, cái tình của người và đất Liên Chiểu như vang
lên đầy tự hào: “Liên Chiểu ngọt ngào tên làng tên phố thân thương/
Hòa Hiệp, Hòa Minh, Nam Ô, Hòa Khánh, Kim Liên, Thủy Tú, Làng Vân, Xuân
Thiều/ Ngọn đèn Hồng Phước, ngọn lửa cây xăng còn sáng mãi truyền thống
xưa…”. Ở mỗi vùng đất ta đi qua, không chỉ là nơi ta sống, học tập
và làm việc mà ẩn chứa trong đó biết bao nhiêu tình: tình đồng chí, tình
đồng đội, tình quê hương, tình bạn bè anh em.. Trong một đêm thao thức ở
đèo hải Vân, tôi đã từng lặng lẽ viết về “trang trại tâm hồn” đầy nỗi
niềm tuổi trẻ: những âm thanh vang lên trong cuống họng/ những vạt
sáng lấp ló phía non ngàn/ gió ngang mây cao/ kéo vài giọt sóng dạt bờ/
núi và biển/ gần và xa/ như những nhịp đập/ rạt rào rạt rào, đựng trên
chiếc lá (trích “vọng âm biển”, Phan Nam). Trong mỗi con người,
dường như giọt nhớ, giọt thương được bày tỏ sâu sắc nhất trong mỗi vần
thơ, những vần thơ nói lên nỗi niềm rất thật khi mà ta khó có thể bày tỏ
cùng ai. Tuyển tập “tin xuân” kỷ niệm 20 năm thành lập quận Liên Chiểu
mà tôi may mắn được cầm trên tay đã thay lời nói hết những nỗi lòng mà
vùng đất này đã dành cho tôi. Rất nhiều những tác giả có mặt trong “tin
xuân” như: Vương Phạm Tâm Ca, Vạn Lộc, Đinh Thị Như Thúy, Nguyễn Hoàng
Thọ, Ngô Hà Phương, Đỗ Thượng Thế… đã góp phần làm dày dặn thêm nét của
một vùng đất đang từng ngày đổi mới nhưng vẫn trọn vẹn nghĩa tình, tô
diểm thêm một xuân mới tràn ngập sắc màu. Thời gian trôi qua như một cái
chớp mắt, chỉ có cái tình là còn đọng lại, tôi cảm thấy rất may mắn khi
đã chọn Liêu Chiểu làm nơi sinh sống và học tâp. Hôm nay, một mùa xuân
mới lại về, tôi chắc chắn mình sẽ nâng niu những cảm xúc ngọt ngào này
đến cuối đời. Bài hát của nhạc sỹ Nguyễn Duy Khoái ngân nga trong một
mùa xuân đầy khát vọng ở phía trước: “Náo nức rộn ràng khu công
nghiệp mới/ Tươi mát hồn người khu xinh thái đẹp xinh/ Hân hoan tự hào
đi trong ngày mới/ Liên Chiểu tuyệt vời như bức tranh xuân”.
Liên Chiểu, tháng 01.2017
PHAN NAM.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét