Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

NỖI NIỀM THƠ TRẺ – Phan Nam


39
 Trong hầu hết các trại sáng tác văn học nghệ thuật dành cho học sinh tôi để ý thơ của các em chưa khẳng định được vị trí. Những cái tên mới xuất hiện và được chú ý, phát hiện, trao giải chủ yếu là tác phẩm văn xuôi. Vậy tại sao thơ của những cây bút trẻ và rất trẻ chưa tạo được giá trị và tại sao thơ trẻ ngày càng vắng bóng trên thi đàn? Tất cả chúng ta có lẽ ai cũng đều biết câu nói nổi tiếng “cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng ít ai chú ý đến “thơ không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”, vậy giấc mơ thi ca của người trẻ đang ở đâu trong dòng chảy thi ca dân tộc?

 
 Nói về thơ rất trẻ có lẽ tập san Áo Trắng do nhà văn Đoàn Thạch Biền chủ bút hội tụ rất nhiều cây bút trẻ trên mọi miền đất nước tham gia cộng tác, gửi bài. Và rất nhiều tác phẩm của tác giả trẻ và rất trẻ đã được đăng tải thường xuyên trên ấn phẩm này. Tuy nhiên, có một thực tế là rất nhiều những cây bút của học sinh, sinh viên xuất hiện đôi ba lần rồi mất hút, đỏ mắt tìm cũng không tìm thấy những tác phẩm mới đăng đàn. Đây là một thực tế không chỉ của người trẻ khi thơ ngày càng vắng bóng trên các ấn phẩm báo chí từ địa phương đến trung ương. Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy cho rằng: “Ai trong chúng ta cũng có lúc cần viện dẫn thơ để bày tỏ lòng mình. Đó là lúc trong ta có những xúc cảm không thể nói được bằng ngôn ngữ thông thường. Hay nói theo cách khác, đó là lúc những cách diễn đạt thông thường không thể nói hết tâm trạng, ý nghĩ, tình cảm của chúng ta”. Tuy nhiên, động lực nào khuyến khích người trẻ làm thơ, phải chăng khu vườn ngôn từ đã cạn kiệt hay tâm hồn người trẻ đang dần cằn cỗi. Thơ và xuất bản thơ chưa bao giờ dễ dàng như hiện tại nhưng không gian dành cho thơ trên các ấn phẩm báo chí lại rất chật chội, khiến cho những người làm thơ trẻ nản chí và lùi bước. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến người trẻ quay lưng với thi ca. Và một trong những nguyên nhân quan trọng nữa là những định kiến của xã hội đối với thơ trẻ. Tôi có kết bạn với một số người làm thơ trẻ trên facebook và các trang mạng xã hội, có một thực tế đáng buồn là khi họ đăng thơ càng nhiều thì số người quan tâm lại càng ít và rất nhiều người trong số đó ái ngại vì sự bèo bọt của văn chương. Nhưng tôi tin thơ trẻ ngày nay vẫn đang chứng tỏ sức sống mãnh liệt tạo nên diễn đàn sôi nổi trên các diễn đàn văn học nghệ thuật trong cả nước. Vào khoảng giữa năm 2014, nhà thơ trẻ Phạm Thiên Ý với bút danh Nồng Nàn Phố đã tạo nên một làn sóng nhỏ trong làng văn chương Việt khi ra mắt tập thơ “Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng”, các tác giả lớn đương thời đều cho rằng Phố là một cây bút trẻ đầy nội lực. Theo thông tin trên tờ phụ nữ TP HCM trong tập thơ thứ hai “Yêu lần nào cũng đau”, Nồng Nàn Phố đã đạt thành công lớn về mặt doanh thu khi bán được 1000 cuốn chỉ trong đêm cuốn sách ra mắt độc giả. Nồng Nàn Phố hiện đã có tới hàng ngàn lượt thích và theo dõi trên facebook và hiện đang tăng lên chóng mặt, điều đó chứng tỏ sự quan tâm rất lớn của người trẻ đến thơ ca. Để nói về hiện tượng thơ trẻ hôm nay, có lẽ Nguyễn Phong Việt là cái tên được chú ý nhất, anh đã bán được 50.000 cuốn cho tác phẩm thơ “đi qua thương nhớ” (theo báo Người Lao Động). Quả thực Nguyễn Phong Việt đã tạo nên một cơn sốt xuất bản thơ trong cả nước, khuấy động thị trường thơ ca trong khi đó tình trạng nhiều nhà thơ than thở in thơ rồi chạy đi chạy lại tặng mãi mới hết. Với sự thành công của tập “đi qua thương nhớ”, Nguyễn Phong Việt đã chứng tỏ sức sống của thơ trẻ hôm nay trong dòng chảy văn học. Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng là một cây bút trẻ được đánh giá cao trên thi đàn, anh đã xuất bản một số tác phẩm đáng chú ý: lẽ giản đơn, mỗi quốc gia một thành phố của thế giới, hở, mật thư, em giấu gì ở trong lòng thế.
anh-2-1
 Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng thơ trẻ không chỉ tồn tại một dòng duy nhất, nhiều người vẫn cho các tác phẩm thơ trẻ hôm nay “non nớt” nhưng thể hiện được sự phong phú, thâm trầm rất đáng quý ở những cây viết trẻ. Rõ ràng, với việc dám dấn thân và đưa ra những thể nghiệm mới lạ, những người làm thơ trẻ dần khẳng định chính mình.  Nhiều tác giả tự tin xuất bản tác phẩm thơ đầu tay và được đánh giá cao. Người làm thơ trẻ đã sử dụng nhiều công cụ truyền thông để phát hành tác phẩm thông qua sức mạnh của mạng xã hội và sự bùng nổ công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay. Ngoài ra, họ còn tổ chức rất nhiều buổi ra mắt sách, giao lưu độc giả, kéo gần khoảng cách hơn với độc giả, tạo dựng được sự gần gũi, thân mật cần thiết giữa tác giả – độc giả. Với tâm lý không chịu bó hẹp trong khuôn khổ, thơ trẻ hôm nay đang dần thoát ra khỏi lớp vỏ ngôn ngữ trong sự sáng tạo và đổi mới nhiều hơn, đó là một chặng đường dài nhưng rất khó khăn và sẽ rất thú vị đối với độc giả, những người yêu thơ. Rõ ràng thơ trẻ hôm nay không chỉ buông theo cảm xúc mà dường như thông qua thơ họ đã thể hiện cái nhìn trong muôn mặt đời sống, tư tưởng cách đánh giá luôn được đề cao. Những bài thơ rất “đời” ra đời đã dành cho người đọc nhiều cảm nhận thú vị về thơ trẻ hôm nay. Những bài thơ đồng cảm với phận người chính là điểm nhấn gợi lêm nhiều nỗi niềm của thơ trẻ: Họ/ những người vô gia cư/ đắp lên mình tấm chăn gầm cầu nóng cả khối bê tông/ Họ/ mừng như bắt được vàng/ từ lon bia của gã say vút vào sọt rác lẩy bẩy cười…/ Họ/ đến từ niềm tin/ rồi co ro trước cửa lùa bên hiên nhà đóng kín/ đếm/ giọt mưa rớt dòng sông bỏ ngỏ/ mơ ước hòa bình với lũ muỗi vo ve/ Họ bước qua mùa đông/ bằng tấm thân cong/ cường lực (“Những người vô gia cư”, thơ Trần Vương, Đại Lộc – Quảng Nam). Tâm lý tiếp nhận mỗi thời mỗi khác nhưng thơ trẻ vẫn tồn tại theo cách riêng của mình như cái cách mà nó đã sinh ra, giản đơn và tự nhiên. Hiện nay, thi ca được cho là rất sôi động nhưng theo tôi thơ trẻ vẫn còn thiếu đất sống, thiếu nơi để công bố tác phẩm. Loay hoay mãi trong cánh đồng thi ca rồi người trẻ sẽ bị cuốn theo cơn gió khác, khi cảm xúc đã không còn nguyên vẹn. Để thơ trẻ tồn tại và chắp cánh bay cao, bay xa hơn nữa, việc phát hiện, bồi dưỡng những cây bút đặc sắc trong nhà trường là điều cần thiết. Nhất là trong bối cảnh giới trẻ ngày càng chìm đắm trong những trò chơi vô bổ mà đánh mất chính mình bởi vì làm thơ và yêu thơ là một thú chơi tao nhã, từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.
 
PHAN NAM

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét