Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

NHỮNG VẦN THƠ KHAO KHÁT YÊU THƯƠNG – Phan Nam


 Trong cuộc đời mỗi người, có ba việc mà ai cũng mong muốn trải qua, đó là viết một cuốn sách, có một gia đình để yêu thương chăm sóc và thực hiện một chuyến du lịch vòng quanh thế giới, đi đến những địa điểm mơ ước. Và những cuốn sách ra đời không chỉ là cái tâm, cái tình của mỗi người khi trót mang vào mình nghiệp viết, đôi khi đó chỉ là cuộc dạo chơi không bến không bờ… 
Cầm trong tay thi phẩm “ngược dòng thiên hạ” của tác giả Phạm Thị Hoài Thu (NXB Hội nhà văn 2016), tôi cảm nhận được khao khát cháy bỏng của một người phụ nữ muốn vượt lên trên tất cả những gì cuộc sống ban tặng để thêu dệt nên vần thơ đầy mê hoặc về tình yêu và cuộc sống. Những vần thơ nồng nàn da diết như gieo trọn vào trong lòng người một cảm giác khắc khoải, xuyến xao. Thơ, tự bản năng người thi sĩ thốt lên tự sâu tâm khảm, lặng lẽ chảy vào đời sống tâm hồn:
Người đàn bà đi ngược dòng ký ức
Kỷ niệm muốn quên sao vẫn nhớ hoài
Lệ ngược dòng chảy vào tim buốt giá
Ái ân một thời bỗng hóa hư không
                                      (Em)
 Nỗi lòng người đàn bà với biết bao nỗi niềm trắc ẩn về tình yêu, đôi lúc muốn “ngược dòng ký ức” nhưng xúc cảm về một thời son sắt ẩn hiện sâu sắc, khắc sâu trong tâm trí người đọc, bởi vì “tim em vẫn thở bằng hương quê nhà”. Thơ Việt bằng câu từ ngọt ngào, tưởng chừng ru ngủ nỗi niềm băng giá của người viết lẫn người thưởng thức, mỗi vần thơ cất lên là bao tâm tư tình cảm hiện về một cách tự nhiên, không khiên cưỡng. Những dòng thơ lục bát của Hoài Thu là lục bát cảm, tức là dễ hiểu dễ đọc, nhưng cái tình chất chứa không chỉ thoáng qua mà đòi hỏi cần có thời gian để lắng nghen những giai điệu thiết tha lắng sâu trong tâm hồn và giãi bày nhiều hơn với tiếng lòng của thi sĩ. Phạm Thị Hoài Thu sinh ra và lớn lên tại Đồng Nai nhưng lại chọn định cư tại Ohio, Mỹ từ năm 2004. Chắn hẳn khoảng thời gian ấy những mảng trời quê hương gần gụi lấp lánh trong thơ chị hơn bao giờ hết, thơ giúp nối liền khoảng cách giữa hai bờ đại dương, thơ như hạt bụi tái tạo tình yêu nơi nữ sĩ cất tiếng khóc chào đời, nơi chị ra đi cũng là để quay về. “Đêm ba mươi, tết xứ người/ Một mình chẳng biết khóc cười với ai”, thơ tuôn ra dạt dào khi quê hương cách xa vạn lý và ảo ảnh mỏng manh với ước muốn ngược dòng trở lại quê cha đất tổ thật khiết chúng ta bồi hồi, nghẹn ngào biết bao.
Nói sao hết nỗi buồn người viễn xứ
Đêm giao thừa trên đất khách lẻ loi
Gió vẫn thổi bên ngoài ô cửa nhỏ
Hoa tuyết rơi trắng xóa một phương trời
                             (Đêm giao thừa)
 Xuyên xuốt tập thơ “ngược dòng thiên hạ” là tiếng thơ tình buồn, đó là tiếng nấc xé lòng và đầy cung bậc cảm xúc của tác giả. Thơ tình thì phải buồn, quy luật muôn đời nay vẫn thế, nhưng sao tôi vẫn tìm thấy sự hài hòa, day dứt của tác giả Hoài Thu với chính mình hay là với những người mà chị đã từng sẻ chia và thấu hiểu? Có lẽ sức sống thi ca bắt nguồn từ nỗi buồn vô tận và niềm cảm hứng từ nhân vật “anh” như thật như ảo thu hút người đọc lật mở từng trang cuốn sách. “Dẫu biết chết vẫn cứ lao vào lửa/ Con thiêu thân khờ dại phút tìm vui/ Dẫu biết chắc sẽ trăm ngàn đau khổ/ Mà sao em vẫn gõ cửa tim người?, câu hỏi như đưa biết bao muôn người đi tìm nhưng vẫn không có câu trả lời. Vậy hãy để thơ trả lời, hãy để thơ dâng tặng và gom góp chút dư vị cuộc sống. Nhà thơ Sỹ Liêm nhận xét thơ Hoài Thu: “với chất thơ giản dị mà tiềm ẩn những nỗi lòng sâu kín, đôi lúc như gào théo bất cần nhưng lời thơ vẫn cảm thấy ngọt ngào, lãng mạng như một lời trách yêu…”. Tôi nghĩ đọc thơ là để tìm lại chính mình, tìm lại những dòng chữ đã mất. Bởi vì mỗi người làm thơ không ai giống ai nhưng ta có thể tìm mình ở trong đó, hòa nhịp từng câu, từng chữ. Thơ ra đời và tồn tại không một quy luật ràng buộc nào, và thơ đơn giản gọi chúng ta tìm đến với nhau, để cảm nhận và chia sẻ nhiều hơn trong bộn bề cuộc sống đang khiến con người đang dần cách xa. Vì thế, tính cá nhân của một bài thơ trước hết khái quát những gì tác giả nghĩ và bày tỏ. Nữ sĩ Hoài Thu đối diện với khoảng trống mênh mông nỗi nhớ quê nhà thật khó lòng giấu giếm tâm tư của mình, và chị trút hết vào thơ, thật nhẹ nhàng và tự nhiên:
Anh, con giun nhỏ dưới trần nhơ nhuốc
Lại yêu em vì sao sáng trên trời
Mỗi đêm đến lại ngẩng mặt ngóng chờ
Tìm cho được vì sao em sáng nhất
                               (Huyễn hoặc)
 Dĩ nhiên, trong thi phẩm đầu tay này, đâu đó vẫn tìm thấy chút tung tẩy ngây ngô của tác giả nhưng tôi tin thi ca vẫn đang tồn tại như một quy luật bất biến, không một ranh giới nào có thể xóa nhòa. Và chúng ta hãy cùng nhau cảm và nhận để mỗi ngày thức dậy là từng hạt giống được nảy mầm, nâng niu nơi sâu thẳm nhất của trái tim.
Tiên Phước, mùa đông 2016
PHAN NAM

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét