Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

Suy tư về “Những đứa con rải rác trên đường”

Trong đời sống văn học Việt Nam hiện nay, Hồ Anh Thái được xếp vào top những nhà văn có sức sáng tạo mạnh mẽ, mệnh danh là người “lúc nào cũng đang viết”. Nếu sự viết luôn là niềm hạnh phúc của nhà văn thì với bạn đọc, được phiêu lưu trong mê cung chữ của anh cũng là hành trình làm mới và thăng hoa tâm hồn.
 


1. Suốt 30 năm cầm bút, Hồ Anh Thái đã cho ra đời khoảng 30 đầu sách, và điều đặc biệt là khi người đọc tưởng như vốn liếng nhà văn đã cạn, thì ngay lúc ấy, anh lại cho ra đời một cuốn mới, độc đáo và ấn tượng hơn. Hồ Anh Thái là nhà văn luôn chú ý làm mới mình qua những trang văn. Tuy nhiên, có một điều dường như bất biến trong tất cả những sáng tác của anh, đó là chất “hiền minh Đông phương” thấm sâu vào ngòi bút, để từ đó dẫu viết về bất cứ mảng đề tài nào, sử dụng bút pháp gì thì cũng không đưa nhà văn đến chỗ thái quá, đả phá tung hê hoặc chua cay hằn học. Anh có thể trưng ra trước mắt ta một thế giới hỗn độn, phồn tạp, nhiễu nhương nhưng sau tất cả, người đọc vẫn tìm thấy sự an tịnh trước hết thảy phong ba cuộc đời. Điều này thể hiện khá rõ trong tiểu thuyết “Những đứa con rải rác trên đường” vừa được tái bản đầu năm 2016.
Toàn bộ tiểu thuyết được cấu trúc từ ba truyện dài. Truyện thứ nhất: “Thư đi không thấy thư lại”, truyện thứ hai: “Đời biết mấy chuyến xe”, truyện thứ ba: “Chuyến thu gom xuyên Việt”. Trong từng phân đoạn của tiểu thuyết, người đọc bắt gặp nhiều văn bản ở nhiều thể loại khác nhau: thư điện tử, thơ, nhạc, truyện ngụ ngôn… dường như đó là nỗ lực mờ hóa ranh giới thể loại bằng thủ pháp liên văn bản của nhà văn. Tác phẩm cũng mang đến nhiều tiếng cười hài hước mà thâm sâu cho người đọc bởi bút pháp nghịch dị (grotesque) được sử dụng khá nhuần nhuyễn. Điển hình như cậu du học sinh con ông Kễnh học được những tri thức mới ở trời Tây từ… nhà vệ sinh của trường đại học. Lần đầu tiên cậu biết bức tượng danh nhân được dựng trong trường mình là Edvard Grieg nhờ nằm tránh đạn dưới bức tượng. Nhân vật ông Kễnh cũng là một hình tượng nghịch dị điển hình khi con người quyền uy đạo mạo đó lại có đến 32 người con. Đặc tính di truyền nổi bật nhất mà ông Kễnh để lại cho con trai không gì khác ngoài cái “dai huyền dài” mà cậu cũng tận dụng ưu thế của nó một cách tối đa y như ông bố.
2. Trên phương diện nội dung tư tưởng, tiểu thuyết “Những đứa con rải rác trên đường” thật sự là một bức tranh chân xác, đủ đầy về đời sống xã hội đương đại. Điều đầu tiên gây được sự chú ý đặc biệt với người đọc là việc tác giả tái hiện một cách chi tiết về đời sống thật của rất nhiều du học sinh Việt bằng nguồn kinh phí tự túc ở trời Âu. Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuốn sách dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Qua chân dung anh chàng con ông Kễnh, người đọc hình dung ra thực chất quá trình du học của những “niềm hy vọng Việt”. Du học là cách hay nhất để những thanh niên có đời sống sung túc này được tiếp tục ăn chơi, hưởng lạc. Quá trình du học của những du học sinh như “chú chàng” gắn với rượu chè, gái trai, lừa dối gia đình, bị đình chỉ học... Thật ra, không phải những thanh niên Việt như cậu chỉ có toàn tật xấu. Họ cũng có phẩm chất đáng khâm phục, như dũng cảm, hào hiệp, chu đáo… Nhưng mục đích duy nhất của “chú chàng” chỉ là được ở lại cư trú hợp pháp sau khi bị đuổi học, để tiếp tục chìm trong lạc thú. Có lẽ chi tiết hay nhất phản ánh bi kịch của rất nhiều du học sinh là việc “chú chàng chỉ muốn ngay lập tức hóa thành một ông già tám mươi để nhận nuôi thầy. Nuôi thầy để mà được phép ở lại đây cư trú hợp pháp”. Đó là bi kịch của những con người sống không lý tưởng, không niềm tin, là bi kịch của thế hệ chưa lớn lên đã gặm nhấm tuổi già. Bi kịch của chú chàng, như vậy cũng là bi kịch của một bộ phận tuổi trẻ, là hồi chuông cảnh tỉnh mỗi chúng ta khi nhìn về tương lai dân tộc.
Từ không gian cuộc sống của những du học sinh và cộng đồng Việt ở hải ngoại, nhà văn đưa ta trở về với đời sống xã hội Việt Nam thời hội nhập. Qua tiểu thuyết, nổi bật lên là hình tượng những doanh nhân giàu sang bên cạnh những ông Cốp, ông Víp uy quyền vừa cụ thể mà cũng vừa có tính khái quát. Công thức danh vọng thời nay của những nữ doanh nhân: “người mẫu ®
ca sĩ ® diễn viên ® doanh nhân ® phạm nhân” đã khái quát sự hỗn tạp của đời sống xã hội, trong đó, không thể bỏ qua trách nhiệm và vai trò của những ông Cốp, ông Víp.
Sự biến đổi của ông Kễnh, từ một chiến sĩ lái xe không biết bao nhiêu lần xứng đáng được phong anh hùng trở thành một quan chức làm thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng là điều đáng để mỗi chúng ta suy ngẫm. Phải chăng đó là sự thất bại của lý tưởng trước cám dỗ của đời sống vật chất thời kinh tế thị trường? Hay đó là cái trượt dài của con người không tìm thấy bình yên trong đời sống gia đình bởi những cuộc hôn nhân đã nhuốm màu toan tính tiền bạc, danh vọng? Hay đó là sự choáng váng của những con người quen sống trong môi trường kinh tế bao cấp ngăn sông cấm chợ bỗng ngỡ ngàng trước quy luật của nền kinh tế thị trường trong thời đại thế giới phẳng?
Hình tượng khắc sâu vào tâm thức người đọc, trở thành một ám ảnh về niềm khắc khoải chống lại sự tha hóa của đời sống xã hội văn minh tàn khốc là ngôi làng mà bà giao liên thời chống Mỹ lập nên trên triền dốc Gẫy Lưng. Ai muốn vào ngôi làng phải gửi lại toàn bộ máy ảnh, điện thoại, các thiết bị công nghệ… Nghĩa rằng ngôi làng là khát vọng chống lại sự tha hóa của đời sống văn minh kỹ trị, chống lại sự vô cảm, khắc nghiệt của con người trong thời đại vật chất lên ngôi. Nhưng, cái xấu không phải đến từ bên ngoài. Nó khởi phát từ bên trong con người, giữa cõi lòng vô minh. Bà giao liên đã một lần đưa cô con gái của mình (cũng là con ông Kễnh) đi phá thai rồi buộc cô về sống trong bản lại phải thêm một lần dẫn con rời bản để phá thai. Lần này là với cậu em cùng mẹ khác cha của cô. Hình tượng ngôi làng trên triền dốc Gẫy Lưng làm ta liên tưởng đến ngôi làng Macondo huyền thoại trong “Trăm năm cô đơn” của Gabriel Garcia Marquez. Liệu nỗ lực xây dựng một cuộc sống bình yên hướng thiện của bà giao liên có bị chôn vùi khi con gái bà có nguy cơ sẽ sinh ra đứa cháu có cái đuôi lợn như trong tiểu thuyết của nhà văn người Colombia?
3. Như đã nói, chất “hiền minh Đông phương” là yếu tố nổi bật trong ngòi bút Hồ Anh Thái, để từ đó, dẫu trong sự tha hóa, trong nỗi khốn cùng, nhà văn không dẫn ta vào tuyệt vọng. Hành trình lái chuyến xe của ông Kễnh trên chính con đường bắc - nam khi xưa để tìm lại những đứa con mình là hành trình trở về với bản ngã, là hành trình thức nhận chính mình, để từ đó kéo tất cả ra khỏi hố thẳm hư vô tạo ra bởi lỗi lầm. Trên hành trình đó, ông chở đứa con mình là anh Trăn đi trả từng món nợ; chở hai chị em ra khỏi ngôi làng trên triền dốc Gẫy Lưng để lại hòa vào đời sống, nhưng với một tâm thế khác; chở anh con trai giờ là ca sĩ về Hà Nội và giúp anh biết lý do hành động tự tử của mẹ mình... Trên chuyến xe cuối cùng này, tâm hồn ông Kễnh thật sự an bình trước những phong ba. Và, sự an bình đó tỏa lan sang cả người đọc, để từ đó chúng ta nhận thức được rằng cuộc đời sẽ có những lầm sai, tha hóa, vô luân… nhưng sẽ không bao giờ có ngày tận thế, nếu mỗi chúng ta biết rung lên hồi chuông lương tri từ chính lòng mình.
Nếu chúng ta tin vào câu nói của nhà văn Harper Lee, rằng “cuốn sách nên đọc không phải là cuốn sách suy nghĩ giúp bạn, mà là cuốn sách giúp bạn suy nghĩ”, thì thật sự “Những đứa con rải rác trên đường” của Hồ Anh Thái là cuốn sách chúng ta phải đọc lại nhiều lần, để gợi lên những suy tư, và sâu xa hơn, để thấu hiểu chính mình.


Phan Trần Thanh Tú
vannghetroinam (Theo nhandan.com.vn)

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét