Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Tiếng hát danh ca ở giảng đường Sài Gòn - Phạm Công Luận

 -
Đã từng có những điều rất đẹp trong giới ca sĩ Sài Gòn thời đó dành cho sinh viên. Trong đó, có tấm lòng của ca sĩ Khánh Ly.
Nhánh hồng thay tiền cát sê
Hè năm 1974, anh Hoàng Thọ Phồn, sinh viên năm thứ tư tham gia hoạt động cùng ban đại diện sinh viên trường Dược, Sài Gòn. Anh phụ trách văn nghệ nên thật sự muốn tạo dựng những sinh hoạt văn nghệ hấp dẫn cho bạn bè mình thưởng thức sau những ngày học căng thẳng trên giảng đường, trong lúc chiến sự khắp nơi ngày càng dồn dập. Sau mấy ngày suy nghĩ, anh quyết định tổ chức các đêm văn nghệ sinh viên với chủ đề “Quê hương - Tình yêu - Thân phận” theo hướng mới, chưa ai dám làm.
Một buổi tối đầu hè, leo lên chiếc xe đạp, anh chạy thẳng đến phòng trà 12-14 đường Tự Do (nay là Đồng Khởi). Đợi một giọng ca vừa dứt tiếng, anh dựng xe, tiến đến phía lối ra dành cho ca sĩ và chận đường cô chủ phòng trà - nữ ca sĩ Khánh Ly. Bằng những gì chuẩn bị sẵn trong đầu, anh giới thiệu về vai trò của mình, về sinh viên đang mong muốn được nghe các ca sĩ chuyên nghiệp hát chứ không chỉ các giọng ca sinh viên lâu nay. Anh thẳng thắn trình bày là nếu ca sĩ đến hát chỉ sẽ nhận được một nhánh hoa hồng thay lời cảm ơn mà thôi!

Ca sĩ Khánh Ly giương đôi mắt to nhìn anh, im lặng nghe anh trình bày. Xong xuôi, chị trả lời đồng ý, và mời anh sáng hôm sau đến gặp chị tại phòng trà để trao đổi chi tiết về chương trình.
Cuộc gặp đó bắt đầu hành trình tổ chức ca nhạc cho sinh viên mùa hè 1974. Đây là một đợt hoạt động hè bình thường ở trường Dược, nhưng sẽ là một mùa hè khó quên.
Ròng rã suốt ba tháng hè, anh liên tục tổ chức chương trình văn nghệ vào mỗi cuối tuần, giá vé rất thấp chủ yếu để lấy thu bù chi. Được phép Giáo sư Khoa trưởng Đại học Dược khoa Sài Gòn, anh mượn giảng đường làm thính phòng. Các bàn học được đưa ra ngoài hành lang, chỉ để lại ghế ngồi. Ca sĩ nổi tiếng hát trên sân khấu có dàn âm thanh chuyên nghiệp và dàn ánh sáng cũng chuyên nghiệp - không thể nào mỹ mãn hơn đối với một chương trình văn nghệ học đường.
Bằng tài thuyết phục của mình và từ tấm lòng hào phóng của một số ca sĩ tài danh thời đó, anh mời được những người có tên tuổi tham gia, cho dù lúc đó các chương trình đại nhạc hội phát triển rầm rộ nên các ca sĩ nổi tiếng luôn được trả cát sê cao. Buổi đầu tiên, bên cạnh các ca sĩ sinh viên, sự kiện ca sĩ Khánh Ly xuất hiện gây xôn xao cả hội trường. Cô cất giọng hát mấy bài của Trịnh Công Sơn, cả tình ca lẫn ca khúc phản chiến. Bài nào cũng nhận được những tràng vỗ tay vang dội của sinh viên.
Buổi phát học bổng cho học sinh nghèo từ tiền thu được ở một chương trình ca nhạc từ thiện, tổ chức tại phòng trà Khánh Ly năm 1974. Anh Hoàng Thọ Phồn đang giới thiệu các học sinh, phía sau là ca sĩ Khánh Ly. Ảnh tư liệu của Hoàng Thọ Phồn

Sau buổi ca nhạc đầu tiên, đến buổi thứ hai, anh Phồn mời được đôi song ca Từ Dung và Từ Công Phụng đến hát mấy ca khúc của Từ Công Phụng như Trên ngọn tình sầu, Bây giờ tháng mấy..., đôi song ca Lê Uyên Phương, ca sĩ Thanh Lan với các ca khúc Pháp lời Việt, và cả ca sĩ Sơn Ca - xinh xắn và hát hay, vừa học trung học Lê Văn Duyệt vừa đi hát.
Suốt mùa hè đó, chương trình ca nhạc ở trường Dược trở thành một sự kiện trong giới sinh viên Sài Gòn. Thường xuyên góp mặt nhất vẫn là “nữ hoàng chân đất” Khánh Ly. Rồi hàng loạt các ca sĩ nổi tiếng khác đến hát trên sân khấu nghiệp dư và miễn phí này: đó là Lan Ngọc, Hồng Vân; là các ca sĩ trẻ đang lên rất được mến mộ như Họa Mi, Nguyễn Chánh Tín, Thanh Mai. Anh mời được cả ban tam ca đang nổi đình đám lúc đó là Ba Con Mèo, rồi ban Mây Trắng, ban Blue Jets, ban Trung Nghĩa. Có ca sĩ Đăng Lan và Hồng Thiện (ca sĩ Đăng Lan còn vẽ tranh để bán đấu giá làm từ thiện). Ảo thuật gia nổi tiếng Z.27 có em đang học trường Dược cũng tham gia. Và cả ngôi sao đỉnh cao ca nhạc miền Nam là Thái Thanh... Mỗi tuần anh cố gắng đưa vào chương trình một tiết mục song ca.
Ca sĩ Khánh Ly. Ảnh T.L
Từ chương trình này, anh Phồn được xem là ông bầu chuyên tổ chức ca nhạc cho sinh viên. Anh biết sắp xếp để luôn đủ chi phí, luôn có ca sĩ “đinh” duy trì sự hấp dẫn của chương trình. Anh mời dàn âm thanh tốt nhất hiệu Lâm Dũng. Anh đưa rước ca sĩ chu đáo, có lúc mượn xe hơi để đưa đón, có lúc bằng xe máy Suzuki. Anh còn nhớ khi đón ca sĩ Thanh Mai ở một khu gia binh, cô than phiền rất dễ thương là đón bằng xe máy thì bay hết phấn trang điểm của cô nhưng tham gia rất nhiệt tình.
Các ca sĩ chuyên nghiệp, dù hát miễn phí nhưng rất chú ý đến việc phục trang, âm thanh, ánh sáng. Họ luôn coi trọng nghề nghiệp và khán thính giả cho dù ở một chương trình miễn phí. Anh Phồn nhớ nhất đêm ca nhạc có ca sĩ Thái Thanh, phải mời ban nhạc Đỗ Thiều mới yên tâm. Nghe danh ca Thái Thanh hát những bài Nửa hồn thương đau (Phạm Đình Chương), Áo anh sứt chỉ đường tà, Ngày xưa Hoàng Thị (Phạm Duy)... số sinh viên không có vé vào xem đứng ngóng cổ trên những cái bàn chồng chất phía ngoài đông quá khiến sập mấy cái bàn, may không ai bị gì!
Liveshow đầu tiên của Khánh Ly
Sau khi tổ chức được một số buổi diễn, nhận ra sự nhiệt tâm và gắn bó với sinh viên của ca sĩ Khánh Ly, anh đề nghị làm một chương trình chỉ có duy nhất giọng hát của chị. Khánh Ly đồng ý. Anh Phồn đề nghị chị hát 25 bài, cứ mỗi năm bài thay một cái áo dài cho sinh động. Chị đồng ý luôn. Trong hậu trường để sẵn giá mắc áo để ca sĩ Khánh Ly treo năm cái áo dài. Chị Khánh Ly làm luôn vai trò dẫn chương trình. Đêm đó, toàn bộ chương trình chỉ hát nhạc Trịnh Công Sơn. Cả ngàn người đến nghe trong im lặng. Cuối chương trình, chị hát ba ca khúc Tình xa, Tình nhớ, Tình sầu để kết thúc. Sau này có dịp nghe ca sĩ Khánh Ly trình diễn, anh Phồn luôn thấy chị hát ba bài cuối theo đúng trình tự như vậy.
Cùng với các ca sĩ chuyên nghiệp, những giọng hát hay của giới sinh viên thành phố, sinh viên trường Y - Dược cũng tham gia. Lúc đó, trường Y có giọng ca Lê Hành, Tường Vy, Lê Trí Dũng (trong ban Tam ca trường Y cùng với Lê Hành, Kim Thư). Trường Dược có Trương Đức Vọng (về sau là Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm OPC), Trương Văn Tuấn (sau là phó giáo sư tiến sĩ, giảng viên Đại học Y Dược), Trương Thị Thu Thu, chị Mỹ Thanh, anh Diễm Phúc... Trường Luật có anh Toàn, chị Vương Nguyệt. Có cả nữ sinh Trưng Vương như Thanh Mai và tam ca nữ sinh trường Trưng Vương do cô Doãn Kim Phượng dẫn đầu, chuyên hát các ca khúc hài của ban AVT, khán giả sinh viên nhớ nhất là bài Ba bà đi bán lợn sề.
Ca sĩ Khánh Ly trong một buổi biểu diễn ngoài trời. Ảnh T.L
Các chương trình chỉ lấy thu bù chi. Vé bán giá tượng trưng, chỉ đủ thuê âm thanh, ánh sáng, lo nước uống, còn chút ít là bồi dưỡng cho anh em ban tổ chức ở lại ăn bữa cơm và uống chai bia 33. Thu tiền nhiều nhất lại là ông “Provence”, một thợ chụp hình gọi theo tên kiosque ảnh của ông ở đường Nguyễn Huệ. Ông mang máy đến, chụp những người tham dự và dán album, sau đó đưa ra ai thích thì trả tiền lấy ảnh. Lúc đó, chưa có đèn flash mà còn dùng bóng đèn, mỗi lần chụp cháy một cái bóng.
Hè đó, anh Hoàng Thọ Phồn cùng ca sĩ Khánh Ly còn tổ chức thêm một chương trình ca nhạc khác có bán vé, Khánh Ly cùng các giọng ca sinh viên tham gia biểu diễn ở trụ sở Tổng hội Sinh viên (4 Duy Tân, nay là Nhà Văn hóa Thanh niên). Sau khi trừ chi phí, còn dư một số tiền tặng học bổng cho 50 thiếu nhi nghèo. Các em được mời đến phòng trà Khánh Ly để nhận học bổng.
Anh Hoàng Thọ Phồn sau khi tốt nghiệp làm việc trong ngành dược cho đến khi nghỉ hưu là Phó giám đốc Sở Y tế An Giang. Đến giờ, khi nhớ lại những đêm ca nhạc mùa hè 1974 cùng bạn bè tổ chức rất bận rộn vất vả đó, đọng lại trong lòng anh là tấm lòng của các ca sĩ đến với sinh viên thời đó bằng lời ca giọng hát chuyên nghiệp, chỉ để nhận được những tràng pháo tay yêu quý, trân trọng và một nhánh hoa hồng mỏng manh. Trong đó, có tấm lòng của ca sĩ Khánh Ly.
Phạm Công Luận
Nguồn nguoidothi.vn

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét