Theo tin từ trang cá nhân của
đạo diễn Lê Văn Duy, anh trai của ông – nhà văn Lê Văn Thảo - đã trút
hơi thở cuối vào lúc 1 giờ ngày 21-10 tại nhà riêng (số 162/5 đường Bình
Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM), hưởng thọ 77 tuổi. Linh cữu
nhà văn Lê Văn Thảo quàn tại nhà riêng. Lễ viếng lúc 11 giờ ngày 21-10.
Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 23-10, sau đó an táng tại Nghĩa trang TP
HCM.
Nhà
văn Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, sinh ngày 1-10-1939 tại
huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An . Ông lớn lên ở An Giang, sau đó lên Sài
Gòn học Đại học Khoa học tự nhiên.
Năm 1962
ông thoát ly lên chiến khu làm công tác văn hóa văn nghệ. Ông bắt đầu
viết văn từ năm 1965 với đề tài nông thôn, chiến tranh du kích. Năm
1968, ông tham gia chiến dịch Mậu Thân ở Sài Gòn.
Sau năm
1975 ông về công tác ở Hội nhà văn TPHCM. Ông từng giữ cương vị Phó
Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ TP HCM; Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM từ
năm 2000-2010, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khóa VII (2005-2010)
Có thể
nói, cùng với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức thì nhà văn Lê
Văn Thảo được đánh giá là nhà văn có bút pháp điêu luyện. Bằng nhiều
tác phẩm của mình, ông đã góp phần lớn cho diện mạo văn học Việt Nam,
nhất là trong giai đoạn từng bước hội nhập với văn hóa thế giới, tạo
sức hút mạnh mẽ đối với bạn đọc.
Ông là
một tài năng hiếm hoi trong làng văn học Việt Nam ở tuổi cao vẫn miệt
mài sáng tác. Những tác phẩm văn học của ông cho đến bây giờ vẫn chiếm
cảm tình của số đông các thế hệ bạn đọc như: "Đêm Tháp Mười" (1972),
"Ông cá hô" (1995), "Một ngày và một đời" (1997), "Con mèo" (1999),
"Cơn giông" (2002), "Truyện ngắn chọn lọc" (2003). Trong đó, có tác
phẩm “Ông cá hô” đã từng được dàn dựng thành phim, đem lại vai diễn ấn
tượng cho cố NS Lê Vũ Cầu trong bộ phim này.
NS Lê Vũ Cầu trong bộ phim "Ông cá Hô"
Nhà văn
Bích Ngân đã từng viết: "Ở tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Lê Văn
Thảo khi ông đã ngoài 70, ông không chỉ nói về những xô đẩy của thời
cuộc, của lòng người; cũng không dừng lại việc mô tả sự khốc liệt của
chiến tranh với hậu quả cuộc chiến với những mảnh bom và những phận
người sau chiến tranh cùng những tàn dư sót lại khi cuộc chiến đã kết
thúc, mà còn như là sự mở ra cho một cuộc đối thoại, một cuộc đối thoại
lớn về phận người, về nhân dân và cả nhân loại. Từng con người, những
con người, cả cộng đồng và lớn hơn nữa đã bị xô đẩy, bị lưu đày, bị lưu
lạc khiến mất mình, tha hóa, vong thân. Thấp thoáng đây đó trong tập
truyện, phải chăng là sự gợi ý, đề xuất về sự bao dung, chấp nhận nhau,
đối thoại chân thành để tìm kiếm sự hòa giải nhằm đạt đến sự hòa hợp
của con người, nhân dân và nhân loại? Và đây đó ở tập truyện ngắn này,
vẫn là những ưu tư ngàn đời của con người: từ đâu đến, đến để làm gì,
rồi sẽ đi về đâu…Những ưu tư góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc
của tập truyện “Nhỏ con có thôi đi không?”.
Sự nghiệp
văn học của nhà văn Lê Văn Thảo đã được trao nhiều giải thưởng như:
Giải A tiểu thuyết của Hội nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN
năm 2006, Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007, Giải
thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012 cho các tác phẩm
"Con đường xuyên rừng", "Tuyển tập truyện ngắn".
Nhà văn Lê Văn Thảo
Tin Thanh Hiệp (ảnh do gia đình nhà văn cung cấp)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét