Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Vài nhận định về cuộc thi thơ và bút ký “180 năm- Tây Ninh hình thành và phát triển”

Ngày 19-10-2016, Hội VHNT Tây Ninh long trọng tổ chức Lễ Tổng kết và phát giải cuộc thi Chào mừng "Kỷ niệm 180 năm Tây Ninh hính thành và phát triển. Có 13 tác giả đạt giải 2 thể loại bút ký và thơ. Ông Dương Văn Phong Chủ tịch và bà Đặng Thị Phương Phó chủ tịch Hội VHNT Tây Ninh đến dự. Nhà văn La Ngạc Thụy thay mặt Ban tổ chức đã báo cáo tổng kết cuộc thi ...


 



Cuộc thi sáng tác văn học ở 2 thể loại thơ và bút ký với chủ đề chào mừng “180 năm- Tây Ninh hình thành và phảt triển” do Hội Văn học Nghệ thuật Tây Ninh tổ chức diễn ra trong thời điểm cả tỉnh cùng nao nức chuẩn bị cho một sự kiện chính trị quan trọng: kỷ niệm “180 năm- Tây Ninh hình thành và phát triển”. Cuộc thi được phát động từ tháng 10.2015 kéo dài cho đến ngày 30.4.2016. Qua đó, ban tổ chức  đã nhận được 71 tác phẩm thơ và 31 tác phẩm bút ký của 50 cây bút  đang sinh sống và làm việc trên vùng đất Tây Ninh 180 tuổi.
            Sau vòng sơ khảo, có 14 tác phẩm thơ và 8 tác phẩm bút ký của 14 tác giả lọt vào vòng chung khảo. Với tất cả sự trân trọng dành cho cuộc thi, các thành viên trong hội đồng chấm giải đã làm việc một cách nghiêm túc, cẩn thận, công tâm và dựa trên tinh thần “đãi cát tìm vàng” để chọn ra những tác phẩm xứng đáng nhất. Tất cả các tác phẩm được chọn trao giải đều đã trải qua quá trình xem xét, thẩm định, đánh giá và đều đạt được sự đồng tình, thống nhất cao của các thành viên trong hội đồng.
Đến hôm nay, căn cứ vào diễn biến thực tế và kết quả làm việc của hội đồng chấm giải, có thể nêu lên một vài nhận định tổng quát về cuộc thi như sau
Về mặt mạnh: tác phẩm gửi về dự thi ở cả 2 mảng thơ và bút ký đều đa dạng về đề tài, trong sáng về nội dung và đều bám sát chủ đề của cuộc thi. Trong hầu hết các tác phẩm, những vùng đất, những làng quê, những con người Tây Ninh hiện lên rõ nét- mộc mạc, chân thật như vốn có. Bên cạnh núi Bà Đen, sông Vàm Cỏ Đông, hồ Dầu Tiếng, di tích căn cứ Trung ương cục miền Nam, di tích chiến thắng Tua Hai… những cái tên đã như tượng đài sừng sững, vừa đầy ắp chất huyền thoại vừa tươi rói các sắc màu hiện thực làm nên vóc dáng riêng của vùng đất biên giới Tây Nam Tổ quốc, bàng bạc trong các tác phẩm ta còn thấy bóng dáng của những xóm thôn nghèo, bình dị với những cái tên cũng mộc mạc như khoai sắn Tây Ninh, đó là Bến Củi, Phước Chỉ, là Cà Na, Bàu Mây, Năm Trại, là Hoà Thạnh, Thạnh Bình vv…vv… được thể hiện qua tác phẩm của các tác giả: Nghiêm Khánh, Phước Hội, Phùng Tuyết Anh, Nguyễn Khắc Luân vv…vv… Và trên cái nền tảng của một vùng quê hương xứ sở gian khổ mà trung dũng, kiên cường- từng được trui rèn, thử thách qua các cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch hoạ trong suốt chiều dài lịch sử 180 năm ấy nổi lên những con người cũng kiên cường không kém. Đó là những mẹ Việt Nam anh hùng, những chiến sĩ cách mạng anh hùng trong chiến tranh giữ nước, hay những con người lao động bình thường nhưng xứng đáng gọi là anh hùng trong dựng xây đất nước vv…vv…  Như bà má liệt sĩ giàu đức hy sinh trong “Lòng mẹ dựng thành đồng” của Phùng Phương Quý hay trong“Như là huyền thoại” của Nguyên Hạ,  như anh kỹ sư Tư Hùng đầy nghị lực, ham mê sáng tạo trong “Vươn lên từ khốn khó” của Đào Phạm Thuỳ Trang vv…vv… Họ chính là những đại diện tiêu biểu của con người Tây Ninh cần cù, chân chất rất đôn hậu mà cũng rất quật khởi, kiên cường. Hình ảnh con người, vùng đất Tây Ninh cũng lắng đọng trong những bài thơ giàu sức biểu cảm, chan chứa tình yêu dành cho quê hương sông Vàm, núi Điện của các cây bút ít nhiều đã khẳng định được tên tuổi của mình trong làng văn nghệ trong và ngoài tỉnh như: Trần Hoàng Vy, Trần Nhã My, Mai Tuyết, Huỳnh Gia, Nguyệt Quế… vv…vv…
          Có một điều đáng mừng trong cuộc thi này là cho đến thời điểm hiện tại, ban tổ chức chưa phát hiện có trường hợp nào đạo văn, đạo thơ hoặc nhái ý tưởng sáng tạo của người khác. 13 tác phẩm đoạt giải lần này đều là công trình sáng tạo tim óc của 13 các tác giả- hội viên các phân hội chuyên ngành từng có nhiều đóng góp tích cực cho nền văn học nghệ thuật tỉnh nhà
Về nhược điểm, có một số điều cần rút ra qua thực tế diễn biến của cuộc thi vừa qua.
          Điều đáng tiếc trước hết là cuộc thi- lần đầu tiên tổ chức nhân chào mừng một sự kiện trọng đại: kỷ niệm 180 năm thành lập địa bàn hành chính tỉnh nhưng lại chưa huy động được hết những cây bút có tiềm lực trong tỉnh tham gia. Số lượng tác giả, tác phẩm dự thi còn ít, nhiều cây bút có năng lực sáng tác còn đứng bên lề. Điều đó cho thấy công tác vận động, tuyên truyền, quảng bá cho cuộc thi chưa thật sự tốt, chưa thu hút rộng rãi sự quan tâm, chú ý của công chúng văn học tỉnh nhà. Và điều đó cũng góp phần dẫn tới mặt hạn chế của cuộc thi, đó là chưa có tác phẩm “đỉnh cao”- ở cả 2 lĩnh vực thơ và bút ký. Theo đánh giá của hội đồng chung khảo: chất lượng chuyên môn của cuộc thi chưa cao.
          Về bút ký, nhược điểm nổi bật là nhiều tác phẩm có đề tài trùng lắp, cách viết cũng không khác nhau là mấy. Nhìn chungtrong hầu hết tác phẩm, chất liệu, màu sắc của bút ký hãy còn mờ nhạt. Nhiều bài còn nặng tính kể lể sự kiện và cũng không ít bài chỉ là một dạng “mềm hoá” báo cáo. Có thể thấy đa số bút ký tập trung vào mảng đề tài đấu tranh cách mạng trong kháng chiến và trong giai đoạn xây dựng đất nước sau ngày miền Nam giải phóng. Còn rất thiếu mảng đề tài đi sâu khai thác vẻ đẹp, chiều sâu văn hoá của con người, vùng đất 180 năm tuổi. Chiều sâu lịch sử vùng đất Tây Ninh trong những trang viết  nặng phần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giữ gìn bờ cõi mà nhẹ mảng quá khứ khai sơn phá thạch, dựng làng lập ấp của tiền nhân. Một số tác phẩm tuy có chú ý khai thác lĩnh vực đề tài này nhưng chỉ dừng lại ở việc ghi chép dữ liệu giản đơn, khô cứng, tính nghệ thuật không cao.
          Về thơ, bên cạnh những tác phẩm được trau chuốt từng ý tứ, từng thi ảnh, từng câu chữ, chan chứa những cảm xúc chân thành, thể hiện một thái độ sáng tác thực sự nghiêm túc của tác giả, cũng có không ít bài dự thi còn gò gượng về từ ngữ, sáo mòn về hình ảnh, khiên cưỡng về vần điệu, thậm chí là nặng chất vần vè, khẩu hiệu, hoàn toàn không có khả năng tạo ra những dư ba có thể làm lay động, xao xuyến và càng không đủ sức để tạo ra sự “rung chấn” nơi người đọc.
Ban tổ chức cuộc thi

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét