Hiện nay chúng ta đang có đội ngũ những người viết văn tài năng, đông đảo trên khắp cả nước, tác phẩm xuất hiện đều đặn và ngày càng nhiều trong dòng chảy văn học nước nhà. Thậm chí, nhà văn Chu  Lai chia sẻ, các cây bút trẻ hiện nay dám viết, dám chịu trách nhiệm nên nhiều khi đọc văn trẻ “thấy khâm phục”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng trong sáng tác trẻ vẫn còn một số điều đáng trăn trở...
 
Nhiều tín hiệu vui
Mới đây, Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ 9 đã diễn ra tại Hà Nội. Hơn 120 cây bút độ tuổi từ 18-35 là nhà văn, nhà thơ, lý luận phê bình văn học... đại diện cho hàng ngàn cây bút cùng trang lứa trên khắp cả nước đã có dịp gặp gỡ, giao lưu, đồng thời nhìn nhận lại, vạch ra hướng phát triển cho văn học trẻ trong tương lai. Nhìn từ đời sống văn học thời gian qua, có thể kể ra nhiều tác giả trẻ tiêu biểu, có các sáng tác chất lượng được đông đảo bạn đọc đón nhận, đó là: Khúc Hồng Thiện, Lữ Mai, Phạm Thanh Thúy, Nguyễn Văn Học, Lương Đình Khoa, Văn Thành Lê, Đinh Phương, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Công Danh, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Phong Việt, Tiểu Quyên, Võ Mạnh Hảo, Trịnh Sơn, Nhật Phi...
Nền văn học nước ta vẫn không ngừng phát triển, trong sự phát triển đó chắc chắn có những đóng góp của các cây viết trẻ - thế hệ sẽ kế thừa và tiếp nối các cây bút gạo cội để đem lại diện mạo mới sang trọng, giàu sức sáng tạo và có tính nghệ thuật. Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, Trưởng ban Nhà văn Trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam): “Sống động, phong phú, đó là ấn tượng đầu tiên mà văn trẻ mang đến trong thời gian qua. Kèm theo đó là sự đa dạng về phong cách, về thể loại cũng như về chủ đề”. Tác giả của tiểu thuyết tạo tiếng vang Vào cõi cho rằng, thành quả đó đến từ sự lao động không mệt mỏi của những người viết văn trẻ hiện nay.
Nhiều cây bút thế hệ đi trước ở nước ta cũng thừa nhận các nhà văn trẻ của chúng ta đã nhập cuộc mạnh mẽ, có ý thức trách nhiệm với chính trị và xã hội. Người viết trẻ hầu như có mặt trong tất cả những sự kiện, biến động của đất nước. Họ viết bằng tất cả trái tim, ước mong cho một xã hội tốt đẹp, con người sống chan hòa, thương yêu, đoàn kết... với nhau hơn. Bởi vậy, đã có rất nhiều tác phẩm của cây bút trẻ ra đời và có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần xã hội. Bằng chứng là nhiều cuộc thi sáng tác văn học uy tín ở nước ta những năm gần đây chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các tác giả trẻ Vũ Thị Thanh Huyền, Chu Thị Minh Huệ, Chu Thùy Anh, Phạm Thanh Thúy... với tác phẩm chất lượng, đoạt giải cao. Theo nhà văn Chu Lai, các nhà văn trẻ hiện nay ngoại ngữ có, kiến thức có, văn hóa có và dám viết, dám chịu trách nhiệm cho nên nhiều khi đọc văn trẻ ông thấy giật mình, kinh ngạc và khâm phục. Dù vậy, giới trong nghề cũng chỉ ra một số mặt hạn chế của các cây bút trẻ nước ta chỉ nghiêng về số lượng, thái độ, trách nhiệm, sự nhập cuộc của các cây bút trẻ trước thời đại mới còn chưa được như kỳ vọng.
Không ít trăn trở
Thực tế chỉ ra rằng, bên cạnh những tác giả trẻ có tác phẩm thật sự chất lượng với việc dấn thân vào đề tài mới, lạ, văn phong giàu giá trị nghệ thuật được bạn đọc đón nhận thì cũng có nhiều người trẻ sáng tác theo trào lưu, đánh vào tâm lý đám đông và chạy theo yếu tố thị trường. Dòng sáng tác này được nhiều người gọi là văn học đại chúng, tức là những tác phẩm được viết ra thường có nội dung nhẹ nhàng, dễ hiểu, mang tính giải trí... là chủ yếu. Bằng chứng là có những cuốn sách do người trẻ viết dù rất “ăn khách”, được tái bản nhiều lần song thường xoay quanh chuyện tình yêu tay ba, tay tư, hay những tản văn mô tả các cuộc tình sướt mướt, ủy mị... Theo nhìn nhận của PGS.TS - nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá, văn học giải trí không thể đại diện cho nền văn học quốc gia được. Văn học có giá trị nghệ thuật mới đủ tư cách để đại diện cho nền văn học quốc gia.
Nhà văn Phong Điệp - người có nhiều tác phẩm văn xuôi được giới chuyên môn đánh giá cao, độc giả đón nhận cũng đưa ra góc nhìn, đó là một số tác giả trẻ sau khi nhận giải thưởng nảy sinh tâm lý bằng lòng, thỏa mãn. Thay vì không ngừng tìm tòi, học hỏi tự đổi mới, họ viết theo kiểu nối dài các tác phẩm thành công trước đó. “Cạn kiệt về ý tưởng, xơ cứng về ngôn từ nên thường thì các tác phẩm này không đủ sức giữ độc giả” - nữ nhà văn Phong Điệp bình luận.
So với thế hệ trước, những người viết văn trẻ hiện nay được thừa hưởng những điều kiện thuận lợi hơn trong việc sáng tác, đó là được đào tạo bài bản, có công cụ hiện đại phục vụ việc sáng tác, có cơ hội tiếp cận nhiều nền văn hóa trên thế giới... nhưng lại thiếu đi cái “chất” của tác phẩm. Có lẽ vì thế mà nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng chúng ta rất hiếm tác phẩm văn học đủ sức quyến rũ và độ tin cậy. Do đó, hơn bao giờ hết xã hội cần những tác phẩm của các cây bút trẻ đề cập một cách ráo riết, kiệt cùng tới số phận con người, cũng như cần những cắt nghĩa, những cảnh báo, cần cả khoảng yên bình, sâu lắng để tâm hồn được tĩnh lại.
Phạm Quỳnh