Không
như những lần trước, lần này về Đà Lạt tôi gặp phải một cơn mưa. Mà mưa
dầm. Những hạt mưa nhỏ li ti bay như sương giăng, cảnh vật mù mịt sau
một màn sương dầy đặc, để rồi ít phút sau trời quang mây tạnh như chưa
hề có trận mưa rơi. Một chiếc xe vội vã chạy vụt qua bắn tung tóe vũng
nước đọng trên đường thành những hình rẽ quạt. Tôi nép vào sát lề nhưng
vẫn không tránh kịp, quần áo tôi ướt hết. Tôi bực tức nghĩ không biết
cái thằng cha nào chạy xe mất dạy, chỉ biết đến mình mà không nghĩ đến
người đi đường. Tôi biết mình chẳng làm gì được, tắc xi ở đâu cũng vậy
cả, tôi tự an ủi mình như vậy để cố quên đi cảm giác khó chịu. Tôi đi bộ
tà tà chờ Toại tới đón, tôi nghĩ, biết vậy lên phứt xe trung chuyển cho
rồi.
Đi
dưới trời mưa lay phay có cái thú của nó, những hạt nước nhỏ li ti bám
vào mặt mũi đầu tóc tạo nên một cảm giác buồn buồn và lạnh lẽo. Tôi kéo
cao cổ áo gió, cũng may sáng nay tôi còn kịp nhét chiếc áo này vào túi
xách chứ không thì bây giờ thưởng thức dư thừa cái sự lạnh dưới cơn mưa
dầm. Bỗng nhiên tôi thèm kinh khủng một ly cà phê, mà phải là thứ cà phê
bít tất cực nóng như ngoại hay pha, giờ này mà có một ly đen như vậy
thì tuyệt. Ước vậy thôi chứ làm sao mà có được? Ấy vậy mà cuộc đời này
có những sự việc không thể lý giải bằng cái lý thông thường. Đó là lúc
tôi ghé vào một quán ven đường, một cái quán vô danh, tôi hỏi mua gói
bánh cho đứa cháu, sáng nay đi vội tôi chẳng có quà cáp gì, trẻ con bao
giờ cũng thích quà. Bà chủ quán trông không còn trẻ nữa, sau khi gói
bánh đưa cho tôi, thấy tôi co ro vì lạnh, bà hỏi:
- Cô ở đâu mới tới à?
Tôi
đáp dạ cháu từ Sài Gòn về thăm nhà, gặp phải cơn mưa dầm lạnh quá, giờ
này mà có ly cà phê thì tuyệt. Tôi nói một cách buâng quơ chứ không nghĩ
gì cả. Bà chủ quán hỏi:
- Cô uống cà phê không tôi pha cho?
Mắt
tôi sáng lên, tôi ngồi ngay xuống cái ghế nhựa màu nâu sau khi cám ơn
bà chủ quán. Tôi nghĩ à thì ra đây là quán cà phê kiêm tạp hóa, hèn nào
chỉ thấy bánh trái, nước ngọt mà thôi. Bà chủ đi vào góc nhà, trong đó
có một cái bếp than, trên bếp là ấm nước đang sôi. Bà chủ quán lấy một
cái vợt nho nhỏ, chao ôi sao mà trùng hợp quá, có cà phê đã tuyệt mà còn
là cà phê bít tất nữa chứ! Bà chủ quán cho cà phê vào vợt bắt đầu pha
chế. Một mùi thơm nhẹ nhàng lan tỏa, tôi căng mũi hít hà mùi cà phê đến
từ giấc mơ. Quả là giấc mơ, không mơ sao được, bên ngoài mưa mù đang bao
phủ cảnh vật, một ngọn thông già lẻ loi nỗi bật trong màn
sương cứ tựa như cảnh non tiên. Tôi chỉ tỉnh người khi hớp ngụm cà phê
đầu tiên, lúc ấy tôi mới dám xác nhận mình đang uống cà phê bít tất thực
chứ không phải trong mơ, không phải ở non tiên. Bà chủ quán kéo ghế
ngồi cạnh quầy hàng. Quán vắng chỉ mình tôi là khách. Bà gợi chuyện:
- Cà phê uống được không cô?
Tôi
đáp trên cả tuyệt vời dì ơi. Vui chuyện tôi nói con không nghĩ đây là
quán cà phê, con tưởng dì chỉ bán tạp hóa, hóa ra dì bán cà phê bít tất,
loại cà phê này uống vào lúc trời lạnh tỉnh cả người. Bà chủ quán cười
hiền:
- Cô cũng rành cà phê quá há, hồi giờ tôi chỉ chế cà phê bít tất thôi!
Tôi
khen dì pha khéo quá, dì khiến con nhớ ngoại con ghê, ngoại con nói cà
phê bít tất khó pha lắm, phải canh sao cho nước với cà phê vừa nhau chớ
không thì sẽ hư bột hư đường hết. Mà còn phải tính độ sôi của nước nữa,
ngoại nói vậy. Con thấy dì có một dẫy vợt pha cà phê, có phải pha cà phê
bằng cái vợt lớn nhất trong ấm nhôm kia rót ra được 10 ly không dì? Bà
chủ quán tỏ vẻ ngạc nhiên, bà hỏi tôi:
- Ai nói cho cô biết vậy?
Tôi
trả lời ngoại con, vui chuyện tôi kể tiếp ngoại con ngày xưa đi phụ bán
cà phê mà dì, 18 tuổi ngoại con đã đi bán cà phê ở quán Domino đường
Phan Bội Châu. Bà chủ quán hỏi dồn:
- Vậy chớ ngoại con tên gì?
Tôi
có chút ngạc nhiên nhưng cũng nói tên hồi con gái của ngoại, bà chủ
quán chép miệng. “Vậy con là cháu của bà Cúc à? Hồi nhỏ dì ở sát nhà của
bà Sáu chủ quán Domino dưới Cầu Đất, năm sáu chín dì lên Đà Lạt bán cà
phê cho bà Sáu, ngoại con vô làm ở Domino trước dì một năm. Cách pha cà
phê bít tất là ngoại con chỉ cho dì đó, làm đến lần thứ mười dì mới nắm
được cách pha. Quán Domino nỗi tiếng pha cà phê ngon, ai uống một lần là
ghiền đến nỗi có người đồn quán bỏ á phiện vô cà phê!”. Tôi chẳng có ý
niệm gì về cái quán cà phê thời con gái ngoại làm, tôi chỉ thích uống cà
phê ngoại pha thôi, Domino cái tên cũng ấn tượng ghê, tôi nghĩ. Hồi tôi
còn nhỏ, tôi nhớ ngoại hay nựng tôi bằng câu “mồ tổ thằng cha mi!”. Đến
giờ tôi cũng không hiểu sao ngoại lại nựng tôi như vậy. Có lần tôi đem
chuyện này hỏi mẹ, mẹ tôi chỉ cười, không trả lời. Mẹ nói gọn lỏn “lớn
lên con sẽ biết”. Lớn lên tôi quên mất chuyện đó, sao tôi nhớ cho được
chứ? Tôi về Sài Gòn đi học mang theo lời dặn của ngoại “ráng học nghe
con”. Rồi ra trường. Và làm việc luôn dưới đó. Mỗi khi có dịp, tôi tót
về thăm nhà ngay. Ai đó hỏi tôi quê đâu ta? Tôi hãnh diện trả lời
con/em/chị quê Đà Lạt. Đà Lạt của tôi nổi tiếng quá chớ, không hãnh diện
sao được….
Tôi
lan man nghĩ những chuyện như vậy trong lúc bà dì Hai - tên hồi con gái
của bà là Lan Hương – kể chuyện quán Domino cho tôi nghe. Quán Domino
đông khách lắm, nhất là buổi sáng, có khi tìm không ra chỗ ngồi, người
vào quán đành đứng uống. “Con biết quán chỉ chừng ba chục mét vuông
thôi, một vách đặt một cái bàn dài chữ L bọc kẽm, trong đó người bán pha
chế, bên trên để một cái tủ kính đựng bánh ngọt, thuốc lá. Một cái ghế
băng dài để dọc theo cái bàn, cái ghế đó khách thích ngồi lắm, họ ngồi
để ngắm ngoại con đó, ngoại con hồi đó xinh gái lắm. Vách bên kia để vài
cái bàn, mấy cái ghế đẩu. Vậy mà khách ra vô tấp nập cả ngày, khách vô
ăn bánh Pâté chaud, hút thuốc Bastos lux, uống cà phê đen nóng hổi. Lạ,
hồi đó người ta hay uống cà phê đen, ít ai uống cà phê sữa…”. “ Có một
anh sinh viên ngày nào cũng ra quán, ròng rã mấy năm liền, anh ta người
Phú Yên lên Đà Lạt học, hay làm thơ tặng ngoại con, mấy lần bà xin ngoại
con đọc thử mà ngoại con không cho”. Tôi nhướng mắt. “Cho sao được hả
con, thơ tình mà, hồi đó bà ganh với ngoại con dữ lắm”. Hình như bà dì
Hai vui lắm khi được kể lại chuyện “hồi đó”, dù bà kể với một con bé là
tôi! Mơ hồ tôi khắc họa Đà Lạt vào trong trí óc với phố xá nhỏ, người
thưa, trời lạnh, xe gắn máy Nhật, cà phê, lính tráng…nghĩa là đủ thứ của
một thời xa lắc. Thời đó tôi ở một nơi mơ hồ nào đó, nói như cách nói
của thằng Toại, mày đang ở trong
…đầu gối của ba mày. Là sao? Là mày ở nơi sinh ra tỷ tỷ những thằng
tinh binh tranh nhau một cái noãn, cuối cùng chỉ một thằng chiến thắng
để rồi cả hai chui vào làm tổ… sau chín tháng là ra mày, hiểu chưa? Khi
nghe Toại nói vậy, tôi đỏ mặt và… hiểu, Toại là dân y khoa, còn tôi công
nghệ thông tin, nó đem cái kiến thức sơ khai đối với nó để giải thích
cho tôi vậy đó.
Toại
đến, tôi làm mặt giận, Toại nhăn răng ra cười. Tôi chào bà dì Hai ra
về. Tôi ra về mang lời hỏi thăm của bà Hai cho ngoại. Ngoại cười rất
tươi khi tôi kể chuyện tình cờ gặp bà Hai, ngoại hỏi tôi con có thấy bà
Hai khỏe không? Tôi nói dạ chắc bà Hai cũng khỏe, hôm nào con chở ngoại
thăm bà Hai nghe? Ngoại vui khi nghe cô cháu kể chuyện người bạn thời
con gái. Vậy mà tôi bắt gặp một chút trầm tư nơi khóe mắt ngoại khi tôi
hỏi về những bài thơ tình người ta gởi cho ngoại thời ở quán Domino. Một
chút vương vất thôi, ngoại trở lại tự nhiên ngay như không có gì cả.
Ngoại nói, cái thời hoa mộng đó mà, mà bà Hai cũng kỳ, kể chi ba cái
chuyện đó không biết nữa! Tôi nói, ngoại ơi con đang thời hoa mộng đây,
con đâu có nhận được thơ tình, cái món đó coi bộ khó “mần” đối với mấy
thằng thanh niên bây giờ đó ngoại? Vậy sao con, ngoại ra vẻ quan tâm, bộ
mấy đứa chưa bao giờ nhận được một bài thơ tình sao bay? Tôi đoan chắc,
thiệt vậy đó ngoại, cái món văn khó nuốt mà thơ thì càng khó hơn nhiều
nữa, mấy thằng nhóc đâu biết gì, chỉ tán phét với chơi games là giỏi.
Vậy chớ con có thích nhận được một bài thơ tình không? Con không biết
ngoại ơi, mà con buồn ngủ đến díu mắt rồi, mai ngoại cho con đọc thơ
tình của ngoại nghe.
Đêm
nghe tiếng thở dài của gió. Đêm Đà Lạt vắng lặng đến nao lòng. Nói vậy
nghĩa là tôi đang ở một vùng ven, trong nhà tôi chỉ nghe tiếng mưa rơi
trên mái tôn chứ tuyệt nhiên tiếng xe cộ, tiếng người càng không nghe
thấy. Mọi vật hình như đã ngủ lặng hay sao? Mới 9 giờ đêm mà, giờ này ở
Sài Gòn tôi chỉ mới ăn cơm xong, chưa kịp dọn lại cái bàn bừa bộn mà
thằng em hay bày ra đủ thứ. Bây giờ tôi nói buồn ngủ díu mắt chứ thực ra
tôi đang trăn trở chuyện của mình. Ước gì tôi ngủ một giấc no tròn như
lời nói dối của mình với ngoại có phải hơn không? Đôi mắt Toại lúng
liếng sau cặp kính cận, “nè ngày mai mình đi chơi nghe, chạy lằng nhằng
đổ đèo Mimosa đẹp lắm?”. Ơ “mình” là sao, sao lại là “mình”? “Mày kêu
bằng gì, nói lại coi?”. “Thì mình?”. “Bỏ đi Tám tao thích cứ gọi nhau
như hồi giờ thôi”. “Xưa rồi Diễm, mà kêu mày với tao nghe kỳ quá, còn
Tám là sao hả?”. “Ba hay nói, vậy chớ Diễm là sao?”. “Ba hay nói”. Cả
hai cười, chịu hai ông bạn già, tôi nghĩ. Tự nhiên lại xuất hiện hai
nhân vật Tám và Diễm nhưng nghe cũng vui vui. Tôi đổi giọng “nhưng mà
nè, mỗi khi ông làm tui giận, chuyện đó ông mắc hoài, tui sẽ kêu ông như
trước giờ tui vẫn kêu đó nghe chưa?”. “Chậc! chuyện đó tính sau, mai
mình đi chớ?”. Tôi lườm hắn một cái, nhưng cái đầu thì gật. Không lẽ lại
lắc, ai lại thế? Tôi ngủ thiếp đi, tôi nằm mơ thấy Toại chở tôi đi vào
một con đường đầy hoa dã quỳ vàng, đó là tháng chạp, mùa hoa dã quỳ mãn
khai. Toại chạy nhanh quá, tôi ngồi sau sợ thót tim, ơ cái thằng, mày mà
làm tao té thì coi chừng tao đó….!
Buổi
sáng nghe tiếng chim hót, sao giọng nó nghe buồn vậy? Vui sao được chứ,
chim ta đang bị nhốt trong lồng, hai anh em nhà Minh làm nghề bẫy chim
về bán. Tôi nghĩ, đó cũng là một nghề sao? Có lần tôi hỏi, Minh nhe răng
ra cười, miễn sao có tiền thôi chị ơi, mà em cũng đâu có làm gì quá
đáng? Ừ không làm gì quá đáng, nhưng nếu người ta nhốt em như vậy, em có
buồn không? Thằng nhỏ lắc đầu, đôi mắt hoang dại của nó ánh lên một sự
gan lì. Toại đến, tôi hơi mắc cỡ, không lẽ lại nói mày mới đến hả, chờ
tao chút. Thỏa thuận từ chiều qua rồi mà. Dường như Toại cũng vậy, hắn
có chút không được tự nhiên, Toại lặng lẽ ngồi chờ tôi nơi phòng khách.
Sao
tôi có duyên với người già đến vậy? Ông nội Toại ra vẻ vừa lòng khi
thấy Toại chở tôi vô nhà. Cháu chào ông, tôi nói kèm một nụ cười nhỏ.
Ông nội nhìn tôi một hồi làm tôi mắc cỡ:
- Cha, cháu mau lớn quá, bay về nghỉ được mấy ngày?
Tôi
trả lời dạ ba ngày nội. Ít vậy sao, nội nói, tuần sau ông xuống Sài
Gòn, bay chở nội đến bệnh viện mắt đường Điện Biên Phủ khám được không?
Tôi trả lời, nội đừng lo, con sẽ xin nghỉ một ngày chở nội đi khám bệnh
nhưng mắt tôi thì nhìn về phía Toại. Toại cười kéo tôi ra hàng hiên
trước nhà, tôi ngồi trên ghế xích đu, Toại đứng sau lưng, giàn thiên lý
trên đầu mùa này lác đác nở những chùm hoa màu cam đẹp quá. Toại nói vậy
là ông nội chọn rồi đó, biết chưa? Tôi lừ mắt, chọn gì hả? Tôi định nói
mày mà nói nữa tao sẽ…nhưng tôi kiềm lại kịp bằng một cái mím môi. Toại
tiếp chọn làm cháu dâu chớ còn gì nữa, rồi hắn cười hô hố đến phát
ghét. Tôi đốp lại liền ai thèm… mà bác sĩ như ông không khám bệnh được
cho ông nội là sao? Bà ơi, trái chuyên ngành, tôi giới thiệu mấy đồng
nghiệp thì nội không tin, bác sĩ tỉnh lẽ dù sao cũng bị nhìn là …dở!
Toại nhún vai, đời là vậy, thôi cứ cho ông nội đi Sài Gòn, coi như một
chuyến đi chơi thư giãn vậy mà. Bà hứa rồi nghe, tôi chở bà về nhà cũng
vì chuyện đó, hắn nghiêm mặt, ông nội chỉ tin có mỗi mình bà. Cái cách
nói chuyện của tôi và Toại nghe cũng vui vui, nhưng mà hơi có chút gượng
ép. Ông và bà, bạn tôi cũng vậy, có đứa còn bạo gan hơn nữa khi xưng hô
ông xã bà xã với nhau. Tôi nói với Toại mình cứ ông ông bà bà riết rồi
thành già mất, tại sao không là Tám và Diễm hả? Toại sáng mắt, ý kiến
hay, nhưng chỉ Tám và Diễm những lúc chỉ có hai người, ok? Nhưng tôi đọc trong mắt Toại như vầy: mày và tao/anh và em Thao chọn cách nào? Tôi đỏ mặt.
Chở
tôi xuống đèo Mimosa Toại kể chuyện của nội. Giờ nội đã già chứ ngày
trước nội làm vườn ở Thái Phiên, vườn nội rộng lắm mà chỉ trồng bông,
hết lay ơn lại đến cúc Nhật. Nội cắt bông chở về bỏ mối cho bà Bảy ở
chợ. Bà Bảy bông một thời là tình nhân của ông nội, cái chuyện tình yêu
của hai người cũng từ chuyện bông ba. Tôi ngắt lời sao ông biết? Toại
cười to, sao không biết? Ông bạn chí thân của nội kể cho nghe, là ông
ngoại của bà đó, biết chưa? Nội sinh ra ở Đà Lạt thuở còn gọi là Hoàng
triều cương thổ, nghĩa là đất của ông vua, vua Bảo Đại đó. Khỏi cần Toại
giải thích tôi cũng biết vị vua cuối cùng này. Tôi nhìn hình thấy ông
Bảo Đại đẹp trai và bà Nam Phương hoàng hậu cũng đẹp gái nữa. Tôi lan
man nghĩ như vậy khi Toại đang hào hứng kể chuyện nhà mình. Đến đoạn
Toại kể chuyện ông cố Toại tôi quên phứt ngay ông vua đẹp trai và bà
hoàng đẹp gái. Cũng là chuyện tình yêu, thời đó mà cũng vậy sao, họ dám
bỏ xứ trốn đi với nhau sao? Toại khẳng định “đúng, ông cố bị chê nghèo,
ba của bà cố không gả bà cố cho ông cố, hai người từ Quảng trốn vô Đà
Lạt làm ăn. Ông cố hàng ngày đánh xe ngựa chở rau ra chợ cho bà cố bán,
nhà Toại còn giữ được tấm hình ông cố bà cố ngồi trên xe ngựa, ông cố
mặc cái áo manteau dầy cộm, ông nội nói ngày đó Đà Lạt trời lạnh lắm!”.
Vậy sao, tôi ngạc nhiên, tôi thấy mùa đông Đà Lạt cũng lạnh nhưng không
đến nỗi phải mặc cái áo dầy cộm như Toại kể?
Tôi
giục Toại còn chuyện bà Bảy bông sao không kể? Thao biết không, ông bà
cố vượt qua được chuyện ngăn cản của gia đình, còn ông nội và bà Bảy
không vượt qua được. Tôi nghĩ chắc là hai người không thể bỏ xứ mà đi?
Mà làm gì có một vùng đất mới nào như Đà Lạt để bà Bảy bông và ông nội
Toại rủ nhau đi trốn? Không như tôi nghĩ, câu chuyện Toại kể nghe phủ
phàng hơn nhiều. Ông nội trồng bông, hàng tuần cắt bông bỏ mối cho bà
Bảy, tình yêu nẩy nở như bông lay ơn vậy, những búp lay ơn đến thời kỳ
từng giờ, từng phút ló ra những đài hoa. Thao biết không, hồi đó hoa lay
ơn giống ngoại khó gây lắm, nhất là màu đỏ mà người ta hay kêu là bông
màu “điều”. Ông cố tuyển được một
củ, chờ hoa già, ông nhổ lên lấy những củ giống, ngoài củ mẹ to bằng củ
hành tây nhỏ còn toàn là củ con chỉ bằng hột đậu xanh. Ông phơi khô
những củ này cất trong mát đúng 4 tháng sau đem gieo. Những cây lay ơn
ló ra khỏi mặt đất èo ọt bởi giống khó trồng, ông cố chăm chút từng ngày
một chờ cho cây già tượng củ, lần này củ to bằng hòn bi chai. Cứ như
vậy, mãi ba năm sau ông cố mới gây đủ giống bông màu điều trồng kín nửa
sào đất. Ông nội kể, năm đầu tiên ông cố cắt lứa bông màu điều, ông nhìn
những cây bông thẳng thớm cao tới một mét hai rồi nhìn vào bàn tay. Bàn
tay ông nổi chai bởi làm lụng nhiều, phía trong lòng các ngón tay gần
như vuông. Vuông? Tôi thực sự không hiểu vì sao những ngón tay biến
thành vuông cho được? Toại nói tại Thao cả đời không làm việc nặng, chớ
ngày đó nội kể tất cả công việc đều từ đôi bàn tay, đôi chân và đôi vai
của người làm vườn. Nội cũng như bao người khác, nhiều đêm trăng sáng
nội cuốc đất rồi lặng lẽ chuyển từng xe đất đi đổ để thành một miếng
vườn bằng phẳng, mùa mưa nước không cuốn trôi đất màu. Còn chuyện vác
từng bó bông từ dưới vườn lên đường cái cũng nhờ vào đôi vai của nội,
tưới thì múc từng thùng kẽo kẹt nhiều khi đến lúc trăng tà mới lên nhà
nghỉ. Mà thôi, Toại cũng biết vậy thôi chớ chưa trải qua một lần nào,
tiếng Toại bỗng trở nên thầm thì, vậy mới biết công ơn của người lớn là
vô bờ bến. Tôi nghe câu chuyện nhưng chưa thấy cái gút ở đâu, dường như
đoán được ý tôi, Toại tiếp “nhà bà Bảy này (hỏi mua) ông cố một thiên
(1000) củ bông lay ơn màu điều để cho người bà con trồng, ông nội biết
ông cố quý thứ bông này lắm nhưng cũng về nhà nói, dĩ nhiên là ông cố
không chịu cho một người từ đẩu từ đâu hưởng cái kết quả mấy năm trời
của mình, ông cố từ chối. Thao phải biết bông màu điều lúc đó giá cao
gấp mấy lần bông thường, vả lại hình như cái máu độc quyền cũng chảy
trong người ông cố. Vậy là có chuyện, nhà bà Bảy đem trả trầu cau cho
ông cố, có một ngàn củ bông mà cũng không chịu để, vậy thì còn xui với
gia cái gì? Câu chuyện hôn nhân của ông nội và bà Bảy chấm dứt, tháng
sau bà Bảy lấy chồng, bà lấy một người chuyên kéo xe ba gác chở bông từ
chợ mới ra bến xe liên tỉnh”.
Một
câu chuyện tình cổ điển, tôi nghĩ. Toại tiếp sau chuyện đó, ông nội vẫn
trồng bông và bà Bảy vẫn bán bông nhưng ông nội Toại không bao giờ
trồng bông lay ơn nữa, ông chuyển qua trồng hoa cẩm chướng hồi đó gọi là
ô dê. Cứ ba ngày một lần, ông nội cắt hoa, bó thành từng bó năm chục
bông màu nào ra màu nấy rồi đem bỏ mối ngoài chợ, dĩ nhiên vẫn là bà
Bảy. Bà nội Toại lại là bạn của bà Bảy, Thao ngạc nhiên à, ba người bạn
mà có đến hai mối tình, mối tình của họ đều có dính đến hoa, lạ thiệt.
Mà này, có một sự lạ nữa là từ đó người Đà Lạt ít trồng lay ơn, hoa lay
ơn chuyển xuống Định An, người Định An trồng loại hoa này mãi đến ngày
nay…. Tôi cố giấu một nụ cười, cứ như một truyền thuyết, tôi nghĩ ngay
đến bà nội Toại. “Bà nội, ông nội và bà Bảy là 3 người bạn học cùng
trường tiểu học Sào Nam, bà nội chính là người cung cấp giống hoa ô dê
cho ông nội trồng, ông bà trồng hoa ô dê đến năm 75 mới bỏ…”.
Hết
con đường Mimosa, câu chuyện tình cũng chấm hết. Toại chở tôi lộn lên
đường đèo. Lúc đi ngang bệnh viện Hoàn Mỹ, một cô gái cỡi chiếc xe Lead
đời mới màu nâu vẫy tay và cười thật tươi với Toại. Toại cười lại và nói
câu gì đó tôi không nghe, gió đánh bạt lời nói của Toại đi mất. Ngồi
quán cà phê Bích Câu, Toại mới cho tôi biết tên cô gái là Thủy, một bác
sĩ mới ra trường làm ở khoa nội. Tôi không quan tâm lắm với câu chuyện
của họ, sáng mai tôi lại về Sài Gòn để tiếp tục công việc tôi đang làm.
Tôi phải liên lạc với khách hàng ở Texas để viết tiếp chương trình kéo nhà cho Ngân hàng X….
Đêm
ấy tôi nằm mơ thấy Thủy đang ôm Toại, còn tôi đứng từ xa nhìn họ, đôi
chân tôi cứ mềm nhũn như không có chút xương. Ông nội Toại dứng nhìn tôi
hỏi dồn sao vậy con, sao vậy con? Rồi ông tiếp con phải về thôi chớ
không thì thằng Toại…Đà Lạt là quê con mà. Tôi thức giấc lúc 6 giờ, nhớ
giấc chiêm bao bỗng nhiên tôi thấy lòng ngổn ngang trăm mối. LTV đang
phát phóng sự Đà Lạt xưa và nay. Vậy là Đà Lạt sắp tròn 120 năm từ độ
hình thành, cái tuổi đang thời hoa mộng! Tuổi tôi chỉ hơn số lẻ thành
phố của tôi một chút thôi, đời tôi đang phía trước.
Tôi ước sao nhà nước xây một con đường rút ngắn, tôi sẽ đi về Đà Lạt.
Mỗi ngày.
30/6/2013
VAC
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét